Bài chia sẻ được ghi chép lại bởi Gracie Maddison
Với hơn 45 năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần, Tiến sĩ Karen Forshaw (bác sĩ đa khoa) và Chrissie Mowbray (một nhà vật lý trị liệu, nhà thôi miên và nhà tâm lý trị liệu) đã tạo ra bộ công cụ cải thiện khả năng phục hồi sau biến cố – bằng sự kết hợp mạnh mẽ giữa liệu pháp phương Tây và triết học phương Đông. Quyển sách Vươn lên từ nghịch cảnh: Rèn tính kiên cường mỗi ngày chính là sản phẩm đúc kết từ quá trình này, với mục tiêu chia sẻ kỹ năng sống lành mạnh và khả năng phục hồi từ nhiều góc nhìn thú vị.
Trong bài blog này, tác giả Karen Forshaw giải thích rất rõ cách chúng ta có thể đo lường và cải thiện mức độ khả năng phục hồi của mình bằng một công cụ phân tích khoảng cách độc đáo.
Khả năng phục hồi đang trở thành một thuật ngữ được nhắc đến rộng rãi trong xã hội. Một số người đồng tình, một số khác thì không vì họ cho rằng việc nhấn mạnh sự phục hồi có thể làm lu mờ nhu cầu giải quyết vấn đề bên ngoài – những công việc chúng ta đang duy trì và đối diện mỗi ngày. Sự thật là việc chú ý đến khả năng phục hồi cá nhân không làm mất đi tính cần thiết của việc đánh giá và tổ chức lại cuộc sống chúng ta và quá trình này luôn cần phải được thực hiện.
Tuy nhiên, nếu chúng ta tăng cường khả năng phục hồi từ bên trong, điều đó sẽ mang lại sức mạnh và cho phép tư duy của chúng ta hướng vào điểm kiểm soát nội tại, thay vì cố gắng hướng ra ngoài – nơi chúng ta không có nhiều quyền kiểm soát và định đoạt.
Ở trạng thái này, chúng ta tác động đến tình huống thông qua lựa chọn cách phản ứng của mình trước những gì đang diễn ra. Mọi quyền kiểm soát luôn nằm trong tay ta.
Chúng ta có thể nhận ra rằng các phản ứng của mình, trên thực tế, được thúc đẩy bởi các yếu tố trong chính tâm lý của mình. Khi tiến đến việc trở nên tự nhận thức, hiểu rằng những thành phần này của “Cái Tôi” đang hoạt động, chúng ta có thể phản ứng một cách có ý thức thay vì phản xạ tự động. Chúng ta cũng có thể nỗ lực để biến những phản ứng đó thành tích cực thay vì tiêu cực.
Chúng ta luôn học hỏi không ngừng – qua trải nghiệm, thử nghiệm và rút kinh nghiệm, cũng như bằng cách trau dồi kiến thức và kỹ năng thông qua việc học có mục tiêu. Nếu muốn chơi được một nhạc cụ, chúng ta sẽ học và luyện tập. Nếu muốn làm bánh, chúng ta sẽ làm theo công thức và rèn luyện kỹ năng, điều chỉnh công thức theo từng bước. Khả năng phục hồi cá nhân cũng tương tự như vậy.
Chúng ta có thể đánh giá khả năng phục hồi hiện tại của mình, học thêm các kỹ năng, công cụ và kỹ thuật, đồng thời điều chỉnh chúng để phù hợp với bản thân.
Xây dựng “bộ công cụ” phục hồi của riêng mình sẽ giúp chúng ta nghiêng cán cân có lợi hơn và phát triển mạnh mẽ.
Nhưng chúng ta bắt đầu từ đâu?
Để xây dựng “bộ công cụ” phục hồi, trước tiên chúng ta cần suy nghĩ về mức độ phục hồi hiện tại của mình. Nói cách khác, chúng ta cần đo lường nó. Những phép đo lường sẽ có giá trị nhất khi được thực hiện bởi chính cá nhân. Các thước đo về thái độ, giá trị và hành vi mang tính chủ quan, và do đó, tốt nhất nên được thực hiện thông qua các bảng câu hỏi.
Trong cuốn sách Vươn lên từ nghịch cảnh, chúng tôi đã thiết kế một bảng câu hỏi bao quát tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, bao gồm: mục đích sống, sự tự chủ, xung đột, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sức khỏe, hỗ trợ xã hội, tổ chức và tự nhận thức. Bảng câu hỏi được thiết kế như một công cụ phân tích khoảng cách (Gap Analysis), mà bạn có thể tham khảo tại đây. Với mỗi câu hỏi, hãy tự chấm điểm từ 0 đến 10, biểu thị vị trí hiện tại của bạn và nơi bạn muốn đạt tới. Những câu hỏi có khoảng cách lớn nhất giữa điểm số hiện tại và lý tưởng chính là những lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn có thể học thêm các công cụ phục hồi để cải thiện.
Điều rất quan trọng cần nhận ra là mục đích của bảng câu hỏi không phải để đưa ra điểm số về khả năng phục hồi, mà là để làm rõ những lĩnh vực mà bạn cảm thấy khả năng phục hồi của mình chưa tối ưu. Sức mạnh của công cụ này nằm ở tính cá nhân hóa của nó. Mỗi người sẽ có các điểm số hiện tại khác nhau và quan trọng hơn, các mục tiêu lý tưởng khác nhau. Với một số người, các mối quan hệ có thể quan trọng hơn. Một số khác có thể gặp khó khăn với xung đột hơn, và cứ thế. Bạn cũng có thể lặp lại bảng câu hỏi bất cứ khi nào cần để theo dõi tiến trình của mình.
Nếu bạn chưa thực hiện, hãy làm ngay! Xem kết quả. Khoảng cách lớn nhất của bạn nằm ở đâu?
Điều này sẽ chỉ ra những lĩnh vực trong cuộc sống bạn cần tập trung, những yếu tố của khả năng phục hồi mà bạn tin rằng đang thấp nhất tại thời điểm này.
Hãy nhớ rằng bạn đã sẵn có khả năng phục hồi rất lớn. Bạn đã vượt qua được rất nhiều điều để đến được đây. Những chiến lược ứng phó mà bạn đã áp dụng trong quá khứ đã giúp ích cho bạn. Tuy nhiên, có lẽ bây giờ là lúc xem xét liệu những cơ chế ứng phó đó có lành mạnh hay không, và khám phá những cách mới.
Bạn đã sẵn sàng để đào sâu vào việc tự nhận thức, cho phép bạn lấy lại sức mạnh trong mọi tình huống chưa?
Bạn đã sẵn sàng để sống cuộc đời mà bạn mong muốn và xứng đáng chưa?
Bạn chính là người có khả năng phục hồi.
Nguồn bài báo: https://www.sheldonpress.co.uk/the-sheldon-press-blog/2023/01/17/the-5-minute-read-you-are-resilient-by-the-authors-of-how-to-rise/
Người dịch: Lam Hoàng