Sự chú ý
Attention
Chúng ta luôn luôn bị ảnh hưởng một cách dồn dập bởi nhiều hình ảnh, âm thanh, mùi và các kích thích khác hơn mức ta có thể xử lý. Chú ý là xu hướng phản ứng và ghi nhớ tới một kích thích nào đó nhiều hơn những kích thích khác. Đôi khi, một cái gì đó chẳng hạn như tiếng ồn lớn hoặc ánh sáng nhấp nháy đột nhiên thu hút sự chú ý của bạn. Các nhà tâm lý học gọi đây là quá trình chú ý hướng thượng (bottom-up process) vì các kích thích ngoại biên kiểm soát điều này. Các nhà ảo thuật sử dụng xu hướng này. Một ảo thuật gia kéo một con thỏ hoặc một con chim bồ câu ra khỏi mũ, và những khan giả bị gây ngạc nhiên sẽ nhìn con thỏ bay đi hoặc con chim bồ câu bay đi một cách tự động. Trong khoảng thời gian ngắn lúc sự chú ý của khan giả bị chiếm đóng, nhà ảo thuật gia đã thực hiện một thủ thuật tiếp theo mà không bị chú ý (Macknik et al., 2008). Ngược lại với quá trình chú ý hướng thượng, bạn có thể chủ ý điều hướng chú ý của mình theo quá trình chú ý hướng hạ (top-down process). Để minh họa, hãy dán mắt vào dấu X ở trung tâm và sau đó, không di chuyển mắt, đọc các chữ cái trong vòng tròn xung quanh theo chiều kim đồng hồ:
Như bạn thấy, bạn có thể kiểm soát sự chú ý của mình mà không cần di chuyển mắt. Khi bạn tăng cường chú ý vào một thứ gì đó trong trường thị giác, phần vỏ não thị giác nhạy cảm với khu vực đó sẽ hoạt động mạnh hơn và nhận được nhiều máu dẫn đến hơn (Müller, Malinowski, Gruber, & Hillyard, 2003). Nếu bạn tập trung vào một từ, chẳng hạn như NÀY và chú ý vào các chữ cái, bạn sẽ tăng cường hoạt động trong các vùng ngôn ngữ của não, nhưng nếu bạn chú ý đến màu sắc của chữ này, bạn chuyển hoạt động sang các vùng não phụ trách xử lý màu sắc (Polk, Drake, Jonides, Smith và Smith, 2008).
Hãy quay lại với quá trình chú ý hướng thượng, trong đó, một kích thích sẽ tự động thu hút sự chú ý của bạn. Nghe tên bạn hoặc nhìn thấy ảnh của bạn gần như chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của bạn (Brédart, Delchambre, & Laureys, 2006; Shapiro, Caldwell, & Sorensen, 1997). Khuôn mặt giận dữ trong đám đông rất dễ nhận ra, trừ khi tất cả mọi người trong đám đông đều tức giận (Schmidt-Duffy, 2011). Nếu bạn lướt qua một trang sách, những từ mang tính xúc cảm mạnh mẽ sẽ thu hút sự chú ý của bạn, chẳng hạn như những từ đề cập đến hành vi đạo đức hoặc vô luân (Gantman & Van Bavel, 2014). Một vật thể chuyển động trong một quang cảnh tĩnh sẽ thu hút sự chú ý của bạn, đặc biệt nếu nó đang di chuyển bất thường, như một con vật đang uốn khúc hoặc di chuyển thẳng về phía bạn, gây ra mối đe dọa có thể xảy ra (Lin, Franconeri, & Enns, 2008; Pratt, Radulescu, Guo, & Abrams , 2010).
Sự chú ý của bạn đổ dồn vào bất cứ điều gì bất thường. Có lần tôi đã xem một cuộc thi trang phục, trong đó mọi người được yêu cầu phải ăn mặc thật khác biệt để bạn bè của họ có thể nhanh chóng tìm thấy họ trong một đám đông. Người chiến thắng là một thanh niên khỏa thân bước lên sân khấu. Mặc dù anh ấy chắc chắn đã giành được giải thưởng, nhưng cuộc thi có một vấn đề: Trang phục đặc biệt nhất (hoặc việc nó rất hiếm) phụ thuộc vào những gì mọi người khác đang mặc. Một người đàn ông khỏa thân có thể dễ dàng phát hiện ở hầu hết các nơi, nhưng tại một bãi biển khỏa thân, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra một người đàn ông mặc áo khoác và thắt cà vạt. Điều gì bất thường sẽ phụ thuộc vào bối cảnh.
Để minh họa cách một vật thể bất thường thu hút sự chú ý, hãy tìm một con sếu đang kêu trong ▲ Hình 8.4 trong đàn sếu. Điều đó thật dễ dàng, phải không? Khi bất kỳ thứ gì cực kỳ khác biệt so với các thứ khác xung quanh về kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc chuyển động, chúng tôi coi đây là quá trình tiền chú ý (preattentive process), nghĩa là nó nổi bật ngay lập tức. Bạn sẽ thấy con sếu đang kêu đó trong một bầy lớn hơn hoặc một bầy nhỏ hơn với tốc độ là như nhau.
Đối chiếu hoạt động trên với ▼ Hình 8.5. Ở đây, tất cả những con chim đều là những con chim trời màu cẩm thạch. Nhiệm vụ của bạn là tìm một con chim đang quay đầu sang phải. Ở đây, bạn phải kiểm tra từng con chim riêng biệt. Càng có nhiều con chim xuất hiện, bạn có thể sẽ cần phải tìm ra con bất thường càng lâu. (Bạn có thể nhanh chóng tìm thấy nó nếu bạn may mắn bắt đầu tìm kiếm ở góc của bức ảnh nơi nó đang đứng.) Bạn phải dựa vào một quá trình chú ý (attentive process)— quá trình này đòi hỏi sự tiếp kiếm xuyên suốt các vật thể trong một chuỗi (Enns & Rensink, 1990; Treisman & Souther, Năm 1985). Cuốn sách Waldo Ở Đâu? là một ví dụ điển hình về nhiệm vụ thách thức quá trình chú ý.
Sự khác biệt giữa quá trình tiền chú ý và chú ý có nhiều ứng dụng thực tiễn. Hãy tưởng tượng bạn là một nhà tâm lý học về Công thái học đang thiết kế một cỗ máy có nhiều đồng hồ đo. Giả sử khi máy chạy tốt, thì đồng hồ thứ nhất đọc khoảng 70, khổ thứ hai 40, thứ ba 30, thứ tư là 10. Nếu bố trí các đồng hồ đo như ở hàng trên cùng của ▼ Hình 8.6 thì người ta phải kiểm tra từng đồng hồ đo riêng để tìm bất cứ điều gì nguy hiểm. Ở hàng dưới cùng, các đồng hồ đo được sắp xếp sao cho tất cả các phạm vi an toàn ở bên phải. Bây giờ ai đó nhìn vào màn hình và nhanh chóng (chú ý trước) nhận thấy bất cứ điều gì bị lệch khỏi vị trí.
The Attention Bottleneck
Tắc nghẽn chú ý/ Nút thắt cổ chai
Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng sự chú ý bị hạn chế, như thể nhiều vật thể khác nhau đang cố gắng vượt qua một nút thắt cổ chai chỉ cho phép một chút ít thông tin đi qua tại một thời điểm. Nếu hai hoặc ba vật thể nhấp nháy nhanh trên màn hình, bạn có thể xác định màu sắc của chúng. Nếu sáu vật thể cùng nhấp nháy trên một màn hình, bạn vẫn biết màu sắc nhưng chỉ hai hoặc ba (Zhang & Luck, 2008). Bạn có thể chú ý một cách hiệu quả hơn vào một số mục cùng một lúc nếu chúng không tương đồng với nhau, chẳng hạn như một khuôn mặt và một bức tranh của một cái hồ. Một lý do rõ rệt đó là hai thứ giống nhau, chẳng hạn như hai khuôn mặt hoặc hai cảnh vật thiên nhiên, kích hoạt các nhóm tế bào thần kinh chồng chéo trong não, và do đó gây nhiễu lẫn nhau (Cohen, Konkle, Rhee, Nakayama, & Alvarez, 2014). Để kiểm tra nút thắt cổ chai về sự chú ý của riêng bạn và khám phá các chủ đề liên quan, hãy truy cập trang web này: dualtask.org.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong phòng điều khiển của nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, nơi xảy ra vụ tai nạn gần như thảm khốc vào năm 1979. ▲ Hình 8.7 cho thấy một phần nhỏ của căn phòng khi đó, với một số lượng khổng lồ các nút bấm và đồng hồ đo. (Kể từ đó, các điều khiển đã được thiết kế lại để đơn giản hóa nhiệm vụ.) Một hệ thống điều khiển được thiết kế kém sẽ lấn át khả năng chú ý của ai đó. Hãy xem xét các ví dụ về giới hạn của sự chú ý của con người.
Xung đột chú ý
Conflict in Attention
Bạn có thể làm hai việc cùng một lúc không? Bạn có thể dễ dàng thực hiện khi hai hoạt động có tính tương thích cao, chẳng hạn như đi bộ và nhai kẹo cao su (Hemond, Brown, & Robertson, 2010). Tuy nhiên, những người cố gắng “đa nhiệm”, thực hiện hai hoặc nhiều nhiệm vụ không liên quan cùng một lúc, thường bị suy yếu về hiệu năng nhiều hơn mức họ nhận thấy.
Ngay cả khi bạn chỉ làm một nhiệm vụ, mức độ chú ý của bạn cũng khác nhau. Trong khi “tâm trí bạn lơ đễnh”, bạn đang nghĩ về điều gì đó mà không liên quan đến nhiệm vụ và khả năng xử lý thông tin liên quan của bạn giảm xuống (Barron, Riley, Greer, & Smallwood, 2011). Sự lơ đễnh của tâm trí hay suy nghĩ lan man đặc biệt cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ khó khăn (Cohen & Maunsell, 2011).
Nhiều năm trước, khi radio trên ô tô được phát minh, người ta lo lắng rằng việc nghe radio sẽ khiến người lái xe mất tập trung và dễ gây tai nạn. Chúng ta giờ không còn lo lắng về radio, nhưng chúng talo lắng về những người lái xe sử dụng điện thoại di động. Nói chuyện điện thoại di động thường dễ gây mất tập trung hơn là trò chuyện với hành khách trên xe, vì hầu hết hành khách tạm dừng cuộc trò chuyện khi điều kiện lái xe khó khăn (Drews, Pasupathi, & Strayer, 2008; Kunar, Carter, Cohen, & Horowitz, 2008) . Một ngoại lệ cho điều này xảy ra nếu cuộc trò chuyện là một cuộc tranh cãi nảy lửa với người bạn tình lãng mạn. Tranh cãi nảy lửa trong khi lái xe là một hành vi mất tập trung nghiêm trọng trong bất kỳ điều kiện nào, nhưng thậm chí còn tồi tệ hơn nếu người lái xe và bạn tình ở cạnh nhau. Người lái xe có xu hướng nhìn bạn tình, cử chỉ và do đó giảm sự chú ý vào việc lái xe (Lansdown & Stephens, 2013). Điều gì sẽ xảy ra nếu một hành khách trên xe đang nói chuyện điện thoại với người khác? Trong trường hợp đó, người lái xe sẽ nghe thấy “halfalogue-nừa hội thoại”, một nửa của cuộc trò chuyện, gây mất tập trung hơn là một cuộc trò chuyện đầy đủ (Emberson, Lupyan, Goldstein, & Spivey, 2010). Một cuộc trò chuyện nửa vời có điểm bắt đầu và điểm dừng không thể đoán trước. Ngoài ra, một người không ở trong cuộc trò chuyện nhưng nghe lén nó có xu hướng “điền vào chỗ trống” bằng nội dung tưởng tượng và để làm được như vậy, năng lượng tâm trí sẽ bị hao tốn rất nhiều.
Hiệu ứng Stroop
The Stroop Effect
Trong ▲ Hình 8.8, hãy xem xét các khối màu ở trên cùng của hình. Nhìn từ trái sang phải, gọi tên từng màu nhanh nhất có thể. Sau đó nhìn vào các âm tiết vô nghĩa ở trung tâm của hình. Một lần nữa, hãy gọi tên màu của từng chữ càng nhanh càng tốt. Sau đó chuyển sang các từ thực ở phía dưới. Thay vì đọc chúng lên, hãy nhanh chóng nêu rõ màu sắc của từng từ.
Hầu hết mọi người đọc màu sắc nhanh chóng trong hai phần đầu tiên, nhưng họ đọc chậm lại rất nhiều đối với các từ được tô màu (cũng là tên của các màu sắc). Sau tất cả những năm đọc sách, bạn khó có thể tự nhìn vào ĐỎ và nói “xanh”. Việc đọc các từ làm bạn mất tập trung vào màu sắc. Xu hướng đọc các từ thay vì nói màu sắc của từ được gọi là hiệu ứng Stroop (Stroop effect), sau khi nhà tâm lý học phát hiện ra nó. Mọi người làm tốt hơn nhiệm vụ này nếu họ làm mờ cái mà họ nhìn, gọi tên màu sắc bằng một ngôn ngữ khác hoặc cố gắng coi các từ màu sắc là vô nghĩa (Raz, Kirsch, Pollard, & Nitkin-Kaner, 2006).
Các từ có luôn được ưu tiên hơn màu sắc không? Không cần thiết. Hãy thử cách sau: Quay lại Hình 8.8 và để ý các mảng màu ở bốn góc. Lần này, thay vì nói bất cứ điều gì, hãy chỉ vào miếng màu chính xác. Khi bạn đến ĐỎ, hãy chỉ vào mảng màu xanh lam ở phía dưới bên trái. Sau đó, thử lại cách biểu diễn này nhưng chỉ vào màu sắc tương ứng với nghĩa của từ. Đó là, khi bạn đến RED, hãy chỉ vào mảng màu đỏ ở phía trên bên trái.
Bạn có thể thấy dễ dàng để chỉ vào miếng dán phù hợp với màu mực và khó hơn để chỉ vào màu phù hợp với nghĩa của từ (Durgin, 2000). Khi bạn đang nói, bạn cần phải đọc những từ bạn nhìn thấy, nhưng khi bạn đang chỉ tay, bạn có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các tín hiệu phi ngôn ngữ, chẳng hạn như màu mực.
Mù thay đổi
Change Blindness
Từ lâu, các đạo diễn phim đã phát hiện ra rằng nếu họ quay các phần khác nhau của một phân cảnh vào những ngày khác nhau, thì rất ít người xem nhận thấy sự thay đổi của kiểu đám mây, giá đỡ ở phông nền hoặc quần áo của diễn viên (Simons & Levin, 2003). Tại sao vậy? Hầu hết mọi người tin rằng họ nhìn thấy toàn bộ phân cảnh cùng một lúc. Theo một nghĩa nào đó thì đúng là như vậy: Trong một nghiên cứu, mọi người đã xem gần 3.000 phân cảnh phức tạp với 3 giây cho mỗi cảnh. Đôi lúc, một trong các phân cảnh được lặp lại và khi điều đó xảy ra, người xem phải nhấn một phím để báo cáo rằng có nhận ra hay không. Trung bình, mọi người ghi nhận chính xác hơn 75% các phân cảnh được lặp lại (Konkle, Brady, Alvarez, & Oliva, 2010).
Tuy nhiên, việc nhìn thấy điểm chính của một phân cảnh khác với việc để ý từng chi tiết. Khi bạn nhìn vào một phân cảnh phức tạp, mắt bạn đảo xung quanh từ điểm cố định này sang điểm cố định khác, cố định mắt khoảng ba lần mỗi giây (Henderson, 2007). Trong mỗi lần cố định mắt, bạn chỉ chú ý tới một vài chi tiết (Franconeri, Alvarez, & Enns, 2007). Nếu một trong những chi tiết đó thay đổi trong khi bạn đang cố định nó, bạn sẽ nhận thấy. Một sự thay đổi lớn, đột ngột ở một nơi khác cũng sẽ thu hút sự chú ý của bạn. Nhưng bạn không thể chú ý đến từng chi tiết cùng một lúc và bạn có thể dễ dàng bỏ qua những thay đổi xảy ra dần dần hoặc trong khi chớp mắt (Cohen, Alvarez, & Nakayama, 2011; Henderson & Hollingworth, 2003).
Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là mù thay đổi (change blindness) – việc không phát hiện ra những thay đổi trong các phần của một phân cảnh. ▲ Hình 8.9 gồm 2 cặp hình ảnh. Trong mỗi cặp, một bức hình khác với cái còn lại ở một chi tiết duy nhất. Làm thế nào nhanh chóng bạn có thể tìm thấy những khác biệt? Hầu hết mọi người cần 10 giây hoặc lâu hơn (Rensink, O’Regan, & Clark, 1997).
Ta có thể đưa ra một kết luận: bạn không nĩu giữ một một biểu tượng chi tiết về cái bạn nhìn thấy hoặc nghe đươc. Bạn níu giữ một vài chi tiết, nhưng bạn không thể nhận ra hết mọi thứ. Một điều có thể suy ra từ hiện tượng này là việc các báo cáo của nhân chứng không có lúc nào là đầy đủ cả. Nhiều thứ có thể đã xảy ra mà một nhân chứng đã bỏ qua. Các nhà ảo thuật lợi dụng sự mù thay đổi cho các hoạt động của họ (Macknik và cộng sự, 2008). Một ảo thuật gia ném một quả bóng lên không trung và bắt nó một vài lần, sau đó giả vờ ném nó lên lần nữa ròi “xem” nó bay lên. Nhiều người xem không nhận thấy ngay sự thay đổi. Họ “nhìn” quả bóng đang đi lên. . . và sau đó biến mất!
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.