Dù cả hai đều bao gồm một vài triệu chứng giống nhau như buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, thở dốc, tê cứng hoặc ngứa ran, run rẩy, đổ mồ hôi…, nhưng về bản chất, chúng là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau. Nhiều trang thông tin đã sử dụng hai thuật ngữ này thay thế lẫn nhau vì nghĩ rằng chúng đồng nghĩa, tuy nhiên điều này đã góp phần gây ra sự nhầm lẫn giữa hai hiện tượng trên.
Vậy điểm khác biệt giữa hai “sự tấn công” đó là gì?
I. Khái niệm của Panic Attack và Anxiety Attack
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition, DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), Panic Attack (Cơn hoảng loạn) là sự xuất hiện đột ngột của nỗi sợ và khó chịu dữ dội đi kèm theo các triệu chứng khác về thể chất và tinh thần. Cá nhân gặp phải Cơn hoảng loạn sẽ đột ngột cảm thấy tức ngực, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn, run rẩy, khô miệng, nghẹn, vã mồ hôi, bốc hỏa, khó chịu ở vùng bụng…một cách rất dữ dội. Sau khi đạt đến đỉnh điểm, các triệu chứng sẽ giảm dần sau khoảng 10 phút và thường kết thúc trong vòng vài phút cho đến 1 giờ.
Không chỉ với “Anxiety Attack”, Panic Attack còn thường bị nhầm lẫn với những cơn đau tim bởi những triệu chứng của nó. Chính cảm giác mà cơ thể bỗng nhiên xuất hiện hàng loạt triệu chứng mãnh liệt như vậy sẽ khiến nạn nhân cảm thấy như mình đang sắp chết hoặc sẽ chết trong tương lai vì lo sợ nó sẽ xảy ra lần nữa. Điều này có thể dẫn đến việc họ sẽ liên tục sống trong lo sợ và dần thay đổi những hoạt động thường ngày của mình nhằm giảm thiểu khả năng cơn hoảng loạn sẽ trở lại vào một ngày nào đó. Khi tình trạng này kéo dài và dần nghiêm trọng hơn, người đó có thể mắc phải Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder), một dạng rối loạn thuộc Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder).
Panic Attack xuất hiện gần như bất thình lình và thường không có nguyên nhân hoặc nguyên nhân rất khó để tìm thấy. Và trung bình cứ 1 trong 4 người sẽ gặp phải 1 cơn hoảng loạn ít nhất một lần trong đời.
Trong khi đó, Anxiety Attack thì lại không được DSM-5 định nghĩa cụ thể, và cụm từ này cũng không được công nhận như một chẩn đoán chính thức. Tuy nhiên theo Phạm Toàn (2021), nó được hiểu như một triệu chứng của các dạng rối loạn thuộc Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) như Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD), Rối loạn lo âu xã hội (SAD), Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD), một Chứng ám ảnh sợ (Phobias) cụ thể và các dạng rối loạn lo âu khác liên quan đến căng thẳng và chấn thương. Nói cách khác, triệu chứng lo lắng (Anxiety) của người bệnh đôi khi sẽ diễn ra một cách mãnh liệt đến mức khiến nó có cảm giác như một đợt “tấn công” của những lo âu và căng thẳng lên người bệnh, và đó có thể cũng chính là nguyên nhân cụm từ “Anxiety Attack” ra đời. Ngày nay, cụm từ này vẫn được sử dụng một cách không chính thức để chỉ những cơn lo lắng mãnh liệt hơn mức bình thường ở những bệnh nhân của các dạng Rối loạn lo âu.
Tương tự như khi gặp phải Cơn hoảng loạn, người có triệu chứng Lo lắng cũng sẽ cảm thấy tức ngực, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn, run rẩy, khô miệng, nghẹn, vã mồ hôi, bốc hỏa, khó chịu ở vùng bụng… nhưng với cường độ nhẹ và dai dẳng hơn. Điều này dẫn đến việc cơ thể của người bệnh dần bị bào mòn đến kiệt sức, khiến họ gặp các vấn đề về giấc ngủ và cảm giác mệt mỏi triền miên, dễ cáu gắt, mất tập trung, cảm thấy trống rỗng trong tâm trí và khó có cảm giác nghỉ ngơi thật sự.
Tuy hai khái niệm này là hoàn toàn tách biệt, các bệnh nhân của Rối loạn hoảng sợ (Panic Disorder) và Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder) có thể có triệu chứng lo lắng tiến triển thành các cơn hoảng loạn. Khi một người nghi ngờ một cơn hoảng loạn có thể sắp xảy ra, người này có thể sẽ trải qua sự lo lắng dồn dập vì lo sợ nó sẽ xảy đến những biểu hiện của sự lo lắng vô tình trở thành là nguyên nhân kích hoạt các cơn hoảng loạn.
Ví dụ: Một người trước đây từng gặp một cơn hoảng loạn khi đang ở trong thang máy. Điều đó khiến sau này người đó mỗi lần đi thang máy lại sợ rằng mình có thể sẽ gặp cơn hoảng loạn ấy một lần nữa. Sự lo lắng ấy vô tình là nguyên nhân kích hoạt cho cơn hoảng loạn lại xảy đến với họ lần thứ hai và vòng tròn cứ thế tiếp diễn…
II. Phân biệt giữa Panic Attack và Anxiety
Nguyên nhân : Anxiety là sự phản hồi của cơ thể về các mối đe dọa tiềm tàng trong thực tế hoặc tưởng tượng, trong khi Panic Attack thường xảy ra mà không có một nguyên nhân cụ thể.
Đặc điểm khi xuất hiện : Anxiety là sự tích tụ dần của những căng thẳng theo thời gian nên nó hầu như không gây bất ngờ so với với sự xuất hiện bất thình lình không dấu hiệu báo trước của Panic Attack.
Cường độ : Những triệu chứng của Anxiety thường sẽ diễn ra như những cơn sấm âm ỉ với cường độ ngày một gia tăng trong khi Panic Attack sẽ xuất hiện như một tia sét đánh ngang, đột ngột và dữ dội nhưng kết thúc nhanh chóng.
Thời gian : Anxiety có thể diễn ra trong nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng, trong khi Panic Attack thường chỉ diễn ra trong vòng từ vài phút đến 1 giờ.
Triệu chứng thể chất : Bên cạnh những triệu chứng thể chất giống nhau giữa chúng, Anxiety còn có thể khiến người bệnh dễ giật mình hơn, cảm thấy kiệt sức, căng cơ và rối loạn giấc ngủ trong khi người bị Panic Attack thường sẽ không gặp phải những triệu chứng như thế.
Triệu chứng tinh thần : Cả hai hiện tượng đều sẽ khiến nạn nhân cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, người gặp phải cơn hoảng loạn sợ rằng mình sẽ phát điên hoặc mất kiểm soát, sợ rằng mình sẽ chết hoặc mắc các bệnh có thể dẫn đến cái chết như đau tim. Nỗi sợ rằng có những tai họa kinh khủng sắp xảy đến hay cảm giác tách rời hiện thực và bản thân cũng là những tác động mà Panic Attack có thể gây ra cho 1 người. Còn đối với người gặp phải Anxiety, họ sẽ thường lo âu và căng thẳng quá mức, luôn cảm thấy bực mình, mệt mỏi và không thể nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Triệu chứng khác : Anxiety cũng thường khiến người mắc khó có thể kiểm soát được sự lo lắng của mình, bị mất tập trung hoặc cảm thấy hoàn toàn trống rỗng trong tâm trí.
Nguồn tham khảo:
[1]https://www.simplypsychology.org/the-difference-between-panic-attacks-and-anxiety-attacks.html
[2]https://www.verywellmind.com/anxiety-attacks-versus-panic-attacks-2584396
[3] Phạm Toàn (2021). Hướng Dẫn Chẩn Đoán Tâm Lý Tâm Thần Theo DSM-5. Nhà Xuất Bản Trẻ.