Q&A-1

1. Hiện em đang muốn học thêm ngành Tâm lý học ở trường DH KHXH&NV . Mục đích để thấu hiểu khách hàng và quản lý nhân sự trong doanh nghiệp (em chưa có dự định phát triển theo hướng tư vấn khách hàng ạ). Em muốn hỏi nếu học ở trường Đại học như vậy thì có thể đáp ứng được các kiến thức về thấu hiểu hành vi khách hàng và nhân viên trong doanh nghiệp (dưới góc độ quản lý) không ạ? (kiểu như hiểu được nhân viên và khách hàng cần gì để đưa ra các phương án hay đề xuất, hoặc nhìn ánh mắt và cử chỉ của họ để hiểu họ muốn gì ạ)

Chia sẻ từ PsyMe:

Theo những gì em bạn chia sẻ, anh hiểu rằng Thấu hiểu hành vi (theo quan niệm của em) là việc hiểu được nhân viên và khách hàng cần gì để đưa ra các đề xuất. Một số cách thức có thể bao gồm việc nhìn ánh mắt và cử chỉ của họ để hiểu họ muốn gì. 

Để giải đáp câu hỏi này, anh xin chia sẻ một số thông tin như sau với hy vọng em sẽ tự tìm được câu trả lời cho chính mình. 

Các môn học giúp chúng ta như thế nào về lĩnh vực này?

Một số môn học tại trường có cung cấp kiến thức có liên quan đến hành vi, đánh giá hành vi chẳng hạn như: TLH Giao tiếp, TLH Đại cương, TLH Sức khỏe, TLH hành vi lệch chuẩn, Sinh lý thần kinh cấp cao, TLH nhân cách, Đánh giá tâm lý… Đặc biệt về lĩnh vực Quản lý kinh doanh, trường có cung cấp các môn học như sau: 

  • Tâm lý học quản trị kinh doanh
  • Giao tiếp trong quản lý kinh doanh
  • Tâm lý học công nghiệp và tổ chức
  • Tâm lý học lao động và hướng nghiệp
  • Tâm lý học tuyên truyền quảng cáo
  • Tâm lý học du lịch
  • Thực hành tâm lý học quản lý- kinh doanh

(Em hãy dành chút thời gian để tìm hiểu qua các môn học nêu trên qua Google)

Mặc dù ở bậc cử nhân thì mức độ của những môn học này là đại cương, tuy nhiên chúng sẽ giúp ta phần nào ‘hiểu hành vi’ cụ thể là ‘nhu cầu’ của một cá nhân. Ví dụ 1: theo Phân tâm học, việc một người nói lỡ lời hay liên tục có giấc mơ nào đó ‘có thể’ là một biểu hiện của những mong muốn bị dồn nén xuống mặt vô thức/ tiền ý thức (Tâm lý học Lâm sàng, TLH Tham vấn …). Ví dụ 2: nhịp tim tăng, hơi thở mạnh ‘có thể’ là một biểu hiện của cơ chế chiến hoặc biến, tức là cá nhân đang lo sợ (TLH đại cương, TLH Thần kinh …). Ví dụ 3: bài tập về cửa sổ Johari có thể giúp cá nhân nhận diện được những vùng cá nhân biết về mình nhưng không cho người khác biết (TLH Giao tiếp) 

(Lưu ý: Vì sao ở đây chữ ‘có thể’ được nhấn mạnh? Trong Khoa học xã hội, chúng ta rất ít khi gặp mối quan hệ nhân quả một cách tuyệt đối. Chẳng hạn: không phải lúc nào việc một người có thái độ giận dữ tức là họ đang thù ghét một người. Có lẽ đến đây em cũng đã nhận ra kiến thức về Tâm lý chỉ giúp ta nhìn nhận con người ở một mức độ nào đó.)

Hiểu được đến mức độ nào?

Với tâm lý học, chúng ta có thể hiểu được, nhưng đến mức độ nào thì điều này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố của người theo học: tổ chất, số thời gian dành ra, tâm huyết, các yếu tố về môi trường sống (ví dụ bạn làm việc với nhóm người nào, chẳng hạn liệu có dễ dàng hơn đối với bạn để hiểu tâm lý của trẻ em so với hiểu tâm lý của người trưởng thành không?)

Thực tế thì sao?

Không hề nói quá, những nhà tham vấn trị liệu chuyên nghiệp có trình độ học vấn cao cần hàng chục giờ giao tiếp với thân chủ qua các quá trình đánh giá khác nhau gồm quan sát, hỏi chuyện, trắc nghiệm … mới chỉ có thể hiểu một phần nhu cầu của họ, và đôi khi chúng ta cũng chẳng thế chắc chắn được điều ta hiểu có đúng hoàn toàn hay không và nó có thay đổi trong tương lai hay không. Bộ não con người rất phức tạp và tâm lý con người cũng như vậy. Chẳng trách mà có lời đồn/ giả thuyết cho rằng con người mới chỉ dùng 10% bộ não 😀 (just kidding). 

Nhiều người vẫn tưởng rằng sau khi học Tâm lý, họ sẽ có khả năng đọc vị, đọc suy nghĩ, thao túng người khác … một cách dễ dàng. Tuy nhiên đối với anh, đây thực sự là một hiểu lầm to lớn. Nếu việc đọc tâm trí, thôi miên dễ dàng như vậy, có lẽ Tâm lý học sẽ phải hot hơn ở thời điểm hiện tại rồi? Mà anh thực sự cũng không dám hình dung chúng ta sẽ sống ra sao nếu điều giả tưởng này xảy ra trong tương lai 😀 

Chia sẻ từ Dũng Nguyễn – Cofounder

 

Nếu mục đích là thấu hiểu khách hàng và quản trị nhân sự thì học tâm lý sẽ không đủ và không đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của em vì chị đang nhìn thấy mong muốn của em ở việc quản trị trải nghiệm của khách hàng (trong đó thấu hiểu chỉ là một phần nhỏ để giúp thúc đẩy bán hàng, tiếp cận khách hàng, hiểu được nhu cầu nằm sâu bên trong họ, mà thường không được thể hiện hay bộc lộ ra bên ngoài để dễ nhận biết hay đoán định – trải nghiệm khách hàng là lĩnh vực riêng và trên thế giới có ​​Customer Experience Professionals Association, Hiệp hội Quốc tế cung cấp chứng chỉ nghề nghiệp về Quản trị trải nghiệm khách hàng. Với khách hàng, để thấu hiểu nhìn được insights của họ không phải chỉ đơn thuần quan sát hành vi như nhìn cử chỉ hay ánh mắt​​​​. Quản trị nhân sự cũng là một lĩnh vực riêng đòi hỏi những kiến thức riêng chuyên biệt cho lĩnh vực. Học tâm lý sẽ hỗ trợ em trong việc có kiến thức chung hiểu về tâm lý người, cải thiện, nâng cao các mối quan hệ xã hội… nhưng để có thể ứng dụng một cách chuyên nghiệp trong quản trị nhân sự hay quản trị trải nghiệm khách hàng thì có lẽ chưa đúng hướng vì nếu có học xong tâm lý học thì em vẫn cần phải có/bổ sung kiến thức chuyên môn về quản trị nhân sự và trải nghiệm khách hàng.

Chia sẻ của Vân Anh – quản lý dự án Giúp Mình Hiểu Mình

 

Để lại một bình luận