‘Lười biếng’ không phải là một trạng thái được công nhận trong Tâm lý học

Sẽ thế nào khi một ngày không còn ai mắng mình là “Đồ lười biếng” nữa?

“Hôm nay tao lười quá mày ơi”, “Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ sao cứ ngày càng lười biếng”, “Đừng có nằm lười ra đó nữa, dậy học bài đi”…

Những câu nói quen thuộc liên tục lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng liệu chúng ta có từng ngừng lại và thắc mắc rằng lười biếng thực sự là gì chưa, hay tại sao nó lại được xem là một phẩm chất tiêu cực của con người? Hay ta chỉ đơn giản là buồn và biết rằng mình cần phải cải thiện mỗi khi bị gọi là ‘đồ lười biếng’ mà thôi? Liệu trong một góc nhìn nào khác, sự lười biếng có thể biện minh cho nó? Và những người đang ‘lười’, liệu họ có phải đang cần sự giúp đỡ hơn là bị chỉ trích hay không? 

Lịch sử của khái niệm ‘lười biếng’

Theo tiến sĩ Devon Price, tác giả của quyển sách “Lười biếng không có thật” (Laziness does not exist) xuất bản năm 2021, thuật ngữ ‘lười biếng’ (lazy) lần đầu xuất hiện tại Anh vào những năm 1540 và được dùng để chỉ những người ghét phải nỗ lực hoặc ghét công việc của họ. Nhưng nhiều nhà Từ nguyên học (ngành học chuyên nghiên cứu về nguồn gốc và lịch sử của các từ vựng) lại cho rằng nó xuất phát từ ‘lasich’ nghĩa là ‘yếu đuối’ trong tiếng Đức, hoặc từ ‘lesu’ trong Tiếng Anh cổ nghĩa là ‘sai trái’ hay ‘độc ác’. Điều đó cho thấy, từ ‘lười biếng’ đã được hình thành từ những tính từ có xu hướng mang nghĩa tiêu cực và thật rõ ràng khi ngày nay, dù là học sinh hay nhân viên, hay là trong bất kì ngành nghề nào khác, chúng ta thường có xu hướng cố gắng hết sức để hai chữ ‘lười biếng’ không bao giờ xuất hiện trong danh sách những đặc điểm tính cách của chúng ta, ít nhất là trong ấn tượng với người khác.

Trở lại với lịch sử, tiến sĩ Devon Price đã chỉ ra rằng khởi nguồn của định kiến cho rằng lười biếng là một khuyết điểm về mặt đạo đức của con người đã xuất phát từ Đạo đức làm việc Tin Lành (Protestant Work Ethic), một khái niệm lần đầu được đưa ra bởi Max Weber trong cuốn sách Niềm đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism). Trong đó đề cập đến niềm tin của những người theo đạo Thanh giáo (Puritan) rằng nếu như họ làm việc chăm chỉ và năng suất, đó là dấu hiệu cho thấy họ nằm trong số những người đã được Chúa chọn để được lên Thiên Đàng. Thậm chí chưa cần tính đến việc họ đã làm việc chăm chỉ hay chưa, nhưng chỉ cần họ là người có động lực và ý chí làm việc trong người, thì đó đã là dấu hiệu chắc chắn rằng họ đã chắc suất được lên Thiên Đàng. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã củng cố thêm những suy nghĩ tiêu cực về sự lười biếng, vì Thiên Đàng là nơi dành cho những người tốt, nên khái niệm về người tốt đã phần nào được thêm vào cả những đặc điểm như phải trở nên thật cần cù và siêng năng. Ngược lại, họ cũng tin rằng những kẻ lười biếng, dù là vì bất cứ lý do nào, đều là những người đã bị nguyền rủa và ta không cần phải quan tâm đến họ vì sớm muộn gì họ cũng sẽ phải xuống Địa Ngục. 

Và từ đó đến nay, việc lười biếng được cho là một khuyết điểm về mặt đạo đức vẫn luôn là một định kiến còn tồn tại gần như là một lẽ hiển nhiên trong cuộc sống của chúng ta. 

Sự dối trá của khái niệm ‘lười biếng’

Tiến sĩ Devon Price cũng đã chỉ ra ba suy nghĩ sai lệch phổ biến góp phần củng cố cho niềm tin vào sự tồn tại của trạng thái ‘lười biếng’ trong xã hội. Những suy nghĩ ấy bao gồm:

  • Năng suất trong công việc tạo nên giá trị của một con người

Bạn sẽ nghĩ gì nếu như tôi nói: những đứa trẻ, những người già, những người tàn tật, những người mắc bệnh nan y hay phải sống thực vật đều là những người không còn giá trị? Từ trong sâu thẳm, bạn biết điều này là không đúng, và sự thật cũng là như thế. Giá trị của con người còn nằm ở nhiều khía cạnh khác như tính cách của họ, cách họ giao tiếp với mọi người, cách họ giải quyết vấn đề, sở thích, niềm vui và những ước mơ mà họ luôn ấp ủ. Việc họ có thể làm bao nhiêu giờ mỗi ngày hay học được bao nhiêu từ vựng mỗi tiếng không phải là thước đo để đánh giá một cách toàn diện về một ai đó.

  • Bạn không nên tin vào cảm giác, nhu cầu và giới hạn của bản thân

Những lúc mệt mỏi, chán chường hay thậm chí là kiệt sức, dường như luôn có một giọng nói xuất hiện trong đầu chúng ta rằng hãy cứ tiếp tục công việc mình đang làm. Giọng nói ấy có thể nói rằng: “Sự mệt nhoài ta cảm nhận được là không quan trọng, vì chừng nào ta chưa xong việc, thì ta sẽ không được phép nghỉ ngơi”. Chúng ta được cổ vũ cho việc phớt lờ cảm giác và nhu cầu của bản thân mà không biết rằng điều đó sẽ làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần (nghĩ mình là người xấu vì đã thư giãn khi chưa xong việc) lẫn thể chất (không có đủ thời gian để nghỉ ngơi). Nhưng những thứ đó, mặt khác, lại là phản ứng của chúng ta đối với các tác nhân bên ngoài, nó là dấu hiệu cho thấy cơ thể ta cần được thư giãn, chứ không phải là một trở ngại ta cần vượt qua để làm thêm được nhiều việc hơn nữa. 

  • Bạn luôn có thể làm thêm nhiều việc hơn là bạn nghĩ

Đây là một câu nói quen thuộc mà ta vẫn hay được khuyên bảo, thậm chí là tự nhủ với bản thân vào những lúc mệt nhoài hay muốn được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, càng có suy nghĩ ấy, ta sẽ càng có xu hướng cảm thấy tiêu cực hơn vì chính cách suy nghĩ này khiến cho ta cảm thấy bản thân mình ‘chưa bao giờ là đủ’, rằng ta chưa thực sự cố gắng hết mình, chưa nỗ lực hết sức và sẽ cảm thấy tội lỗi với chính bản thân vì những điều đó khi thất bại chẳng may ập đến với những việc ta làm.

Vậy lười biếng thực chất là gì?

Một cách ngắn gọn thì, lười biếng là “dấu hiệu cho ta biết cơ thể mình đang cần được nghỉ ngơi, hơn là một sự ‘thiếu hụt’ về mặt năng suất hay là cái gì đó ta cần điều chỉnh, vượt qua bằng một ly cà phê hoặc thời gian làm việc dài hơn bình thường để bù đắp.” -Ph.D Devon Price.

Bạn nghĩ rằng mình thật lười biếng, nhưng thực chất có thể bạn đang:

  1. Kiệt sức 
  2. Rơi vào trạng thái trì hoãn
  3. Bị quá tải

Kiệt sức 

Sau một ngày dài, bạn cảm thấy mệt mỏi và chẳng thể làm nổi thêm điều gì nữa, dù vẫn còn cả tá deadline đang cần bạn giải quyết. Và bạn tự nhủ: “Sao mình lại lười biếng thế này?”. Nhưng thật ra, đó chỉ là do cơ thể bạn đang kiệt sức mà thôi, và nghỉ ngơi sẽ là một chiến thuật hợp lý hơn là cố gắng ép mình nhồi thêm công việc. Trạng thái kiệt sức này thậm chí còn tệ hơn đối với những người mắc các bệnh về tâm lý. Những người mắc trầm cảm, rối loạn lo âu và tăng động giảm chú ý phải luôn đối mặt trạng thái kiệt quệ về mặt thể chất lẫn tinh thần. Và bản thân họ cũng đã phải tiêu tốn một nguồn năng lượng lớn mỗi ngày để đối phó lại với những gì mà căn bệnh ấy mang đến. Chúng ta không bao giờ gọi những người bị gãy chân hay nằm liệt giường là ‘lười biếng’ vì họ không thể làm gì cả, vậy tại sao điều này lại áp dụng cho những người mắc các vấn về tâm lý?

Rơi vào trạng thái trì hoãn

Đa phần những lúc ‘lười biếng’ của ta thật ra lại là những lúc ta đang trì hoãn một công việc nào đó. Ta dường như luôn chờ đợi một thời điểm ‘chín mùi’ để làm chúng, là khi ta có đủ động lực, tràn đầy kiến thức hoặc mọi thứ phải đều ở trong tư thế sẵn sàng. Bên cạnh đó, ta cũng có xu hướng bị thu hút bởi những sự thỏa mãn tạm thời hơn là niềm vui lâu dài nhưng khó đạt hơn của việc hoàn thành những thứ cần làm. Hoặc chỉ đơn giản là vì ta đang gặp vấn đề về sức khỏe, đang cần sự hỗ trợ khi không biết phải làm gì hay nghĩ rằng mình sẽ làm việc hiệu quả hơn dưới áp lực đã đưa ta đến quyết định trì hoãn.

Bị quá tải

Bị quá tải (Overwhelming) cũng có thể là một nguyên nhân khác khiến cho bạn cảm giác như mình đã ‘lười biếng’. Những biến cố đột ngột xảy ra trong cuộc sống, sự căng thẳng hay sức khỏe tinh thần suy giảm đều có thể là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của bạn. Một khi bị quá tải, bạn có thể cảm thấy bị ‘tê liệt’ và dường như không thể thực hiện được các hoạt động thường ngày, thậm chí là những việc đơn giản nhất. 

 

Kết luận

‘Lười biếng’, khi được quan sát trong một góc nhìn khác, sâu hơn và kĩ hơn, ta sẽ thấy được nhiều điều hơn là một phẩm chất bị gán cho là tiêu cực bởi đại đa số các nền văn hóa hiện nay. Nhờ đó, khi những người xung quanh ta, hay thậm chí là chính ta đang ‘lười biếng’, ta biết rằng sẽ tốt hơn nếu ta chấp nhận nó và đi tìm giải pháp cho nó hơn là những lời chỉ trích. Bên cạnh đó, chúng ta không nên nhận định chắc chắn rằng những phút giây ‘lười biếng’ luôn là một thiếu sót, mà đó có thể là dịp để ta hiểu rằng: “Chúng ta thường gắn tất cả các giá trị của con người mình lên những việc ta cống hiến cho đời mà vô tình quên mất rằng: bản thân chúng ta cũng là một điều vô cùng quý giá cần được chăm chút và nâng niu….”

 

Nguồn tham khảo:

[1] https://goop.com/wellness/mindfulness/why-laziness-does-not-exist/

[2] https://www.npr.org/2021/09/24/1039676445/laziness-does-not-exist-devon-price

[3] https://www.youtube.com/watch?v=2KGrL1snV-c

[4]https://www.psychologytoday.com/us/blog/shrugging-off-should/202103/5-tips-for-resisting-the-laziness-lie

[5]https://www.verywellmind.com/feeling-overwhelmed-symptoms-causes-and-coping-5425548

[6] https://www.verywellmind.com/the-psychology-of-procrastination-2795944

Trả lời