Một nghiên cứu mới đây của của Hafenbrack và các cộng sự (2022) đã được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Xã hội và Tính Cách (Journal of Personality and Social Psychology) tiết lộ một khuyết điểm nhỏ của chánh niệm đó là: chánh niệm làm giảm cảm giác tội lỗi và động lực thay đổi của người thực hành chánh niệm, hay thiền chú tâm vào hơi thở.
Trong toàn bộ 8 nghiên cứu của mình, ông chia làm hai nhóm người tham gia, nhóm thứ nhất tưởng tượng về việc họ đã làm tổn thương những người mà họ quan tâm hoặc nhớ lại khoảng thời gian mà họ thực sự đã làm điều đó trong quá khứ, sau đó thiền 10 phút, nhóm thứ 2 (nhóm đối chứng) thì thực hiện tương tự nhưng không hành thiền.
Kết quả cho thấy sau khoảng thời gian thiền định 10 phút, cảm giác tội lỗi được báo cáo giảm, và việc giảm cảm giác tội lỗi này giúp lý giải tại sao những người thiền định cảm thấy ít có động lực hơn để bù đắp cho những người mà họ đã làm tổn hại, so với những người tham gia không thực hành thiền sau đó.
Hafenbrack cho biết thiền định tập trung vào hơi thở sẽ khiến chúng ta chú tâm vào chính mình nhiều hơn là người khác, nhất là những người không có mặt lúc đó. Và đây có thể là nguyên nhân khiến việc thực hành chánh niệm làm chúng ta giảm cảm giác tội lỗi và động lực thay đổi.
Ông có gợi ý phương pháp thiền tâm từ như một cách để bù đắp thiếu sót này của việc thực hành chánh niệm. Thiền tâm từ là việc chúng ta hình dung người khác trong tâm trí mình và mong cho họ có được sức khỏe, tình yêu và sự bình an. Việc thực hành thiền tâm từ giúp chúng ta tập trung vào người khác nhiều hơn đồng thời gia tăng tình yêu tức thời dành cho tha nhân.
Chánh niệm sẽ ít có lợi thậm chí là phản tác dụng trong các tình huống và nhiệm vụ đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào quá khứ hoặc tương lai, năng lượng cao, cảm xúc tiêu cực và suy nghĩ về những người khác không có mặt ở hiện tại.
Nghiên cứu của Hafenbrack đóng vai trò như một hồi chuông cảnh báo, dù thiền tập trung vào hơi thở, hay chánh niệm được chứng minh là có nhiều lợi ích nhưng chúng ta có thể vô tình sử dụng nó như một cách để lảng tránh những điều mà lẽ ra chúng ta nên đối diện, ví dụ như việc phớt lờ lương tâm của mình sau khi làm những việc sai trái.
Chánh niệm không phải là một phương thuốc chữa bách bệnh, nó còn có mặt khiếm khuyết nên việc chúng ta ý thức được mục đích của mình trong thực hành chánh niệm rất quan trọng, nó khiến ta cần phải suy ngẫm một cách sâu sắc về lý do của việc thực hành chánh niệm của mình.
Biên tập: Nguyễn Thảo
Tài liệu tham khảo
Hafenbrack, Andrew (Interview). Beware of this unforeseen consequence of mindfulness meditation. Therapytips.org, June 27, 2022.
————
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Phone: 0988783003
Email: psyme2021@gmail.com
Website: https://psyme.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/Psyme2021