Những sự thật bạn nên biết về hội chứng Monday Blues

NHỮNG SỰ THẬT BẠN NÊN BIẾT VỀ HỘI CHỨNG “MONDAY BLUES” (NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN NGÀY THỨ HAI)

Biên tập: Mỹ Hoa 

Cuộc sống luôn xoay vần trong những bộn bề của công việc, học tập và các mối quan hệ xung quanh. Rồi khi thời điểm chuyển giao giữa cuối tuần và một tuần mới xuất hiện, nhiều người trong chúng ta thường cảm thấy tẻ nhạt, buồn bã, dần mất động lực vào ngày thứ Hai. 

Nếu bạn đã từng nghe đến hội chứng “Monday Blues” hoặc có những cảm xúc như vậy mỗi khi thứ Hai xuất hiện, đừng vội gán nhãn bản thân hay đổ lỗi cho ngày thứ Hai, hãy tiếp tục đọc bài viết để tìm hiểu thêm về hội chứng này bạn nhé! 

Mong rằng những thứ Hai sắp tới của bạn sẽ tràn đầy niềm vui và sự hứng khởi.  

Nguồn gốc và một số nghiên cứu có liên quan tới “Monday Blues”

Theo Stone và cộng sự (1985), cụm từ “Blue Monday” phản ánh một niềm tin phổ biến trong nền văn hóa nước Mỹ rằng thứ Hai là ngày tồi tệ trong tuần, tâm trạng của mọi người vào các ngày thứ Hai dễ buồn bực hơn với số điểm tâm trạng thấp đáng kể. Tuy nhiên có rất ít báo cáo khoa học kiểm tra, đánh giá về niềm tin này. Kết quả nghiên cứu đã nhận định tâm trạng của vào ngày thứ Hai không khác biệt so với thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, mặc dù vào cuối tuần thì tâm trạng tích cực xuất hiện nhiều hơn tâm trạng tiêu cực, nhưng mức độ chán nản không nên tính dựa theo từng ngày trong tuần. 

Khái niệm “Blue Monday” được tiến sĩ khoa học xứ Wales – Cliff Arnall giới thiệu lần đầu tiên năm 2005 và do công ty du lịch Sky Travel công bố trong một thông cáo báo chí, tuyên bố rằng ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Một được chọn là ngày buồn và u ám nhất trong năm, dựa trên một số các yếu tố như thời tiết, thu nhập, mức động lực thấp…Công thức này sau đó đã vấp phải nhiều tranh cãi, vì không có đơn vị nào được xác định trong phép tính, ngay cả về mặt toán học, nó cũng không có ý nghĩa. Khái niệm này đơn thuần được tạo ra như một công cụ của chiến lược marketing mà Sky Travel sử dụng để thu hút mọi người đặt các chuyến du lịch nhiều hơn. 

Dù vậy, bên cạnh những người hoài nghi về tính chân thực của hội chứng này, “Monday Blues” dần trở nên phổ biến và được lan truyền rộng rãi, nhiều người lại càng có xu hướng cảm thấy chán chường vào thứ Hai hàng tuần, không còn dừng lại ở một ngày thứ Hai cụ thể nào đó trong tháng. 

Liệu rằng thứ Hai có thực sự ảnh hưởng đến tâm trạng của một ai đó? Hãy cùng điểm qua một số phát hiện từ các nghiên cứu khoa học dưới đây. 

Nghiên cứu của Ohtsu và cộng sự (2009) cho thấy trong số nam giới ở mọi lứa tuổi tại Nhật Bản, tỷ lệ tử vong do tự tử vào các ngày Thứ Hai được phát hiện là cao đáng kể ở mức 1,49 (KTC 95%: 1,04-2,14), và tỷ lệ này đã giảm liên tục trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu. Đặc biệt, số ca tử vong do tự tử được ghi nhận mỗi ngày vào các ngày thứ Hai cũng cao hơn 1,5 lần so với các ngày lễ. 

Một nghiên cứu gần đây vào năm 2018 đã xem xét các nguyên nhân tử vong trong khoảng thời gian 18 năm, từ năm 1997 đến năm 2015 ở Hàn Quốc. Eunkyong và cộng sự (2018) cho thấy rằng cái chết do tự tử xảy ra thường xuyên hơn vào thứ Hai. Đối với những người ở độ tuổi thiếu niên và 20 tuổi, khả năng tự tử vào thứ Hai cao hơn lần lượt là 9% và 10% so với vào Chủ nhật. Khi tuổi tác tăng lên, sự khác biệt về xác suất tự tử theo ngày trong tuần càng giảm đi. Vì vậy, nghiên cứu nhấn mạnh hiệu ứng “Monday Blues” hoàn toàn có thật, đặc biệt là đối với những người ở độ tuổi thiếu niên và 20 tuổi. 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu cảm giác sợ hãi ngày thứ Hai kéo dài dai dẳng, theo chu kỳ có thể trở thành mãn tính và gây ra lo âu, trầm cảm hoặc tự tử, cảnh báo cho những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế. Tuy nhiên chưa có dữ liệu chính xác nào chứng minh điều này. 

Có thể thấy, những phát hiện và nghiên cứu về hội chứng “Monday Blues” còn tồn đọng nhiều khoảng trống, mở ra mâu thuẫn về sự tác động hay những biến chứng tiềm ẩn của hội chứng này đến sức khỏe tinh thần của con người. Vì vậy, để có thể trả lời cho câu hỏi thứ Hai có ảnh hưởng hay không và nó sẽ tác động như thế nào đến chúng ta vẫn cần những bằng chứng khoa học, chỉ số đo lường cụ thể trong tương lai. 

Hội chứng “Monday Blues” được hiểu như thế nào?

Hội chứng “Monday Blues” (tạm dịch: Thứ hai xanh hoặc Thứ hai buồn) đề cập đến cảm giác tiêu cực mà một số người có vào cuối tuần hoặc đầu tuần. Việc phải quay trở lại với guồng quay công việc hoặc trường học đôi khi khiến họ cảm thấy chán chường, thất vọng, dẫn đến mức độ hài lòng thấp và trở nên căng thẳng hơn vào ngày đầu tuần.

Tuy nhiên, Monday Blues không phải là một thuật ngữ lâm sàng chính thức, hội chứng này không được định nghĩa trong cuốn Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ 5 của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM – V). 

Mặc dù Monday Blues có thể không phải là một căn bệnh lâm sàng, nhưng cảm giác sợ hãi, buồn rầu vào thứ Hai vẫn xảy ra và hoàn toàn có thật đối với một số người, đôi khi báo hiệu cho sự bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống của một người nào đó, xung quanh chúng ta. 

Hội chứng “Monday Blues” được xem là có sự khác biệt với trầm cảm, bởi vì sự đau khổ,  chán chường mà mọi người cảm thấy xảy ra trong thời gian cụ thể – những ngày thứ Hai đầu tuần. Ngược lại, trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã kéo dài, giảm hứng thú với những hoạt động ưa thích và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Với Monday Blues, thông thường nỗi ám ảnh vào mỗi thứ Hai sẽ giảm dần khi cả tuần trôi qua, đồng thời tâm trạng cũng được cải thiện hơn vào cuối tuần. 

Tại sao có nhiều người trải qua “Monday Blues” như vậy?

Theo một số chuyên gia, phần lớn các yếu tố gây ra hội chứng “Monday Blues”, tạo nên sự buồn chán, nỗi ám ảnh sáng thứ Hai đầu tuần ở nhiều người xuất phát từ tâm lý, thường liên quan đến công việc, học tập hoặc thói quen trong tuần của họ. 

Một người có thể trải qua hội chứng “Monday Blues” nếu như họ không hài lòng với cuộc sống của mình. Những tác nhân gây căng thẳng trong công việc, học tập hoặc những tình huống, vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chính họ vào thứ Hai. Cần lưu ý rằng Monday Blues chủ yếu liên quan đến những người có một tuần tiêu chuẩn là 5 ngày làm việc, học tập và 2 ngày nghỉ cuối tuần.

Ngược lại, chính nỗi ám ảnh thứ Hai cũng sẽ ảnh hưởng đến cách người đó phản ứng với căng thẳng như thế nào. Với tâm trạng, cảm xúc không ổn định vào thứ Hai, những người mắc hội chứng “Monday Blues” thường tiếp cận, phản ứng tiêu cực hơn với các tác nhân gây căng thẳng vào đầu tuần so với cuối tuần. 

Những người trải qua Monday Blues có xu hướng trở nên vui vẻ, hạnh phúc vào cuối tuần vì họ được tự do lựa chọn các hoạt động của mình. Đôi khi sự thiếu kiểm soát, cân bằng giữa lịch trình học tập, làm việc và lịch trình sinh hoạt có thể khiến họ cảm thấy thất vọng, uể oải vào đầu tuần. 

Đặc biệt, chúng ta đều biết rằng thứ Hai là ngày xa nhất so với thứ Sáu và cuối tuần, riêng việc suy nghĩ đến phải làm thế nào để trải qua những ngày dài đằng đẵng, lặp đi lặp lại các hoạt động thường ngày có thể khiến nhiều người cảm thấy đau khổ sâu sắc. 

Triệu chứng

Bởi vì hội chứng “Monday Blues” không được phân loại và chẩn đoán như một rối loạn tâm thần, vậy niên thông tin về các triệu chứng chưa hoàn toàn đầy đủ. Triệu chứng rõ nét nhất của Monday Blues là tâm trạng tồi tệ, mệt mỏi và chán chường vào sáng thứ Hai. Nhiều người cảm thấy đau khổ, sợ hãi vì phải trở lại làm việc hoặc đi học sau hai ngày cuối tuần.

Đôi khi, ở một số người xuất hiện các triệu chứng căng thẳng, lo âu khi cuối tuần kết thúc. Các triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Căng cơ
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Tim đập nhanh
  • Tăng huyết áp

Nên làm gì để vượt qua nỗi ám ảnh “Monday Blues”?

Khi nỗi buồn bắt đầu “hiện hữu” và “xâm chiếm” cuộc sống của nhiều người, đã có rất nhiều bí quyết được chia sẻ nhằm giúp cải thiện tâm trạng như viết nhật ký, trồng cây, gặp gỡ bạn bè, tìm ra điều mình yêu thích… Việc thực hiện những hoạt động lành mạnh như vậy đem lại nhiều chuyển biến tích cực về cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu cảm giác sợ hãi, chán chường vào thứ Hai là dấu hiệu của sự bất hạnh và đau khổ sâu sắc, thì những phương pháp này có thể không mang lại tác động lâu dài đối với những người mắc hội chứng “Monday Blues”. 

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn đối mặt với hội chứng “Monday Blues”, cải thiện tâm trạng và xây đắp cho một thứ Hai trở nên tích cực, hạnh phúc hơn. 

  • Kỹ thuật thư giãn cơ bắp

Thư giãn cơ bắp là một kỹ thuật tập trung vào việc từ từ siết chặt, co các cơ khác nhau trong cơ thể và thư giãn các nhóm cơ, giải phóng sự căng thẳng. Bạn có thể đạt được hiệu quả thư giãn bằng cách kéo căng và thư giãn các cơ liên tục.

  • Bài tập thở

Các bài tập thở liên quan đến việc tập trung có chủ đích vào hơi thở. Việc hít vào và thở ra chậm và sâu là thở bằng cơ hoành. Bằng cách kết nối tâm trí và cơ thể thông qua hít thở sâu, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh và thư giãn hơn. 

Bạn có thể thực hiện theo bài tập hít thở hình vuông 4-4-4. Hãy ngồi trên một chiếc ghế với lưng được tựa thoải mái. Nhắm mắt lại và từ từ thở bằng mũi trong khi nhẩm đếm đến 4. Giữ hơi thở lại trong khi 4 nhịp tiếp theo. Thở ra trong vòng 4 nhịp nữa. Sau đó lặp đi lặp lại các bước này trong vòng 5 phút

  • Duy trì mạng xã hội “lành mạnh”

Việc xây dựng và duy trì mạng lưới xã hội lành mạnh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, đa dạng phù hợp với bản thân sẽ giúp nâng cao sức khỏe tinh thần của chính bạn. Mở rộng phạm vi để tiếp cận với những thông tin lành mạnh có thể giúp thúc đẩy lòng tự trọng, niềm tin tích cực về bản thân, đồng thời ngăn ngừa những hệ quả khi lạm dụng mạng xã hội như: Trầm cảm, áp lực đồng trang lứa, bạo lực mạng… 

  • Tập thể dục thường xuyên

Aerobic hoặc bất kỳ bài tập thể dục nào đều có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất và trạng thái cảm xúc. Khi tập thể dục, cơ thể chúng ta sẽ giải phóng một hóa chất gọi là endorphin – hormone hạnh phúc, kích hoạt cảm giác tích cực trong cơ thể và chuyển hóa năng lượng tiêu cực, giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả, tác dụng của nó đôi khi kéo dài đến 24h. 

  • Ngủ đủ giấc

Chất lượng giấc ngủ của một người là điều vô cùng quan trọng, nó tác động trực tiếp đến tâm trạng, sự thực hiện các hoạt động của bạn vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, các vấn đề về tâm trạng cũng có thể ảnh hưởng và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Hãy cố gắng ngủ đủ giấc, giữ lịch ngủ và thức dậy của bạn gần với lịch trình trong tuần để tránh làm rối loạn đồng hồ sinh học, từ đó có thể giúp giảm bớt tác động của hội chứng “Monday Blues”.

  • Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ

Nếu hội chứng “Monday Blues” tiếp tục kéo dài và gây ra sự đau khổ sâu sắc hơn, báo hiệu vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu hoặc trầm cảm, tức là bạn sẽ cần đến sự chăm sóc y tế từ bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tâm lý. Đừng ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia, bởi vì nếu không điều trị kịp thời, những tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn. 

  • Cố vấn vấn nghề nghiệp hoặc nhà cố vấn học tập

Với hội chứng “Monday Blues”, một số người cần sự thay đổi trong công việc hoặc việc học tập của họ. Một nhà cố vấn vấn nghề nghiệp hoặc một nhà cố vấn học tập có thể giúp họ định hướng trong công việc, học tập; phát triển, tiến bộ các kỹ năng hoặc cùng chia sẻ sở thích nghề nghiệp, những khó khăn vướng mắc đang gặp phải. Sự thay đổi này có thể giúp các cá nhân đạt được sự hài lòng hơn trong tuần.

Tài liệu tham khảo 

1.Kim, E., Cho, S.-E., Na, K.-S., Jung, H.-Y., Lee, K.-J., Cho, S.-J., & Han, D.-G. (2018). Blue Monday Is Real for Suicide: A Case-Control Study of 188,601 Suicides. Suicide and Life-Threatening Behavior.

  1. Stone, A. A., Hedges, S. M., Neale, J. M., & Satin, M. S. (1985). Prospective and cross-sectional mood reports offer no evidence of a “blue Monday” phenomenon. Journal of Personality and Social Psychology, 49(1), 129–134.
  2. Ohtsu & etc (2009). Blue Monday Phenomenon among Men:Suicide Deaths in Japan. Okayama University Medical School, 231 – 236. 
  3. Hayk S. Arakelyan & etc (2019). Monday Morning Syndrome. 
  4. What to know about the Monday blues. 

Để lại một bình luận