PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

Sự chuyên hóa não bộ con người tạo điều kiện cho việc học ngôn ngữ, nhưng chúng ta vẫn học một cách có ý thức chứ không hề vô thức. Điều đặc biệt là, việc học ngôn ngữ của trẻ em rất kì diệu ở chỗ: gần như mọi đứa trẻ đều học ngôn ngữ, kể cả khi cha mẹ đứa trẻ không biết gì về việc dạy ngôn ngữ. 

NGÔN NGỮ VÀ THỜI THƠ ẤU

Bảng 8.2 liệt kê các độ tuổi trung bình mà trẻ em đạt đến các giai đoạn khác nhau của khả năng ngôn ngữ (Lenneberg, 1969; Moskowitz, 1978). Đây chỉ là những số liệu trung bình, thực tế mỗi đứa trẻ đều khác nhau và sự khác nhau có thể tới mức đáng kể. Sự tiến triển qua các giai đoạn này phụ thuộc phần lớn vào sự trưởng thành (Lenneberg, 1967, 1969). Cha mẹ cho con cái họ tiếp xúc với ngôn ngữ càng nhiều sẽ càng làm tăng vốn từ vựng của trẻ, nhưng mức độ tiến bộ qua các giai đoạn ngôn ngữ không bị ảnh hưởng đáng kể. Những đứa trẻ bình thường của các bậc cha mẹ khiếm thính được tiếp xúc với ngôn ngữ nói ít hơn nhưng chúng cũng tiến bộ gần như đúng tiến độ. 

Bảng 8.2. Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ

TuổiKhả năng Ngôn ngữ Điển hình (Nhiều Biến thể Cá nhân)
3 thángNhững phát âm ngẫu nhiên
6 thángTiếng bập bẹ khác biệt hơn
1 nămTiếng bập bẹ giống với những âm thanh điển hình của ngôn ngữ dùng trong gia đình; có thể là một hoặc nhiều từ bao gồm “mẹ”; hiểu ngôn ngữ tốt hơn nhiều so với nói ra
1.5 nămCó thể nói một số từ (khoảng 50 từ), chủ yếu là danh từ; ít hoặc không có cụm từ
2 nămNói các cụm từ gồm hai từ
2.5 nămCác cụm từ dài hơn, các câu ngắn có một số lỗi và cấu trúc bất thường. Có thể hiểu ngôn ngữ nhiều hơn.
3 nămTừ vựng gần 1.000 từ; câu dài hơn với ít lỗi hơn
4 nămGần với khả năng nói của người lớn

Trẻ sơ sinh khiếm thính cũng nói bập bẹ ở mức độ nhiều ngang với trẻ sơ sinh bình thường trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu giảm dần. Lúc đầu, trẻ sơ sinh bình thường chỉ bập bẹ những âm thanh lộn xộn, nhưng rất sớm chúng cũng bắt đầu lặp lại được những âm thanh mà chúng nghe được. Đến 1 tuổi, trẻ sơ sinh bập bẹ hầu hết những âm thanh giống với ngôn ngữ mà người trong gia đình nói (Locke, 1994).

Một trong những âm đầu tiên trẻ sơ sinh bập bẹ là “mư”. Âm này hoặc những âm tương tự đã được nhiều ngôn ngữ trên thế giới sử dụng để chỉ “mẹ”. Trẻ sơ sinh cũng phát ra âm thanh giống như “đư”, “pư” và “bư”. Trong nhiều ngôn ngữ, từ chỉ “cha” nghe tương tự như “đa đa” hoặc “pa pa”. Baba là từ chỉ “cha” trong tiếng Trung phổ thông và chỉ “bà” trong một số ngôn ngữ khác. Như vậy có nghĩa là, trên thực tế, trẻ sơ sinh chính là người nói cho cha mẹ biết những từ cần sử dụng cho các khái niệm quan trọng. 

Đến 1 tuổi rưỡi, hầu hết trẻ có vốn từ vựng khoảng 50 từ, nhưng chúng hiếm khi liên kết các từ với nhau. Một đứa bé mới biết đi biết nói “bố ơi” và “tạm biệt”, nhưng không nói “Tạm biệt bố!”. Trong ngữ cảnh, cha mẹ thường có thể nhận ra những nghĩa có thể của những từ đơn lẻ này. Từ “Mẹ” mà trẻ nói có thể có nghĩa là “Đó là là bức ảnh của mẹ.”, “Đưa con đến gặp mẹ!”, “Mẹ đi rồi và để con ở đây.” hoặc “Mẹ ơi, con đói!”. Trẻ mới biết đi cũng giao tiếp nhiều bằng cử chỉ (Behne, Carpenter, & Tomasello, 2014; Kraljevic, Cepanec, & Simlesa, 2014). Tất nhiên người lớn cũng vậy! (Bạn thử định nghĩa mô hình “xoắn ốc” mà không dùng tay xem sao!) Đôi khi trẻ mới biết đi cũng kết hợp một từ với một cử chỉ, chẳng hạn như chỉ vào một cái gì đó và nói “của con” hoặc chỉ vào một cái mũ và nói “mẹ” với ý chỉ cái mũ của mẹ (Iverson & Goldin-Meadow, 2005). Từ ngữ và cử chỉ cấu nên kiểu câu thô sơ. Những đứa trẻ truyền đạt nhiều thông tin chỉ bằng cử chỉ hoặc lời nói cộng với cử chỉ khi 1 tuổi rưỡi sẽ có khả năng phát triển vốn từ vựng và cấu trúc câu phức tạp tốt hơn mức trung bình khi 3 tuổi rưỡi (Rowe & Goldin-Meadow, 2009).

Đến 2 tuổi, trẻ em bắt đầu tạo ra các cụm từ cực ngắn gọn gồm hai từ trở lên, chẳng hạn như “nhiều trang” (đọc thêm một số trang nữa), “hết dính” (tay con bây giờ sạch rồi) và “ngoài hết” (ai đó đã đóng cửa). Chúng ta có thể thấy tính độc đáo của các cụm từ như vậy, bởi vì không có vẻ như đã có bậc cha mẹ nào từng nói câu “ngoài hết”.

Ở độ tuổi 2.5 – 3 tuổi, hầu hết trẻ em đều tạo ra các câu với một số điểm đặc biệt. Nhiều trẻ nhỏ có quy tắc riêng cho câu phủ định. Một kiểu phổ biến là thêm “không” vào đầu hoặc cuối câu, chẳng hạn như “không con muốn đi ngủ!”. Một cô bé đã bày tỏ ý nói “không” của mình chỉ bằng cách nói điều gì đó to hơn và ở âm vực cao hơn. Nếu cô bé quát lên, “Con muốn cho mượn đồ chơi của con!” thì ý cô bé là, “Con không muốn chia sẻ đồ chơi của mình!”. Cô bé đã học được quy tắc trên sau khi để ý thấy rằng, mọi người đã quát lên khi bảo cô bé không được làm điều gì đó. Con trai tôi, Sam đã có thời gian bày tỏ ý “không” bằng cách thêm từ “đâu” vào cuối câu: “Con cũng muốn ăn đậu lima đâu!”. Trước đó con tôi đã nghe mọi người nói, “Tôi cũng không muốn làm điều đó đâu”.

Khi trẻ nhỏ nói, chúng áp dụng các quy tắc ngữ pháp, mặc dù tất nhiên chúng không thể nêu ra các quy tắc đó. Ví dụ: chúng áp dụng các quy tắc của tiếng Anh để tạo ra những câu như “the womans goed and doed something” (cô đó nhiều đi đã và làm đã gì đó” hoặc “the mans getted their foots wet.” (chú đó nhiều làm đã chân chú nhiều ướt). Chúng tôi cho rằng trẻ em “tạo quy tắc quá mức” hoặc “khái quát quá mức” các quy tắc. Con trai tôi, David, đã phát minh ra từ “shis” có nghĩa là “thuộc về một phụ nữ.” (Rõ ràng thằng bé đã khái quát quy tắc “he => his, vậy thì she => shis.”!). Một cách rõ ràng, ta có thể thấy là trẻ em không chỉ lặp lại những gì chúng đã nghe.

Mỗi người có một khoảng thời gian tối ưu để học ngôn ngữ ở thời kỳ đầu của tuổi thơ ấu (Werker & Tees, 2005). Phần lớn bằng chứng cho kết luận này đến từ những người học ngôn ngữ thứ hai. Người lớn có thể ghi nhớ từ vựng của ngôn ngữ thứ hai, nhưng trẻ em giỏi hơn nhiều trong việc thuần thục cách phát âm và phần nào tiếp thu ngữ pháp tốt hơn (Huang, 2014). Những người bắt đầu ngôn ngữ thứ hai sau thời thơ ấu hiếm khi đạt đến trình độ của người bản ngữ. Ngay cả những người bắt đầu học ngôn ngữ đó sau vài năm đầu tiên của cuộc đời cũng gặp bất lợi (Abrahamsson & Hyltenstam, 2009). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm ra điểm mốc tuổi chính xác mà từ đó trở đi, ngôn ngữ đột nhiên trở nên khó hơn. Tính dễ học của ngôn ngữ thứ hai giảm dần từ thời kỳ đầu của tuổi thơ ấu cho đến những năm tuổi 60, 70 (Vanhove, 2013).

Dành cho bạn: 16. Tại sao các nhà tâm lý học tin rằng, ngay cả trẻ nhỏ cũng học các quy tắc ngữ pháp?

Trả lời: Trẻ em thể hiện rằng chúng có học các quy tắc ngữ pháp khi chúng khái quát hóa quá mức các quy tắc đó, tạo ra các từ như “cô nhiều” và “làm đã”.

TRẺ EM KHÔNG TIẾP XÚC VỚI NGÔN NGỮ HOẶC HAI NGÔN NGỮ

Liệu những đứa trẻ không được tiếp xúc với ngôn ngữ nào có tự tạo nên một ngôn ngữ mới? Trong một số trường hợp hiếm hoi, một đứa trẻ sơ sinh vô tình bị tách khỏi những người khác, lớn lên trong một khu rừng và không có sự tiếp xúc với con người cho đến khi được phát hiện nhiều năm sau đó. Những đứa trẻ như vậy không chỉ không thể hiện được ngôn ngữ của riêng chúng, mà còn không học được nhiều ngôn ngữ sau khi chúng có cơ hội (Pinker, 1994). Tuy nhiên, sự phát triển của chúng quá bất thường và quãng thời gian đầu đời của chúng chưa được soi tỏ rõ hết, vậy nên chúng ta không nên vội vàng trong việc đưa ra kết luận. 

Bằng chứng tốt hơn đến từ các nghiên cứu về trẻ em khiếm thính. những đứa trẻ không thể nghe đủ tốt để học nói và không được dạy ngôn ngữ ký hiệu sẽ phát minh ra ngôn ngữ ký hiệu của riêng chúng (Senghas, Kita, & Özyürek, 2004). Quan sát ở Nicaragua phát hiện ra rằng ngôn ngữ ký hiệu đã phát triển qua nhiều thập kỷ. Những người khiếm thính đã học ngôn ngữ ký hiệu và dạy nó cho thế hệ tiếp theo. Những người được dạy đã học ngôn ngữ ký hiệu từ thời thơ ấu, đã trau chuốt thêm cho ngôn ngữ ký hiệu, làm cho nó trở nên biểu cảm hơn, dạy ngôn ngữ ký hiệu nâng cao cho thế hệ tiếp theo, v.v. (Senghas & Coppola, 2001 ).

Nếu một đứa trẻ khiếm thính bắt đầu sáng tạo ra ngôn ngữ ký hiệu và không ai tương tác phản hồi lại nó, thì bởi vì đứa trẻ này không gặp những đứa trẻ khiếm thính khác và người lớn không hợp tác học ngôn ngữ mà nó sáng tạo, đứa trẻ này sẽ dần dần từ bỏ thứ ngôn ngữ mà nó tạo ra. Nếu một đứa trẻ khiếm thính học ngôn ngữ ký hiệu, đó có thể sẽ là cầu nối để sau này học ngôn ngữ nói. Trên bình quân, những đứa trẻ giỏi ngôn ngữ ký hiệu nhất cũng đọc tốt nhất tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ viết khác (Andrew, Hoshooley, & Joanisse, 2014). Một đứa trẻ khiếm thính không có cơ hội học ngôn ngữ ký hiệu cho đến khi khoảng 12 tuổi phải vật lộn để phát triển kỹ năng ngôn ngữ ký hiệu và không bao giờ bắt kịp những đứa trẻ đã bắt đầu sớm hơn (Harley & Wang, 1997; Mayberry, Lock, & Kazmi, 2002). Quan sát này là bằng chứng tốt nhất về tầm quan trọng của sự phát triển sớm trong việc học ngôn ngữ: một đứa trẻ không học bất kỳ ngôn ngữ nào khi còn nhỏ sẽ vĩnh viễn gặp khó khăn để học một ngôn ngữ.

Nhiều trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ, học 2 thứ tiếng. Có lẽ bạn sẽ đoán là một người nói 2 thứ tiếng trữ ((*nguyên gốc: represents)) các ngôn ngữ ở các vùng não khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng cả hai ngôn ngữ đều sử dụng ((*nguyên gốc: activates)) các vùng não giống nhau (Perani & Abutalebi, 2005). Những người đã ở trong môi trường song ngữ từ lúc lọt lòng sử dụng nhiều khu vực não hơn cho ngôn ngữ, bao gồm các phần của cả não trái và não phải. Họ cũng phát triển các kết nối rộng hơn trong não. Không những thế, cùng một vùng não tham gia vào cả 2 ngôn ngữ (Hull & Vaid, 2007; Luk, Bialystock, Craik, & Grady, 2011; Mechelli và cộng sự, 2004; Perani & Abutalebi, 2005). Nếu bộ não trữ ((*nguyên gốc: represents)) 2 ngôn ngữ ở những khu vực trùng nhau, làm thế nào để những người song ngữ giữ cho 2 ngôn ngữ của họ tách biệt? Họ không làm thế, ít nhất là không hoàn toàn làm vậy (Thierry & Wu, 2007). Họ thường bị nhầm lẫn khi chuyển đổi giữa các ngôn ngữ (Levy, McVeigh, Marful, & Anderson, 2007; Linck, Kroll, & Sunderman, 2009).

Học song ngữ có 2 nhược điểm: trẻ em mất nhiều thời gian để thông thạo hai ngôn ngữ hơn so với chỉ học một ngôn ngữ, và vốn từ vựng của chúng kém hơn so với những trẻ chỉ nói một ngôn ngữ. Những người song ngữ thường mất nhiều thời gian hơn mức trung bình để nghĩ ra một từ (Bialystok, Craik, & Luk, 2008). Mặt khác, lợi thế cơ bản dễ thấy của việc học song ngữ là: những người song ngữ có thể giao tiếp với nhiều người hơn (xem hình 8.25). Lợi thế thứ hai, như đã đề cập trước đó, là những người song ngữ học cách kiểm soát sự chú ý của họ một cách hiệu quả hơn (Engel de Abreu và cộng sự, 2012; Gold, Kim, Johnson, Kryscio, & Smith, 2013). Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh luận về mức độ hiệu quả đó.

Hình 8.25. Trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ hoặc đa ngôn ngữ đạt được khả năng giao tiếp với nhiều người hơn và có thể đạt được khả năng kiểm soát sự chú ý

Dành cho bạn: 17. Những ưu điểm và nhược điểm của việc học song ngữ là gì? 

Trả lời: 

Ưu điểm: Người đó có thể nói chuyện với nhiều người hơn, và có lẽ có thể cải thiện khả năng kiểm soát sự chú ý.

Nhược điểm: Người đó mất nhiều thời gian hơn để học so với người chỉ học một ngôn ngữ; và có thể với mỗi ngôn ngữ, mức độ thành thạo của người đó sẽ không  bằng người chỉ học một ngôn ngữ.

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.