Lợi ích của cảm xúc

Usefulness of Emotions

Có lẽ, cảm xúc phải mang lại lợi ích gì đó, nếu khồn chúng ta có thể không phát triển khả năng cảm nhận cảm xúc. Một chức năng của cảm xúc là tập trung sự chú ý của chúng ta vào thông tin quan trọng. Đôi mắt và sự chú ý của bạn hướng đến hình ảnh thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, ngay cả khi bạn cố gắng tập trung vào thứ khác (Schupp et al., 2007; Yoon, Hong, Joormann, & Kang, 2009). Những người dễ bị lo lắng đặc biệt tập trung vào những điều liên quan đến nỗi sợ hãi (Doty, Japee, Ingvar, & Ungerleider, 2013). 

Cảm xúc và tâm trạng cũng điều chỉnh sự ưu tiên của chúng ta. Nếu bạn đang chạy trốn một kẻ tấn công điên rồ cầm một cái cưa máy, bạn sẽ không dừng lại để ngửi hương thơm của những bông hồng. Khi bạn đang trong tâm trạng hạnh phúc, bạn mở rộng sự tập trung của mình. Theo lý thuyết mở rộng và xây dựng cảm xúc tích cực của Barbara Fredrickson (2001), tâm trạng hạnh phúc giúp bạn sẵn sàng khám phá các ý tưởng và cơ hội mới. Bạn tư duy sáng tạo, để ý đến các chi tiết nền tảng mà bạn thường bỏ qua và tăng khả năng theo đuổi những trải nghiệm mới để giúp duy trì tâm trạng hạnh phúc (Fredrickson & Losada, 2005). Xu hướng đó liên quan đến sự thật là cảm xúc thường là có cường độ thấp. Bất kỳ loại cảm xúc mãnh liệt nào đều có xu hướng thu hẹp sự chú ý của một người (Gable & Harmon-Jones, 2010). 

Mặc dù chứng trầm cảm nặng làm suy giảm khả năng suy luận, nhưng tâm trạng gợi buồn cũng hỗ trợ lập luận theo một số khía cạnh khác. Như đã thảo luận ở chương 11, hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao khả năng của bản thân và đánh giá thấp thời gian thực hiện một nhiệm vụ. Những người có tâm trạng vui tươi đặc biệt dễ mắc phải lỗi đó. Những người buồn bã ít có xu hướng lạc quan, và do đó thực tế hơn. Tuy nhiên, những người trầm cảm nặng lại không thực tế theo cách khác, như là đánh giá bản thân quá thấp và coi những nhiệm vụ dễ là khó (Moore & Fresco, 2012). 

Những người tâm trạng buồn thường kiểm tra bằng chứng một cách thận trọng trước khi đưa ra quyết định hơn bình thường. Trong một nghiên cứu, các sinh viên lắng nghe một lập luận yếu và một lập luận mạnh liên quan đến việc tăng học phí của sinh viên ở trường đại học. Các sinh viên có tâm trạng buồn thường bị thuyết phục bởi các lập luận mạnh hơn, trong khi các sinh viên có tâm trạng vui vẻ cho thấy cả hai lập luận đều có sức thuyết phục như nhau (Bless, Bohner, Schwarz, & Strack, 1990). 

Cảm xúc và lập luận đạo đức – Emotions and Moral Reasoning

Mọi người thường khuyên chúng ta không để cảm xúc cản trở các quyết định. Cảm xúc đôi khi làm ảnh hưởng tới quyết định, nhưng chúng thường cung cấp chỉ dẫn khi chúng ta phải quyết định nhanh về việc đúng hoặc sai (Beer, Knight, & D’Esposito, 2006). Hãy bắt đầu với hai tình huống khó xử về đạo đức mà những người có thiện chí không đồng tình: 

Thế tiến thoái lưỡng nan của xe đẩy. Một chiếc xe đẩy bị lỗi phanh đang lao xuống dốc về phía năm người đang ở trên đường ray. Bạn có thể bấm công tắc để chuyển hướng xe đẩy sang một đường ray khác, nơi mà chỉ có một người. Nếu bạn bấm công tắc, xe đẩy sẽ làm một người chết thay vì năm người. Vậy bạn có làm điều đó không?  

Thế tiến thoái lưỡng nan trên cây cầu đi bộ. Một chiếc xe đẩy khác bị lỗi phanh đang lao xuống dốc và sắp giết chết năm người. Lần này bạn đang đứng trên một cây cầu đi bộ ở phía trên đường ray. Bạn thấy có một cách để cứu sống năm người đó:

Một người đàn ông to béo đang đứng gần bạn, và đang nghiêng người. Nếu bạn đẩy anh ta xuống cầu, anh ta sẽ rơi vào đường ray và chặn được chiếc xe đẩy. (Giả sử bạn quá gầy để có thể chặn chiếc xe đẩy.) Một lần nữa, hành động của bạn sẽ giết chết một người để cứu năm người. Bạn có làm điều đó không? (xem hình 12.16.)

Hầu hết mọi người trả lời “có” với việc bấm công tác ở tình huống đầu tiên, mặc dù họ có thể cảm thấy khó khăn. Chúng ta do dự làm điều gì đó mà tổn thương tới người khác, ngay cả khi hành động thành công sẽ gây hại cho một số lượng lớn hơn (DeScioli, Christner, & Kurzban, 2011; Miller, Hannikainen, & Cushman, 2014). Ít người nói rằng họ sẽ đẩy một ai đó xuống cầu trong tình huống thứ hai (Greene, Sommerville, Nystrom, Darley, & Cohen, 2001). Về mặt logic, câu trả lời có thể giống nhau vì hành động giết một người để cứu năm người, mặc dù các tình huống không hoàn toàn so sánh được. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đẩy ai đó đến cái chết và chiếc xe đẩy vẫn giết chết cả những người khác? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhảy ra khỏi đường ray do đó việc giết người đàn ông là không cần thiết? Tuy nhiên, ngay cả khi bạn hoàn toàn tin rằng việc đẩy ai đó xuống cầu có thể cứu được năm người, thì điều đó vẫn làm bạn khó chịu. 

Sau khi mọi người đưa ra quyết định đạo đức trong các trường hợp tương tự như thế này, họ thường gặp khó khăn khi đưa ra lý do cho quyết định của mình. Họ ra quyết định nhanh chóng dựa trên cảm xúc và sau đó tìm cách biện hộ (Haidt, 2001). Chỉ dẫn bởi cảm xúc thường hiệu quả. Như một quy luật, đẩy ai đó xuống cầu là một ý tưởng tồi tệ. Phản ứng cảm xúc của bạn là một chỉ dẫn trong việc ra quyết định mà hầu như luôn đúng. 

Việc ra quyết định của những người có khiếm khuyết cảm xúc

Decisions by People with Impaired Emotions

Antonio Damasio (1994) mô tả các bệnh nhân có cảm xúc kém do tổn thương não bộ. Một trong những bệnh nhân nổi tiếng là Phineas Gage, người được cứu sống năm 1848 trong một tai nạn bị một thanh sắt xuyên qua đầu (xem hình 12.17). Hơn một thế kỷ rưỡi sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra hộp sọ của anh ta (hiện vẫn được trưng bày trong một bảo tàng ở Boston) và tái tạo con đường mà thanh sắt đã đi qua não của anh ta (Ratiu & Talos, 2004). Vụ tai nạn đã làm tổn thương phần vỏ não trước trán của anh ta. Trong những tháng đầu tiên sau tai nạn, Gage thường ít biểu lộ cảm xúc, và đưa ra những quyết định thiếu cân nhắc, bốc đồng. Tuy nhiên, các báo cáo vào thời điểm đó cung cấp rất ít chi tiết. Qua nhiều năm, mọi người đã kể lại câu chuyện này một cách tỉ mỉ. Nếu bạn đã đọc về trường hợp này trước đây, bạn có thể đã biết một vài thông tin phóng đại (Kotowicz, 2007).

Gần đây, một bệnh nhân được chúng tôi gọi là “Elliot” cung cấp nhiều hơn một ví dụ (Damasio, 1994). Elliot bị tổn thương vỏ não trước trán trong cuộc phẫu thuật loại bỏ khối u não. Sau ca phẫu thuật, anh hầu như không biểu lộ cảm xúc, không nóng nảy, không bực bội, không hứng thú với âm nhạc hay nghệ thuật và hầu như không tức giận. Anh đã mô tả cuộc phẫu thuật não và kết quả cuộc sống bị tách rời của mình, như là mô tả các sự kiện xảy ra với một người khác. Bên cạnh việc suy giảm cảm xúc, anh còn gặp khó khăn trong việc thực hiện hoặc lập các kế hoạch phù hợp. Anh có thể thảo luận về kết quả của các lựa chọn khả thi nhưng vẫn khó khăn khi ra quyết định. Kết quả là, anh không thể giữ được việc làm, đầu tư tiền bạc thông minh hoặc duy trì tình bạn bình thường. 

Theo quy luật, những người bị tổn thương một phần của phần não trước trán (chính xác là vỏ não trước trán) gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định và dường như đặc biệt suy giảm khả năng phán đoán về đạo đức. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng việc bật công tắc để khiến một chiếc xe đẩy giết một người thay vì năm người là ổn, nhưng có lẽ bạn sẽ không nghĩ như vậy nếu người chết có thể là mẹ hoặc con gái của bạn. Những người bị tổn thương não như vậy nói chung sẽ không sao. Và họ có xu hướng đưa ra những quyết định tương tự mà không chút do dự (Ciaramelli, Muccioli, Làdavas, & diPellegrino, 2007; Thomas, Croft, & Tranel, 2011). 

Những người còn lại trong chúng ta sẽ coi hành động này là “hợp lý” nhưng quá đau đớn về mặt cảm xúc. Nếu tổn thương não xảy ra ở thời thơ ấu hoặc giai đoạn đầu tuổi vị thành niên, thì ảnh hưởng còn lớn hơn; ví dụ, mọi người nói rằng có thể giết một ông chủ mà bạn không ưa, nếu bạn chắc chắn rằng bạn có thể chạy trốn khỏi điều đó (Taber-Thomas et al., 2014). Kết quả đó cho thấy sự thất bại trong việc học các quy tắc đúng và sai mà hầu hết mọi người coi là đương nhiên trong một xã hội văn minh. Hạch hành nhân – Amygdala là vùng não chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý thông tin cảm xúc (chẳng hạn như cảm thấy buồn hoặc tội lỗi). Thông thường, hạch hạnh nhân đưa thông tin đó vào vỏ não trước trán, vùng cân bằng nó khi đưa ra quyết định. Khi kết nối từ hạch hạnh nhân đến vỏ não bị phá vỡ,  các quyết định bỏ qua cảm xúc buồn bã hoặc tội lỗi tiềm ẩn (Shenhav & Greene, 2014). Những người bị tổn thương thùy trán không dễ dàng tưởng tượng được kết quả cảm xúc. Như Damasio (1999, p. 55) đã nói, “Cảm xúc không thể tách rời khỏi ý niệm thiện và ác”. Nếu bạn không thể tưởng tượng được cảm giác tốt hay xấu, tự hào hay tội lỗi, bạn đưa ra những quyết định sai lầm. 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply