
Ta có thể khôi phục những ký ức đã quên hay không? Giả sử bạn nói với một nhà trị liệu về nỗi đau khổ mơ hồ, và nhà trị liệu trả lời, “Các triệu chứng như của bạn thường gặp ở những người bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu. Bạn có nghĩ rằng bạn đã trải qua nó? ” Bạn trả lời, “không” nhưng nhà trị liệu vẫn kiên trì nói với bạn rằng: “Việc bạn không nhớ không có nghĩa là nó không xảy ra. Có lẽ vì quá đau đớn nên bạn đã kìm nén ký ức”. Nhà trị liệu khuyên bạn nên thực hiện thôi miên, cố gắng thực hiện việc nhớ lại hoặc cố gắng tưởng tượng nếu nó xảy ra thì nó xảy ra như thế nào. (Quy trình này phản ánh giả định rằng việc hồi tưởng lại những ký ức đau buồn là có lợi – một giả định mà có rất ít bằng chứng và nhiều lý do để nghi ngờ nó.). Sau một vài lần, bạn nói, “Ký ức của tôi đang bắt đầu quay trở lại. . . . Tôi nghĩ tôi nhớ. . . . Hầu hết các nhà trị liệu sẽ không sử dụng những kỹ thuật xâm lấn như vậy để khôi phục những ký ức cũ, nhưng một số khác thì có. Các báo cáo về những ký ức đã mất từ lâu, được thúc đẩy bởi các kỹ thuật lâm sàng, được gọi là ký ức được phục hồi (recovered memories).
Khi mọi người nói rằng họ đã khôi phục lại những ký ức bị lãng quên từ lâu, liệu nhà trị liệu đã khám phá ra sự thật, hay bóp méo sự thật hay thuyết phục ai đó tin vào một sự kiện tưởng tượng? Vấn đề này trong nhiều năm là một trong những cuộc tranh luận sôi nổi nhất trong tâm lý học.
Một số báo cáo được thuật lại có vẻ rất kỳ cục. Trong một trường hợp, hai chị em tố cáo cha của họ liên tục cưỡng hiếp họ bằng cả đường âm đạo và hậu môn, đưa bạn bè của ông ấy đến vào tối thứ Sáu để cưỡng hiếp họ, và buộc họ tham gia vào các nghi lễ satan bao gồm ăn thịt đồng loại và tàn sát trẻ sơ sinh (Wright, 1994). Hai chị em đã không nhớ bất kỳ sự kiện nào trong số những sự kiện này trước khi tham gia các buổi điều trị với bác sĩ trị liệu. Trong một trường hợp khác, những đứa trẻ 3 và 4 tuổi, sau nhiều lần bị bác sĩ trị liệu thúc giục, đã buộc tội giáo viên ở trường Chúa Nhật (Sunday School) lạm dụng tình dục chúng bằng máy uốn tóc, ép chúng uống máu và nước tiểu, treo ngược chúng lên đèn chùm, dìm chúng trong nhà vệ sinh, và giết một con voi và một con hươu cao cổ trong giờ học ở Trường Chúa Nhật (Gardner, 1994). Không ai tìm thấy bất kỳ bằng chứng vật chất nào chứng minh cho các tuyên bố, chẳng hạn như các mô có sẹo hoặc xương của con hươu cao cổ.
Ngay cả khi báo cáo về những ký ức được phục hồi ít kỳ lạ hơn nhiều, thì độ chính xác của chúng vẫn còn là điều đáng nghi ngờ. Các nhà nghiên cứu đã so sánh những người đã khôi phục trí nhớ do kết quả trị liệu với những người khác nhớ lại một cách tự nhiên về một giai đoạn bị lạm dụng tình dục thời thơ ấu mà họ đã không nghĩ đến trong nhiều năm. Đối với những người tự khai báo về những ức đã mất từ lâu, các nhà điều tra thường có thể tìm thấy bằng chứng hỗ trợ, chẳng hạn như những người khác đã báo cáo bị lạm dụng bởi cùng một thủ phạm. Đối với những người cho biết chỉ phục hồi trí nhớ nhờ điều trị, các nhà điều tra không tìm thấy bằng chứng hỗ trợ dù chỉ một trường hợp duy nhất (Geraerts et al., 2007).
Khi mọi người có những trải nghiệm bị lạm dụng, họ có khả năng sẽ quên chúng trong nhiều năm không? Và những gợi ý lặp đi lặp lại có thể khiến ai đó nhớ lại một sự kiện chưa từng xảy ra không?