SỰ CHUYÊN MÔN HÓA CỦA CON NGƯỜI ĐỂ HỌC NGÔN NGỮ
Rõ ràng là con người thích nghi với ngôn ngữ hơn bất kỳ loài nào khác, kể cả tinh tinh Bonobos. Câu hỏi là, tại sao chúng ta học ngôn ngữ dễ dàng như vậy?
NGÔN NGỮ VÀ TRÍ TUỆ TỔNG QUÁT
Liệu có phải chúng ta đã phát triển ngôn ngữ như một sản phẩm phụ tình cờ của việc phát triển những bộ não lớn? Một số quan sát phản đối mạnh mẽ ý tưởng này. Cá heo và cá voi thậm chí có bộ não lớn hơn nhưng không phát triển một hệ thống giao tiếp linh hoạt giống như ngôn ngữ của con người. Một số người bị tổn thương não có tổng khối lượng não ít hơn tinh tinh nhưng vẫn tiếp tục nói và hiểu ngôn ngữ.
Ngoài ra, ước tính có tới 7% trẻ em có trí thông minh bình thường theo những cách khác nhưng có những hạn chế đáng chú ý về ngôn ngữ. Ví dụ: các trẻ em này không hiểu sự khác biệt giữa “Cô gái đã đẩy ai?” và “Ai đã đẩy cô gái?” (Leonard, 2007). Những người có một gen đặc biệt thậm chí còn bị suy giảm ngôn ngữ nhiều hơn mặc dù có trí thông minh bình thường (Fisher, Vargha-Khadem, Watkins, Monaco, & Pembrey, 1998; Lai, Fisher, Hurst, Vargha-Khadem, & Monaco, 2001). Họ không hoàn toàn nắm vững ngay cả các quy tắc đơn giản, ví dụ như cách tạo số nhiều của danh từ.
Ở thái cực ngược lại, hãy xem xét hội chứng Williams _ một tình trạng di truyền đặc trưng bởi sự chậm phát triển trí tuệ về hầu hết các khía cạnh nhưng khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt một cách đáng ngạc nhiên so với các khả năng khác (Meyer-Lindenberg, Mervis, & Berman, 2006). Một đứa trẻ, khi được yêu cầu nêu tên nhiều con vật nhất có thể, bắt đầu bằng “dê núi An-pơ, cá voi, bò đực, bò Tây Tạng, ngựa vằn, chó con, mèo con, hổ, gấu túi, rồng. . . ”. Một đứa trẻ khác có thể hát hơn 1.000 bài hát bằng 22 thứ tiếng (Bellugi & St. George, 2000). Tuy nhiên, những đứa trẻ này thích 50 xu hơn 5 đô la, và khi được yêu cầu ước tính chiều dài của một chiếc xe buýt, chúng đưa ra những câu trả lời như “Có lẽ là 3 inch hoặc 100 inch” (Bellugi, Lichtenberger, Jones, Lai, & St. George, 2000 ). Những đứa trẻ này cũng có các vấn đề trong việc chú ý và lập kế hoạch (Greer, Riby, Hamiliton, & Riby, 2013). Như vậy, rõ ràng là khả năng ngôn ngữ không giống với trí tuệ tổng quát.
HỌC NGÔN NGỮ NHƯ MỘT NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT
Susan Carey (1978) đã tính toán rằng trẻ em từ 18 tháng – 6 tuổi trung bình học 9 từ mới mỗi ngày. Nhưng làm thế nào để những đứa trẻ này suy ra ý nghĩa của tất cả những từ đó? Một phụ huynh chỉ vào một con ếch và nói “con ếch”. Làm thế nào để đứa trẻ đoán từ đó có nghĩa là “con ếch” chứ không phải là “vật nhỏ”, “vật màu xanh lá cây” hoặc “con ếch cụ thể này”? Thật vậy, tại sao đứa trẻ lại cho rằng một âm thanh nào đó có ý nghĩa nhất định gì đó?
Noam Chomsky đã lập luận rằng, trẻ em hẳn là phải bắt đầu bằng những định kiến. Chomsky và những người ủng hộ cho rằng mọi người được sinh ra với một “thiết bị thu nhận ngôn ngữ” _ một cơ chế tích hợp để tiếp thu ngôn ngữ (Pinker, 1994). Một bằng chứng cho lý thuyết này là những trẻ khiếm thính không được dạy ngôn ngữ ký hiệu đã tự sáng tạo ra một ngôn ngữ ký hiệu và cố gắng dạy nó cho cha mẹ hoặc cho những trẻ khiếm thính khác (Goldin-Meadow, McNeill, & Singleton, 1996; Goldin- Meadow & Mylander, 1998).
Bằng chứng nữa là trẻ em học cách sử dụng các cấu trúc ngữ pháp phức tạp, ví dụ như “Có phải cậu bé không hài lòng là câu bé đang xem chuột Mickey không?” mặc dù chúng không thường xuyên nghe thấy loại biểu hiện đó. Để tiếp thu loại ngữ pháp đó một cách nhanh chóng, trẻ em phải có một khuynh hướng nhất định nào đó. Tuy nhiên, bản chất chính xác của khuynh hướng đó là không chắc chắn.
NGÔN NGỮ VÀ BỘ NÃO CON NGƯỜI
Khía cạnh nào của bộ não con người giúp chúng ta học ngôn ngữ dễ dàng như vậy? Đã từ lâu, các nghiên cứu về những người bị tổn thương não chỉ ra hai vùng não đặc biệt quan trọng đối với ngôn ngữ. Những người bị tổn thương ở thùy trán, bao gồm cả vùng Broca (xem hình 8.24), mắc chứng bất lực ngôn ngữ Broca _ một tình trạng đặc trưng bởi sự khó khăn trong việc tạo ra từ ngữ. Suy giảm khả năng ngôn ngữ nghiêm trọng chỉ xảy ra nếu tổn thương vượt ra ngoài vùng Broca và thậm chí vào bên trong não, nhưng điều quan trọng ở đây là bản chất của sự suy giảm chứ không phải vị trí chính xác của tổn thương. Người mắc chứng này nói chậm và không rõ ràng được, khi viết hoặc đánh máy cũng không khá hơn. Một người mắc chứng mất ngôn ngữ Broca đặc biệt kém về khả năng hiểu và vận dụng ngữ pháp như giới từ, liên từ và chia dạng của từ. Ví dụ, một người khi được hỏi về một cuộc hẹn khám răng từ từ lẩm bẩm: “Có. . . thứ hai . . . bố và Dick. . . 9 giờ thứ Tư. . . 10 giờ . . . các bác sĩ . . . và . . . những răng ” (Geschwind, 1979, trang 186).
Những người bị tổn thương ở thùy thái dương, bao gồm cả vùng Wernicke (xem hình 8.24), mắc chứng bất lực ngôn ngữ Wernicke _ một tình trạng trong đó khả năng nhớ danh từ bị suy giảm và khả năng hiểu ngôn ngữ ((*nguyên gốc language comprehension)) của người đó bị suy giảm, mặc dù người đó nói lưu loát và đúng ngữ pháp. Khó khăn với danh từ đi cùng với khả năng hiểu ngôn ngữ: nếu bạn không thể nhớ cái gì đó được gọi là gì, bạn sẽ gặp khó khăn khi tạo câu dựa trên từ đó. Vì những người này bỏ qua hoặc sử dụng sai hầu hết các danh từ, nên các câu của họ trở nên rất khó hiểu. Ví dụ, một bệnh nhân trả lời câu hỏi về sức khỏe của mình rằng, “Tôi cảm thấy tồi tệ hơn bởi vì tôi không còn có thể ghi nhớ từ tâm trí của tâm trí để giữ cho tôi khỏi tâm trí và đến tai mà có thể tìm thấy giữa chính chúng ta” ( Brown, 1977, trang 29) .
Hình 8.24: Tổn thương não gây ra các hạn chế lớn về khả năng ngôn ngữ thường bao gồm tổn thương tại các vùng não trái trong hình. Các hạn chế ở mức nghiêm trọng chỉ xảy ra khi tổn thương không những bao gồm các vùng này mà còn cả các vùng khác.
Tuy nhiên, ngôn ngữ phụ thuộc vào không chỉ vùng Broca và vùng Wernicke mà còn nhiều vùng khác nữa. Nếu bạn nghe một câu chuyện có quang cảnh và âm thanh, hoạt động não sẽ tăng lên ở các vùng não chịu trách nhiệm về thị giác và thính giác. Nếu bạn nghe một câu chuyện có nhiều sự chuyển động, hoạt động não sẽ tăng lên ở các khu vực chịu trách nhiệm về cảm giác cơ thể và kiểm soát cơ. Nếu bạn nghe một câu chuyện rất xúc động, hoạt động não sẽ tăng lên ở các vùng não quan trọng đối với cảm xúc (Chow và cộng sự, 2013). Như vậy, việc hiểu ngôn ngữ có liên quan tới mọi thứ trong não. Mặc dù vùng Broca, vùng Wernicke và các vùng xung quanh đều quan trọng, nhưng chúng cũng không thể làm gì nếu không có kết nối với tất cả các phần khác của bộ não.
Dành cho bạn: 15. Bệnh nhân bị tổn thương não A nói lưu loát nhưng khó hiểu. Đối với chính cô ấy, cô ấy cũng thấy khó hiểu được lời nói của người khác. Bệnh nhân B hiểu hầu hết những gì người khác nói, nhưng anh ấy nói chậm và không rõ rang. Anh ấy bỏ qua gần như tất cả các giới từ, liên từ và hầu như không chia dạng của từ. Hai bệnh nhân trên đã mắc phải những chứng bất lực ngôn ngữ nào?
Trả lời: Bệnh nhân A mắc chứng bất lực ngôn ngữ Wernicke. Bệnh nhân B mắc chứng bất lực ngôn ngữ Broca.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.