Kendo và cách mà cuộc sống của mình trở nên dễ dàng hơn

Kendo là gì?

Kendo là một môn võ truyền thống của Nhật Bản, được phát triển từ các phương pháp chiến đấu truyền thống của Samurai. Các võ sinh (Kendoka) sử dụng một thanh kiếm tre (shinai) và bộ giáp (bogu) để thực hành các kĩ thuật tác chiến.

Thả lỏng:

Tưởng chừng như đây là một bộ môn cần dùng nhiều đến lực tay, nhưng để thắng trong một trận đấu đối kháng thì lại cần dùng nhiều lực ở chân hơn (lạ nhỉ?). Suy cho cùng cũng đúng, vì bộ giáp mặc trên người không phải là mục tiêu để mình đập vỡ. Thay vào đó, chỉ cần đánh vào những chỗ quy định (đỉnh đầu, cổ tay, bụng) là đã có điểm. Khi đó, đôi chân đóng vai trò chính trong tốc độ di chuyển và ra đòn. 

Linh hoạt như nướcwater drop on bucket photo

Nguồn hình ảnh: https://unsplash.com/photos/water-drop-on-bucket-photo-LoGnr-w1D8E

Khác với các môn võ dùng kiếm khác như Kenjutsu, Kendo lại là môn kiếm thuật thiên về tinh thần nhiều hơn.  Cá nhân một người theo đuổi Kendo như mình đã phải trải qua một khoảng thời gian dài để hiểu được điều này. Ban đầu, việc luyện tập kiếm thuật của mình khá tốn năng lượng vì mọi quỹ đạo vung kiếm đều mang theo ý chí hạ gục đối thủ và sự căng thẳng dồn vào những khối cơ bắp. Những nhát chém xé gió làm mình rất thích thú và tưởng như nó có thể uy hiếp được đối thủ. Nhưng càng về sau, cơ thể của mình dần hồi phục chậm hơn sau những buổi tập, và ý chí cũng chẳng còn như ban đầu nữa.

 

Vào buổi nọ, khi một người đàn anh nhận thấy sự vụng về hơn trong mỗi thao tác của mình, anh ta đã nói một câu mà khiến mình nhớ mãi: “Hãy cứ thả lỏng tâm trí và cơ thể, rồi chậm rãi quan sát từng quỹ đạo của hình động, chứ em không đánh bể giáp người ta được đâu.”.

 

Câu này làm mình nhớ đến những trận đấu tay đôi của Kendo, rằng họ luôn trong trạng thái điềm tĩnh nhất và cảm nhận mọi chuyển động bên trong mình. Đó là khi đôi vai được thả lỏng, bàn tay không siết thanh kiếm, và không tự gây áp lực bản thân bằng suy nghĩ “phải cố gắng đánh làm sao cho trúng mục tiêu”. Tưởng tượng như bản thân đi câu cá, đôi tay vung kiếm như cần câu, tinh thần không nổi lên sự kỳ vọng, và đôi chân lướt đi nhẹ nhàng như con thuyền trên mặt nước. Khả năng lưu điệu với kiếm này chính là trải nghiệm sâu sắc nhất của một kiếm sĩ.

Trong dòng đời vô thường này cũng thế, khi mà những dự định hay mục tiêu mà bản thân đề ra không thể được đáp ứng, điều thoải mái nhất có thể thực hiện là thích nghi với những điều kiện mới và giữ một tâm thái thật bình tĩnh. Cũng giống như một Kendoka luôn tiếp nhận những đòn đánh bất ngờ từ đối phương mà không trở nên căng thẳng hay mong muốn đánh trả cho bằng được. Lý Tiểu Long cũng từng chia sẻ một phần triết lý của ông về võ thuật và cuộc sống “Be water, my friend”. Như làn nước tự do, mọi người cũng có thể giải phóng bản thân, không bị ràng buộc bởi những tư duy và hành động, mà có thể bay lượn giữa mọi tình huống và hoàn cảnh.

Không cố gắng đánh trúng mục tiêu?

Bạn đã bao giờ nghĩ vì sao có những lúc ý chí hừng hực, mục tiêu vô cùng rõ ràng ràng và thực tế, nhưng cơ hội thành công vẫn vụt đi mất trước sự ngỡ ngàng của bản thân không? Trong Kendo, khả năng thành công của một đòn đánh cũng không phải bởi ý chí mạnh mẽ đẩy chúng ta đến một mục tiêu, mà là bởi sự khéo léo và tinh tế trong từng động tác. Đây là điều này chiếm phần lớn sự tập trung trong thi đấu.

 Không phải “đạt được nó bằng mọi giá”, mà là “đạt được nó như thế nào”. Từ những trải nghiệm cá nhân trong Kendo, dường như cách để đạt được một cú đánh tốt lại đến từ khả năng trau chuốt kỹ thuật và hành động một cách dứt khoát, vì “bằng mọi giá” sẽ dễ dàng dẫn đến mất bình tĩnh và lộ nhiều sơ hở hơn. Cũng như thế, sự thành công đến từ việc tối ưu hóa kỹ năng và hành động cũng như sự phối hợp giữa chúng một cách nhịp nhàng. 

Vì vậy bây giờ điều mà bạn mong muốn là một cuộc sống đầy đủ, sự thăng tiến trong sự nghiệp hay tình cảm, thì đây là dấu hiệu vũ trụ cho bạn xác định các yếu tố và rèn luyện những kỹ năng phù hợp để đạt được chúng đó! 

Tinh thần luôn luôn sẵn sàng:

 

A man standing triumphant on a beach in New Romney while looking out into the water

Nguồn hình ảnh: https://unsplash.com/photos/a-man-standing-triumphant-on-a-beach-in-new-romney-while-looking-out-into-the-water-0khu-rgbjzo

Trong một trận đấu tay đôi, một đòn đánh được tính điểm khi cả 3 trọng tài đều giương cờ lên. Vì thế, một cú vung kiếm của Kendoka chưa chắc sẽ được tính điểm, mà phải liên tục trong tâm thế thi triển những đòn tiếp theo. Ngay cả khi đối phương đã tung đòn, lợi dụng những khoảnh khắc trọng tài chưa tính điểm mà vẫn có thể đánh trả đối thủ. Do đó mà nhịp độ một vòng đấu xảy ra rất nhanh, và không có thời gian cho sự vui sướng khi đánh trúng hay hụt hẫng khi bị dính đòn của đối phương. Để có thể hành động trong mọi khoảnh khắc, các Kendoka đã rèn luyện cho mình một tinh thần luôn sẵn sàng.

Edward Hoffman và William Compton đã đề cập trong cuốn sách Tâm lý học Tích cực, tinh thần sẵn sàng cũng được đề cập đến như là cách để vượt qua những vấn đề. Được ví như là “hệ miễn dịch tự nhiên”, tinh thần luôn sẵn sàng không chỉ là việc chấp nhận thực tế rằng thách thức là không thể tránh khỏi, mà còn là việc chủ động tìm kiếm cơ hội và giải pháp để vượt qua chúng. Từ đó mà ta có thể tạo ra những chiến lược để cải thiện lối tư duy lành mạnh, phát triển kỹ năng chịu đựng, và học hỏi những kinh nghiệm phù hợp cho kế hoạch phát triển bản thân. Điều này không chỉ giúp chúng ta vượt qua những thử thách một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, mà còn tạo ra cơ hội để trải nghiệm và học hỏi từ mọi tình huống trong cuộc sống.

Nguồn tham khảo

Compton, C., & Hoffman, L. (2020). Tâm lý học tích cực: Một cuốn sách thực tiễn để phát triển tiềm năng trong bạn. NXB Lao Động.

 

Để lại một bình luận