[Phỏng vấn Dr.Julie Smith] Chăm sóc sức khoẻ tinh thần tự thân – Dễ hay khó?

PV Dr Julie Smith

Sở hữu 3 triệu người theo dõi trên TikTok, nhà tâm lý học lâm sàng Julie Smith nổi tiếng với những nội dung phát triển bản thân và thành công khi sở hữu quyển sách Bán chạy nhất. Những nội dung cô thường chia sẻ như tác động của mạng xã hội, các cuộc khủng hoảng dịch bệnh và những bộ giải pháp cực kỳ đơn giản hữu ích.

Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Ian Tucker

Tiến sĩ Julie Smith, 37 tuổi, là một nhà tâm lý học lâm sàng với phòng khám tư nhân tại Hampshire và đã có hơn 10 năm làm việc cho NHS (National Health Service). Vào tháng 11 năm 2019, cô bắt đầu sản xuất các nội dung trên Tiktok với những lời khuyên rõ ràng và hấp dẫn về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Cô có hơn 3 triệu người theo dõi và vào tháng Một, cô đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình với tựa đề Why Has Nobody Told Me This Before? (Sao Không Ai Nói Với Tôi Điều Này?), cuốn sách đã đứng đầu bảng xếp hàng và trở thành quyển sách bán chạy nhất 4 tuần liên tiếp.

Phóng viên: Có rất nhiều đầu sách phát triển bản thân đã được xuất bản, tại sao cô nghĩ cuốn sách của mình lại thu hút đông đảo độc giả?

Dr. Julie Smith: Tôi nghĩ mọi người thích những quyển sách có dẫn chứng minh bạch. Với tư cách là nhà tâm lý học lâm sàng chuyên nghiệp, tôi luôn đề cao những nghiên cứu được kiểm chứng rõ ràng và cập nhật thông tin mới nhất. Đó là những điều tôi đã chia sẻ với thân chủ trong các buổi tham vấn trị liệu, tuỳ thuộc vào nguyên nhân họ tìm đến tôi là gì. Dĩ nhiên, những kỹ năng này chúng ta đều có thể áp dụng vào cuộc sống.

Tất cả chúng ta đều có những ngày tâm trạng tệ hơn mong muốn hoặc những ngày phải đối mặt với căng thẳng, đau buồn, hoặc lo âu – tất cả những cảm xúc bình thường của mỗi con người có thể kìm hãm hoặc trở thành khó khăn nếu chúng ta không có những kỹ năng đối phó đúng đắn. Chúng ta cũng vừa trải qua một đại dịch và tôi nghĩ rất nhiều người đang tự hỏi rằng: “Làm sao tôi có thể vượt qua giai đoạn này?”

Phóng viên: Cô đã chuyển sang sử dụng mạng xã hội và TikTok như thế nào?

Dr. Julie Smith: Khi tôi cung cấp các liệu pháp tâm lý, tôi nhận thấy nhiều người không nhận ra rằng một phần của các liệu pháp là giáo dục. Bạn không những nói chuyện và giải quyết các vấn đề, mà còn được học một chút về cách tâm trí của mình hoạt động, cách mà bạn có thể ảnh hưởng tới tâm trạng và trạng thái cảm xúc của mình, và từ đó có thể tác động đến sức khỏe tinh thần hàng ngày của bạn.

Mọi người nhận thấy khía cạnh giáo dục đó mang tính khích lệ cao, đến mức khả năng quản lý sức khỏe tâm thần hàng ngày của mỗi người đã thay đổi. Do vậy, tôi thường về nhà và liên tục nói với chồng rằng những kiến thức này cần được phổ biến rộng rãi hơn, mọi người không cần phải đến gặp tôi để biết những điều cơ bản này, và chồng tôi đã nói rằng: “Vậy em cứ làm đi, đưa nó lên Youtube hay nền tảng nào đó.”

Phóng viên: Cung cấp kỹ năng cho mọi người – phải chăng đó là liệu pháp nhận thức hành vi?

Dr. Julie Smith: Có một sự pha trộn ở trong đó. Tôi đã cố gắng giữ cho nó gần gũi với những kỹ năng hàng ngày. Tôi cẩn trọng trong việc phân biệt rõ ràng: “Đây là một phần giáo dục của liệu pháp, nó không phải là một liệu pháp cụ thể.” Đây là những kỹ năng mà bạn có thể áp dụng trong ngày hôm nay hoặc ngày mai, nhưng cuốn sách này không phải là một “nhà trị liệu”.

Mạng xã hội thường bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý của giới trẻ ngày nay, đặc biệt là lòng tự trọng và lo âu.

Một phần các đoạn clip tôi đăng tải là để nhắc nhở mọi người rằng những gì họ thấy trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng là thật. Hãy cẩn thận khi dành thời gian cho bất kỳ nội dung nào đó, để ý xem nó khiến bạn cảm thấy thế nào và nên sử dụng mạng xã hội để cải thiện cuộc sống thay vì làm giảm chất lượng cuộc sống.


“Bạn có quyền lựa chọn lượng thời gian bạn dành ra trên mạng xã hội, bạn có quyển lựa chọn ai đó để theo dõi hoặc không.”


Phóng viên: Những hành vi trên mạng xã hội như ghosting (biến mất mà không một lời giải thích), trolling (chọc phá), hay chặn người khác có thể gây cảm giác khó chịu. Cô có lời khuyên nào cho những cá nhân cảm thấy việc sử dụng mạng xã hội có gì đó hơi khắc nghiệt không?

Dr. Julie Smith: Đó là việc có ý thức rằng bạn có quyền lựa chọn. Bạn có quyền quyết định bao nhiêu thời gian bạn dành trên mạng, bạn có quyền chọn ai để theo dõi cũng như nội dung nào mà bạn cảm thấy hứng thú. Khi bạn bắt đầu lướt một cách vô thức, bạn sẽ cảm thấy như không còn một lựa chọn nào khác. Bởi vậy, các video của tôi chủ yếu là nhắc nhở mọi người và giúp họ xây dựng nhận thức rằng nếu điều này đang tác động tới bạn, thì bạn chỉ còn một cách để thay đổi điều đó.

Phóng viên: Có một quan điểm thường xuyên được nhắc đến rằng các thế hệ Gen Z và Millennials dễ gặp vấn đề tâm lý hơn, về cơ bản là họ yếu đuối. Cô nghĩ sao về quan điểm này?

Dr. Julie Smith: Đó không phải là điều tôi muốn bàn tới. Đối với tôi, sức khỏe tâm thần không khác gì sức khỏe thể chất. Không một ai là miễn nhiễm cả. Nếu bạn lấy bất kỳ ai và bắt đầu phá vỡ các yếu tố bảo vệ cốt lõi của họ như giấc ngủ, thói quen, các kết nối xã hội, dinh dưỡng và vận động, thì cá nhân đó sẽ trở nên dễ bị tổn thương trước cả vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần

Tôi nghĩ rằng càng ngày càng nhiều người nhận ra đièu này và nó đang giúp giảm bớt sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần. Đây là cách tiếp cận lành mạnh hơn rất nhiều khi nhìn nhận các vấn đề.


“It’s one of the main tools we utilise in therapy – being able to step back from your thought processes and observe them”


Phóng viên: Vậy mọi người ngày nay chỉ giỏi trong việc đặt tên cho mọi thứ chứ không thực sự dễ bị tổn thương hơn phải không ạ?

Dr. Julie Smith: Bạn không dễ bị tổn thương về mặt thể chất khi nói về tổn thương của mình. Việc bó bột chân không có nghĩa là nó gãy nhiều xương hơn. Chúng ta đang đi đúng hướng, những sẽ luôn luôn xuất hiện một số các phản ứng mang tính chống đối, đó là cách mà sự thay đổi xảy ra.


“Một trong những kỹ năng chính mà chúng tôi sử dụng trong trị liệu là khả nặng lùi lại và quan sát các quá trình suy nghĩ của bản thân.”


Phóng viên: “Siêu nhận thức” là khái niệm chính trong cuốn sách của cô, tại sao nó lại quan trọng?

Dr. Julie Smith: Nó giống như khi chúng ta nghĩ về những suy nghĩ của mình. Đây là một trong những kỹ năng chính mà chúng tôi sử dụng trong trị liệu – khả năng lùi lại và quan sát các quá trình suy nghĩ. Bằng cách làm điều này, bạn có thể nhìn nhận chúng đúng với bản chất của chúng.

Mọi người thường nghĩ rằng tham vấn trị liệu là công việc về thay đổi suy nghĩ. Nhưng thực tế, bạn không thể quyết định những suy nghĩ nào sẽ xuất hiện trong đầu mình – chúng xảy ra một cách tự nhiên. Điều mà bạn có thể lựa chọn là dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày cho suy nghĩ đó.

Phóng viên: Cô có vẻ không hài lòng lắm với việc suy nghĩ tích cực. Liệu suy nghĩ tích cực có phải là điều xấu không?

Dr. Julie Smith: Suy nghĩ tích cực là việc làm rất tuyệt vời, chúng không hề xấu. Nhưng có một phong trào nổi lên trên mạng xã hội xoay quanh việc chỉ tập trung vào những điều tích cực, không cho phép những suy nghĩ tiêu cực tồn tại. Nếu bạn đặt ra tiêu chuẩn đó cho mình, ngay cả khi những suy nghĩ tích cực xuất hiện mà bạn không kiểm soát được, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy mình đang thất bại hoặc năng lượng tích cực đang cạn kiệt. Rằng bản thân bạn chưa đủ tốt. Điều đó làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

Vì vậy, trị liệu thường là về việc chấp nhận những suy nghĩ khi chúng xuất hiện và sau đó đưa ra lựa chọn về việc bạn sẽ làm gì với chúng. Nếu tôi dành thời gian với những suy nghĩ này, liệu điều đó có giúp tôi tiến về phía trước nơi mà tôi muốn đến không? Hoặc nếu tôi muốn dành thời gian với những suy nghĩ này, tác động của nó sẽ khác như thế nào? Điều quan trọng là bạn cho phép bộ não của bạn suy nghĩ tự do bất cứ điều gì và sau đó đưa ra bước tiếp theo.

Phóng viên: Trong cuốn sách, có một chương được viết với tiêu đề “Để buộc ta làm điều gì đó dù không có hứng [1] ” Chúng ta ở đây đều đã trải qua điều này. Vậy câu trả lời ở đây là gì?

Dr. Julie Smith: Chúng ta luôn có những việc chúng ta cảm thấy không muốn làm. Có một phương pháp được dạy trong trị liệu gọi là liệu pháp hành vi biện chứng, DBT, được gọi là hành động đối lập. Tỉnh thức là một yếu tố rất hữu ích trong phương pháp này, cách bạn nhận thức rõ ràng hơn về những sự thôi thúc hành động của mình. Mỗi cảm xúc sẽ mang lại cho bạn sự thôi thúc để làm hoặc không làm điều gì đó. Thường thì bạn sẽ cảm thấy cảm xúc đó và hành động ngay lập tức mà không tách rời sự thôi thúc và hành động – bạn thực hiện cả hai cùng một lúc.

Nhưng bạn có thể bắt đầu xây dựng nhận thức về sự thôi thúc và nhận ra rằng bạn không nhất thiết phải hành động theo nó: bạn có thể hành động ngược lại với nó. Đây là một kỹ năng bạn có thể sử dụng trong những khoảnh khắc nhỏ lẻ tưởng chừng không quan trọng, nhưng mang lại ý nghĩa to lớn về sau.

Phóng viên: Cô nghĩ nội dung của mình sẽ thay đổi như thế nào khi chúng ta bước qua cơn đại dịch?

Dr. Julie Smith: Tôi không nghĩ rằng chỉ vì lệnh phong tỏa đã kết thúc thì những hệ quả tâm lý của nó sẽ chấm dứt theo. Mọi người đang phải đối mặt với nhiều mất mát. Không chỉ là việc mất đi người thân, bạn bè, mà còn có những người mất đi kế sinh nhai, công việc, an ninh tài chính, nhà cửa và cả cảm giác an toàn khi đặt chân ra ngoài. Có vô vàn thay đổi lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của con người.

Phóng viên: Chi phí trị liệu đặt nó ở ngoài tầm với hầu hết của tất cả mọi người, và việc tiếp cận trị liệu qua NHS cũng rất hạn chế. Cô nghĩ sao về quan điểm này khi càng ngày càng có nhiều người tìm tới hỗ trợ tâm lý?

Dr. Julie Smith: Đó chính là một phần lý do vì sao cuốn sách của tôi lại ra mắt vào thời điểm này. Tôi không thể cung cấp liệu pháp 1:1 áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng tôi có thể làm gì đó. Tôi có thể chia sẻ một số kiến thức cơ bản một cách rộng rãi nhất bằng các khả năng tôi có.

Tôi không có hứng thú trở thành một người nổi tiếng hay xuất hiện trên các trang mạng xã hội – mục tiêu chính là chia sẻ thông tin. Điều đó cũng không hề dễ dàng gì. Tôi có ba đứa con nhỏ và một công việc, nhưng điều đã giúp tôi kiên trì cho tới tận bây giờ là những phản hồi tích cực. Nó thực sự vượt xa sự tưởng tượng của tôi. Mỗi ngày tôi nhận được tin nhắn của mọi người rằng: “Cảm ơn cô rất nhiều, điều này thực sự tác động tới tôi.” Đây không phải là một thế giới hoàn hảo và tôi không có tất cả các câu trả lời cho mọi người, nhưng tôi có thể đóng góp một phần nào đó của chính bản thân mình cho một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai.

[1] Trong bản tiếng Việt được xuất bản với tựa để “Sao trước đây không ai nói với tôi điều này?” của NXT Trẻ, chương này nằm ở chương 8 Mục 2: Về động lực.

Nguồn báo: https://www.theguardian.com/science/2022/feb/12/dr-julie-smith-mental-health-tiktok-why-has-nobody-told-me-this-before 

Người dịch: Lam Hoàng

Để lại một bình luận