Những nguyên tắc nghiên cứu chung

 

Chuyển ngữ bởi: Thiện Đức, Xuân Thương

2.2 Thực hiện nghiên cứu tâm lý 

Conducting Psychological Research

Tâm lý học, giống như bất kỳ lĩnh vực nào khác, chỉ đạt được sự  tiến bộ khi những người thực hành phân biệt được bằng chứng mạnh và bằng chứng yếu. Mục tiêu của module này không nhất thiết là để chuẩn bị cho bạn tiến hành thực hiện nghiên cứu tâm lý mà là giúp bạn diễn giải kết quả tìm kiếm một cách thông minh. Khi nghe về một nghiên cứu mới, bạn có thể đặt những câu hỏi thích hợp để quyết định mức độ mạnh của bằng chứng, kết luận nào theo sau đó và độ tin cậy mà ta nên chấp nhận kết luận đó.

Nguyên tắc nghiên cứu chung. General Research Principles

Đối với các nhà nghiên cứu tâm lý học, mặc dù sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học chung, nhưng họ phải đối mặt với những vấn đề mà các nhà hóa học và vật lý học không gặp phải. Vấn đề đầu tiên là lấy mẫu nghiên cứu. Một nhà tâm lý học nghiên cứu một nhóm người, sẽ phải phải bận tâm về việc liệu những người tham gia thí nghiệm, có thể quá khác biệt theo một khía cạnh nào đó hay không. Tuy nhiên, với một nhà hóa học nghiên cứu phân tử mêtan không phải lo lắng như vậy. Nếu bạn nhìn thấy một phân tử mêtan, bạn đã thấy tất cả những tính chất, cấu trúc của bản thân chất đó rồi. Một vấn đề khác nữa là, những người biết họ đang tham gia một nghiên cứu thường hành xử khác hơn bình thường, nguyên nhân là do họ biết có ai đó đang dõi theo họ.Trong khi các nhà hóa học không phải lo lắng điều như vậy về một lọ hóa chất. Trong module này, chúng ta khám phá một số cách đặc biệt mà các nhà tâm lý học thích ứng với các nguyên tắc khoa học để thực hiện các công trình của ngành.

Định nghĩa hoạt động

Giả sử một nhà vật lý yêu cầu bạn đo ảnh hưởng của nhiệt độ lên chiều dài của một thanh sắt. Bạn trả lời, “Nhiệt độ là cái gì?” Nhà vật lý thở dài, “Đừng lo lắng về điều đó. Đây là nhiệt kế và thước đo. Hãy đi đo chúng ”.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tâm lý sử dụng cùng một cách. Nếu chúng ta muốn đo lường tác động của sự tức giận lên một số hành vi, hoặc là chúng ta tranh luận mãi về định nghĩa thực sự của sự tức giận là gì, hoặc chúng ta có thể chọn một cách để đo lường nó. Chúng ta có thể yêu cầu mọi người cho chúng ta biết mức độ tức giận của họ, hoặc chúng ta có thể đếm số lần cau mày hoặc số từ chửi thề mỗi phút, hoặc chúng ta có thể tìm một số cách khác để đo lường sự tức giận. Khi làm vậy, chúng ta đang sử dụng một định nghĩa hoạt động (operational definition), một định nghĩa chỉ định các hoạt động (hoặc các qui trình) được sử dụng để sản xuất hoặc đo lường một thứ gì đó, thông thường là một cách để tạo cho những hoạt động này một giá trị số. Bạn có thể phản đối rằng “cau mày mỗi phút” không phải thang đo cho sự  tức giận thực sự. Tất nhiên là không phải, nhưng chỉ số trên nhiệt kế cũng không phải là nhiệt độ thực sự. Một định nghĩa hoạt động chỉ cho biết làm thế nào để đo lường một cái gì đó. Nó cho phép chúng ta tiếp tục quá trình nghiên cứu.

Giả sử chúng ta muốn nghiên cứu về sự thân thiện chẳng hạn. Chúng ta cần một định nghĩa hoạt động về sự thân thiện — nghĩa là một cách để đo lường nó. Chúng ta có thể đánh giá mức độ thân thiện của bạn bằng số người bạn cười với trong một giờ hoặc số người bạn liệt kê là bạn thân. Hay chúng ta có thể định nghĩa một cách hoạt động tình yêu là “Thời gian bạn dành cho người mình yêu là bao nhiêu giờ?”.

* Ghi chú của người dịch: Operational Definitions (định nghĩa hoạt động) là các định nghĩa cụ thể và rõ ràng về một thuật ngữ hoặc khái niệm được sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Những định nghĩa này giúp cho các nhà nghiên cứu có thể đo lường và thử nghiệm các biến số một cách chính xác và đáng tin cậy. Định nghĩa hoạt động thường bao gồm các chỉ số định lượng và phương pháp đo lường, giúp cho những người khác có thể tái sử dụng và phát triển nghiên cứu của mình. Ví dụ, nếu một nghiên cứu muốn đánh giá mức độ mệt mỏi của người tham gia, thì định nghĩa hoạt động có thể định nghĩa mức độ mệt mỏi bằng số giờ ngủ hoặc bằng số lần người tham gia phải nghỉ ngơi trong một ngày.

Kiếm tra kiến thức

1.Định nghĩa nào sau đây là định nghĩa hoạt động của trí thông minh?

a.Khả năng thấu hiểu các mối quan hệ

b. Điểm trong bài kiểm tra IQ

c. Khả năng sống sót trong thế giới thực

d.Sản phẩm của vỏ não của não

2.Bạn sẽ đề xuất điều gì như một định nghĩa hoạt động của sự hài hước?

Mẫu quần thể 

Trong phòng thí nghiệm hóa học, nếu bạn tìm thấy các tính chất của một hợp chất nào đó, kết quả của bạn sẽ được áp dụng cho cùng một hợp chất đó ở bất kỳ đâu. Tâm lý học thì khác. Kết quả của một nghiên cứu trên một nhóm người có thể áp dụng hoặc không áp dụng cho các nhóm khác.

Đối với một số mục đích, sự lo ngại này là không đáng kể. Ví dụ, nghiên cứu về các khía cạnh nhất định của thị giác và thính giác có thể sử dụng bất kỳ mẫu khách thể có sẵn, và trong một số trường hợp, thậm chí có thể dùng cả động vật thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu khi mong đợi kết quả giống nhau đối với hầu hết mọi người, thì họ thường sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện (convenience sample), một nhóm được chọn vì tính tiện lợi cho nghiên cứu. Thật không may, nhiều nhà nghiên cứu lạm dụng nghiên cứu sử dụng mẫu thuận tiện này và đối tượng thường thấy nhất là các sinh viên đại học, một mẫu tiện lợi phù hợp cho một số mục đích nghiên cứu nhưng không phải là tất cả.

Khi so sánh hai quần thể, các nhà nghiên cứu cần các mẫu tương tự của các quần thể đó. Hãy xem xét ví dụ này: Vào mỗi mùa thu, các tờ báo đưa tin điểm SAT trung bình cho mỗi bang của Mỹ, và một số bang có điểm cao hơn một số bang khác. Một phần cho lời giải thích liên quan đến việc lấy mẫu. Ở một số bang nhất định, gần như tất cả học sinh đại học đều thi SAT, trong khi ở những bang khác, thay vào đó, các trường đại học trong bang yêu cầu ACT và những học sinh thi SAT duy nhất là những người đăng ký vào một trường đại học ngoài bang (có thể là một trong những trường đại học Ivy League chẳng hạn). Chúng ta không thể so sánh một cách có ý nghĩa kết quả nếu chúng ta kiểm tra những học sinh mức trung bình ở một bang và những học sinh mức giỏi nhất ở một bang khác.

Một phương án lấy mẫu có phần cải thiện lớn so với mẫu thuận tiện là phương pháp lấy  mẫu đại diện (representative sample), đây là phương pháp lấy mẫu thường dùng trong việc lấy mẫu về tỷ lệ nam và nữ, các nhóm dân tộc khác nhau, già và trẻ, cư dân thành phố và nông dân, hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác dường như có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu . Để có được một mẫu đại diện của người dân trong một khu vực, nhà nghiên cứu bước đầu xác định tỷ lệ phần trăm cư dân thuộc từng loại và sau đó chọn những người phù hợp với các tỷ lệ phần trăm đó. Tất nhiên, một mẫu được lấy theo cách một phương pháp này có thể không phù hợp với các phương pháp hay một nghiên cứu khác.

Và có lẽ, phương án lấy mẫu tối ưu nhất hiện nay, đó là phương án lấy mẫu ngẫu nhiên (random sample), trong đó mọi cá nhân trong quần thể đều có cơ hội được chọn làm mẫu như nhau. Để tạo ra một mẫu ngẫu nhiên về cư dân Toronto chẳng hạn, một điều tra viên có thể bắt đầu với bản đồ Toronto và chọn ngẫu nhiên một số khu phố nhất định, chọn ngẫu nhiên một ngôi nhà từ mỗi khu đó, sau đó chọn ngẫu nhiên một người từ mỗi hộ gia đình đó. Ngẫu nhiên ở đây có một ý nghĩa đặc biệt. Nếu bạn chỉ nói: “Được rồi, tôi sẽ chọn khu này, khu này và khu này”, kết quả sẽ không đạt được tính ngẫu nhiên, là bởi vì bạn có thể đang làm theo một thứ tự hay kiểu mẫu nào đó mà chính bạn cũng không nhận ra. Một quy trình tốt hơn là “bốc thăm” hoặc một phương pháp tương tự để cho mọi khu đều có cơ hội được chọn như nhau, không có sự can thiệp của con người. Mẫu ngẫu nhiên có ưu điểm này: Mẫu ngẫu nhiên càng lớn thì xác suất thu được kết quả của nó về cơ bản khác hơn so với tính chất chung của toàn bộ dân số càng nhỏ. Tuy nhiên, mặc dù việc lấy mẫu mẫu ngẫu nhiên về mặt lý thuyết là phương án tốt nhất, nhưng thực tế lại khó thực hiện. Ví dụ, một số người bạn chọn ngẫu nhiên có thể từ chối tham gia.

Nếu chúng ta muốn kết quả áp dụng cho toàn nhân loại, chúng ta cần phải so sánh những người từ một số văn hóa khác nhau. Ví dụ như,  hầu hết mọi người trên thế giới nhìn nhận người ở Hoa Kỳ là – WEIRD: Phương Tây – W (West), Có học thức – E (Educated), Công nghiệp – I (Industrial), Giàu có – R (Rich) (so với hầu hết phần còn lại của thế giới) và Dân chủ – D (Democratic) (Henrich, Heine, & Norenzayan, 2010). Bạn có thể không thích cách viết tắt này, nhưng vấn đề là chúng ta cần phải xem xét sự khác biệt về văn hóa một cách nghiêm túc.

Chúng ta biết rằng có sự khác biệt văn hóa trong các vấn đề về chế độ ăn uống và hoạt động giải trí (Kobayashi, 2011), tôn giáo, chính trị và hành vi tình dục. Bên cạnh đó sự khác biệt cũng xuất hiện từ những vấn đề mà chúng ta có thể không chưa nghĩ tới. Dưới đây là hai ví dụ: Thứ nhất, ở Hoa Kỳ, bình quân những người có địa vị xã hội thấp hơn, thì sẽ thể hiện cơn tức giận nhiều hơn, có lẽ vì họ cảm thấy thất vọng và phải vật lộn nhiều hơn trong cuộc sống. Trái lại  ở Nhật Bản, những người có địa vị cao thể hiện cơn tức giận nhiều hơn, bởi vì sự tức giận có liên quan đến sức mạnh quyền lực (Park et al, 2013). Thứ hai, nếu bạn được yêu cầu sắp xếp một dãy bức ảnh theo thứ tự từ sự kiện đầu tiên đến sự kiện sau cùng để kể một câu chuyện hợp lý, bạn có thể sẽ theo xu hướng là sắp xếp các hình ảnh từ trái sang phải, hoặc có thể từ trên xuống dưới. Các thổ dân Úc sắp xếp các bức ảnh từ đông sang tây, bất kể họ đang nhìn về hướng nào (Boroditsky & Gaby, 2010). Tất nhiên, làm như vậy đòi hỏi họ phải biết chính xác hướng nào là hướng đông. Đối với họ, mũi thời gian đi từ đông sang tây, giống như người Mỹ nghĩ về nó như đi từ trái sang phải vậy.

Một nhà tâm lý học muốn bàn luận về đặc tính chung nào đó của con người trên khắp thế giới, chứ không chỉ một nền văn hóa, cần một mẫu đa văn hóa (cross-cultural sample), những nhóm người đến từ ít nhất hai nền văn hóa. Việc lấy mẫu liên nền văn hóa là điều khó thực hiện bởi các vấn đề về chi phí, rào cản ngôn ngữ và sự miễn cưỡng của người dân ở một số nền văn hóa khi tham gia vào các hoạt động không quen thuộc với họ.

Bảng 2.1 Các phương pháp lấy mẫu
Phương pháp lấy mẫuKhách thể tham giaƯu /nhược điểm
Phương pháp lấy mẫu tiện lợi   

 

Mọi khách thể.Dễ lấy mẫu tuy nhiên, kết quả cho được có thể không đại diện được cho toàn bộ dân số.
Phương pháp lấy mẫu đại diện 

 

Lấy mẫu phổ biến và đều theo phần trăm đại diện của các loại hình dân cư của dân  số, như tỷ lệ nam/nữ, màu da trắng / da đen…Kết quả có thể đại diện cho tính chất chung của dân số, tuy vậy, kết quả này cũng có khi chỉ phản ánh một phần đúng ở một số khía cạnh nhất định chứ không phải tất cả.
Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên

 

Tất cả mọi khách thể trong dân số đều có cơ hội như nhau. Khó để thực hiện loại hình lấy mẫu này, tuy vậy, đây là phương án hữu hiệu nhằm có được thông tin phổ quát nhất về dân số đang khảo sát.
Phương pháp lấy mẫu đa văn hóa

 

Những khách thể tới từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

 

Là một phương án giải quyết được rất nhiều các vấn đề, tuy nhiên với cái chi phí là sự khó khăn trong việc vượt qua các rào cản ngôn ngữ, các phương thức hợp tác…

 

Kiểm tra kiến thức:

Giả sử bạn đứng trên một con phố và bạn phỏng vấn mọi người thứ 10 đi ngang qua. Đây là loại mẫu nào – tiện lợi, đại diện hay ngẫu nhiên?

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply