NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC CHÍNH TRONG TÂM LÝ HỌC

Tâm lý học bắt đầu vào cuối những năm 1800 đã nỗ lực áp dụng các phương pháp khoa học để giải thích một số câu hỏi của triết học về tâm trí. Ba trong số những câu hỏi triết học sâu sắc nhất liên quan đến tâm lý học là ý chí tự do so với tất định luận, vấn đề tâm trí – não bộvấn đề bẩm sinh – nuôi dưỡng.

Ý chí tự do vs Tất định luận. Free Will versus Determinism

Phương thức tiếp cận khoa học tới bất kỳ lĩnh vực nào, bao gồm cả tâm lý học, đều giả định rằng chúng ta đang sống trong một vũ trụ nhân quả. Nếu mọi thứ “chỉ xảy ra” mà không có lý do gì cả, thì chúng ta không có hy vọng nào trong việc khám phá ra các nguyên lý khoa học. Các nhà khoa học đưa ra nguyên lý tất định luận (determinism), đây là một quan điểm triết học đề cập rằng mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân hoặc yếu tố quyết định, mà một người có thể quan sát hoặc đo lường. Quan điểm này là một giả định, không phải là một điều chắc chắn, nhưng sự thành công của nghiên cứu khoa học xác nhận giá trị của nó.

Vậy nó có thể áp dụng cho hành vi của con người không? Dù gì thì chúng ta cũng là một phần của thế giới vật chất. Theo giả định của những người theo thuyết tất định luận, mọi thứ chúng ta làm đều có nguyên nhân. Quan điểm này dường như mâu thuẫn với quan điểm thường trực của chúng ta: “Tôi là người đưa ra quyết định về hành động của mình. Đôi khi, khi tôi đang đưa ra quyết định, như quyết định ăn gì trưa hay mua chiếc áo len nào, tôi lưỡng lự cho đến phút cuối cùng. Quyết định có thể điều hướng theo cả hai hướng.” Niềm tin về việc hành vi được tạo ra bởi các quyết định độc lập của một người được gọi là ý chí tự do (free will). Bạn có nghĩ rằng hành vi của bạn có thể đoán trước được không? Còn hành vi của người khác thì sao? Qua nhiều bảng hỏi, ta thấy rằng hầu hết mọi người nghĩ rằng hành vi của họ có tính dự đoán thấp hơn so với hành vi của người khác. Nghĩa là bạn nghĩ rằng mình có ý chí tự do, nhưng những người khác lại không nghĩ như vậy (Pronin & Kugler, 2010).

Một số nhà tâm lý học cho rằng ý thức tự do là một ảo tưởng (Wegner, 2002): Những gì bạn gọi là một ý chí ý thức thì giống một dự đoán hơn là nguyên nhân dẫn đến hành vi của bạn. Khi bạn có nhận thức quyết định di chuyển một ngón tay, hành vi đã bắt đầu diễn ra, được kiểm soát một cách vô thức. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về điều này ở Chương 10.

Các nhà tâm lý học và triết gia khác đáp lại rằng bạn thực sự là người đưa ra những quyết định, theo nghĩa một thứ gì đó bên trong bạn đã khởi đầu hành động (Baumeister, 2008). Khi một quả bóng bật xuống một ngọn đồi, chuyển động của nó phụ thuộc vào hình dạng của ngọn đồi. Khi bạn chạy xuống một ngọn đồi, bạn có thể đổi hướng nếu bạn nhìn thấy một chiếc xe đang chạy về phía bạn hoặc một con rắn đang nằm trên đường bạn đi. Quả bóng thì không thể làm được điều đó.  

Tuy nhiên, phần “bạn” mà đưa ra những quyết định, bản thân nó là sản phẩm của di truyền và những sự kiện trong cuộc đời bạn (Bạn không tự tạo ra chính mình). Theo một nghĩa nào đó, bạn có ý chí, có khả năng lựa chọn (Dennett, 2003). Nhưng ý chí của bạn là sản phẩm của di truyền và trải nghiệm của bạn. Nó không xuất hiện từ hư không. Việc bạn có hay không có ý chí tự do tùy thuộc vào ý nghĩa của từ “tự do” mà bạn định nghĩa.

Thử nghiệm về Tất định luận là chủ nghĩa thực nghiệm: Nếu mọi việc bạn làm đều có nguyên nhân thì hành vi của bạn có thể dự đoán được. Hành vi rõ ràng có thể dự đoán trong một số trường hợp, chẳng hạn như phản xạ. Tuy nhiên, thường thì dự đoán của các nhà tâm lý học giống như dự đoán thời tiết. Các dự đoán thường hầu như chính xác, nhưng không thể chính xác đến từng chi tiết, đơn giản vì có quá nhiều yếu tố nhỏ đang hoạt động.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận một quan điểm: Mặc dù tất định luận có ý nghĩa về mặt lý thuyết và dẫn đến những nghiên cứu mạnh, nhưng nó không phải một triết lý sống. Một nghiên cứu minh họa khá hay cho quan điểm trên: Các nhà tâm lý học yêu cầu mọi người đọc một trong hai đoạn văn. Một số người đọc một luận điểm của tất định luận, và những người khác đọc một bài báo về một chủ đề không liên quan. Những người tham gia sau đó được đưa vào một tình huống mà họ có thể dễ dàng gian lận để đạt được lợi ích cá nhân. Một tỷ lệ cao hơn những người đã đọc bài luận về tất định luận đã gian lận (Vohs & Schooler, 2008). Rõ ràng, họ cảm thấy mình có ít trách nhiệm cá nhân hơn.

Vấn đề tâm trí – não bộ. The Mind–Brain Problem

Trong thế giới vật chất và năng lượng mà chúng ta đang sống, tâm trí là gì và tại sao ý thức còn tồn tại? Vấn đề triết học về cách trải nghiệm liên quan đến não bộ được gọi là vấn đề tâm trí – não bộ (mind–brain problem) (hay vấn đề tâm trí – cơ thể). Một quan điểm, thuyết nhị nguyên (dualism), cho rằng tâm trí tách biệt với não bộ nhưng bằng cách nào đó điều khiển não bộ và do đó kiểm soát cả phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, thuyết nhị nguyên mâu thuẫn với định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, một trong những nguyên tắc căn tảng của vật lý. Theo nguyên tắc đó, cách duy nhất để tác động đến bất kỳ loại vật chất hoặc năng lượng nào, bao gồm cả chất và năng lượng tạo nên cơ thể bạn, là tác động lên chúng bằng chất hoặc năng lượng khác. Nếu tâm trí không được tạo thành từ chất hoặc năng lượng, nó không thể làm bất cứ điều gì. Vì lý do đó, hầu hết tất cả các nhà nghiên cứu não bộ và triết gia ủng hộ thuyết nhất nguyên (monism), với quan điểm cho rằng trải nghiệm ý thức không thể tách rời khỏi hoạt động thể lý của não bộ. Tức là hoạt động tâm trí là hoạt động của não bộ. Như chúng ta có thể thấy, ý thức không thể tồn tại nếu không có hoạt động của não, và có lẽ cũng đúng khi nói rằng một số hoạt động của não bộ không thể tồn tại nếu không có ý thức. Vấn đề tâm trí – não bộ truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu, chúng ta sẽ xem xét một số nghiên cứu liên quan đến nội dung này trong Chương 3 về não bộ và Chương 10 về ý thức.

Các hình ảnh ở Hình 1.1 cho thấy hoạt động của não trong khi một người tham gia vào 9 nhiệm vụ, được đo lường bằng kỹ thuật gọi là chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Màu đỏ cho biết mức độ hoạt động của não cao nhất, tiếp theo là màu vàng, xanh lá cây và xanh lam. Như bạn có thể thấy, các nhiệm vụ khác nhau làm tăng hoạt động ở các vùng não khác nhau, mặc dù tất cả các vùng đều cho thấy một số hoạt động tại mọi thời điểm (Phelps & Mazziotta, 1985). Bạn có thể thắc mắc: Hoạt động của não tạo ra suy nghĩ, hay suy nghĩ tạo ra hoạt động của não? Hầu hết các nhà nghiên cứu về não đều trả lời, “Không câu nào đúng”, bởi vì hoạt động của não và hoạt động tâm trí đều cùng là một.

Ngay cả khi chúng ta công nhận quan điểm trên, chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài nếu muốn hiểu rõ mối quan hệ giữa tâm trí và bộ não. Loại hoạt động nào của não có liên kết với ý thức? Tại sao sự trải nghiệm có ý thức lại tồn tại? Một bộ não có thể thực hiện tốt chức năng mà không có ý thức không? Các nghiên cứu không nhằm mục đích phân tách các nhà triết học khỏi nhóm ngành này, nhưng kết quả nghiên cứu sẽ hạn chế các một số luận điểm triết học.

Hình 1.1 Những hình quét PET này cho thấy hoạt động não của người bình thường trong các hoạt động khác nhau. Màu đỏ cho biết hoạt động cao nhất, tiếp theo là màu vàng, xanh lá cây và xanh lam. Các mũi tên chỉ ra các khu vực hoạt động nhiều nhất.

Vấn đề bẩm sinh – nuôi dưỡng. The Nature–Nurture Issue

Tại sao hầu hết các bé trai dành nhiều thời gian chơi với súng đồ chơi, xe tải và dành ít thời gian hơn chơi với búp bê so với các bé gái? Đó là vì sự khác biệt sinh học hay vì các bậc cha mẹ nuôi dạy con trai và con gái của họ theo những cách khác nhau?

Lạm dụng rượu có thể phổ biến ở một số nền văn hóa này nhưng lại hiếm gặp ở những nền văn hóa khác. Những khác biệt này hoàn toàn là vấn đề thuộc phong tục tập quán xã hội, hay do di truyền ảnh hưởng đến việc sử dụng rượu?

Một số rối loạn tâm lý phổ biến ở các thành phố lớn hơn ở các thị trấn nhỏ và nông thôn. Cuộc sống ở thành phố đông đúc có gây ra các rối nhiễu tâm lý hay không? Hay mọi người phát triển các chứng rối nhiễu như vậy là do khuynh hướng di truyền và sau đó chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm, nhà ở và các dịch vụ phúc lợi?

Mỗi câu hỏi trong số này đều liên quan đến vấn đề bẩm sinh – nuôi dưỡng (nature – nurture issue) (hoặc vấn đề di truyền – môi trường): Tính di truyền và môi trường mang lại những khác biệt trong hành vi như thế nào? Vấn đề bẩm sinh – nuôi dưỡng thể hiện theo nhiều cách khác nhau xuyên suốt trong tâm lý học, và hiếm khi ta có thể đưa ra một câu trả lời đơn lẻ.

Tóm tắt kiến thức

Vấn đề Ý chí tự do và Tất định luận/Free Will  – Determinism

       Tất định luận là ý tưởng rằng mọi thứ xảy ra đều có một nguyên nhân, hay yếu tố quyết định, mà có thể quan sát hay đo lường.

       Ý chí tự do: niềm tin rằng hành vi được gây ra bởi quyết định độc lập của một người. 

Vấn đề Tâm trí – Bộ não /Mind-Brain

       Thuyết nhị nguyên cho rằng tâm trí tách rời khỏi não bộ nhưng bằng cách nào đó kiểm soát bộ não và phần còn lại của cơ thể. 

       Thuyết nhất nguyên: Những trải nghiệm có ý thức là không thể tách rời khỏi bộ não vật lý. 

Vấn đề Bẩm sinh – Nuôi dưỡng /Nature-Nurture

Vấn đề bẩm sinh – nuôi dưỡng (hay di truyền – môi trường): Những sự khác biệt trong hành vi liên quan đến những sự khác biệt trong di truyền và môi trường như thế nào? 

Kiểm tra kiến thức

Tất định luận là gì?  

Bằng chứng nào ủng hộ cho thuyết nhất nguyên?  

 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply