Trẻ em là nhân chứng

LyonChildWitness

Trẻ em là nhân chứng

Children as Eyewitnesses

Khi bàn về trí nhớ của nhân chứng, chúng ta hãy xem xét điều này với trẻ nhỏ. Chúng ta nên tin vào báo cáo của trẻ đến mức nào khi trẻ là nhân chứng hoặc nạn nhân của một tội ác? Làm thế nào chúng ta có thể đo lường độ chính xác?

Một trong những tiếp cận khoa học đó là yêu cầu một đứa trẻ nhớ lại một sự kiện mà trong đó, thông tin đã được biết trước, chẳng hạn như khám sức khỏe hoặc nha khoa. Trẻ có thể báo cáo những sự kiện đó tốt như thế nào? Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trẻ em dưới 3 tuổi báo cáo với độ chính xác hợp lý thậm chí 6 tuần sau đó (Baker-Ward, Gordon, Ornstein, Larus, & Clubb, 1993).

Một số yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của các báo cáo từ trẻ em:

  • Sự chậm trễ của câu hỏi. Sau một trải nghiệm đau buồn chẳng hạn như chấn thương, trí nhớ của trẻ lúc đầu là tốt nhất và trở nên kém chính xác hơn sau một thời gian dài trì hoãn. Tất nhiên, điều này cũng đúng với mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, với những trẻ còn rất nhỏ, một bản báo cáo bị trì hoãn đôi khi chi tiết hơn, đơn giản vì trẻ đã có khả năng sử dụng ngôn ngữ lưu loát hơn (Peterson, 2011).
  • Lặp lại câu hỏi. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ một câu hỏi, và ngay sau đó hỏi lại câu hỏi đó, đứa trẻ thường thay đổi câu trả lời (Krähenbühl & Blades, 2006; Poole & White, 1993). Rõ ràng đứa trẻ nghĩ, “Tại sao cô ấy lại hỏi tôi? Câu trả lời đầu tiên của tôi hẳn là sai!” Tuy nhiên, một người khác lặp lại câu hỏi, trẻ có thể sẽ đưa ra câu trả lời ban đầu. Ngoài ra, bạn nên hỏi lại câu hỏi sau một khoảng thời gian trì hoãn và bạn có thể nhận được thêm thông tin vào lần thứ hai. Một nhà nghiên cứu đã quan sát 37 trường hợp trong đó trẻ em từ 3 đến 12 tuổi bị loại khỏi một gia đình bạo hành và phỏng vấn về sự kiện này một tuần sau đó và ba tháng sau đó. Độ chính xác của các báo cáo đều tốt như nhau ở cả hai lần và trẻ em thường báo cáo thông tin mà trẻ đã bỏ qua lần đầu tiên vào lần thứ hai (Baugerud, Magnussen, & Melinder, 2014)
  • Loại câu hỏi. Đối với một câu hỏi mở, chẳng hạn như “Hãy cho cô biết chuyện gì đã xảy ra”, câu trả lời của trẻ nhỏ thường ngắn gọn nhưng chính xác. Sau một câu hỏi gợi ý, chẳng hạn như, “Ông ấy có chạm vào em, phần bên dưới quần áo không?” độ chính xác của trẻ em ít đáng tin cậy hơn (Lamb, Orbach, Hershkowitz, Horowitz và Abbott, 2007). Một câu hỏi gợi ý đặc biệt nguy hiểm sau một thời gian trì hoãn, khi trí nhớ đã suy yếu (Quas et al., 2007).
  • Nghe những đứa trẻ khác. Một đứa trẻ khi nghe những đứa trẻ khác báo cáo điều gì đó có khả năng sẽ nói điều tương tự, ngay cả khi đó là thông tin sai (Principe, Kanaya, Ceci, & Singh, 2006).
  • Sử dụng các biểu hiện thân thể. Để điều tra những nghi ngờ lạm dụng tình dục, một số nhà tâm lý học cố gắng khơi dậy trí nhớ của trẻ bằng cách cung cấp những con búp bê chi tiết về mặt giải phẫu và yêu cầu trẻ diễn xuất một số sự kiện. Tuy nhiên, trẻ em đôi khi hành động tưởng tượng thay vì ký ức. Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu trẻ thực hiện bài kiểm tra của bác sĩ (nơi họ biết điều gì đã xảy ra), trẻ sẽ thực hiện nhiều sự kiện đã không xảy ra (Greenhoot, Ornstein, Gordon, & BakerWard, 1999). Mặc dù búp bê dường như không giúp được gì, nhưng các bức vẽ thì có. Nếu một đứa trẻ được yêu cầu vẽ một sự kiện cũng như mô tả nó, kết quả thường là một mô tả chi tiết hơn, không làm mất đi độ chính xác (Patterson & Hayne, 2011). Tất nhiên, một số trẻ vẽ tốt hơn nhiều so với những trẻ khác.
  • Hiểu câu hỏi. Bạn đã bao giờ nhìn thấy ai đó imbosk lecythus chưa? Bạn có thể trả lời “Tôi không biết” hoặc “Ý bạn là gì?” Một đứa trẻ 3 tuổi không hiểu câu hỏi thường trả lời là “có” (Imhoff & Baker-Ward, 1999).

Người lớn dễ dàng đánh giá quá cao mức độ hiểu của một đứa trẻ. Một cặp vợ chồng đã đưa con gái 3 tuổi của họ đi du lịch và nói rằng họ sẽ dừng lại ở một nhà hàng thịt nướng barbecue để ăn tối. Em bé rất vui mừng đến nỗi em khó có thể chờ đợi. Em đã dành phần lớn thời gian của chuyến đi để hỏi, “Còn bao lâu nữa là đến bữa tiệc nướng bbq?” Cuối cùng khi họ đến gần nhà hàng, em bé hỏi, “Liệu những đứa trẻ khác cũng ở đó, cùng với Barbies của chúng chứ?” Đột nhiên, cha mẹ chợt nhận ra rằng: “À, hóa ra nó nghĩ bbq là búp bê barbies”

Chúng ta có thể tin vào lời khai của một đứa trẻ không? Tóm lại, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với cách đặt câu hỏi thích hợp, ngay cả một đứa trẻ 3 tuổi cũng cung cấp thông tin chính xác. Với câu hỏi bị chậm trễ, trì hoãn hoặc sai lệch, độ chính xác giảm xuống. Đối với câu hỏi có / không, hãy đảm bảo rằng trẻ hiểu câu hỏi.

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply