Infancy and Childhood
(Photo: www.wsj.com)
Một khía cạnh quan trọng của đời người là sự gắn bó /attachment– cảm giác gần gũi với người khác. Sự gắn bó bắt nguồn ngay từ khi chào đời. John Bowlby (1973) cho rằng trẻ sơ sinh phát triển sự gắn bó mạnh mẽ với cảm giác được bảo vệ và an toàn, và những trẻ không có được sự gắn bó bền chặt sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ thân thiết với người khác về sau. Nghiên cứu về sau cũng xác nhận quan điểm này. Một nghiên cứu chiều dọc phát hiện ra rằng những trẻ lứa tuổi tập đi mà không được quan tâm đầy đủ thì sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành sự gắn bó lãng mạn thân thiết khi ở tuổi đầu trưởng thành. Chúng sẽ bùng phát thái độ thù địch trong giao tiếp với người thân nhiều hơn với những người khác.
Phần lớn các nghiên cứu về sự gắn bó đã đo lường khía cạnh này trong Nghiên cứu tình huống kỳ lạ – Strange Situation (thường được viết hoa) được đề xuất bởi Mary Ainsworth (1979). Trong quy trình nghiên cứu, một người mẹ và đứa trẻ sơ sinh (điển hình là từ 12 đến 18 tháng tuổi) đi vào một căn phòng có nhiều đồ chơi. Sau đó một người lạ bước vào phòng. Người mẹ rời đi và sau đó quay trở lại. Một vài phút sau, cả người lạ và mẹ đều rời đi. Sau đó người lạ quay trở lại trước và cuối cùng là người mẹ trở lại phòng. Thông qua một tấm gương một chiều, một nhà tâm lý học quan sát phản ứng của trẻ với mỗi lần người lớn đến và rời đi. Các nhà quan sát phân loại các phản ứng của trẻ sơ sinh thành các dạng thức như sau:
Gắn bó an toàn: trẻ sơ sinh coi mẹ như một cơ sở để khám phá đồ chơi, thủ thỉ với mẹ, cho mẹ xem đồ chơi và giao tiếp bằng mắt với mẹ. Trẻ sơ sinh biểu hiện lo âu khi mẹ rời đi nhưng chỉ khóc một lúc. Khi mẹ trở lại, trẻ sẽ lao đến mẹ với vẻ thích thú rõ ràng, ôm ấp một lúc và tiếp tục chơi đồ chơi.
Gắn bó lo âu (chống cự): Phản ứng của trẻ đối với người mẹ dao động giữa vui sướng và giận dữ. Trẻ bám lấy mẹ và khóc nhiều khi mẹ rời đi, vì sợ rằng mẹ sẽ không trở lại. Khi mẹ trở lại, trẻ lại tiếp tục bám dính lấy mẹ lần nữa và không coi mẹ là cơ sở an toàn để khám phá đồ chơi nữa. Một trẻ có sự gắn bó lo âu điển hình thường biểu hiện sợ hãi, bao gồm cả sợ hãi dữ dội với những người lạ.
Gắn bó né tránh. Khi mẹ ở đó thì trẻ không ở gần mẹ và ít tương tác với mẹ. Trẻ có thể khóc hoặc không khóc khi mẹ rời phòng và không chạy đến khi mẹ trở lại.
Gắn bó hỗn độn. Trẻ dường như không để ý đến mẹ hoặc nhìn đi nơi khác khi đến gần mẹ hoặc che mặt hoặc nằm trên sàn. Trẻ xen lẫn giữa tiếp cận và né tránh và biểu hiện sợ hãi nhiều hơn là tình cảm.
Mức độ phổ biến của các dạng thức gắn bó khác nhau giữa các quốc gia, nhưng dạng thức gắn bó an toàn vẫn là phổ biến nhất. Tất nhiên, nhiều trẻ em không thuộc vào riêng một loại gắn bó nào, một số trẻ thì vừa được phân loại là gắn bó an toàn lẫn né tránh thì chúng biểu hiện an toàn hoặc né tránh hơn nhóm khác. Hầu hết trẻ em vẫn ổn định trong các kiểu gắn bó. Thực tế, các nhà tâm lý học có thể dự đoán hành vi gắn bó về sau qua việc quan sát trẻ sơ sinh khi chúng 3 tháng tuổi. Trong nghiên cứu khuôn mặt tĩnh lặng- Still-face paradigm, một cha mẹ chơi với một đứa trẻ sau đó độ ngột chuyển sang vẻ mặt không cảm xúc, vô hồn. Những đứa trẻ này tiếp tục nhìn cha mẹ mà không có chút dấu hiệu căng thẳng nào thể hiện sự gắn bó bền chặt và an toàn từ lúc một tuổi trở đi (Braungart-Rieker et al., 2014).
Nghiên cứu tình huống kỳ lạ có thể được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa trẻ với bố, trẻ với ông bà, hoặc các mối quan hệ khác. Theo quy luật, chất lượng của một mối quan hệ thì có tương quan với chất lượng với các mối quan hệ khác. Ví dụ, hầu hết trẻ có mối quan hệ gắn bó an toàn với mẹ hoặc bố, thì rất có thể là bố mẹ chúng cũng hạnh phúc. Hầu hết trẻ sơ sinh có mối quan hệ gắn bó an toàn với bố mẹ lúc 1 tuổi tiếp tục có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ nhiều thập kỷ sau. Những trẻ biểu hiện gắn bó an toàn khi còn nhỏ có nhiều khả năng hình thành sự gắn bó lãng mạn chất lượng cao ở tuổi trưởng thành hơn. Họ cũng dễ dàng giải quyết xung đột với người bạn đời lãng mạn và cả những người khác.
Tại sao một số trẻ em phát triển sự gắn bó an toàn hơn những trẻ khác? Một lý do là trẻ có tính khí di truyền khác nhau – xu hướng của chúng có thể là chủ động hoặc thụ động, phản ứng mạnh mẽ (nhiệt tình) hoặc điềm tĩnh đối với các kích thích. Tính khí thì khá nhất quán trong suốt cuộc đời của hầu hết mọi người. Những người với tính khí “khó” thường dễ sợ hãi hơn là những người khác ngay từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên. Một trẻ sơ sinh bị cắm chốt tại một điểm lúc 8 tháng tuổi, có liên quan đến khả năng tự kiểm soát khi trẻ lên 3 và sự kiểm soát xung động ở tuổi lên 3 tương quan với việc kiểm soát được sự bốc đồng khi trưởng thành.
Dạng thức gắn bó cũng liên quan chặt chẽ đến cách cha mẹ phản ứng với các nhu cầu của trẻ, bao gồm ôm ấp, tiếp xúc biểu cảm nét mặt v.v. Những tiếp xúc dịu dàng có thể trấn an trẻ. Để phát triển sự gắn bó an toàn thì cần nhiều thời gian và nỗ lực. Một nghiên cứu kiểm tra những trẻ em được nuôi dưỡng trong một trại trẻ mồ côi ở Châu Phi, Châu Á, Đông Anh hoặc Mỹ La Tinh từ 1 đến 3 tuổi trước khi được nhận nuôi bởi một gia đình người Mỹ. Ba tháng sau khi được nhận nuôi, khoảng một nửa số trẻ em biểu hiện sự gắn bó với các cha mẹ nuôi và 9 tháng sau, khoảng 2/3 trẻ thể hiện sự gắn bó an toàn.
Dạng thức gắn bó tương tự nhau giữa các nền văn hóa, dù vẫn có một vài ngoại lệ. Tuy nhiên, những biểu hiện gắn bó đôi khi phản ánh những khó khăn trong việc đo lường. Trong một nghiên cứu, các nhà tâm lý học Châu Âu quan sát những đứa trẻ da màu ở Nam Phi và phát hiện ra sự thiếu nhất quán trong việc đo lường sự gắn bó giữa các tình huống. Khi họ mời người dân địa phương tham gia điều tra thì các nhà quan sát địa phương, những người hiểu rõ phong tục bản địa, báo cáo dữ liệu có tính nhất quán cao hơn nhiều. Nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ gắn bó lo âu ở trẻ sơ sinh Nhật Bản cao bất thường. Tuy nhiên, những người mẹ Nhật Bản lại thường gần gũi với con, thậm chí tắm và ngủ cùng con. Khi các bà mẹ Nhật Bản được thuyết phục là để trẻ một mình với một người lạ, thì nhiều trường hợp được coi là một trải nghiệm mới của trẻ, và trẻ đã biểu hiện nỗi sợ hãi kinh hoàng. Phản ứng tương tự ở một đứa trẻ Hoa Kỳ thì lại mang một ý nghĩa khác.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.