NHÀ TÂM LÝ HỌC LÀM VIỆC GÌ?

Chúng ta đã xem xét một số vấn đề triết học chính liên quan đến tâm lý học nói chung. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tâm lý học đều hướng tới những câu hỏi có quy mô nhỏ hơn và dễ giải quyết hơn. Họ làm việc trong nhiều môi trường nghề nghiệp, như ở Hình 1.2. Các địa điểm phổ biến nhất là các trường cao đẳng và đại học, hành nghề tư nhân, bệnh viện và phòng khám sức khỏe tâm thần, và các cơ quan chính phủ.

Nhà cung cấp dịch vụ cho cá nhân Service Providers to Individuals

Cần phải phân biệt giữa một số chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một số nhà cung cấp dịch vụ chính cho những người gặp rối nhiễu tâm lý đó là nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ tâm thần, nhân viên xã hội và nhà tâm lý học tư vấn.

Tâm lý học lâm sàng. Clinical Psychology

Các nhà tâm lý học lâm sàng (Clinical psychologists) có bằng cấp cao về tâm lý học (bằng thạc sĩ, tiến sĩ nghiên cứu [PhD] hoặc tiến sĩ tâm lý học [PsyD]), có chuyên môn trong việc hiểu và giúp đỡ những người có vấn đề tâm lý. Những vấn đề đó bao gồm trầm cảm, lo âu và lạm dụng chất, xung đột trong hôn nhân, khó khăn khi ra quyết định hoặc thậm chí là cảm giác “Tôi muốn cuộc sống thú vị hơn”. Các nhà tâm lý học lâm sàng bằng mọi cách cố gắng hiểu tại sao một người gặp vấn đề và sau đó giúp người đó vượt qua khó khăn. Một số nhà tâm lý học lâm sàng là giáo sư đại học và nhà nghiên cứu, nhưng hầu hết là các nhà thực hành toàn thời gian. Hơn một nửa số tiến sĩ mới tốt nghiệp trở thành các chuyên gia về tâm lý học lâm sàng hoặc các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe khác.

Tâm thần học. Psychiatry

Tâm thần học là một nhánh y học điều trị các rối loạn cảm xúc. Để trở thành bác sĩ tâm thần, trước tiên sinh viên cần có bằng bác sĩ y khoa (MD) và sau đó học thêm bốn năm nội trú về tâm thần học. Vì bác sĩ tâm thần là bác sĩ y khoa, họ có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, trong khi hầu hết các nhà tâm lý học không thể kê đơn thuốc. Tại Hoa Kỳ, một số bang hiện cho phép các nhà tâm lý được đào tạo thêm vài năm để kê đơn thuốc. Có nhiều bác sĩ tâm thần hơn nhà tâm lý học lâm sàng làm việc trong các bệnh viện tâm thần và bác sĩ tâm thần thường điều trị cho khách hàng mắc những rối nhiễu nghiêm trọng.

Liệu việc được kê đơn thuốc của bác sĩ tâm thần có mang lại cho họ lợi thế hơn các nhà tâm lý học ở những hoàn cảnh mà nhà tâm lý học không thể kê đơn thuốc hay không? Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Thuốc có thể hữu ích, nhưng phụ thuộc nặng vào thuốc có thể là một sai lầm. Khi đến gặp nhà tâm lý học lâm sàng, thân chủ và nhà tâm lý thường tiến hành các cuộc trò chuyện “sâu sắc” để xem xét vấn đề thì bác sĩ tâm thần chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra hiệu quả của một loại thuốc và đánh giá tác dụng phụ của thuốc trên người bệnh. Một cuộc khảo sát cho thấy trong những năm qua, bác sĩ tâm thần cung cấp liệu pháp trò chuyện ngày càng ít đi (Mojtabai & Olfson, 2008).

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác. Other Mental Health Professionals

Một số chuyên gia khác cũng cung cấp dịch vụ trợ giúp và tham vấn. Các nhà phân tâm học (psychoanalysts) là những người cung cấp các liệu pháp tâm lý, họ dựa nhiều vào các lý thuyết và phương pháp được đặt nền móng bởi bác sĩ người Áo đầu thế kỷ 20 tên là Sigmund Freud và sau đó được cải tiến bởi nhiều người khác. Freud và những người theo ông đã cố gắng suy luận ý nghĩa có tính biểu tượng, vô thức, ẩn giấu đằng sau lời nói và hành động của con người, và các nhà phân tâm học ngày nay vẫn tiếp tục những nỗ lực này.

Có một số tranh cãi về việc ai được coi là nhà phân tâm học đúng nghĩa. Một số người áp dụng thuật ngữ này với bất kỳ ai đang cố gắng khám phá những suy nghĩ và cảm xúc vô thức. Những người khác chỉ dành thuật ngữ này cho học viên tốt nghiệp một viện phân tâm học, một chương trình học kéo dài bốn năm hoặc hơn. Các viện này chủ yếu nhận những người đã là bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học lâm sàng. Do đó, những người hoàn thành khóa đào tạo về phân tâm học ít nhất sẽ ở độ tuổi ngoài 30.

■ Bảng 1.1 so sánh các kiểu chuyên gia sức khỏe tâm thần khác nhau.

Một nhân viên công tác xã hội lâm sàng (clinical social worker) có chức năng giống với một nhà tâm lý học lâm sàng nhưng được đào tạo khác. Trong hầu hết các trường hợp, nhân viên xã hội lâm sàng có bằng thạc sĩ về công tác xã hội với chuyên môn về các vấn đề tâm lý. Nhiều tổ chức bảo vệ sức khỏe (HMO) hướng hầu hết khách hàng có vấn đề tâm lý của họ đến các nhân viên công tác xã hội lâm sàng thay vì nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần. Lý do là vì nhân viên công tác xã hội được yêu cầu bằng cấp ít khắt khe hơn nên chi phí mỗi giờ thấp hơn. Một số y tá tâm thần (y tá với các đào tạo bổ sung về tâm thần) cung cấp các dịch vụ tương tự như vậy.

Các nhà tâm lý học tham vấn (Counseling psychologists) hỗ trợ mọi người trong việc đưa ra những quyết định về giáo dục, hướng nghiệp, hôn nhân, liên quan đến sức khỏe và các quyết định khác. Một nhà tham vấn cần có bằng tiến sĩ (PhD, PsyD, hoặc EdD) và yêu cầu hoàn thành thực hành có giám sát với nghiệp vụ tham vấn. Trong khi một nhà tâm lý học lâm sàng chủ yếu giải quyết các vấn đề về lo âu, trầm cảm và đau khổ về cảm xúc khác, thì một nhà tâm lý học tham vấn chủ yếu giải quyết các quyết định trong cuộc sống và những hòa giải trong gia đình hoặc ở nơi làm việc. Nhà tham vấn tâm lý làm việc trong các cơ sở giáo dục, trung tâm sức khỏe tâm thần, cơ quan phục hồi chức năng, doanh nghiệp hoặc có thể hành nghề tư nhân.

Bạn cũng có thể đã nghe nói về các nhà tâm lý học pháp y (forensic psychologists), những người cung cấp lời khuyên và tư vấn cho cảnh sát, luật sư và tòa án. Nhà tâm lý học pháp y là các nhà tâm lý học tham vấn hoặc lâm sàng được đào tạo thêm về các vấn đề pháp lý. Họ đưa ra lời khuyên về những quyết định như liệu bị cáo có đủ năng lực tâm thần để hầu tòa hay không hay liệu ai đó đủ điều kiện để được ân xá có gây nguy hiểm cho xã hội hay không (Otto & Heilbrun, 2002). Một số bộ phim và loạt phim truyền hình nổi tiếng đã mô tả các nhà tâm lý học pháp y giúp cảnh sát điều tra phát triển hồ sơ tâm lý của một kẻ giết người hàng loạt. Điều đó nghe có vẻ giống một nghề thú vị, hào nhoáng, nhưng rất ít nhà tâm lý học tham gia vào các hoạt động như vậy (và thông tin về của hồ sơ của họ là không chắc chắn, như thảo luận trong Chương 14). Hầu hết những người làm hồ sơ tội phạm ngày nay đều được đào tạo và có kinh nghiệm thực thi pháp luật chứ không phải tâm lý.

Kiểm tra khái niệm. 

Quá trình học tập giáo dục của một nhà tâm lý học lâm sàng khác với quá trình học tập của một bác sĩ tâm thần như thế nào? 

Nhà cung cấp dịch vụ cho tổ chức. Service Providers to Organizations

Các nhà tâm lý học cũng làm việc trong các hệ thống kinh doanh, công nghiệp và trường học, những việc mà bạn có thể không nhận ra đó là về tâm lý học. Triển vọng việc làm trong những lĩnh vực này rất tốt, và bạn có thể thấy những lĩnh vực này thú vị.

Tâm lý học Công nghiệp / Tổ chức 

Ngành nghiên cứu tâm lý con người ở nơi làm việc chính là tâm lý học công nghiệp/ tổ chức (industrial/organizational  – I/O psychology). Lĩnh vực này giải quyết các vấn đề như tuyển dụng người phù hợp, đào tạo nhân sự cho công việc, phát triển nhóm làm việc, xác định tiền lương và tiền thưởng, cung cấp phản hồi cho người lao động về hiệu suất làm việc của họ, lập kế hoạch cơ cấu tổ chức và tổ chức nơi làm việc để người lao động làm việc có năng suất và cảm thấy hài lòng. Các nhà tâm lý học I / O quan tâm đến cả cá nhân người lao động và tổ chức, bao gồm cả tác động của điều kiện kinh tế và các quy định của chính phủ.

Dưới đây là một ví dụ về mối quan tâm của các nhà tâm lý học tổ chức/ công nghiệp (Campion & Thayer, 1989): Một công ty sản xuất thiết bị điện tử tinh vi cần xuất bản tài liệu tham khảo và hướng dẫn sửa chữa cho các sản phẩm của mình. Các kỹ sư thiết kế thiết bị không muốn dành thời gian để viết ra bản hướng dẫn sử dụng, và không ai trong số họ là những người có khả năng viết lách. Vì vậy, công ty đã thuê một nhân viên kỹ thuật soạn thảo ra các hướng dẫn sử dụng. Sau một năm, cô nhận được đánh giá không hài lòng về hiệu suất do các sách hướng dẫn cô viết có quá nhiều lỗi kỹ thuật. Cô phản bác rằng, khi cô yêu cầu các kỹ sư trong công ty kiểm tra sách hướng dẫn của cô hoặc giải thích chi tiết kỹ thuật cho cô, họ luôn tỏ ra quá bận rộn. Cô thấy công việc của mình thật phức tạp và bực bội. Văn phòng của cô thiếu ánh sáng, ồn ào và quá nóng, và ghế ngồi thì không thoải mái. Bất cứ khi nào cô đề cập đến những vấn đề này, mọi người đều nói rằng cô “phàn nàn quá nhiều”.

Trong một tình huống như thế này, một nhà tâm lý học tổ chức/ công nghiệp sẽ giúp công ty đánh giá các lựa chọn của mình. Một giải pháp là sa thải cô và thuê một chuyên gia về kỹ thuật điện, người có khả năng viết lách tốt, chịu được một văn phòng thiếu ánh sáng, ồn ào, quá nóng và không thoải mái. Tuy nhiên, nếu công ty không thể tìm được hoặc không đủ khả năng chi trả cho một người như vậy, thì công ty cần phải cải thiện điều kiện làm việc, đào tạo thêm và hỗ trợ cho người nhân viên hiện tại.

Nhân tố con người. Human Factors

Học cách vận hành các máy móc ngày càng phức tạp là một trong những khó khăn của đời sống hiện đại. Đôi khi, hậu quả có thể trở nên rất nghiêm trọng. Hãy tưởng tượng một phi công máy bay định hạ càng để hạ cánh nhưng thay vào đó nâng cánh máy bay lên. Hoặc một công nhân trong nhà máy điện hạt nhân không nhận thấy tín hiệu cảnh báo. Một kiểu nhà tâm lý học được biết đến như một chuyên gia về nhân tố con người (human factors specialist)  (hoặc nhà công thái học-ergonomist), họ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành máy móc để những người bình thường có thể sử dụng một cách hiệu quả và an toàn. Các chuyên gia về nhân tố con người đầu tiên làm việc trong các môi trường quân sự, nơi mà các công nghệ phức tạp đôi khi yêu cầu binh sĩ phát hiện các mục tiêu gần như vô hình, hiểu giọng nói thông qua tiếng ồn chói tai, theo dõi vật thể trong không gian ba chiều và đưa ra quyết định sinh tử trong tích tắc. Quân đội đã nhờ đến các nhà tâm lý học để thiết kế lại các nhiệm vụ phù hợp với các kỹ năng mà người lính của họ có thể chủ động.

Các chuyên gia về nhân tố con người đã sớm áp dụng kiến thức chuyên môn của mình vào việc thiết kế các thiết bị hàng ngày, chẳng hạn như máy ảnh, máy tính, lò vi sóng và điện thoại di động. Lĩnh vực này kết hợp các đặc thù của tâm lý học, kỹ thuật và khoa học máy tính. Nó là một lĩnh vực đang phát triển với nhiều công việc được tạo ra.

Nhà tâm lý học quân sự. Military Psychologists

Các nhà tâm lý học quân sự (military psychologists) là những chuyên gia cung cấp dịch vụ cho quân đội theo nhiều cách khác nhau. Một số có chức năng tương tự như các nhà tâm lý học tổ chức / công nghiệp, thực hiện tiến hành các bài kiểm tra trí tuệ và tính cách để xác định những người phù hợp với một số công việc nhất định trong quân đội, và sau đó cung cấp đào tạo. Một số nhà tâm lý học quân sự khác bàn bạc với lãnh đạo về các chiến lược, bao gồm cả những thách thức khi giải quyết các vấn đề với đồng minh hoặc kẻ thù từ một nền văn hóa khác. Còn có những người khác cung cấp các dịch vụ khám và tham vấn cho những người lính phải đối mặt với trải nghiệm căng thẳng cao độ. Thực sự hiếm có trải nghiệm nào trong cuộc sống có thể căng thẳng hơn chiến đấu trong quân đội.

Ngoài ra, một số nhà tâm lý học tiến hành nghiên cứu về các chủ đề như những cách tốt nhất để đối phó với căng thẳng chiến trường, thiếu ngủ và những khó khăn khác. Matthews (2014) đã lập luận rằng các nhà tâm lý học quân sự sẽ ngày càng trở nên quan trọng, vì các cuộc xung đột trong tương lai liên quan nhiều đến việc gây ảnh hưởng đến con người hơn là tấn công bằng vũ lực.

Tâm lý học đường. School Psychology

Hầu hết trẻ em đều phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực ở trường học không lúc này thì lúc khác. Một số trẻ gặp khó khăn để ngồi yên hoặc tập trung. Trẻ khác gặp rắc rối vì những hành vi lệch chuẩn. Một số trẻ gặp vấn đề với kỹ năng đọc hoặc các kỹ năng học tập khác. Những trẻ khác thành thạo bài tập ở trường một cách nhanh chóng và cảm thấy mất hứng thú. Những đứa trẻ này đều cần được chú ý đặc biệt.

Các nhà tâm lý học đường (school psychologists) là những chuyên gia về tâm lý của học sinh, thường là ở lứa tuổi mẫu giáo đến hết lớp 12. Các nhà tâm lý học đường xác định nhu cầu giáo dục của trẻ em, lập kế hoạch để đáp ứng những nhu cầu đó, sau đó tự thực hiện kế hoạch hoặc tư vấn cho giáo viên cách thực hiện kế hoạch đó.

Nhà tâm lý học đường có thể được giảng dạy trong khoa tâm lý học, một nhánh của khoa giáo dục hoặc khoa tâm lý giáo dục. Ở một số quốc gia, chỉ cần có bằng cử nhân là có thể thực hành tâm lý học đường. Ở Hoa Kỳ, yêu cầu giáo dục tối thiểu đối với một nhà tâm lý học học đường thường là bằng thạc sĩ, nhưng bằng tiến sĩ có thể trở nên rất thiết thực trong tương lai. Hầu hết các nhà tâm lý  học đường làm việc cho hệ thống trường học, nhưng một số làm việc cho các phòng khám sức khỏe tâm thần, trung tâm hướng dẫn và các tổ chức khác.

Nhà tâm tâm lý trong giảng dạy và nghiên cứu. Psychologists in Teaching and Research

Nhiều nhà tâm lý học, đặc biệt là những người không phải là nhà tâm lý học lâm sàng, giảng dạy và thực hiện nghiên cứu trong các trường cao đẳng và đại học. Các kiểu nhà tâm lý học khác nhau nghiên cứu các chủ đề khác nhau. Ví dụ, các nhà tâm lý học phát triển quan sát trẻ em, và các nhà tâm lý sinh học xem xét các tác động của tổn thương não. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khác nhau đôi khi cũng nghiên cứu những câu hỏi giống nhau nhưng tiếp cận theo những cách khác nhau. Để minh họa, chúng ta hãy xem xét một ví dụ: cách chúng ta chọn đồ ăn. Các loại nhà tâm lý học có chuyên môn khác nhau đưa ra những lời giải thích khác nhau.

Tâm lý học phát triển. Developmental Psychology

Các nhà tâm lý học phát triển (developmental psychologists) nghiên cứu sự thay đổi hành vi theo độ tuổi “từ bào thai đến khi qua đời”. Ví dụ, họ có thể kiểm tra sự phát triển ngôn ngữ từ 2 đến 4 tuổi hoặc trí nhớ từ 60 đến 80 tuổi, cả hai đều mô tả những thay đổi và cố gắng trong việc giải thích chúng.

Đối với việc lựa chọn thực phẩm, một số sở thích về khẩu vị đã có từ khi trẻ mới sinh ra. Trẻ sơ sinh thích vị ngọt và tránh vị chua. Tuy nhiên, trẻ tỏ ra thờ ơ với vị mặn, như thể trẻ chưa nếm muối (Beauchamp, Cowart, Mennella, & Marsh, 1994). Trẻ tập đi sẽ cố gắng ăn hầu hết mọi thứ chúng có thể cho vào miệng, trừ khi nó có vị chua hoặc đắng. Vì lý do đó, cha mẹ cần để các chất nguy hiểm như chất đánh bóng đồ nội thất ngoài tầm với của trẻ tập đi. Trẻ lớn hơn ngày càng chọn lựa những loại thức ăn mà chúng thích, nhưng đến 7 hoặc 8 tuổi, lý do duy nhất mà trẻ đưa ra để từ chối một món nào đó là chúng nghĩ rằng nó sẽ có vị không ngon (Rozin, Fallon, & Augustoni-Ziskind, 1986). Khi lớn lên, chúng đưa ra nhiều lý do phức tạp hơn để từ chối ăn món gì đó, chẳng hạn những lo ngại về sức khỏe.

Học tập và động lực. Learning and Motivation

Lĩnh vực nghiên cứu về học tập và động lực (learning and motivation) tập trung xem xét việc hành vi phụ thuộc vào kết quả của các hành vi trong quá khứ và động lực hiện tại ra sao. Tần suất chúng ta tham gia vào bất kỳ hành vi cụ thể nào phụ thuộc vào kết quả của hành vi đó trong quá khứ.

Chúng ta học cách lựa chọn thực phẩm chủ yếu bằng cách học tránh những đồ không nên ăn. Ví dụ, nếu bạn ăn một thứ gì đó và sau đó cảm thấy buồn nôn, bạn sẽ hình thành ác cảm với mùi vị của thức ăn đó, đặc biệt nếu nó là đồ ăn lạ. Việc bạn nhận thức được một thực phẩm có gây ra sự khó chịu cho bạn hay không thực sự không quan trọng. Nếu bạn ăn một thứ gì đó ở một công viên giải trí và sau đó đi một trò chơi cảm giác mạnh và buồn nôn, bạn có thể không thích món ăn đó, mặc dù bạn biết rằng trò chơi mới là nguyên nhân vấn đề.

Tâm lý học nhận thức. Cognitive Psychology

Nhận thức (Cognition) có nghĩa là tư duy và kiến thức. Một nhà tâm lý học nhận thức (cognitive psychologist) nghiên cứu những quá trình đó. Thông thường, các nhà tâm lý học nhận thức tập trung vào cách mọi người đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và chuyển tư duy thành ngôn ngữ. Các nhà tâm lý học này nghiên cứu cả những khía cạnh tốt nhất và xấu nhất trong nhận thức của con người (quá trình ra quyết định một cách khôn ngoan và lý do tại sao mọi người mắc phải những sai lầm đắt giá).

Các nhà tâm lý học nhận thức hiếm khi nghiên cứu những điều liên quan đến việc lựa chọn thức ăn, nhưng nhận thức về thực phẩm có liên quan đến việc quyết định thứ mà chúng ta sẽ ăn. Ví dụ, mọi người thường từ chối một loại đồ ăn được chỉ vì một quan niệm nào đó (Rozin & Fallon, 1987; Rozin, Millman, & Nemeroff, 1986). Hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ từ chối ăn thịt chó, mèo hoặc ngựa. Những người ăn chay từ chối tất cả các loại thịt, không phải vì họ nghĩ rằng nó sẽ có mùi vị không tốt, mà vì họ không thích suy nghĩ mình sẽ ăn nội tạng của động vật. Trung bình ăn chay càng lâu thì người ta càng coi việc ăn thịt là sai. (Rozin, Markwith, & Stoess, 1997).

Bạn sẽ muốn nếm thử những con côn trùng trông ngon mắt ở Hình 1.3 không? Bạn có thể cảm thấy ghê bởi suy nghĩ ăn côn trùng, ngay cả khi chúng được đảm bảo là an toàn và bổ dưỡng (Rozin & Fallon, 1987). Bạn có sẵn sàng uống một ly nước táo sau khi xem ai đó nhúng một con gián vào đó không? Điều gì sẽ xảy ra nếu con gián đã được khử trùng cẩn thận? Một số người không chỉ từ chối uống một ly nước táo đó mà còn nói rằng họ đã chẳng còn muốn đếm xỉa đến món táo nữa (Rozin et al, 1986). Bạn có uống nước tinh khiết từ một chiếc bồn cầu mới tinh chưa bao giờ sử dụng không? Bạn có muốn ăn một miếng kẹo sôcôla có hình dạng giống như phân chó không? Nếu không, thì bạn bị dẫn dắt bởi nhận thức về món ăn, chứ không phải hương vị hoặc sự an toàn của nó.

Tâm lý học sinh học. Biological Psychology

Nhà tâm lý học sinh học (biopsychologist) (hoặc nhà khoa học thần kinh hành vi – behavioral neuroscientist) giải thích hành vi theo các yếu tố sinh học, chẳng hạn như hoạt động của hệ thần kinh, tác động của thuốc và hormone, di truyền và sự thúc ép tiến hóa. Một nhà tâm lý học sinh học sẽ giải thích các câu hỏi về cách mà con người (hoặc loài vật) lựa chọn thực phẩm như thế nào?

Nếu bạn ăn bỏng ngô và kẹo bông rồi thấy buồn nôn trong một trò chơi cảm giác mạnh, một thứ gì đó trong não bạn sẽ đổ lỗi cho thức ăn, bất kể đang nghĩ điều gì trong đầu một cách có ý thức. Hình thức học tập này giúp chúng ta tránh được các chất độc hại.

Một phần nhỏ trong sự khác biệt giữa về khẩu vị của mọi người có liên quan đến số lượng nụ vị giác (taste buds) nhiều gấp ba lần trên lưỡi của một số người và chủ yếu là do di truyền. Gen cũng thể hiện tính khác biệt trong mỗi quần thể, mặc dù tần xuất xuất hiện tương đối của người vị giác mạnh và người vị giác yếu khá giống nhau ở Châu Á, Châu Âu và Châu Phi (Wooding, Bamshad, Larsen, Jorde, & Drayna, 2004). Những người có nhiều nụ vị giác nhất thường có khả năng chịu đựng kém nhất đối với các vị mạnh, bao gồm cà phê đen, bánh mì đen, ớt cay, bưởi, củ cải và cải Brussels (Bartoshuk, Duffy, Lucchina, Prutkin, & Fast, 1998; Drewnowski, Henderson, Short, & Barratt-Fornell, 1998). Hầu hết họ cũng không thích thức ăn quá ngọt (Yeomans, Tepper, Rietzschel, & Prescott, 2007).

Hormone cũng ảnh hưởng đến khẩu vị. Nhiều năm về trước, có một đứa trẻ tỏ ra rất thèm ăn muối. Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, cậu liếm muối trên bánh quy giòn và thịt xông khói mà không ăn thứ gì khác. Cậu phủ một lớp muối dày lên mọi thứ cậu ăn. Đôi khi cậu nuốt muối trực tiếp từ lọ. Khi thiếu muối, cậu bỏ ăn và bắt đầu gầy mòn. Khi 3,5 tuổi, cậu được đưa đến bệnh viện và ăn chế độ ăn bình thường ở  bệnh viện. Cậu chết sớm sau đó vì thiếu muối (Wilkins & Richter, 1940).

Nguyên nhân là do tuyến thượng thận, nơi tiết ra các hormone giúp cơ thể giữ muối có khiếm khuyết (Verrey & Beron, 1996). Cậu bé thèm muối vì phải ăn nó đủ nhanh để thay thế những gì cậu đã mất trong nước tiểu. (Quá nhiều muối có hại cho sức khỏe của bạn, nhưng quá ít muối cũng nguy hiểm.) Nghiên cứu sau đó khẳng định rằng động vật thiếu muối ngay lập tức có biểu hiện ưa thích vị mặn tăng lên (Rozin & Kalat, 1971). Thiếu muối khiến thức ăn mặn trở nên đặc biệt ngon (Jacobs, Mark, & Scott, 1988). Mọi người thường cho biết cảm giác thèm muối sau khi mất muối do chảy máu hoặc đổ mồ hôi, và nhiều phụ nữ thèm muối trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai.

Tâm lý học tiến hóa. Evolutionary Psychology

Một nhà tâm lý học tiến hóa (evolutionary psychologist) cố gắng giải thích hành vi theo lịch sử tiến hóa của loài, bao gồm cả lý do tại sao quá trình tiến hóa lại ưu tiên một số xu hướng hành động cụ thể. Ví dụ, tại sao con người và các động vật khác thèm đồ ngọt và tránh vị đắng? Câu trả lời khá dễ dàng: Hầu hết đồ ngọt đều giàu dinh dưỡng và hầu hết tất cả các đồ có vị đắng đều độc hại (T. R. Scott & Verhagen, 2000). Động vật cổ đại ăn trái cây và những thứ có vị ngọt khác đã sống sót để trở thành tổ tiên của chúng ta.

Tuy nhiên, mặc dù một số giải thích tiến hóa về hành vi có sức thuyết phục, có những giải thích khác lại gây tranh cãi (de Waal, 2002). Đúng vậy, bộ não là sản phẩm của quá trình tiến hóa, cũng giống như bất kỳ cơ quan nào khác, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu quá trình tiến hóa có kiểm soát hành vi của chúng ta ở mức độ vi mô hay không. Thách thức trong nghiên cứu bao gồm việc tách biệt những ảnh hưởng tiến hóa lên hành vi của chúng ta với những thứ chúng ta đã học được trong suốt cuộc đời.

Tâm lý học xã hội và Tâm lý học xuyên văn hóa. Social Psychology and Cross-Cultural Psychology

Các nhà tâm lý học xã hội (social psychologists) nghiên cứu cách thức một cá nhân ảnh hưởng đến người khác và cách một nhóm ảnh hưởng đến một cá nhân. Ví dụ, mọi người thường ăn cùng nhau, và trung bình chúng ta ăn nhiều gấp đôi khi ở trong một nhóm lớn so với khi ăn một mình (de Castro, 2000). Nếu bạn mời khách đến nhà, bạn mời họ ăn hoặc uống như một cách để củng cố mối quan hệ xã hội.

Tâm lý học xuyên văn hóa (cross-cultural psychology) so sánh hành vi của mọi người đến từ các nền văn hóa khác nhau. Việc so sánh mọi người từ các nền văn hóa khác nhau là trọng tâm để xác định đâu là đặc điểm thực sự của con người và đâu là đặc điểm có tính thay đổi phụ thuộc vào nền văn hóa.

Ẩm thực là một trong những đặc trưng văn hóa ổn định của bất kỳ nền văn hóa nào. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn các học sinh trung học và đại học Nhật Bản, những người đã ở quốc gia khác một năm trong chương trình trao đổi học sinh sinh viên. Sự hài lòng của sinh viên đối với năm học ở nước ngoài của họ có rất ít mối tương quan với hệ thống giáo dục, tôn giáo, cuộc sống gia đình, phong tục giải trí hoặc hẹn hò của nước sở tại. Yếu tố quyết định chính đến sự hài lòng của họ là đồ ăn: Những sinh viên thi thoảng được ăn đồ Nhật đã có một khoảng thời gian vui vẻ. Những người không được ăn thì trở nên nhớ nhà (Furukawa, 1997).

Trong tiếng Anh, sự tương đồng giữa hai từ văn hóa (culture) và nông nghiệp (agriculture) không phải là ngẫu nhiên, vì canh tác cây trồng là một bước tiến quan trọng đối với nền văn minh nhân loại. Từ nền văn hóa nơi mình thuộc về, chúng ta biết được những thứ gì ăn được và làm thế nào để chế biến nó (Rozin, 1996). Ví dụ, sắn, một loại củ có độc trừ khi được rửa sạch và giã nó trong ba ngày. Bạn có thể tưởng tượng mình sẽ khám phá ra điều này không? Có người đã phải thốt lên rằng: “Từ trước đến nay, những ai ăn phải cây này đều chết, nhưng tôi dám cá rằng nếu tôi rửa sạch và giã nát trong ba ngày thì sẽ không sao cả”. Đó là một khám phá khó khăn và đáng kinh ngạc, nhưng một khi ai đó phát hiện ra nó, văn hóa sẽ truyền lại cho các thế hệ sau và cuối cùng là các quốc gia và lục địa khác.

Sắn, một loại rau lấy củ có nguồn gốc từ Nam Mỹ, giờ đây cũng là một loại lương thực chính ở phần lớn châu Phi. Nó phát triển ở vùng khí hậu mà lại không thích hợp với hầu hết các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, người ta phải giã nát và rửa sạch trong nhiều ngày để loại bỏ chất xyanua.

Bảng 1.2 tóm tắt một số lĩnh vực chính của tâm lý học, bao gồm một số lĩnh vực chưa được thảo luận.

Kiểm tra khái niệm. 

1.Trong số các loại nghiên cứu tâm lý vừa mô tả – tâm lý học phát triển, học tập và động lực, tâm lý học nhận thức, tâm lý học sinh học, tâm lý học tiến hóa, tâm lý học xã hội và tâm lý học xuyên văn hóa – lĩnh vực nào tập trung nhiều nhất vào trẻ em?

2. Hai lĩnh vực quan tâm nhất đến cách mọi người cư xử trong nhóm như thế nào?

3. Lĩnh vực nào tập trung nhiều nhất vào tư duy và kiến thức?

4. Lĩnh vực nào quan tâm nhất đến những ảnh hưởng của tổn thương não?

5. Lĩnh vực nào quan tâm đến nghiên cứu về ảnh hưởng của phần thưởng đối với hành vi trong tương lai nhất? 

6. Tại sao nhiều phụ nữ trong kì kinh nguyệt lại thèm ăn khoai tây chiên?

 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply