THU THẬP BẰNG CHỨNG

 

Chuyển ngữ bởi: Thiện Đức, Xuân Thương

Thu thập bằng chứng

Khoa học là sự tìm kiếm kiến thức dựa trên dữ liệu khả lặp/replicable data và được quan sát cẩn thận. Trước tiên, chúng ta hãy xem xét việc thu thập dữ liệu khoa học,  sau đó, chúng ta sẽ  nghiên cứu về tính “khả lặp” của bằng chứng khoa học ở các phần mục tiếp theo.

Mọi nghiên cứu luôn bắt đầu bằng việc quan sát tỉ mỉ. Rất nhiều các nghiên cứu khoa học được xây dựng và thực hiện qua sự quan sát và đo lường. Ví dụ, Robert Provine (2000) đã nghiên cứu tiếng cười bằng cách ghé thăm các trung tâm mua sắm và ghi lại những người đã cười và khi nào họ cười.

Các quan sát và đo lường tốt thường gợi ý một mẫu thuật toán dẫn đến một giả thuyết hợp lý hơn, thường là một tuyên bố rõ ràng, nỗ lực để giải thích các quan sát. Một thử nghiệm của một giả thuyết thông qua một loạt các bước được mô tả trong bốn phần sau và minh họa ở hình 2.1. Các bài báo trong hầu hết các ấn bản khoa học cũng tuân theo trình tự này. Trong mỗi chương còn lại của cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy ít nhất một ví dụ về một nghiên cứu tâm lý học được miêu tả trong một phần mang tựa đề “Bằng chứng là gì?” Mỗi ví dụ đó sẽ trải qua một trình tự, đi từ giả thuyết đến giải thích sự vật hiện tượng sau cùng.

▲ Hình 2.1 Một thí nghiệm kiểm tra các dự đoán theo sau từ một giả thuyết. Kết quả hoặc hỗ trợ giả thuyết hoặc cho thấy cần phải sửa đổi hoặc từ bỏ nó.

Giả thuyết. Hypothesis

Một giả thuyết khoa học có thể bắt đầu bằng sự quan sát, đơn cử như bạn, trong quá trình quan sát, nhận ra rằng, một số những đứa trẻ có xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác, có thể là do chúng xem nhiều các chương trình tivi có nội dung bạo lực thường xuyên hơn chẳng hạn. Từ đây, một giả thuyết có thể được đưa ra dựa trên quan sát thực tế, có thể là: Việc xem các hành vi bạo lực cũng dẫn tới các hành vi bạo lực. Hay, một giả thuyết cũng có thể có tính bao trùm hơn, phổ quát hơn, như là: “Trẻ em có xu hướng bắt chước những hành vi mà chúng nhìn thấy”. Một giả thuyết được đánh giá tốt khi mà giả thuyết đó có thể dẫn tới những dự đoán. Ví dụ như: “Trẻ em sẽ có xu hướng thể hiện các hành vi bạo lực cao hơn, nếu chúng ta  để cho trẻ các nội dung trên ti vi các nội dung bạo lực”, hay “Tỷ lệ tội phạm sẽ giảm, nếu chúng ta thành công trong việc giảm tính bạo lực của các nội dung được chiếu trên tivi”.

Phương pháp. Method

Mọi giả thuyết đều có thể được kiểm chứng dưới nhiều hình thức. Một cách để kiểm tra ảnh hưởng của bạo lực trên tivi đó là xem xét liệu những trẻ thường xuyên xem các chương trình bạo lực nhiều hơn có xu hướng bạo lực hơn hay không.  Tuy nhiên, ngay cả khi kết quả sau quá trình kiểm tra đúng là những đứa trẻ có xem bạo lực trên tivi có các hành vi, biểu hiện bạo lực hơn bình thường so các trẻ khác,  thì kết quả này cũng mới chỉ là sự khởi đầu. Đó là bởi, kết quả này chưa cho phép các nhà khoa học kết luận nhân – quả rằng ”Xem các nội dung bạo lực dẫn đến bạo lực nhiều hơn”mà vẫn có trường hợp là bản thân những đối tượng nghiên cứu đã có xu hướng bạo lực từ trước, và từ đó mới kích thích chúng xem các nội dung có tính bạo lực trên tivi.

Bên cạnh đó, một phương pháp khác  tốt hơn để kiểm chứng giả thuyết về bạo lực ban đầu ở trên, chẳng hạn như thực hiện thí nghiệm trên các đối tượng tham gia trại hè. Tổng số người tham gia thí nghiệm kiểm chứng này sẽ được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm, sự khác nhau giữa hai nhóm này đó là nội dung họ được xem trong thí nghiệm. Một nhóm sẽ được xem các nội dung có mang tính bạo lực, trong khi nhóm còn lại sẽ được xem nội dung không có tính bạo lực. Sau đó, các nhà khoa học sẽ đối chiếu giữa hành vi của hai nhóm này với nhau, xem một nhóm có dấu hiệu, biểu hiện bạo lực hơn nhóm kia hay không (Parke, Berkowitz, Leyens, West, & Sebastian, 1977). Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này nằm ở chỗ, các nhà khoa học thực hiện thí nghiệm chỉ có thể kiểm soát được những gì mà họ thấy chỉ là trong vài ngày.

Cho dù là lựa chọn phương pháp, cũng có ưu nhược điểm, do vậy, các nhà khoa học sẽ đa dạng hóa các phương pháp của mình. Và nếu như các nghiên cứu này, với các phương pháp áp dụng khác nhau, nhưng lại đưa đến cùng một kết quả hay các kết quả có tính tương đồng, các nhà khoa học lúc này dần gia tăng độ tin tưởng của kết quả thí nghiệm và về giả thuyết của họ. Một thí nghiệm hay nghiên cứu đơn lẻ dường như là không thể đưa ra được một kết luận hay kết quả mang tính quyết định (Greenwald, 2012).

Kết quả. Results

Đối với mọi nghiên cứu, việc đo lường kết quả luôn là một nền tảng và quan trọng. Cũng với ví dụ về bạo lực ở trên, một khái niệm tâm lý như là “Hành vi bạo lực” rất khó để đo lường một cách chuẩn xác (Đe dọa có tính là bạo lực không? Lạm dụng bằng lời nói thì sao? hay khi nào thì một cú xô hay đẩy từ một người có thể được hiểu không phải là một hành vi nô đùa mà được xem là một hành vi bạo lực? ). Và những điều thiếu chắc chắn này đòi hỏi những nhà nghiên cứu cần phải đặt ra những quy định rõ ràng về các phép đo lường. Và sau khi đã thực hiện xong quá trình đo lường, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục xác định xem, những kết quả này có thực sự ấn tượng để tiến tới những nghiên cứu học thuật nhằm giả thích sâu hơn về chủ đề này hay không, hay đơn thuần sự biểu hiện của các xu hướng hay hiện tượng này chỉ là ngẫu nhiên.

Diễn giải. Interpretation

Sau cùng, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu đó là diễn giải ý nghĩa của những kết quả thu được. Nếu những kết quả này mâu thuẫn với giả thuyết ban đầu, các nhà khoa học cần từ bỏ hay sửa đổi lại giả thuyết ban đầu mà họ đưa ra. Và nếu trong trường hợp các kết quả phù hợp để giải thích cho các dự đoán của giả thuyết ban đầu, đó là kết quả làm gia tăng độ tin tưởng của giả thuyết, tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cần phải cân nhắc các giả thuyết khả thi khác có thể dẫn đến cùng kết quả nghiên cứu.

Tính khả lặp. Replicability

Hầu hết các nhà khoa học khi làm nghiên cứu đều giữ thái độ trung thực và cẩn trọng cao khi đưa ra các phương pháp nghiên cứu hay kết quả nghiên cứu của mình. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự cẩn trọng này đó là, trong các công trình nghiên cứu được công bố, buộc phải đề cập đầy đủ các phương pháp thực hiện quá trình nghiên cứu đề tài với mức độ chi tiết đủ để cho những người khác có thể lặp lại các qui trình, thao tác hay bước tiến hành và, hi vọng rằng sẽ thu nhận được kết quả tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu ai đó báo cáo những kết quả sai lệch thì sẽ có nguy cơ bị phát hiện, làm giảm đi độ tin tưởng với người này về sau.

Các kết quả có tính khả lặp lại là những kết quả mà bất kỳ ai cũng có thể thu được, ít nhất là gần đúng so với kết quả nghiên cứu ban đầu, khi áp dụng những qui trình tương tự được đề cập tới trong công trình khoa học đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học thường cho phép một số hiệu ứng nhỏ. Ví dụ như, một phương pháp giảng dạy mới có thể ưu việt hơn một số phương pháp khác, nhưng sự khác biệt về tính hiệu quả không lớn, vậy nên những ưu thế của phương pháp mới này có thể sẽ không được đề cập đến quá sâu kỹ trong nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt những nghiên cứu với mẫu khách thể tham gia nhỏ. Khi nhà nghiên cứu cố gắng xác minh một hiệu ứng nhỏ, họ sử dụng để xác định đó là phương pháp siêu phân tích (meta-analysis). Đây là phương pháp tích hợp nhiều các kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau, cùng hướng đến một kết quả  lớn và có tính chung giữa các nghiên cứu. Từ đây, các nhà khoa học có thể tiến hành xác định tác động của các biến trong thí nghiệm có giá trị làm tăng hay giảm các tính chất của kết quả thí nghiệm sau cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhà khoa học không tìm được nguyên nhân hay điều kiện nào hình thành nên các hiện tượng hay biểu hiện của sự vật, hiện tượng đang nghiên cứu một cách rõ ràng hay đạt được tính ổn định trong quá trình dẫn giải hay lý luận, thì kết quả này xem như là không đáng để xem xét. Tuy là có vẻ hà khắc, nhưng đây là phương pháp hiệu quả nhất để các nhà khoa học hạn chế các rủi ro.

Hãy cùng xem xét một thí nghiệm không có tính khả lặp sau. Vào những năm cuối 1960 đầu những năm  1970, trong một nỗ lực nhằm huấn luyện chuột thực hiện một việc gì đó, một số các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm như sau: Đầu tiên, các nhà khoa học huấn luyện cho một nhóm các con chuột một vài thao tác hay kỹ năng, sau đó, các họ tiến hành mổ hộp sọ của những con chuột đã được huấn luyện này, thu thập các chất hóa học lưu trong não của những con chuột đã qua quá trình huấn luyện, và sau đó tiêm trực tiếp vào não bộ của nhóm khác, gồm những con chuột chưa được huấn luyện. Kết quả cho thấy, những con chuột chưa qua huấn luyện sau khi tiêm các hóa chất này, dường như có thể ghi nhớ những kỹ năng và thực hiện được những kỹ năng của những con chuột thí nghiệm đã qua huấn luyện. Tuy nhiên, từ góc độ hiểu biết về cách thức mà não bộ hoạt động, về lý thuyết, thì quy trình này sẽ không xảy ra, nhưng hãy thử tưởng tượng xem chuyện gì có thể xảy ra nếu đều này có thể thực hiện được? Một số người tin rằng ở nghĩa đen, một ngày nào đó chúng ta có thể được tiêm vào đầu những kiến thức về lịch sử Châu Âu hay Nhập môn giải tích, thay vì phải ngồi ì ở lớp học. Tiếc thay, kết quả này hay giả thuyết này lại không mang tính khả lặp, nên khi một số các nhà khoa học cố gắng thu về kết quả tương tự bằng việc lặp lại quy trình nghiên cứu ban đầu trên, những gì họ thu lại, dường như không có sự thay đổi nào khi tiêm các dịch hay hóa chất chiết từ bộ não này sang các bộ não khác.

Kiểm tra kiến thức

Siêu phân tích liên quan như thế nào đến tính khả lặp?

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply