Khảo sát về cảm xúc – A Survey of Emotions
Phần đầu tiên đã đặt ra những câu hỏi lý thuyết hóc búa, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện nhiều điều khác cho tới khi giải đáp được chúng. Ngay cả khi chúng ta loại bỏ khái niệm về cảm xúc nền tảng, vẫn thích hợp khi thảo luận về các cảm xúc nhất định, cũng tương tự như khi nói về Châu Á và Châu Âu một cách riêng rẽ mặc dù chúng tạo thành một vùng đất duy nhất. Chúng ta tiến đến các vấn đề quan trọng trong thực tế đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là các nhà tâm lý học lâm sàng, như là kiểm soát nỗi sợ và gia tăng hạnh phúc. Điểm nhấn ở đây là về nỗi sợ hãi và hạnh phúc, bởi vì chương 13 thảo luận về sự tức giận và hành vi hung hăng chi tiết hơn, và chương 15 thảo luận về nỗi buồn và sự trầm cảm.
Nỗi sợ hãi và sự lo âu – Fear and Anxiety
Nỗi sợ hãi là một phản ứng đối với một mối nguy hiểm tức thời, trong khi sự lo âu là một cảm giác mơ hồ rằng “điều tồi tệ có thể xảy ra.” Mức độ lo âu “phù hợp” phụ thuộc vào từng tình huống. Chúng ta điều chỉnh lại sự lo âu của mình dựa trên kinh nghiệm của bản thân.
Đo lường sự lo âu – Measuring Anxiety
Khi các nhà tâm lý học nghiên cứu về hạnh phúc, nỗi buồn, hoặc phần lớn các cảm xúc khác, họ chủ yếu dựa trên những báo cáo tự thân, bởi vì họ không có thang đo hành vi đáng tin cậy. Sự lo âu thì khác. Đối với sự lo âu, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng một định nghĩa hoạt động dựa trên hành vi. Sự lo âu là gia tăng phản xạ giật mình. Phản xạ giật mình là phản ứng tự động xảy ra rất nhanh, ngay sau một tiếng động lớn đột ngột. Trong vòng 1/5 giây sau tiếng động, bạn căng cơ, đặt biệt là cơ cổ, nhắm mắt, và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm để chuẩn bị thoát ra nếu cần. Phản xạ giật mình là tự động, nhưng kinh nghiệm sống và bối cảnh cũng điều chỉnh nó.
Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi với bạn bè ở một nơi quen thuộc vào một ngày nắng đẹp, rồi đột nhiên bạn nghe thấy một tiếng động lớn. Bạn chỉ giật mình một chút. Bây giờ tưởng tượng bạn đang đi bộ một mình trong đêm, ngang qua một nghĩa trang và bạn cảm thấy có ai đó đang theo dõi bạn… sau đó bạn nghe thấy một âm thanh tương tự. Phản xạ giật mình của bạn mạnh hơn. Sự gia tăng phản xạ giật mình là cơ sở khách quan để đo lường sự lo âu. Như bạn mong đợi, phản xạ giật mình ở những người thường xuyên lo âu tăng lên nhiều hơn (McMillan, Asmundson, Zvolensky, & Carleton, 2012). Hạnh phúc và sự tức giận cũng làm tăng phản xạ giật mình (Amodio & HarmonJones, 2011).
Các liên kết học được cũng thay đổi phản xạ giật mình ở động vật thí nghiệm. Giả sử một con chuột thường xuyên gặp phải một kích thích “nguy hiểm” – thường là ánh sáng hoặc âm thanh – trước khi nhận được cú sốc. Lúc này kích thích nguy hiểm đó tăng cường phản xạ giật mình đối với một tiếng động lớn. Sự gia tăng phản xạ giật mình phản ánh sự lo âu, phụ thuộc vào hoạt động của hạch hạnh nhân – amygdala (uh-MIG-duh-luh), thể hiện ở hình 12.18 (Antoniadis, Winslow, Davis, & Amaral, 2007; Wilensky, Schafe, Kristensen, & LeDoux, 2006).
Hình ảnh cho thấy bộ não người, nhưng phần lớn nghiên cứu được thực hiện với động vật thí nghiệm.
Đối với loài người: Phản ứng của hạch hạnh nhân ở mỗi người là khác nhau, và do đó xu hướng lo âu cũng khác nhau. Xu hướng lo âu đối với mỗi người khá nhất quán qua thời gian, một phần dựa vào gene di truyền (Miu, Vulturar, Chis, Ungureanu, & Gross, 2013), và một phần dựa vào di truyền học biểu sinh – nghĩa là, những thay đổi hóa học làm thay đổi biểu hiện của các gene nhất định (Nikolova et al., 2014). Nó cũng phụ thuộc vào các kết nối từ trên xuống dưới, từ vỏ não trước ức chế hạch hạnh nhân. Những người bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng bị suy giảm hoạt động ở vỏ não trước trán, và do đó tăng hoạt động ở hạch hạnh nhân (Britton et al., 2013; Holmes et al., 2012).
Những người có hạch hạnh nhân phản ứng nhanh với bất kỳ lý do gì, có nhiều khả năng báo cáo những trải nghiệm cảm xúc khó chịu hơn những người khác (Barrett, Bliss-Moreau, Duncan, Rauch, & Wright, 2007). Những người lính có hạch hạnh nhân phản ứng mạnh khi bắt đầu nghĩa vụ quân sự có nhiều khả năng báo cáo tình trạng căng thẳng trong chiến đấu nghiêm trọng hơn những người khác (Admon et al., 2009). Mặc dù những người lính bị thương ở đầu dẫn đến tổn thương não có khả năng cao mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), nhưng những người có tổn thương bao gồm hạch hạnh nhân dường như không bao giờ trải qua tình trạng PTSD (Koenigs et al., 2008). Tất cả các nghiên cứu này cho thấy hoạt động của hạch hạnh nhân góp phần vào phản ứng của sự sợ hãi, mặc dù đó chắc chắn không phải là chức năng duy nhất của hạch hạnh nhân.
Những người bị tổn thương hạch hạnh nhân phản ứng kém hơn đối với các biểu hiện cảm xúc phức tạp so với người khác. Ví dụ, họ bị suy giảm khả năng nhận diện cảm xúc từ biểu cảm khuôn mặt (Anderson & Phelps, 2000) hoặc tông giọng (Scott et al., 1997). Hầu hết mọi người nhớ được những bức ảnh cảm xúc buồn phiền nhiều hơn những bức ảnh khác, nhưng những người bị tổn thương hạch hạnh nhân lại nhớ được cả hai loại hình ảnh (LaBar & Phelps, 1998). Một người phụ nữ bị tổn thương hạch hạnh nhân ở cả hai bán cầu não mô tả mình là người không có nỗi sợ. Khi xem phim phim kinh dị, cô thấy phấn khích chứ không sợ hãi. Tại một cửa hàng thú cưng kỳ lạ, mọi người phải ngăn cô không được chạm vào những con rắn độc hoặc nhện độc. Trong cuộc sống đời thường, cô tham gia vào các tình huống nguy hiểm bỏ qua cảnh báo của người khác. Kết quả là cô bị cướp và hành hung nhiều lần. Khi cô kể lại những sự kiện này, cô cảm thấy tức giận chứ không phải sợ hãi (Feinstein, Adolphs, Damasio, & Tranel, 2011). Tuy nhiên, cô cũng trải nghiệm cảm xúc sợ hãi một lần: Khi cô thở với 35% carbon dioxide mà khiến một người thở hổn hển, cô đã phản ứng với vẻ hoảng sợ và gọi đó là một trải nghiệm khủng khiếp. Tuy nhiên, cô đồng ý lặp lại thí nghiệm vào tuần sau đó! Ngoài ra, trong suốt tuần đó, cô không cảm thấy lo lắng về việc trải qua thử thách lần nữa (Feinstein et al., 2013). Rõ ràng là, hạch hạnh nhân của cô không cần thiết cho trải nghiệm sợ hãi, mà chỉ xử lý thông tin về những mối nguy hiểm có thể xảy ra.
Phát hiện lo âu, kích thích và nói dối
Anxiety, Arousal, and Lie Detection
Hãy xem xét nỗ lực sử dụng phương pháp đo sinh học về lo âu ứng dụng cho mục đích thực tiễn, đó là phát hiện nói dối. Nghĩa là, trên thực tế, rất khó để biết được ai đang nói dối. Nhiều người nghĩ rằng họ có thể phát hiện nói dối bằng việc để ý bàn tay lóng ngóng bồn chồn, hoặc quan sát xem ai đó nhìn vào mắt họ hay nhìn đi nơi khác. Trên thực tế, những kỹ thuật này là vô ích nếu chúng ta không để ý, chúng ta có lẽ phát hiện nói dối tốt hơn một chút (Ten Brinke, Stimson, & Carney, 2014). Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn tiếp tục thực hiện để tìm ra một phương pháp phát hiện nói dối.
Nỗ lực hiệu quả nhất được biết đến đó là máy phát hiện nói dối – polygraph, hoặc “bài kiểm tra nói dối”, ghi lại những kích thích hệ thần kinh giao cảm, như là đo huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, và độ dẫn điện trên da (xem hình 12.19). (Đổ mồ hôi làm tăng độ dẫn diện trên da.) Giả sử ai đó nói dối, họ cảm thấy bồn chồn và do đó tăng kích thích hệ thần kinh giao cảm.
Một trích dẫn vui: William Marston, nhà phát minh máy phát hiện nói dối, cũng là nhà sản xuất bộ phim hoạt hình Wonder Woman. Wonder Woman sử dụng một “thòng lọng sự thật” để ngăn chặn mọi người nói dối.)
Máy phát hiện nói dối thường đạt mục tiêu đơn giản bởi vì một người nói dối thường tự mắc bẫy và thú nhận, “Ồ, lợi ích là gì. Bạn cũng sẽ tìm ra nó ngay bây giờ, vì vậy tôi có thể nói cho bạn biết…” Nhưng nếu mọi người không tự thú nhận, thì máy phát hiện nói dối hiệu quả như thế nào?
Trong một nghiên cứu, các nhà điều tra lựa chọn ra 50 vụ án hình sự trong đó có hai nghi phạm thực hiện bài kiểm tra nói dối và một nghi phạm sau đó đã thú nhận tội ác (Kleinmuntz & Szucko, 1984). Do đó, họ có dữ liệu từ 100 nghi phạm, trong đó 50 người đã được chứng minh là phạm tội và 50 người được chứng minh là vô tội. Sáu chuyên gia về máy phát hiện nói dối đã kiểm tra các kết quả ở máy và đánh giá xem nghi phạm nào có vẻ đang nói dối. Hình 12.20 cho thấy các kết quả. Các chuyên gia về máy phát hiện nói dối xác định được 76% các nghi phạm có tội đã nói dối nhưng cũng phân loại được 37% các nghi phạm vô tội đã nói dối.
Một vài nghiên cứu được thiết kế khác đã thực hiện đem lại các kết quả không mấy ấn tượng. Mặc dù nhiều nhân viên cảnh sát vẫn tin vào bài kiểm tra nói dối, hầu hết các nhà nghiên cứu coi độ chính xác là không chắc chắn đối với các quyết định quan trọng (Fiedler, Schmid, & Stahl, 2002). Kết quả phát hiện nói dối hiếm khi được chấp nhận như là bằng chứng tại các tòa án ở Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa kỳ đã thông qua dự luật vào năm 1988 cấm các nhà tuyển dụng tư nhân đưa ra các bài kiểm tra nói dối cho nhân viên hoặc ứng viên tuyển dụng, trừ những trường hợp đặc biệt, và năm 2002 một ủy ban của viện hàn lâm khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã kết luận rằng máy phát hiện nói dối không nên được sử dụng cho mục đích đảm bảo an ninh.
Các phương pháp phát hiện nói dối khác
Alternative Methods of Detecting Lies
Bài kiểm tra thông tin tội phạm / guity-knowledge test, một bản sửa đổi của bài kiểm tra phát hiện nói dối, đem lại kết quả chính xác hơn bằng cách đặt ra những câu hỏi mang tính đe dọa đối với những người biết sự thật của tội ác (Lykken, 1979). Thay vì hỏi, “Bạn có cướp trạm xăng không?” người thẩm vấn hỏi, “Trạm xăng bị cướp lúc 8h tối? hay 10:30? Hay nửa đêm? Tên cướp cầm súng? Cầm Dao? hay dùi cui? Xe chạy trốn màu xanh? Đỏ? Hay xanh da trời? Một người chỉ bị kích động trước những chi tiết chính xác được coi là có “thông tin tội phạm” mà chỉ người phạm tội hoặc đã từng nói chuyện với tội phạm mới biết. Bài kiểm tra thông tin tội phạm, khi được thực hiện đúng cách, hiếm khi phân loại được một người vô tội là có tội (Iacono & Patrick, 1999).
Một phương pháp tiếp cận phát hiện nói dối khác đó là hỏi những câu giá trị hơn. Ví dụ, nếu bạn hỏi “Bạn đang làm gì vào thời điểm gây án? Một số người có thể nhắc lại một lời nói dối diễn tập. Tuy nhiên, nếu bạn yêu cầu một người mô tả lại sự kiện, những người nói dối thường ấp úng, bởi vì nhớ lại sự thật thì dễ hơn là nhớ lại một câu chuyện bịa đặt. Ngoài ra, nếu bạn hỏi ai đó chi tiết, bất ngờ, hoặc yêu cầu ai đó vẽ một bức tranh về nơi họ đã ở, những người vô tội thường làm tốt hơn những người nói dối (Vrij, Granhag, & Porter, 2010). Các nhà nghiên cứu cũng báo cáo rằng khi mọi người nói dối, họ có xu hướng cung cấp ít thông tin chi tiết, có lẽ là để tránh nói điều gì đó có thể bị sai (DePaolo et al., 2003). Các kỹ thuật này hữu ích, nhưng điểm mấu chốt là chúng ta không có phương pháp nào xác định nói dối có độ tin cậy cao.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.