5 CÁCH DẠY CON TRẺ VỀ LÒNG BIẾT ƠN
Tại Mỹ, cứ 5 phụ huynh thì có khoảng 4 vị phụ huynh nói rằng con cái của họ đang “thiếu thái độ biết ơn”. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát khoảng 1.125 phụ huynh có con ở độ tuổi từ 4-10 tuổi được công bố năm 2021 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng lòng biết ơn có liên quan đến cảm giác tích cực, các mối quan hệ bền chặt hơn, sự tận hưởng nhiều hơn và các lợi ích về sức khỏe khác nhau.
Sarah Clark, đồng tác giả của cuộc khảo sát cho rằng: “Lòng biết ơn không phải là thứ mà trẻ em thường có được một cách tự nhiên, mà nó cần phải được nuôi dưỡng. Đối với các bậc cha mẹ đặt ưu tiên cao vào việc dạy con biết ơn, con họ thường có những hành vi gắn liền với lòng biết ơn và sự sẵn sàng cống hiến cho người khác hơn những đứa trẻ khác.”
Dưới đây là 5 cách mà phụ huynh có thể tham khảo để có thể dạy con về lòng biết ơn:
Biến “cảm ơn” trở thành một cụm từ thường xuyên
Phương pháp phổ biến nhất mà các bậc cha mẹ có thể dạy con mình đó là nhắc nhở chúng lưu ý đến cách hành xử của bản thân, thường xuyên yêu cầu con nói lời cảm ơn. Nhưng không nên để con học vẹt, chỉ nói mà không hiểu ý nghĩa. Để giúp trẻ học cách biết ơn, cha mẹ cũng cần nhấn mạnh lý do tại sao mình lại yêu cầu con nói lời cảm ơn. Điều này có thể thực hiện đơn giản bằng cách gợi ý cho con nói ‘cảm ơn vì …’ với một lời giải thích ngắn gọn mô tả lý do tại sao con biết ơn.
Nói về thái độ biết ơn
Các bậc cha mẹ có thể mô tả lòng biết ơn cho con của họ bằng cách có những cuộc trò chuyện hàng ngày về những gì chính bản thân họ cảm thấy biết ơn. Có thể là chia sẻ điều gì đó tích cực như là sức khỏe, gia đình và những gì họ có.
Đóng góp vào công việc nhà
Một chiến lược phổ biến khác mà cha mẹ thường sử dụng để dạy con họ về lòng biết ơn là để chúng giúp đỡ gia đình trong các công việc nhà đơn giản. Cha mẹ có thể giải thích rằng mọi người trong gia đình có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau, sau đó chỉ ra việc các thành viên khác cũng đóng góp cho gia đình như thế nào. Điều này có thể giúp trẻ nhận ra rằng bản thân mình có khả năng góp phần làm nên những điều tốt đẹp và nuôi dưỡng lòng biết ơn của chúng.
Tình nguyện
Các bậc cha mẹ có thể cho con mình tham gia một số loại hình hoạt động tình nguyện đơn giản như giúp đỡ hàng xóm hoặc đóng góp cho cộng đồng của chúng thông qua các hoạt động ở trường, chẳng hạn như gây quỹ hay tham gia vào ngày dọn dẹp. Ví dụ: “Mrs. Jones không được khỏe nên chúng ta sẽ giúp cào lá trong sân của cô ấy” hoặc “Chúng ta sẽ tặng găng tay và áo khoác cho những đứa trẻ khó khăn trong mùa đông này. ”
Hoạt động tình nguyện thể có thể giúp trẻ hiểu và kết nối với những người khác, xây dựng cảm giác đồng cảm, lòng tốt và lòng trắc ẩn. Sau khi tham gia tình nguyện, cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ em về trải nghiệm của chúng.
Quyên góp
Một chiến lược ít phổ biến hơn để dạy trẻ về lòng biết ơn là cho trẻ quyên góp đồ chơi hoặc quần áo cho tổ chức từ thiện. Trẻ không nên bị buộc phải buông bỏ bất cứ điều gì nhưng chúng có thể quyết định mình sẽ làm gì.
Clark cho biết: “Ban đầu, trẻ có thể phản đối việc tặng đồ chơi cũ không phải vì chúng vẫn muốn chơi với chúng mà có thể vì chúng cảm thấy mình thiếu quyền kiểm soát. Cha mẹ nên trao quyền để chúng tự đưa ra những quyết định này và nhẹ nhàng giúp chúng thấy được sự hào phóng của mình có thể mang lại hạnh phúc cho một đứa trẻ khác như thế nào”.
Biên tập và chuyển ngữ: Thu Hà
Nguồn: psychnewsdaily.com
————
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Phone: 0988783003
Email: psyme2021@gmail.com
Website: https://psyme.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/Psyme2021