“Điểm dừng” của nỗ lực

“Điểm dừng” của nỗ lực

Từ khóa: nỗ lực, nhu cầu, sự hài lòng, tự hào, đáp ứng nhu cầu, là chính mình. 

 

 

“Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân, mình sẽ nỗ lực đến lúc nào?
….
Đã bao giờ bạn nghe những câu nói của người khác về bản thân rồi nỗ lực biến bản thân đúng như câu nói đó?
….
Đã bao giờ bạn tự nhìn thế giới xung quanh của mình và cảm thấy mình cần nỗ lực hơn nữa, ai cũng đang nỗ lực và mình cũng phải nỗ lực giống họ, để thành công như họ?
….
Đã bao giờ bạn tự dừng lại giữa dòng đời vội vã để dành thời gian cho bản thân,  tự hỏi chính mình nỗ lực vì điều gì, vì điều chúng ta thích, vì lời người khác nói hay vì để không thua kém thế giới và vượt trội hơn người xung quanh?
…..
Đã bao giờ bạn nỗ lực hết mình, rồi nhìn lại bạn đang dần đánh mất chính mình và mọi thứ không như mình từng mong ước? 
…”

Nỗ lực là gì?

Trong lĩnh vực Tâm lý học, nỗ lực (effortfulness) là hoạt động tinh thần đòi hỏi sự chú ý và các nguồn lực nhận thức để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau đặc biệt là các nhiệm vụ khó khăn và cần những kỹ năng mới; đồng thời các kỹ năng mới thường bắt đầu một cách nỗ lực và trở nên tự động hơn khi thực hành (APA, 2018). Giống như việc học đạp xe, lúc đầu chúng ta sẽ phải cực kỳ chú ý vào từng bước đạp, giữ thăng bằng để tránh việc bị ngã, nhưng sau một thời gian thực hiện, chúng ta có thể vừa đạp xe vừa nghe nhạc, ngắm đường phố mà không sợ bị ngã. Lúc đó nỗ lực cho việc đạp xe đang dần nhường chỗ cho những kỹ năng mới. 

Trong đời sống hàng ngày, nỗ lực theo từ điển tiếng việt được hiểu tương tự như sự phấn đấu khi cả hai cụm từ đều có nghĩa cố gắng hết sức để làm một điều gì đó (SohaTraTu, n.d). Cụ thể, đó là sự gắng sức hết mình, dùng hết tâm tư của bản thân thậm chí là sự kiên trì và chăm chỉ rất nhiều lần so với những gì bản thân có để chiến đấu với những khó khăn và theo đuổi những mục tiêu, đam mê (UEH, 2022). 

Nhìn chung, nỗ lực là những cố gắng, tập trung cao độ, sự phấn đấu để đạt được những điều chúng ta mong muốn. Nỗ lực không thể chạm bằng tay nhưng có thể được biểu hiện thông qua những hành động chúng ta thực hiện. Nỗ lực thật sự cần thiết trong cuộc sống, để chúng ta có thể biến những đam mê của mình thành hiện thực. 

Nguồn gốc của nỗ lực – điều gì sản sinh ra nỗ lực và sự phấn đấu ở mỗi người?

Những nỗ lực, phấn đấu có thể được sinh ra từ những phần thưởng chúng ta đạt được sau nỗ lực, nhưng cũng có thể là do chúng ta khát khao đạt được điều gì đó nên chúng ta nỗ lực. Và đặc biệt hơn sự phấn đấu của chúng ta có thể được sinh ra để bù đắp cho cảm giác thua kém. 

Nỗ lực vì  “phần thưởng”. 

Luật hiệu quả (Law of effect) nói rằng hành vi nào mang lại hoặc có triển vọng mang lại lợi ích và thích thú thì dễ được lặp lại, những hành vi không mang lại lợi ích hoặc những kết quả bất lợi thì không được lặp lại (Phạm Toàn, 2019). Tương như vậy, lý thuyết điều kiện hóa tạo tác của Skinner (1938) đề xuất cá nhân và con vật đều có thể học hỏi và ước muốn thực hiện một số hành vi nếu những hành vi này nhận được các yếu tố củng cố từ môi trường. Yếu tố củng cố (reinforcer) từ môi trường là những kích thích làm tăng hành vi. Chẳng hạn, một bạn nhỏ mỗi khi khóc sẽ được mẹ cưng nựng và cho ăn. Dần dần bạn học được một ý niệm: “nếu khóc bạn sẽ nhận được một phần thưởng từ mẹ là sự cưng nựng và được ăn”. Phần thưởng này giúp bạn duy trì hành vi của mình và có thể nỗ lực hơn nữa để thực hiện hành vi khóc ở những lần sau.

Tuy nhiên, khi lớn lên dường như những mong muốn của chúng ta còn đặt ngang hàng để xem xét, lựa chọn với tiêu chuẩn đạo đức xã hội và cả nhu cầu của người khác. Có những câu chuyện mâu thuẫn như “nếu tôi cố gắng hết mình để đậu vào trường đại học danh giá, tôi sẽ được bạn bè ngưỡng mộ, được bố mẹ, thầy cô khen ngợi…. nhưng đại học đó không có ngành học tôi yêu thích”; “nếu tôi thi toán được 10 điểm, bố mẹ sẽ vui lòng mà thưởng cho tôi chiếc xe đời đầu… nhưng tôi lại muốn học môn văn hơn”, “Ai cũng biết tôi luôn là một đứa luôn đứng đầu và suy nghĩ chín chắn… nhưng tôi rất muốn được một lần từ bỏ hình ảnh đó và là một đứa trẻ ngây thơ như chúng bạn”. Sự ngưỡng mộ, những lời khen ngợi… vừa là những phần thưởng tuyệt vời của sự nỗ lực hết mình vừa là yếu tố góp phần duy trì sự nỗ lực. Tiếc thay đó là những phần thưởng đến từ bên ngoài và có thể chưa thực sự là điều chúng ta hướng đến nhưng lại có triển vọng lợi ích nhanh chóng. Và dường như để nhận được những điều đó chúng ta đang phải đánh đổi với mong muốn khác của bản thân và đáp ứng nhu cầu của người khác. Nếu là các bạn, các bạn sẽ quyết định đi theo con đường nào?

Phấn đấu, nỗ lực vì nhu cầu “muốn” 

Theo Henry Murray (1938) nhu cầu có vai trò tổ chức dẫn lối chúng ta tìm thấy những gì chúng ta muốn hoặc cần và tổ chức hành động của mỗi người, buộc một người làm những điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu. Nhu cầu đóng vai trò như một động lực, giải thích hành vi của con người. Có hai kiểu nhu cầu là nhu cầu phát triển từ sự thiếu hụt và nhu cầu phát triển (Larsen và Buss, 2018). Nhu cầu phát triển từ sự thiếu hụt gồm ba nhóm chính: nhu cầu thành đạt (Need for achievement), nhu cầu quyền lực (Need for power), nhu cầu thân mật (Need for intimacy) (Larsen và Buss, 2018). Nhu cầu phát triển từ sự thiếu hụt có nghĩa là vì chúng ta cảm thấy chưa đủ, nên chúng ta cần phải tìm kiếm và đáp ứng cái thiếu của bản thân. Chẳng hạn một người có nhu cầu thành đạt vì họ cảm thấy mình vẫn chưa đạt đủ trong cuộc sống, họ mong muốn làm tốt hơn, thành công hơn nữa và phải cảm thấy có năng lực hơn nữa. Hay đơn giản, khi bạn đói, bạn sẽ cần phải tìm kiếm thức ăn để bù đắp nguồn năng lượng cho cơ thể. Ngược lại, nhu cầu phát triển là nhu cầu hiện thực hóa bản thân (Need for Self-Actualization) được phát triển bởi Abraham Maslow (1943). Nhu cầu thực hiện hóa bản thân đề cập đến mong muốn ngày càng trở thành những gì mà chúng ta mong muốn trở thành.

Đến đây, chúng ta thử dành một chút thời gian để nghĩ về những nỗ lực của mình nhé! Những nỗ lực của chúng ta đang nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt hay đang nhằm thực hiện những điều chúng thực sự mong muốn? Chúng ta đã từng vì mong muốn có được cơ hội phát triển mà từ chối nhu cầu bảo vệ quan điểm của chính mình, chấp nhận làm hài lòng người khác? Chúng ta đã từng từ bỏ một đam mê của bản thân để theo đuổi một lĩnh vực khác mà cha mẹ yêu cầu? …

Phấn đấu để vượt qua cảm giác thua kém

Cảm giác thua kém (Inferiority feeling) là cảm giác phổ biến của con người liên quan đến bản thân về sự không hoàn hảo, nhỏ

bé, yếu đuối, thiếu hiểu biết và phụ thuộc, không có năng lực và kém cỏi hơn người khác (Adler và Wolfe, 1927). Sở dĩ con người trải nghiệm cảm giác thua kém từ khi còn nhỏ. Khi tham gia xã hội và được bao quanh bởi người lớn nên chúng ta thường cảm thấy nhỏ bé và yếu ớt. Nhưng chính những cảm giác thua kém lại là nguồn động lực, là điểm bắt đầu để đứa trẻ nỗ lực phấn đấu vượt qua sự kém cỏi, yếu đuối. Mặc dù vậy, những trải nghiệm đầu đời tiêu cực có thể dẫn đến niềm tin rằng chúng (những đứa trẻ) chỉ làm được hai điều trong cuộc sống: làm hài lòng và không làm hài lòng người khác. Điều này ảnh hưởng đến sự nỗ lực, thay vì nỗ lực vì mục đích tối hậu phù hợp của bản thân, chúng nỗ lực để được công nhận và vượt trội, gắn với sự thống trị và quyền lực. Hay nói cách khác, đó chính là những nỗ lực vì những phần thưởng từ người khác, vì những nhu cầu thiếu hụt và bù đắp cho những mặc cảm cá nhân về sự thua kém.

Nếu nỗ lực “sai cách” thì… 

Dựa trên nguồn gốc của nỗ lực, chúng ta có thể xem xét nỗ lực “sai cách” có thể là những nỗ lực mù quáng để đáp ứng nhu cầu của người khác, làm hài lòng người khác, vì phần thưởng từ bên ngoài và để bù đắp quá mức cho những thiếu hụt của bản thân – sự nỗ lực để được công nhận, vượt trội, thống trị và quyền lực…Sự nỗ lực “sai cách” có thể khiến chúng ta đánh mất mục tiêu tối hậu (mục đích cuối cùng) của cuộc đời vì mải chạy theo nhu cầu của người khác. Chính điều này có thể khiến chúng ta từ chối cơ hội hiện thực hóa bản thân, thực hiện nhu cầu phát triển và hoàn thiện con người thực sự của mình. 

Đồng thời, theo Adler (1927) nỗ lực để bù đắp thua kém bất thành có thể dẫn đến mặc cảm tự ti (Inferiority complex). Mặc cảm tự ti là một cảm giác được hình thành khi cảm giác thua kém được tăng cường quá mức, tâm hồn luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ rằng cá nhân nhỏ bé, bất lực, vô dụng và luôn luôn nỗ lực phấn đấu để bù đắp cho cảm giác của mình. Những nỗ lực bù đắp này bất thành khiến cá nhân không cảm thấy hài lòng với sự cân bằng quyền lực đơn giản với những người khác. Lúc này xuất hiện một mối nguy cơ là cá nhân muốn phấn đấu để vượt trội, quyền lực và thống trị mạnh mẽ trong môi trường của mình để bù trừ cho cảm giác thua kém. Nhu cầu muốn vượt trội, thống trị dần hình thành Phức cảm tự tôn (Superiority complex) ở cá nhân sau quá trình nỗ lực để phấn đấu vượt trội bất chấp thất bại. Phức cảm tự tôn là tình trạng cá nhân phóng đại thành tựu, năng lực của bản thân, theo đuổi mục tiêu tối hậu mờ nhạt, thiếu cảm thức cộng đồng. Cảm thức cộng đồng (Social interest) bao gồm sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và cảm giác thuộc về và tham gia vào một cộng đồng lớn hơn (Carlson và cộng sự, 2017). Như vậy, sự bù đắp bất thành có thể khiến chúng ta quay cuồng với áp lực phải thật nỗ lực để thành công nhưng cũng có thể khiến chúng ta mất đi sự nỗ lực, chìm đắm trong ảo tưởng mình cực kì giỏi và hơn người rồi. 

“Điểm dừng” của nỗ lực – Một cảm giác đủ đầy, hài lòng, trọn vẹn với thứ ta có

Vốn dĩ nỗ lực là sự cố gắng hết mình để thực hiện những ước mong của bản thân nhằm phát triển và hoàn thiện bản thân, nhưng nỗ lực lại hoàn toàn có thể phát triển sai cách vì sự va chạm với thế giới xung quanh. Một điều cần suy ngẫm là khi đặt nỗ lực và ước mong của bản thân trong sự so sánh xã hội và yêu cầu của xã hội (yêu cầu mong đợi của cha mẹ, thầy cô, phần thưởng giá trị…) thì nỗ lực, mục tiêu của chúng ta có thể đứng vững và tiến triển đúng với điều chúng ta thực sự đam mê? Liệu rằng những nỗ lực của chúng ta sẽ có một “điểm dừng”? Liệu rằng chúng ta có thể cảm thấy những nỗ lực của chúng ta là đủ và chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng, tự hào với những nỗ lực của mình?

Có lẽ mỗi người sẽ có một câu trả lời cho chính mình dựa trên những trải nghiệm cá nhân. Nhưng nhìn chung có thể thấy, nếu nỗ lực tiến triển sai cách, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một “điểm dừng” hay nói theo một cách khác, chúng ta sẽ khó có cảm giác đủ đầy trọn vẹn, luôn luôn thấy thiếu và cần nỗ lực hơn nữa. Bởi vì nhu cầu của mỗi người luôn thay đổi theo thời gian, khi người ta thích cái này, khi là cái khác. Và nếu chúng ta nỗ lực thực hiện nhu cầu của họ thì có phải chúng ta đang đi đến cái đích của họ mà dần xa hoặc bỏ bê đích đến của chính mình? Đồng thời, mỗi người sẽ có một nhu cầu khác nhau, chúng ta sẽ cần bao nhiêu nỗ lực để đáp ứng được sự đa dạng đó? Hơn thế nữa, khi chúng ta tiến một bước, họ cũng có thể tiến một bước và nhiều bước hơn thế nữa, nếu luôn luôn so sánh và bù đắp cho những thua kém khi so sánh thì liệu chúng ta còn đủ thời gian cho chính mình và nỗ lực vì điều chúng ta muốn, phù hợp với sức mình? 

Lời kết

Tục ngữ Việt Nam từng đúc kết: 

“Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”

Chúng ta dường như là một nhân vật đặc biệt ở giữa của câu tục ngữ. Chúng ta quyết định việc chúng ta nhìn lên hay nhìn xuống. Tương tự quá trình nỗ lực của bản thân, chúng ta là người quyết định nó đi theo hướng nào, vì đam mê của mình, vì nhu cầu của mình hay vì phần thưởng người khác trao tặng. Hãy đặt nỗ lực vào điều mình thực sự mong ước và đi con đường của mình, phù hợp với bản thân. Hành trình này chẳng hề dễ dàng nhưng chắc hẳn sẽ tràn ngập ý nghĩa và chan chứa những trải nghiệm vô giá.

Ca sĩ Taylor Swift đã chia sẻ trong bài phát biểu tại buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ danh dự nghệ thuật của Đại học Newyork rằng: “Cuộc sống vốn có thể nhiều gánh nặng, đặc biệt là khi bạn cố gắng muốn có tất cả. Một phần của sự phát triển và bước sang những trang mới của cuộc sống là quy luật nắm bắt và buông (catch and release). Biết những điều cần giữ và những điều cần bỏ. Bạn không thể giữ tất cả… Quyết định cái gì của bạn cần giữ và để phần còn lại rời đi. Thông thường, những điều tốt đẹp trong cuộc sống thường nổi bật hơn, hãy dành cho chúng nhiều không gian hơn.” (ELSA Speak Việt Nam Official, 2022)

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho “điểm dừng” của nỗ lực. Chúc các bạn thành công trên con đường mà mình nỗ lực theo đuổi cũng như tìm thấy một “điểm dừng” phù hợp cho nỗ lực của chính mình!

 

* Đoạn phát biểu gốc của ca sĩ Taylor Swift “The life can be heavy, especially if you try carry it all at once. Part of growing up and moving into new chapters of your life is about catch and release. Knowing what things to keep and what things to release. You can’t carry all things…Decide what is yours to hold and let the rest go. Oftentimes, the good things in your life are lighter anyway, so there’s more room for  them”.

Tài liệu tham khảo

[1] Adler, A., & Wolfe, W. B. (1927). The feeling of inferiority and the striving for recognition. Proceedings of the Royal Society of Medicine, 20(12), 1881–1886. https://doi.org/10.1177/003591572702001246

[2] APA Dictionary of Psychology. (n.d.). https://dictionary.apa.org/effortfulness

[3]Carlson, J., & Englar-Carlson, M. (2017). Introduction. In J. Carlson & M. Englar-Carlson, Adlerian psychotherapy (pp. 3–9). American Psychological Association. https://doi.org/10.1037/0000014-001

[4] ELSA Speak Việt Nam Official. (2022, August 16). Học tiếng Anh qua bài phát biểu của Taylor Swif | Tự học IELTS Speaking | ELSA Speak [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=RWddu1kR1Gk

[5] Larsen, K. S., Lê, V. H. (2021). Tâm lý học xã hội. Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa

[6] Nỗ lực ảo: Khi sự cố gắng chỉ là cảm giác. (n.d.). Đại Học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh. https://www.ueh.edu.vn/tuyen-sinh/no-luc-ao-khi-su-co-gang-chi-la-cam-giac-58818

[7] Phạm Toàn (2019). Tâm bệnh học. Nhà xuất bản Trẻ

[8] Randy J. Larsen & David M. Buss (2018). Personality Psychology Domains of Knowledge about Human Nature.(6th ed). NXB McGraw – Hill Education

[9] SohaTraTu. (n.d.). Nghĩa của từ Nỗ lực – Từ điển Việt – Việt. Copyright (C) Tratu.vn Từ Điển Trực Tuyến. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/N%E1%BB%97_l%E1%BB%B1c

[10] Yang, D., Qiu, B., Jiang, J., Xia, Y., Li, L., Li, Y., Luo, L., Liu, X., & Meng, J. (2023). Development of inferiority-compensation scale among high school students. BMC Medical Education, 23(1). https://doi.org/10.1186/s12909-022-03979-3

Để lại một bình luận