Hãy tưởng tượng bạn gặp một người đàn ông bị bệnh đa xương cứng. Liệu bạn có nói, “Đó là lỗi của ông. Ông đang bị trừng phạt vì tội lỗi của mình? Nhiều người trong thời đại trước đã từng tin điều đó. Chúng ta hãy mừng vì ngày nay chúng ta đã học được cách ngưng buộc tội cho nạn nhân.
Vậy chúng ta có không? Chúng ta có cho rằng những người hút thuốc có lỗi lớn nếu như họ bị ung thư phổi. Chúng ta biết rằng AIDS thường là do những người đã từng chích ma túy qua đường tĩnh mạch hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Nếu phụ nữ uống rượu khi mang thai, chúng ta cho rằng họ có trách nhiệm nếu con của họ bị dị tật hoặc bị thiểu năng trí tuệ. Khi chúng ta càng ngày càng tìm hiểu nhiều hơn về các nguyên nhân gây ra các căn bệnh khác nhau, chúng ta mong muốn mọi người chịu trách nhiệm cho sức khỏe của bản thân hơn. Tuy nhiên, có thể dễ dàng phóng đại ảnh hưởng của hành vi đối với sức khỏe. Ngay cả khi bạn cẩn thận trong chế độ ăn uống, chăm chỉ tập thể dục thường xuyên và tránh những rủi ro đã biết, bạn vẫn có thể bị bệnh.
Tâm lý học sức khỏe giải thích cách hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả các vấn đề như tại sao mọi người lại hút thuốc, tại sao họ đôi lúc bỏ qua lời khuyên của bác sĩ, và họ giảm đau như thế nào. Ở phần này, chúng ta tập trung vào căng thẳng – stress, ảnh hưởng của căng thẳng lên sức khỏe và các phương án đối phó với căng thẳng. Bản thân căng thẳng không phải là một biểu hiện của cảm xúc, nhưng nó kích thích các cảm xúc mạnh mẽ. Các cảm xúc của chúng ta ảnh hưởng đến quá trình sinh lý và từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe.
Stress
Bạn đã bao giờ mất nhiều đêm không ngủ để hoàn thành deadline? Hoặc đứng chờ người đón ở một khu vực nguy hiểm? hoặc có một người bạn thân đột nhiên không còn muốn gặp bạn nữa? hoặc cố gắng giải thích tại sao bạn không còn muốn hẹn hò ai đó? Những trải nghiệm này và vô số các trải nghiệm khác tạo ra căng thẳng.
Khái niệm căng thẳng của Selye – Selye’s Concept of Stress
Hans Selye, một bác sĩ người Áo từng làm việc tại trường đại học McGill ở Montreal, nhận thấy rằng nhiều loại bệnh có các triệu chứng giống nhau – sốt, trơ lì, buồn ngủ, chán ăn, và các triệu chứng này giải phóng hormone cortisol, một loại hormone giúp tăng cường sự trao đổi chất và làm tăng lượng đường cùng các năng lượng khác cho tế bào. Trong khi làm việc ở phòng thí nghiệm và nghiên cứu chuột, ông ghi chép rằng các triệu chứng tương tự kéo theo nhiều trải nghiệm căng thẳng, bao gồm nóng, lạnh, giam giữ, nhìn thấy mèo hoặc tiêm bất kỳ chất gì. Ông kết luận rằng cơ thể phản ứng với sốt, trơ ì, v.v. với bất kỳ đe dọa nào, và các triệu chứng đó là cách cơ thể phòng vệ. Theo Selye (1979), căng thẳng – stress là phản ứng không đặc hiệu của cơ thể đối với bất kỳ nhu cầu nào được thực hiện theo nó. Tất cả các nhu cầu của cơ thể đều gợi lên những phản ứng chuẩn bị cho việc chống lại một số mối đe dọa.
Khái niệm căng thẳng của Selye bao gồm các bất kỳ trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống của một người. Kết hôn và được thăng chức có lẽ là những trải nghiệm dễ chịu, nhưng chúng cũng đòi hỏi những thay đổi trong cuộc sống của bạn, do đó theo cách hiểu của Selye, chúng tạo ra căng thẳng. Tuy nhiên, định nghĩa của Selye không bao gồm ảnh hưởng của những thứ không thay đổi – như là nghèo đói, sự phân biệt chủng tộc, hoặc khuyết tật suốt đời. Một định nghĩa khác về căng thẳng là “một sự kiện hoặc nhiều sự kiện được hiểu là đe dọa tới một cá nhân và gây các ra phản ứng sinh lý và hành vi ” (Mcewen, 2000, p. 173). Bởi vì định nghĩa này nhấn mạnh điều mà một cá nhân hiểu là đe dọa, nó công nhận rằng một vài sự kiện có thể gây ra căng thẳng đối với bạn chứ không phải với người khác hoặc đối với bạn ở một lúc này chứ không phải lúc khác. Ví dụ, nhìn thấy một con rắn ở sân sau nhà bạn có thể khiến một người khiếp sợ nhưng không phải với người khác. Một từ chỉ trích từ sếp có thể làm cho bạn buồn lòng, nhưng không nhiều nếu bạn biết tại sao sếp của mình có tâm trạng tồi tệ.
Selye mô tả hội chứng thích ứng chung – general adaptation syndrome, là phản ứng của cơ thể với các sự kiện căng thẳng bất kể loại nào. Nó bắt đầu từ giai đoạn báo động, đánh dấu bởi hoạt động của hệ thần kinh giao cảm để chuẩn bị cho hoạt động mạnh mẽ. Tuy nhiên, hệ thần kinh giao cảm không có khả năng duy trì hưng phấn lâu dài. Sau một lúc, cơ thể bước vào giai đoạn kháng cự, khi tuyến thượng thận giải phóng cortisol và các hormone khác vẫn duy trì trạng thái tỉnh táo kéo dài. Cơ thể cũng tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm các hoạt động không cần thiết. Sau khi căng thẳng quá độ kéo dài, cơ thể bước vào tình trạng kiệt quệ, biểu hiện bằng bằng sự mệt mỏi, không hoạt động, và suy giảm các khả năng chống chọi bệnh tật. Ví dụ, sau trận động đất xảy ra thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, nhiều gia đình phải tìm nơi trú ẩn xa nhà. Trong thời gian ngắn, họ cảm thấy tràn đầy sinh lực, nhưng khi không thể tiếp tục cuộc sống bình thường, họ trở nên trầm cảm (Brumfiel, 2013).
Mức độ căng thẳng của một sự kiện phụ thuộc vào cách chúng ta giải thích nó. Hầu hết mọi người sẽ vui khi về đích thứ hai ở thế vận hội Olympic, nhưng ai hi vọng về đích đầu tiên có thể coi đó là một thất bại.
Đo lường mức độ căng thẳng – Measuring Stress
Để nghiên cứu về căng thẳng, chúng ta cần đo lường được nó. Một phương pháp tiếp cận là đưa cho mọi người một danh sách ghi lại các trải nghiệm căng thẳng. Ví dụ, thang đánh giá điều chỉnh xã hội liệt kê 45 sự kiện thay đổi cuộc đời (Holmes & rahe, 1967). Các tác giả của bài kiểm tra này yêu cầu mọi người đánh giá mức độ căng thẳng của mỗi sự kiện, và dựa vào đó, họ tính điểm cho mỗi mục, như là 100 cho sự qua đời của người phối ngẫu và 11 cho một thẻ phạt vi phạm giao thông. Ở bảng hỏi này, bạn kiểm tra các sự kiện mà bạn trải qua gần đây, và một nhà tâm lý học tính tổng số điểm để đo lường mức độ căng thẳng của bạn.
Bảng danh sách này có một số vấn đề nghiêm trọng. Một là giả định rằng nhiều tác nhân căng thẳn nhỏ đồng thời xảy ra cùng với một tác nhân căng thẳng lớn. Ví dụ, tốt nghiệp đại học, bỗng dưng nhận được tiền, chuyển đến chỗ ở mới, và bắt đầu một công việc mới đều được coi là các tác nhân căng thẳng. Theo như bảng danh sách này, tỉ lệ kết hợp gần như gấp đôi số điểm mà bạn nhận được khi đánh giá việc ly hôn. Một vấn đề khác nữa là các mục này cũng hơi mơ hồ. Bạn đạt 44 điểm vì “sự chuyển biến sức khỏe của một thành viên trong gia đình.” Bạn chắc chắn kiểm tra mục đó nếu bạn phát hiện ra đứa con trai hoặc con gái 5 tuổi của mình mắc bệnh tiểu đường. Bạn có kiểm tra nếu như người dì của bạn, hiếm khi gặp, vừa khỏi bệnh cúm không? Rõ ràng là, bạn quyết định cái nào tính điểm và cái nào không.
Hơn nữa, một sự kiện xác định có những ý nghĩa khác nhau phụ thuộc vào cách mọi người giải thích sự kiện và những gì họ có thể làm (Lazarus, 1977). Việc mang thai không giống nhau giữa một phụ nữ mang thai ở tuổi 27 so với một cô gái chưa kết hôn ở tuổi 16. Mất việc khiến một người 50 tuổi choáng váng, nhưng chỉ làm xáo trộn nhẹ với chàng trai 17 tuổi, và không là gì đối với một diễn viên đóng nhiều vở kịch mỗi năm mà chẳng bao giờ hi vọng vở kịch nào tồn tại lâu. Bạn cảm thấy thế nào về việc đoạt huy chương bạc trong thế vận hội Olympics? Hầu hết chúng ta cảm thấy thật tuyệt vời, nhưng nhiều vận động viên đoạt huy chương bạc cảm thấy thất vọng vì không đoạt huy chương vàng (Medver, madey, & Gilovich, 1995). Điều quan trọng không phải là bản thân sự kiện đó mà là việc sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Tuy nhiên, một vấn đề khác trong cách tiếp cận của Selye đó là coi tất cả các tác nhân gây căng thẳng là tương đương nhau, ngoại trừ về số lượng. Các nghiên cứu về sau phát hiện ra rằng sự từ chối cá nhân đặc biệt đáng lo ngại, như là xuất phát từ việc chia tay người tình lãng mạn, bị sa thải khỏi công việc, hoặc bất kỳ cơ hội nào mà một người cảm thấy bị bỏ rơi hoặc từ chối. Kiểu căng thẳng đó đặc biệt dẫn đến các vấn đề về sức khỏe (Murphy, slavich, chen, & miller, 2015).
Tác động của căng thẳng không chỉ phụ thuộc vào các sự kiện khó chịu (“phức tạp”) mà chúng ta phải đối mặt nhưng còn là cả các sự kiện dễ chịu (“thăng hoa”) làm một ngày của chúng ta tươi sáng hơn (Kanner, coyne, schaefer, & lazarus, 1981). Bảng 12.1 giới thiệu một ví dụ về cách tiếp cận này. Cho rằng mức độ căng thẳng của một sự kiện phụ thuộc vào cách hiểu của chúng ta về sự kiện, cách tốt nhất để đo lường mức độ căng thẳng của một người là thông qua phỏng vấn sâu
Bảng 12.1 Mười sự kiện phức tạp và thăng hoa | |
Phức tạp | Thăng hoa |
1. Liên quan đến cân nặng | 1. Có quan hệ tốt với người phối ngẫu hoặc người yêu |
2. Sức khỏe của một người trong gia đình | 2. Có quan hệ tốt với bạn bè |
3. Giá hàng hóa tăng | 3. Hoàn thành nhiệm vụ |
4. Bảo trì nhà cửa | 4. Cảm thấy khỏe mạnh |
5. Quá nhiều việc phải làm | 5. Ngủ đủ giấc |
6. Để sai vị trí hoặc làm mất đồ | 6. Ăn hàng |
7. Bảo trì sân vườn hoặc khu vực bên ngoài nhà | 7. Hoàn thành trách nhiệm |
8. Nghèo đói, đầu tư, thuế | 8. Thăm thú, gọi điện hoặc viết thư cho ai đó |
9. Tội phạm | 9. Dành thời gian cho gia đình |
10. Vẻ bề ngoài | 10. Nhà cửa (nội thất) làm hài lòng bạn |
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.