Tại sao chúng ta ngủ

Why We Sleep

Talking In Your Sleep? Here's What That Could Mean – Cleveland Clinic
(Photo: health.clevelandclinic.org)

Chúng ta không tiến hóa một cơ chế mà thúc đẩy chúng ta dành 1/3 thời gian sống để ngủ trừ khi việc ngủ mang lại ích lợi cho chúng ta. Nhưng điều ích lợi đó là gì? Các nhà khoa học đã xác định được một số ích lợi. 

Cách tiết kiệm năng lượng đơn giản nhất là ngủ. Khi NASA gửi một robot khám phá Sao Hỏa, họ lập trình nó tự tắt vào ban đêm vì việc khám phá tiêu tốn nhiều năng lượng. Có lẽ, tổ tiên của chúng ta tiến hóa cũng vì lý do tương tự. Động vật có vú và các loài chim giảm nhiệt độ cơ thể và tất cả các loài động vật giảm hoạt động cơ bắp, tiết kiệm năng lượng khi ngủ. Khi thực phẩm khan hiếm, con người ngủ ít hơn và có nhiệt độ cơ thể thấp hơn. 

Các giống loài vật khác nhau trong cơ chế ngủ theo nhiều cách tùy thuộc vào cách sống của mỗi loài (Campbell & Tobler, 1984; Siegel, 2005). Động vật săn mồi, bao gồm cả mèo và dơi thì ngủ gần như cả ngày. Chúng lấy dinh dưỡng cần thiết từ những bữa ăn ngắn gọn nhiều năng lượng và chúng ít phải đối mặt với việc bị tấn công trong khi ngủ. Ngược lại, những con ngựa cần nhiều thời gian gặm cỏ và sự sống sót của chúng phụ thuộc vào việc chạy thoát khỏi những kẻ tấn công, thậm chí cả ban đêm (xem ▲ Hình 10.11).  Chúng ngủ ít hơn và dễ dàng đánh thức. Woody Allen từng viết “Sư tử và bê con sẽ nằm xuống cùng nhau, nhưng bê con sẽ không ngủ được nhiều.” 

Các loài vật thể hiện sự chuyên biệt hóa về giấc ngủ. Một loài chim di cư, bar-tailed godwits (choắt mỏ thẳng đuôi vằn), di cư một tuần giữa mùa hè từ nơi trú ngụ ở Alaska và nơi trú ngụ mùa đông ở New Zealand. Bởi vì chúng bay xuyên qua đại dương nên không có nơi để nghỉ, chúng phải bay liên tục không ngừng không ngủ. Nhiều loài chim di cư khác kiếm ăn vào ban ngày và di cư vào ban đêm khi thời tiết mát hơn. Lịch trình đó không có thời gian để ngủ. Bằng cách nào đó, các loài chim này tạm thời tắt nhu cầu ngủ của chúng (Rattenborg et al., 2004). Thậm chí ngay cả khi các loài chim này bị nhốt trong lồng vào mùa di cư, chúng hầu như cũng không ngủ (Fuchs, Haney, Jechura, Moore, & Bingman, 2006). Chúng không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu thiếu ngủ, mặc dù việc chúng phải thức vào thời điểm khác trong năm sẽ gây ra những suy giảm về học tập và hiệu suất. 

Cá voi và cá heo đối mặt với một vấn đề khác: chúng phải ngoi lên mặt nước để thở suốt đêm. Giải pháp của chúng là ngủ một nửa bộ não tại một thời điểm trong khi nửa kia tỉnh táo (Lyamin et al., 2002; Rattenborg, Amlaner, & Lima, 2000). Hải cẩu cũng ngủ theo cách này khi chúng ở biển nhưng chúng chuyển sang ngủ cả hai não khi ở trên mặt đất (Lyamin, Kosenko, Lapierre, Mukhametov, & Siegel, 2008). Trong suốt tháng đầu tiên sau khi một cá voi con hoặc cá heo con được sinh ra, chúng không hề ngủ, và cả mẹ chúng cũng vậy (Lyamin, Pryaslova, Lance, & Siegel, 2005). Rõ ràng là, giống như các loài chim di cư, chúng tìm ra bí mật tạm thời tắt nhu cầu ngủ lại. 

Một số người có nhu cầu ngủ ít hơn người khác (Meddis, Pearson, & Langford, 1973), và một số người chịu đựng được tình trạng thiếu ngủ tốt hơn người khác. Vào năm 1965, một học sinh phổ thông ở San Diego, Randy Gardner (xem Hình 10.12), đã thức liên tục 11 ngày khi làm dự án khoa học ở trường mà không có dấu hiệu tổn thương nào (Dement, 1972). Vào đêm cuối cùng cậu đã chơi khoảng 100 trò chơi điện tử đấu lại nhà nghiên cứu giấc ngủ William Dement và đã thắng trong tất cả các trận. Ngay trước khi kết thúc thử thách, cậu đã tổ chức một cuộc họp báo và tự mình điều phối rất tốt. Sau đó cậu ngủ 14 giờ và 40 phút rồi thức dậy một cách sảng khoái.

 Nếu một kẻ tra tấn cấm bạn ngủ trong 11 ngày tới, bạn có làm được như Randy Gardner không? Có lẽ là không, bởi hai lý do: Thứ nhất, Gardner biết anh ta có thể từ bỏ nghiên cứu. Cảm giác kiểm soát làm cho các trải nghiệm trở nên ít căng thẳng hơn. Thứ hai, chúng ta nghe nói về Gardner chỉ bởi vì anh ta chịu đựng rất giỏi việc thiếu ngủ. Chúng ta không biết có bao nhiêu người cố gắng ngăn chặn giấc ngủ của mình nhưng đã từ bỏ. 

Tuy nhiên, mọi người khổ sở khi họ không ngủ đủ giấc. Người thiếu ngủ trở nên dễ tổn thương hơn khi bị bệnh, đặc biệt là trầm cảm và các bệnh tâm thần khác (Roberts & Duong, 2014; Wulff, Gatti, Wettstein, & Foster, 2010). Họ bị giảm sút sự tập trung (Åkerstedt, 2007; Gvilia, Xu, McGinty, & Szymusiak, 2006) và gặp sai sót trong hành vi đạo đức (Barnes, Schaubroeck, Huth, & Ghumman, 2011). Sau khi thiếu ngủ, một người thức có sự pha trộn giữa các tế bào thần kinh đang hoạt động với các tế bào thần kinh khác không hoạt động như thể họ đang ngủ (Vyazovskiy et al., 2011). Do đó, một tài xế thiếu ngủ cũng nguy hiểm như một tài xế say rượu (Falleti, Maruff, Collie, Darby, & McStephen, 2003). 

Giấc ngủ cũng giúp tăng cường khả năng học tập và trí nhớ ở các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào loại học tập (Doyon et al., 2009). Khi bạn học thứ gì đó, trí nhớ của bạn cải thiện nếu bạn đi ngủ trong vòng ba giờ sau đó (thậm chí là một giấc ngủ ngắn), và nó sẽ giảm sút sau một đêm mất ngủ (Hu, Stylos-Allan, & Walker, 2006; Korman et al., 2007; Rasch & Born, 2008; Yoo, Hu, Gujar, Jolesz, & Walker, 2007). Một đêm ngủ ngon cũng tăng cường khả năng học tập cho ngày hôm sau. Vì vậy, hãy cẩn trọng với những buổi học thâu đêm suốt sáng. 

Khi mọi người học một nhiệm vụ vận động mới và khó, chẳng hạn như là kỹ năng chơi một trò chơi điện tử, các vùng não hoạt động trong quá trình học tập sẽ được kích hoạt trở lại trong giấc ngủ đêm hôm đó, phát lại mô hình mà họ đã làm ban ngày nhưng nhanh hơn (và đôi khi chậm hơn). Số lượng các hoạt động tại các vùng não đó trong giấc ngủ dự báo mức độ tiến triển vào ngày hôm sau (Euston, Tatsuno, & McNaughton, 2007; Huber, Ghilardi, Massimini, & Tononi, 2004; Maquet et al., 2000; Peigneux et al., 2004). Thức và ngủ đóng vai trò bổ sung cho nhau trong học tập. Các nhà nghiên cứu động vật đã chứng minh rằng học tập tăng cường các khớp thần kinh (synapse) thích hợp khi thức và làm suy yếu các khớp thần kinh (synapse) khác khi ngủ. 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply