Tính cách “xấu”

Con người là một bản thể phức tạp được tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó, tính cách đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Bên cạnh những khái niệm tích cực như “tính cách tốt”, vẫn tồn tại một sự đánh giá tiêu cực về “tính cách xấu”. Liệu có thật sự tồn tại tính cách xấu, hay đó chỉ là cách nhìn nhận chủ quan của chúng ta?

Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung từng nói: “Tính cách không bao giờ là một điều gì đó cố định, mà luôn luôn biến đổi và phát triển theo thời gian và hoàn cảnh”. Quan điểm này cho thấy tính cách đa dạng và đa chiều, và mọi tính cách đều có giá trị tùy thuộc vào cách khai thác và điều chỉnh chúng. Tuy nhiên, xã hội thường đánh giá tính cách dựa trên các chuẩn mực và kỳ vọng, điều này có thể hạn chế và đánh mất sự đa dạng của con người.

Chúng ta đôi khi thường đặt định kiến nặng nề lên một số nhóm tính cách như sự nhút nhát hay kín đáo quá mức. Tuy nhiên, theo tác giả Susan Cain trong cuốn sách “Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking”, những tính cách như sự nhút nhát hay kín đáo có thể mang lại nhiều lợi ích như khả năng lắng nghe tốt hơn và suy nghĩ sâu sắc hơn. Thay vì thay đổi bản thân để phù hợp với khuôn mẫu, quan trọng là chúng ta cần thấu hiểu và quản lý các khía cạnh khác nhau của tính cách mình.

Hiểu về tính cách

Tính cách là tổng hợp những đặc điểm, hành vi, thái độ và cách suy nghĩ đặc trưng của một cá nhân, khiến họ trở nên độc đáo và khác biệt so với người khác. Theo nhà tâm lý học Gordon Allport, tính cách là “tổ hợp động lực bên trong con người tạo ra các hành vi và suy nghĩ nhất quán qua thời gian”. Tính cách của mỗi người được hình thành từ sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, môi trường sống và những trải nghiệm cá nhân.

Một trong những học thuyết phổ biến về phân loại tính cách là Myers-Briggs Type Indicator (MBTI), chia tính cách con người thành 16 loại dựa trên bốn cặp đối lập: hướng ngoại (Extraversion) – hướng nội (Introversion), trực giác (Intuition) – cảm nhận giác quan (Sensing), lý trí (Thinking) – cảm nhận (Feeling), và quyết đoán (Judging) – linh hoạt (Perceiving). Ngoài ra, còn có mô hình Big Five, gồm năm yếu tố chính: sự cởi mở (Openness), sự tận tâm (Conscientiousness), sự hướng ngoại (Extraversion), tính dễ đồng thuận (Agreeableness) và tính bất ổn về mặt cảm xúc (Neuroticism). Cả hai hệ thống này phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự đa dạng và phức tạp của tính cách con người.

Huyền thoại về tính cách “xấu”

Khái niệm tính cách “xấu” thường dựa trên các kỳ vọng và chuẩn mực của xã hội, có thể là chủ quan và tương đối về văn hóa. Ví dụ, tính cách hướng nội có thể bị coi là thiếu tự tin trong một số văn hóa, nhưng lại được xem là có khả năng tập trung và suy nghĩ sâu sắc trong các văn hóa khác. Một ví dụ khác, trong một số hoàn cảnh, tính cách quyết đoán được xem là xấu vì người ta cho rằng tính cách này quá cứng nhắc và không có khả năng lắng nghe. Tuy nhiên, trong các tình huống khác, tính cách quyết đoán lại được xem là tốt vì nó được cho là có khả năng lãnh đạo và quyết định. Chẳng hạn, trong môi trường học đường ở Việt Nam, tính cách quyết đoán có thể bị coi là tiêu cực do sự coi trọng tính khiêm tốn và sự hợp tác. Mặc dù vậy trong bối cảnh chính trị, tính cách quyết đoán lại được xem là tốt vì nó thể hiện khả năng lãnh đạo, ra quyết định nhanh chóng và kiên định. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị thành công được đánh giá cao bởi tính cách quyết đoán của họ, ví dụ có thể nhắc đến ông Nguyễn Tấn Dũng – người từng là Thủ tướng Việt Nam từ năm 2006 đến 2016. Ông được đánh giá là có tính cách quyết đoán trong việc ra quyết định và thực hiện các chính sách và điều đó đã góp phần quan trọng vào những thành công của Việt Nam trong giai đoạn đó.

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Philip Zimbardo, sự đánh giá tiêu cực này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cách cá nhân nhìn nhận bản thân và hành xử trong cuộc sống. Những quan điểm này không chỉ giới hạn ở mức độ cá nhân mà còn lan rộng ra cộng đồng và xã hội. Khi một người liên tục bị dán nhãn là “nóng tính” hoặc “lười biếng”, họ có thể bắt đầu chấp nhận và hành xử theo những nhãn mác này, dẫn đến một vòng lặp tiêu cực. Alice M. Isen, một nhà nghiên cứu về tâm lý học tích cực, đã chỉ ra rằng cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá bản thân có thể ảnh hưởng lớn đến trạng thái tâm lý và sức khỏe tinh thần. Do đó, việc hiểu và thay đổi những quan điểm sai lệch về tính cách có thể giúp mỗi cá nhân phát triển một cách toàn diện và tích cực hơn.

Mỗi tính cách đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, và không có tính cách nào hoàn toàn “tốt” hay “xấu”. Nhà tâm lý học Carl Rogers nói: “Con người không cần được đánh giá, họ cần được thấu hiểu”. Thay vì phán xét, cần nhìn nhận người khác một cách toàn diện và thấu hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của họ, và đánh giá họ dựa trên hành động và cách ứng xử của họ trong từng tình huống cụ thể.

Sự đa dạng của tính cách đóng vai trò quan trọng trong xã hội và các đội nhóm. Theo nghiên cứu của Scott E. Page trong cuốn sách “The Diversity Bonus: How Great Teams Pay Off in the Knowledge Economy”, sự đa dạng về tính cách và quan điểm có thể làm tăng khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề của nhóm. Một đội nhóm với các thành viên có tính cách khác nhau sẽ có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và đưa ra các giải pháp sáng tạo hơn. Điều này cho thấy rằng mỗi tính cách đều có giá trị và vai trò riêng, và sự đa dạng này là yếu tố then chốt để tạo nên một cộng đồng hoặc tổ chức thành công.

Để khai thác tính cách hiệu quả, trước hết chúng ta cần hiểu rõ bản thân.
‘ Tự nhận thức là bước đầu tiên để phát triển trí tuệ cảm xúc và quản lý bản thân’- Daniel Goleman

Biết tận dụng điểm mạnh của bản thân chính là chìa khóa để phát triển và sử dụng tính cách hiệu quả trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví dụ, người nhút nhát có thể sử dụng khả năng quan sát và lắng nghe để xây dựng mối quan hệ sâu sắc, người nóng tính có thể trở nên rất hiệu quả và quyết đoán, giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng và dứt khoát.

Cuối cùng, tự điều chỉnh và cân bằng là kỹ năng quan trọng để điều chỉnh tính cách trong các tình huống khác nhau. Để làm được điều này, trước hết cần xác định những đặc điểm tính cách nổi bật của bản thân. Sau đó, tùy vào bối cảnh và mục đích mà lựa chọn cách thể hiện tính cách phù hợp. Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn xin việc, chúng ta cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tự tin và quyết đoán; trong khi trò chuyện với bạn bè, có thể thoải mái và vui vẻ hơn. Thêm vào đó, việc thực hành các phương pháp như hít thở sâu, thiền, hoặc đếm từ 1 đến 10 trước khi phản ứng giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn cảm xúc như nóng giận hay lo lắng.

Như Carl Jung từng nói, “Nhận thức về bóng tối bên trong mình là phương pháp tốt nhất để đối phó với bóng tối của người khác.” Hiểu được khi nào cần kiềm chế và khi nào cần thể hiện tính cách sẽ giúp bạn đạt hiệu quả tốt nhất. Đầu tiên việc học cách lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của người khác trước khi phản hồi, đánh giá bối cảnh và mức độ quan trọng của tình huống, cũng như suy nghĩ về hậu quả tiềm ẩn trước khi hành động là rất quan trọng. Hơn nữa, việc lựa chọn cách thể hiện tính cách phù hợp nhất để đạt mục tiêu của bản thân mà không gây tổn hại đến người khác sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt hơn và đạt được mục tiêu cá nhân một cách hiệu quả.

Qua những phân tích về sự hình thành và bản chất của tính cách, chúng ta nhận ra rằng không có tính cách nào là “xấu” hay “tốt”. Mỗi tính cách đều có điểm mạnh và yếu riêng, và chúng ta cần nhìn nhận những tính cách này từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Thay vì cố gắng thay đổi hoặc che giấu sự khác biệt, việc chấp nhận và phát huy điểm mạnh của tính cách trong các tình huống phù hợp sẽ giúp phát triển bản thân và cải thiện mối quan hệ, góp phần xây dựng một cộng đồng tích cực.

Tài liệu tham khảo

Larsen, R. J., & Buss, D. M. (2017). Personality psychology: Domains of knowledge about human nature (6th ed.). McGraw-Hill Education.

Bandura, A. (1977). Social learning theory. Prentice Hall.

Để lại một bình luận