Từ phôi thai tới sơ sinh – The Fetus and the Newborn

Hãy bắt đầu từ giây phút khởi nguồn. Trong quá trình phát triển thai kỳ, mỗi con người đều bắt đầu từ một tế bào trứng được thụ tinh, hoặc được gọi là hợp tử, phát triển qua những giai đoạn đầu tiên cho đến khi trở thành một bào thai ở khoảng 8 tuần sau đó. Khoảng 6 tuần sau khi thụ tinh, hệ thần kinh đủ mạnh để tạo ra các cử động. Những cử động đầu tiên này đều tự sinh – nghĩa là được tạo ra mà không cần bất kỳ kích thích nào. Trái ngược với việc chúng ta có thể suy đoán, các cơ và hệ thần kinh điều khiển các cử động này phát triển trước cả các cơ quan cảm giác. Những cử động tự sinh này rất cần thiết bởi nếu không có chúng thì tủy sống sẽ không thể phát triển trọn vẹn. Sau đó, vẫn trong bụng mẹ, cơ quan cảm giác xuất hiện, đầu và mắt bắt đầu hướng về phía âm thanh, não bộ hoạt động cả khi thức và ngủ. Bào thai biết nấc và ngáp. Có thể đoán được rằng những hành động này phục vụ một số chức năng nào đó, mặc dù các chức năng chưa rõ ràng. 

Một nguy cơ nghiêm trọng xảy ra nếu phôi thai bị tiếp xúc với rượu. Bất kỳ loại chất kích thích nào người mẹ sử dụng cũng có thể gây tổn thương tới sự phát triển não bộ ở phôi thai. Nếu người mẹ uống rượu trong suốt thai kì, trẻ sơ sinh có thể phát triển hội chứng rượu bào thai, một tình trạng dị tật khuôn mặt, tim, tai, và tổn thương hệ thần kinh bao gồm co giật, tăng động, suy yếu khả năng học tập, ghi nhớ, giải quyết vấn đề, sự chú ý và vận động phối hợp. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào khối lượng và thời gian người mẹ sử dụng rượu. Nhậu nhẹt đặc biệt nguy hiểm và uống rượu trong một thời gian dài thì tệ hơn so với khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên các nhà nghiên cứu không xác định được mức độ nào là an toàn. 

Lý do hệ thần kinh lúc này bị tổn thương được cho là: Sự phát triển các tế bào thần kinh đòi hỏi kích thích liên tục để tồn tại. Nếu không có các kích thích, chúng kích hoạt một chương trình tự hủy, là loại bỏ các tế bào ít có ích. Rượu tác động làm giảm Glutamate – chất dẫn truyền thần kinh kích thích chính của não và làm tăng lượng GABA – chất dẫn truyền thần kinh ức chế. Do đó nó làm suy giảm sự kích thích của tế bào thần kinh và khiến nhiều tế bào tự hủy. Các loại thuốc khác can thiệp vào việc dẫn truyền thần kinh cũng gây ra nhiều nguy cơ, trong đó bao gồm cả những lần bào thai tiếp xúc với các chất gây mê. 

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi một đứa trẻ mới ra đời có “”nguy cơ cao” – nhỏ cân khi sinh, bị đặt vào môi trường cha mẹ sử dụng bia rượu hoặc các loại chất kích thích trước khi sinh, hoặc một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là một nạn nhân của một định kiến và hơn thế – vẫn có thể vượt qua tất cả các trở ngại để khỏe mạnh và thành công. Khả năng phục hồi (khả năng vượt qua trở ngại) thì chưa được hiểu rõ, nhưng nó liên quan phần nào tới sự ảnh hưởng của gene di truyền, sự giáo dục và hỗ trợ từ các mối quan hệ và bạn bè. 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply