Dẫn nhập
Sau khi học mô-đun này, bạn sẽ có thể:
- Thảo luận về các nỗ lực dạy ngôn ngữ cho các sinh vật khác (không phải con người). ((* nguyên gốc – nonhumans))
- Mô tả và đánh giá các giải thích thích hợp cho việc con người được chuyên môn hóa như thế nào để học ngôn ngữ.
- Phân biệt giữa các loại suy giảm chức năng ngôn ngữ hậu tổn thương não.
- Mô tả cách trẻ em phát triển ngôn ngữ.
- Giải thích vai trò của các chuyển động mắt trong việc đọc
Mọi loài động vật đều có các cách giao tiếp, nhưng chỉ ngôn ngữ của con người mới có đặc tính “năng suất” _ khả năng kết hợp các từ thành các câu mới để thể hiện được vô số ý tưởng (Deacon, 1997). Con người liên tục phát minh ra những câu mới mà chưa người nào từng nói trước đây.
Có thể bạn đang muốn vặn lại: “Làm sao anh biết rằng chưa có ai từng nói câu đó trước đây?” Tất nhiên, không ai có thể chắc chắn rằng một câu nào đấy là mới, nhưng chúng ta có thể tin rằng có nhiều câu mới (mà không cần chỉ ra đích xác câu nào) vì có rất nhiều cách có thể để sắp xếp lại các từ. Hãy tưởng tượng bài tập này (nhưng đừng thực sự thử nó trừ khi bạn không còn gì khác để làm với cuộc đời mình):
Chọn một câu hơn 10 từ từ bất kỳ cuốn sách nào. Nhiệm vụ là tìm xem: bạn sẽ cần tiếp tục đọc cuốn sách đó hay bất kỳ cuốn sách nào khác trong bao lâu cho đến khi bạn tìm thấy lại một câu y hệt?
Nói ngắn gọn thì, chúng ta không ghi nhớ tất cả các câu mà chúng ta sử dụng. Thay vào đó, chúng ta học các quy tắc để đặt và hiểu câu. Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Noam Chomsky (1980) đã mô tả những quy tắc đó như một “ngữ pháp chuyển đổi” _ một hệ thống để chuyển một cấu trúc sâu thành cấu trúc bề mặt. Cấu trúc sâu là logic hoặc ý nghĩa hàm ẩn của một câu. Cấu trúc bề mặt là trình tự của các từ khi chúng được nói hoặc viết (xem hình 8.20). Theo lý thuyết này, bất cứ khi nào chúng ta nói, chúng ta chuyển cấu trúc sâu của ngôn ngữ thành cấu trúc bề mặt.
Hình 8.20: Theo định nghĩa “ngữ pháp chuyển đổi”, chúng ta chuyển một cấu trúc sâu nhất định thành các câu có cấu trúc bề mặt khác nhau:
– Tôi muốn một quả táo.
– Tôi mong muốn một quả táo.
– Đưa tôi một quả táo.
– Có thể cho tôi một quả táo không?
Hai cấu trúc bề mặt có thể giống nhau mà không đại diện cho cùng một cấu trúc sâu, hoặc chúng có thể đại diện cho cùng một cấu trúc sâu mà không giống nhau. Ví dụ: “John rất dễ hài lòng” có cấu trúc sâu giống như “Làm hài lòng John thật dễ dàng” và “Thật dễ dàng để làm hài lòng John”. Những câu này đại diện cho cùng một ý tưởng. Ngược lại, hãy xem xét câu “Đừng bao giờ đe dọa ai đó với cưa xích.” Cấu trúc bề mặt của câu đó phản ánh hai cấu trúc sâu, như trong hình 8.21.
Hình 8.21: Câu “Đừng bao giờ đe dọa ai đó với cưa xích” có một cấu trúc bề mặt nhưng có hai cấu trúc sâu, tương ứng với các nghĩa khác nhau:
- Cấu trúc sâu 1: Bạn đang cầm một cái cưa xích. Đừng đe dọa sử dụng nó để tấn công ai đó!
- Cấu trúc sâu 2: Một người bất bình thường nào đó đang cầm một chiếc cưa xích. Đừng đe dọa người này!
TIỀN THÂN CỦA CÁC LOÀI SINH VẬT KHÁC ĐỐI VỚI NGÔN NGỮ
Nhà nghiên cứu Terrence Deacon đã từng trình bày một bài nói chuyện về ngôn ngữ cho lớp tiểu học của con mình (8 tuổi). Một đứa trẻ trong lớp đã hỏi, liệu những con vật khác có ngôn ngữ riêng của chúng không. Deacon giải thích rằng các loài khác có giao tiếp nhưng không có tính “năng suất” như ngôn ngữ của con người. Đứa trẻ vẫn tiếp tục: “Liệu những con vật khác có ít nhất một ngôn ngữ đơn giản với một vài từ và những câu ngắn không?”. Không! _ Deacon trả lời.
Sau đó, một đứa trẻ khác lại hỏi, “Tại sao không?” (Deacon, 1997, tr. 12). Deacon khựng lại. Thực sự thì, tại sao lại không chứ ?! Nếu ngôn ngữ hữu ích đối với con người đến vậy, thì tại sao các loài khác không tiến hóa hơn ít nhất một chút về ngôn ngữ? Và, điều gì khiến con người học ngôn ngữ giỏi đến vậy?
Một cách để xác nhận sự chuyên môn hóa ngôn ngữ của con người là kiểm tra xem các loài khác có thể tiến bộ đến mức nào đối với ngôn ngữ. Bắt đầu từ những năm 1920, một số nhà tâm lý học đã nuôi tinh tinh trong nhà của họ và cố gắng dạy chúng nói chuyện. Những con tinh tinh đã học được nhiều thói quen của con người nhưng chỉ hiểu được một vài từ, và một vài nỗ lực nói của chúng thì cực kì thiếu chính xác.
Vấn đề chủ yếu là tinh tinh tạo ra âm thanh của chúng khi hít vào, trong khi con người nói khi thở ra. (Hãy thử xem. Bạn có thể nói tên của mình trong khi hít vào không?) Tuy nhiên, tinh tinh có thực hiện cử chỉ tay trong tự nhiên. R. Allen Gardner và Beatrice Gardner (1969) đã dạy một con tinh tinh tên là Washoe sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính Mỹ (Ameslan). Cuối cùng Washoe đã học được các ký hiệu cho khoảng 100 từ, và những con tinh tinh khác đã học cách giao tiếp với các ký hiệu hình ảnh khác (xem hình 8.22)
Những cử chỉ này giống với ngôn ngữ tới mức độ nào? Washoe và những con tinh tinh khác được huấn luyện theo cách này hầu như chỉ sử dụng các biểu tượng của chúng để đưa ra yêu cầu chứ không phải để mô tả và hiếm khi ở những dạng kết hợp ban đầu (Pate & Rumbaugh, 1983; Terrace, Petitto, Sanders, & Bever, 1979; Tompson & Church, 1980) . Ngược lại, một đứa trẻ có vốn từ vựng khoảng 100 từ liên kết các từ thành những câu ngắn và thường xuyên sử dụng từ để mô tả. Tuy nhiên, Washoe có hiểu được một ít. Con tinh tinh thường trả lời các câu hỏi “Ai” với tên, câu hỏi “Cái gì” với đồ vật và câu hỏi “Ở đâu” với địa điểm, mặc dù nó có xác định sai tên, đồ vật hoặc địa điểm (Van Cantfort, Gardner, & Gardner, 1989).
Các kết quả ấn tượng hơn đã được báo cáo ở một loài khác: tinh tinh bonobo _ Pan paniscus. Hành vi xã hội của những con tinh tinh Bonobo giống với con người ở một số khía cạnh: con đực và con cái hình thành sự gắn bó bền chặt, con cái đáp ứng tình dục ngoài mùa sinh sản, con đực đóng góp vào việc chăm sóc tinh tinh sơ sinh, và các con tinh tinh trưởng thành thường chia sẻ thức ăn. Giống như con người, chúng đứng thoải mái bằng hai chân sau và thường giao cấu trực diện. Một số con Bonobo đã học cách nhấn các phím trên bảng để tạo các câu ngắn, như trong hình 8.22c và hình 8.23. Không giống như Washoe và các loài tinh tinh thông thường khác, những con Bonobo đôi khi sử dụng các biểu tượng để mô tả các sự kiện mà không yêu cầu bất cứ điều gì. Một con Bonobo bị đứt tay đã giải thích rằng mẹ nó đã cắn nó. Tuy nhiên, không giống như trẻ em, các con Bonobo hầu như không bao giờ sử dụng các biểu hiện chiếm hữu, chẳng hạn như “Của tôi!” (Lyn, Greenfeld, Savage-Rumbaugh, Gillespie-Lynch, & Hopkins, 2011).
Hình 8.22: Các nhà tâm lý học đã cố gắng dạy tinh tinh giao tiếp bằng cử chỉ hoặc ký hiệu. (a) Một con tinh tinh sắp xếp các vụn nhựa để yêu cầu thức ăn. (b) Một con tinh tinh khác trong ngôi nhà chung với con người. (c) Kanzi, một con tinh tinh Bonobo, nhấn các ký hiệu để chỉ ra các từ. (d) Tinh tinh ra ký hiệu “bàn chải đánh răng”
Hình 8.23: Kanzi, một con tinh tinh Bonobo, chỉ vào câu trả lời trên bảng để trả lời các câu hỏi mà nó nghe được qua tai nghe. Người làm thí nghiệm, Rose Sevcik, không nghe được câu hỏi, vì vậy cô ấy không thể báo hiệu câu trả lời chính xác.
Những con Bonobo thành thạo nhất dường như thông hiểu được các ký hiệu tương đương như một đứa trẻ từ 24 – 30 tháng tuổi hiểu được ngôn ngữ (Savage-Rumbaugh và cộng sự, 1993). Chúng cũng thể hiện khả năng hiểu đáng kể với tiếng Anh nói, làm theo các mệnh lệnh kỳ quặc như “cắn bìu” ((* nguyên gốc bite your ball)) và “đưa máy hút bụi ra ngoài” (Savage-Rumbaugh, 1990; Savage-Rumbaugh, Sevcik, Brakke, & Rumbaugh, 1992). Chúng đã vượt qua bài kiểm tra phản ứng với các mệnh lệnh được đưa ra qua tai nghe, để đảm bảo rằng người thử nghiệm ngồi gần đó không sử dụng tín hiệu kiểu “Clever Hans”, như đã thảo luận trong chương 2 (xem hình 8.23).
Tại sao những con Bonobo lại thành công với ngôn ngữ hơn loài tinh tinh thông thường? Dường như tinh tinh Bonobo có khuynh hướng lớn hơn đối với loại hình học tập này. Chúng cũng học bằng cách quan sát và bắt chước, điều này giúp thúc đẩy khả năng học hiểu tốt hơn so với các phương pháp huấn luyện chính thức mà các nghiên cứu trước đây đã sử dụng (Savage-Rumbaugh và cộng sự, 1992). Lí do cuối cùng là, những con Bonobo đã bắt đầu được trải nghiệm ngôn ngữ từ tuổi đời rất sớm.
Dành cho bạn: 14. Dựa trên các nghiên cứu với tinh tinh Bonobo, bạn có thể đưa ra lời khuyên nào về cách dạy ngôn ngữ cho trẻ em bị suy giảm khả năng học ngôn ngữ?
Trả lời: 14. Bắt đầu cho học ngôn ngữ khi trẻ còn nhỏ. Dựa vào sự bắt chước càng nhiều càng tốt thay vì hỗ trợ để có những phản hồi chính xác.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.