Pavlov và điều kiện hóa cổ điển

Pavlov và điều kiện hóa cổ điển

Sourse: Wall Art, Prints & Photo Gifts from Media Storehouse

Vào đầu những năm 1900, Ivan P. Pavlov, một nhà sinh lý học người Nga, người đã giành được giải Nobel sinh lý học nhờ nghiên cứu về tiêu hóa, đã tình cờ phát hiện ra một quan sát đưa ra một lời giải thích đơn giản cho việc học. Với sự gia tăng của chủ nghĩa hành vi, đó là thời điểm đã chín muồi cho những ý tưởng của Pavlov.

Một ngày nọ khi Pavlov đang theo đuổi nghiên cứu về tiêu hóa của mình, anh ấy nhận thấy rằng một con chó tiết ra dịch tiêu hóa ngay khi nó nhìn thấy nhân viên phòng thí nghiệm thường cho chó ăn. Vì sự tiết dịch này rõ ràng phụ thuộc vào những trải nghiệm trước đây của con chó, nên Pavlov gọi nó là sự tiết dịch “tâm lý”. Ông ấy đã tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia khác, những người phát hiện ra rằng việc “trêu chọc” một con chó khi nhìn thấy thức ăn sẽ tạo ra nước bọt có thể đoán trước và tự động như bất kỳ phản xạ nào. Pavlov gọi nó là phản xạ có điều kiện vì nó phụ thuộc vào điều kiện.

Quy trình của Pavlov

Pavlov cho rằng động vật được sinh ra cùng các liên kết tự động – được gọi là phản xạ không điều kiện – giữa kích thích như thức ăn và phản xạ như tiết dịch tiêu hóa. Ông phỏng đoán rằng động vật có được phản xạ mới bằng cách chuyển phản xạ với một kích thích thành một phản xạ vơí một kích thích khác. Ví dụ, nếu một âm thanh cụ thể luôn đi trước thức ăn, thì con vật sẽ chảy nước dãi khi nghe âm thanh đó như thể đó là thức ăn.

Quá trình mà một sinh vật học được mối liên hệ mới giữa hai kích thích – một kích thích trung tính và một kích thích đã tạo ra phản xạ – được gọi là điều kiện hóa cổ điển, hay điều kiện hóa Pavlovian. Nó được gọi là cổ điển vì nó đã được biết đến và nghiên cứu từ rất lâu.

Pavlov chọn những con chó có mức độ kích động vừa phải. Những con chó rất dễ bị kích động sẽ không giữ được đủ lâu vì cái mà ông gọi là “phản xạ tự do” của chúng. Những con chó dễ bị ức chế sẽ đi vào giấc ngủ. Ông đã gắn một ống vào một trong các ống dẫn nước dãi trong miệng chó để đo lượng nước bọt, như thể hiện trong ▼ Hình 6.2. Ông có thể đo dịch tiết trong dạ dày, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu đo tiết nước dãi.

 

Bất cứ khi nào Pavlov cho chó ăn thức ăn, con chó đều chảy nước dãi. Kết nối giữa thức ăn → tiết nước bọt là tự động, không cần huấn luyện. Pavlov gọi thức ăn là kích thích không điều kiện, và ông gọi việc tiết nước bọt là phản xạ không điều kiện.

Kích thích không điều kiện (UCS) là một sự kiện có tính tự động, nó tạo ra một phản xạ không điều kiện. Phản xạ không điều kiện (UCR) là hành động mà kích thích không điều kiện gây ra.

Tiếp theo, Pavlov đưa ra một kích thích mới, chẳng hạn như máy đập nhịp (trong âm nhạc) hoặc loại âm thanh khác. Khi nghe thấy máy đập nhịp, con chó ngước tai lên và nhìn xung quanh nhưng không tiết nước bọt, vì vậy máy đập nhịp là một kích thích trung tính đối với việc tiết nước bọt. Pavlov phát máy đập nhịp một khoảng thời gian ngắn trước khi đưa thức ăn cho con chó. Sau một vài lần kết đôi máy đập nhịp với thức ăn, con chó bắt đầu tiết nước dãi ngay sau khi nghe thấy máy đập nhịp (Pavlov, 1927/1960).

Chúng ta gọi máy đập nhịp là kích thích có điều kiện (CS) vì phản xạ của chó với nó phụ thuộc vào các điều kiện trước đó — nghĩa là việc kết đôi CS với UCS. Tiết nước dãi theo sau máy đập nhịp được gọi là phản xạ có điều kiện (CR). Phản xạ có điều kiện là bất kỳ phản xạ nào mà kích thích có điều kiện tạo ra do kết quả của quá trình điều kiện hóa (huấn luyện/đào tạo). Khi bắt đầu, kích thích có điều kiện không gây ra phản xạ đáng kể. Sau khi điều kiện hóa, nó tạo ra một phản xạ có điều kiện.

Trong thí nghiệm của Pavlov, phản xạ có điều kiện là việc tiết nước bọt và phản xạ không điều kiện cũng giống vậy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phản xạ có điều kiện khác với phản xạ không điều kiện. Ví dụ, phản xạ không điều kiện khi bị điện giật bao gồm la hét và nhảy dựng lên. Phản xạ có điều kiện đối với một kích thích kết hợp với sốc điện (ví dỵ, tín hiệu cảnh báo sốc điện) là sự căng cơ và ngừng hoạt động (ví dụ, Pezze, Bast, & Feldon, 2003).

Hãy cùng nhìn lại, kích thích không điều kiện (UCS), chẳng hạn như thức ăn, sẽ tự động tạo ra phản xạ không điều kiện (UCR), chẳng hạn như tiết nước dãi. Một kích thích trung tính, chẳng hạn như âm thanh, được ghép đôi với UCS sẽ trở thành một kích thích có điều kiện (CS). Lúc đầu, nó không tạo ra phản xạ hoặc phản xạ không liên quan, chẳng hạn như nhìn xung quanh. Sau một số lần kết hợp giữa CS với UCS, kích thích có điều kiện tạo ra phản xạ có điều kiện (CR), thường giống với UCR. Hình 6.2 vẽ sơ đồ các mối quan hệ này.

Như một quy luật, điều kiện hóa xảy ra nhanh hơn nếu kích thích có điều kiện không quen thuộc. Nếu bạn đã nghe thấy một giai điệu nhiều lần (và không có gì đi kèm theo) và bây giờ bắt đầu nghe lại thấy âm thanh đó kèm theo một kích thích mạnh, điều kiện hóa sẽ diễn ra chậm. Tương tự, hãy tưởng tượng hai người bị rắn cắn. Một người trước đây chưa bao giờ đến gần một con rắn, và người còn lại đã dành nhiều năm chăm sóc rắn tại vườn thú. Bạn có thể đoán được người nào sẽ cảm nhận được nỗi sợ hãi mạnh hơn.

 

Các ví dụ khác về điều kiện hóa cổ điển

Dưới đây là các ví dụ khác về điều kiện hóa cổ điển:

  • Đồng hồ báo thức của bạn phát ra tiếng cạch cạch vài giây trước khi chuông báo thức kêu. Lúc đầu, bản thân tiếng cạch cạch nhỏ không đánh thức bạn, nhưng chuông báo thức thì có. Sau một tuần hoặc lâu hơn, bạn thức giấc khi nghe thấy tiếng cạch cạch.

Kích thích không điều kiện = chuông báo thức → Phản xạ không điều kiện = thức giấc

Kích thích có điều kiện = tiếng cạch cạch → Phản xạ có điều kiện = thức giấc

  • Bạn nghe thấy tiếng khoan của nha sĩ ngay trước khi bạn cảm thấy khó chịu khi mũi khoan trên răng. Kể từ đó, âm thanh của máy khoan của nha sĩ làm dấy lên lo lắng.

Kích thích không điều kiện = khoan → Phản xạ không điều kiện = căng thẳng

Kích thích có điều kiện = âm thanh của máy khoan → Phản xạ có điều kiện = căng thẳng

  • Bà mẹ cho con bú phản xạ với tiếng khóc của con mình bằng cách đặt trẻ vào bầu vú, kích thích dòng sữa chảy ra. Sau vài ngày lặp đi lặp lại, tiếng khóc của trẻ đủ để bắt đầu chảy sữa.

Kích thích không điều kiện = trẻ bú → Phản xạ không điều kiện = dòng sữa

Kích thích có điều kiện = tiếng khóc của trẻ → Phản xạ có điều kiện = dòng sữa

  • Bất cứ khi nào bạn cùng phòng của bạn bật công tắc trên hệ thống âm thanh, thiết bị sẽ bắt đầu phát ra âm thanh ở mức chói tai. Bạn sẽ giật thót ngay khi nghe thấy tiếng gạt của công tắc.

Kích thích không điều kiện =tiếng nhạc rất lớn → Phản xạ không điều kiện = giật thót

Kích thích có điều kiện = nhấp nhẹ công tắc → Phản xạ có điều kiện = giật thót

Lưu ý tính hữu ích của điều kiện hóa cổ điển. Nó giúp một cá nhân chuẩn bị cho những sự kiện có khả năng xảy ra.

Thêm một ví dụ nữa: Hãy nghĩ đến hình ảnh một quả chanh, một quả chanh tươi ngon. Bạn cắt thành từng lát mỏng rồi ngậm một lát. Hãy tưởng tượng vị chua đó. Khi tưởng tượng về quả chanh, bạn có thấy mình đang chảy nước miếng không? Nếu vậy, trí tưởng tượng của bạn đủ tương đồng với hình ảnh và mùi vị thực tế của quả chanh và đây chính là một kích thích có điều kiện.

 

Các hiện tượng khác của điều kiện hóa cổ điển

Quá trình thiết lập hoặc củng cố một phản xạ có điều kiện được gọi là quá trình hình thành – acquisition. Sau khi khám phá ra điều kiện hóa cổ điển, Pavlov và những người khác đã thay đổi các quy trình để tạo ra các kết quả khác. Dưới đây là một số hiện tượng chính.

Dập tắt – Extinction

Giả sử ai đó phát ra tiếng còi và sau đó thổi một luồng khí vào mắt bạn. Sau một vài lần lặp lại, bạn bắt đầu nhắm mắt ngay khi nghe thấy tiếng còi (xem ▼ Hình 6.3). Bây giờ còi kêu liên tục mà không có luồng không khí. Bạn sẽ phản ứng ra sao?

Bạn chớp mắt lần đầu tiên và có thể lần thứ hai và thứ ba, nhưng không lâu sau, bạn dừng lại. Sự giảm phản xạ có điều kiện này được gọi là dập tắt – extinction. Để dập tắt một phản xạ có điều kiện cổ điển, hãy lặp lại liên tục kích thích có điều kiện (CS) nhưng không đi kèm với kích thích không điều kiện (UCS). Có nghĩa là, việc hình thành một phản xạ (CR) xảy ra khi CS dự đoán UCS và sự ngưng xảy ra khi CS không còn dự đoán UCS nữa.

Sự dập tắt không giống như việc quên. Cả hai đều làm suy yếu phản xạ đã học, nhưng chúng phát sinh theo những cách khác nhau. Bạn hay quên trong một thời gian dài mà không được nhắc nhở hoặc luyện tập. Sự dập tắt xảy ra do một trải nghiệm cụ thể – việc nhận được kích thích có điều kiện mà không đi kèm với kích thích không điều kiện. Nếu quá trình hình thành là việc học phản xạ, thì dập tắt là học cách kìm hãm nó.

Đừng để bị nhầm lẫn bởi nội hàm của thuật ngữ dập tắt. Sau khi một loài động vật hoặc thực vật bị tuyệt chủng, nó đã biến mất vĩnh viễn. Trong điều kiện hóa cổ điển, dập tắt không có nghĩa là biến mất. Dập tắt chặn một phản xạ. Hãy nghĩ nó giống như việc dập lửa: Đổ nước vào đám cháy lớn sẽ dập tắt ngọn lửa, nhưng một vài cục than hồng âm ỉ có thể tồn tại rất lâu sau đó và chúng có thể dễ dàng bùng cháy trở lại.

 

Phục hồi tự phát – spontaneous recovery

Giả sử bạn đang tham gia trong một thí nghiệm về điều kiện hóa cổ điển. Lúc đầu, bạn liên tục nghe thấy tiếng còi (CS) trước khi luồng khí thổi vào mắt bạn (UCS). Sau đó tiếng còi ngừng việc báo trước một luồng khí sẽ thôi vào mắt. bạn. Sau một vài lần thử nghiệm, phản xạ của bạn với tiếng còi sẽ biến mất. Tiếp theo, bạn chờ đợi một lúc (trong quá trình đó không có gì xảy ra) cho đến khi đột nhiên bạn nghe thấy tiếng còi một lần nữa. Bạn sẽ phản ứng ra sao? Rất có thể, bạn chớp mắt dù nhẹ thôi. Phục hồi tự phát là sự trở lại tạm thời của phản xạ bị biến mất sau một khoảng thời gian trì hoãn (xem ▼ Hình 6.4)

Tại sao sự phục hồi tự phát xảy ra? Hãy nghĩ theo cách này: Lúc đầu, tiếng còi báo trước một luồng khí thổi vào mắt bạn, sau đó thì không. Bạn đã hành động theo cách phù hợp với những trải nghiệm xảy ra mới hơn. Vài giờ sau, không có trải nghiệm nào mới hơn trải nghiệm nào cả, bởi vậy cơ chế hình thành và dập tắt đều sẽ có hiệu ứng mạnh mẽ như nhau.

 

Khái quát hóa kích thích – Stimulus generalization

Giả sử một con ong đốt bạn và bạn học cách sợ loài ong. Bây giờ bạn nhìn thấy một con ong bắp cày hoặc đụng vào một tổ ong bắp cày. Bạn cũng sẽ sợ chứ?

Bạn có thể sẽ như thế, nhưng bạn có thể sẽ không sợ bướm hoặc các loài côn trùng khác không giống ong. Kích thích mới càng giống với kích thích có điều kiện, bạn càng có nhiều khả năng thể hiện phản xạ tương tự (xem ▲ Hình 6.5). Khái hóa kích thích là sự mở rộng phản xạ có điều kiện từ kích thích được tập luyện sang các kích thích tương tự.

Tuy nhiên, thường rất khó để xác định ý nghĩa của từ “tương tự” (Pearce, 1994). Sau khi bị ong đốt, bạn có thể sợ tiếng ong vo ve khi đi bộ trong rừng nhưng không phải khi bạn nghe những âm thanh tương tự trong một bộ phim tài liệu về thiên nhiên trên truyền hình. Hơn nữa, hai điều trên có vẻ tương tự với bạn nhưng có thể không giống với người khác.

 

Phân biệt kích thích –  Stimulus discrimination

Bạn đang đi bộ qua một khu vực hoang dã mang theo một đứa trẻ. Tại một thời điểm nào đó, em bé lắc lư chiếc trống lắc để nó phát ra tiếng lạch xạch. Bạn nghe thấy âm thanh và mỉm cười. Một phút sau, bạn nghe thấy một tiếng lạch xạch hơi khác — đó là âm thanh của một con rắn chuông. Bạn phản xạ rất khác bởi vì bạn đã học được cách phân biệt kích thích cách phản xạ khác nhau với những kích thích sẽ dự đoán kết quả khác nhau. Tương tự, bạn phân biệt giữa chuông báo hiệu giờ học bắt đầu và chuông báo cháy khác.

Huấn luyện phân biệt giúp tăng cường sự nhạy cảm của chúng ta với các tín hiệu giác quan. Trong một nghiên cứu, người ta ngửi hai loại hóa chất có vẻ gần như giống nhau. Tuy nhiên, một hóa chất luôn theo sau là một cú sốc điện, và hóa chất kia theo sau là những khoảng thời gian an toàn. Khi quá trình huấn luyện được tiến hành, mọi người phát hiện ra sự khác biệt tốt hơn và họ phản xạ với mùi sẽ đi kèm theo đợt sốc điện (Li, Howard, Parrish, & Gottfried, 2008).

 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply