Hiểu sâu về chứng Nghiện dưới lăng kính khoa học thần kinh

Bài phỏng vấn được thực hiện bởi người viết Adrienne Hurst của blog All Treatment

Gần 10 năm trước, địa điểm tiêm chích an toàn đầu tiên ở Bắc Mỹ được mở tại Vancouver, B.C., cung cấp kim tiêm vô trùng và các tiện ích giảm tác hại khác cho những người nghiện gặp khó khăn. Một nhân tố quan trọng đằng sau cơ sở này trong 2 năm là bác sĩ và tác giả gốc Hungary, Tiến sĩ Gabor Maté. Trong cuốn sách bán chạy nhất của ông, Hiểu sâu về chứng nghiện: Cõi sống của những con ma đói (In the Realm of Hungry Ghosts), Tiến sĩ Maté chia sẻ những trải nghiệm của mình khi làm việc với những người vô gia cư và nghiện ngập ở khu Đông Vancouver.

Blog All Treatment đã có cuộc trò chuyện với vị bác sĩ danh tiếng này về sự kỳ thị đối với người nghiện, cuộc chiến chống ma túy của Mỹ và ý nghĩa của khái niệm “những con ma đói.” (All Treatment đã cho phép đăng lại bài phỏng vấn này tại đây).

All Treatment (AT): Tiến sĩ Maté, cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Ông có thể chia sẻ một chút về bản thân và cuốn sách Hiểu sâu về chứng nghiện: Cõi sống của những con ma đói không?

Tiến sĩ Gabor Maté (GM): Tôi là một bác sĩ y khoa và tác giả viết sách. Sau 20 năm làm bác sĩ gia đình và chăm sóc giảm nhẹ, tôi đã làm việc mười hai năm tại khu Đông Vancouver, nơi nổi tiếng là mã bưu điện nghèo nhất Canada và là khu vực tập trung người sử dụng ma túy đông nhất Bắc Mỹ. Trong phạm vi chỉ vài khu phố, có hàng nghìn người phụ thuộc vào việc tiêm chích, hút hoặc hít đủ loại chất như heroin, opioid, methamphetamine, cocaine, rượu, chưa kể cần sa và nicotine.

Trong hai năm, tôi là bác sĩ tại một cơ sở cai nghiện liên kết với Insite, địa điểm tiêm chích giám sát hợp pháp duy nhất ở Bắc Mỹ. Hiểu sâu về chứng nghiện: Cõi sống của những con ma đói là câu chuyện của tôi về những con người sống trong thế giới đó, một cuộc điều tra về điều gì đã đẩy họ vào con đường nghiện ngập nguy hiểm đến tính mạng, một phân tích về sinh học và tâm lý học của sự nghiện, bao gồm cả những hành vi nghiện của chính tôi. Cuối cùng là cái nhìn về sự phi lý của cái gọi là Cuộc Chiến Chống Ma Túy cùng những cách tiếp cận nhân văn hơn đối với bi kịch của sự nghiện ngập, bao gồm cả sự phụ thuộc vào chất kích thích.

AT: Trong quá trình làm việc tại khu vực có tỷ lệ người sử dụng ma túy cao nhất Bắc Mỹ, ông đã học được những điều gì đáng ngạc nhiên hoặc quan trọng về chứng nghiện?

GM: Tôi không nghĩ rằng tôi đã học được điều gì hoàn toàn mới, nhưng điều được nhấn mạnh với tôi mỗi ngày là tính nhân văn của những con người mà tôi phục vụ. Nhân văn theo nghĩa là nhu cầu của họ đối với sự bình yên, hòa hợp, được công nhận, giảm bớt đau khổ, có quyền quyết định và có giá trị trong cuộc sống đều là những nhu cầu chung của tất cả con người.

Những nỗ lực rối loạn của họ để đáp ứng những nhu cầu đó thông qua chất kích thích, cũng đại diện cho khuynh hướng phổ biến của con người trong việc cố lấp đầy khoảng trống bên trong bằng những yếu tố bên ngoài.

AT: Hiện tượng “những con ma đói” là gì? Ông có nghĩ rằng những người nghiện bị xã hội hiểu sai không?

GM: “Những con ma đói” là một khái niệm trong Phật giáo, chỉ phần trong con người chúng ta luôn cảm thấy trống rỗng không chịu nổi và dành cả đời để cố gắng lấp đầy sự trống rỗng đó bằng cách tìm kiếm một thứ gì đó từ bên ngoài. Nhưng vì nhiệm vụ này là bất khả thi, “hồn ma” vẫn mãi mãi đói khát. Đó chính là bản chất của chứng nghiện—dù là nghiện ma túy, quyền lực, tiền bạc, thức ăn, ngoại hình, địa vị, các mối quan hệ, thể thao, trò chơi điện tử, tóm lại là bất cứ thứ gì.

Xã hội của chúng ta nuôi dưỡng những “hồn ma” này trong tất cả chúng ta và vì đây là phần mà chúng ta ghê tởm và sợ hãi nên chúng ta ruồng bỏ những người nghiện ma túy—những người thể hiện rõ nhất con người “hồn ma” của chính chúng ta. Khi nhìn vào mắt họ, chúng ta thấy sự trống rỗng của chính mình, và vì không thích điều đó, chúng ta gạt bỏ họ.

AT: Những sai lầm phổ biến nhất mà người nghiện mắc phải trong quá trình cai nghiện khiến họ không thể duy trì trạng thái sạch là gì?

GM: Chứng nghiện luôn liên quan đến những nỗ lực—thường là vô ích—để xoa dịu nỗi đau. Với những người nghiện ma túy nặng, nỗi đau đó hầu như luôn bắt nguồn từ chấn thương thời thơ ấu, sự mất mát về mặt cảm xúc, bị bỏ rơi hoặc lạm dụng.

Do đó, nghiện không phải là vấn đề gốc rễ, nó là một nỗ lực để giải quyết vấn đề của nỗi đau.

Tất nhiên, nó lại tạo ra nhiều đau khổ hơn. Nhưng nếu chỉ cố từ bỏ “giải pháp” mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của sự đau khổ về mặt cảm xúc thì việc cai nghiện thường thất bại, bởi vì chúng ta không thực sự đối mặt với nguồn cơn của vấn đề.

AT: Ông có quan điểm thế nào về nguyên nhân xã hội và sinh học của chứng nghiện?

GM: Chứng nghiện, tất nhiên, có cơ sở sinh học vì nó liên quan đến các mạch não, hormone và chất dẫn truyền thần kinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là: điều gì tạo nên nền tảng sinh học đó? Không phải do di truyền. Gen có thể khiến một người dễ bị ảnh hưởng hơn nhưng không thể quyết định hoàn toàn, vì chúng bị tác động bởi môi trường. Điều quan trọng là môi trường nuôi dạy trẻ, đặc biệt là trong những năm đầu phát triển não bộ.

Ngày nay, chúng ta biết rằng chính trải nghiệm, chứ không phải di truyền, định hình cấu trúc tinh vi của não bộ. Ở phạm vi rộng hơn, chúng ta cần xem xét cả bối cảnh văn hóa và kinh tế mà chúng ta đang sống, vì chúng ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường gia đình, nơi não bộ trẻ em phát triển.

Môi trường xã hội càng căng thẳng, chúng ta càng chứng kiến nhiều trường hợp nghiện ngập.

Một ví dụ điển hình là các cộng đồng người bản địa ở Bắc Mỹ sau quá trình thuộc địa hóa tàn bạo.

AT: Trong sách của mình, ông ủng hộ việc phi hình sự hóa tất cả các loại ma túy. Ông có nghĩ điều này sẽ sớm xảy ra không?

GM: Tôi không thấy khả năng phi hình sự hóa trong tương lai gần, mặc dù có nhiều bằng chứng ủng hộ nó và nhiều nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm cả những người từng và đang nắm quyền, đã kêu gọi thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, hệ thống Chiến Tranh Chống Ma Túy (thực chất là cuộc chiến chống lại những người nghiện) vẫn quá ăn sâu về mặt kinh tế và chính trị để có thể thay đổi. Ở những nơi như Bồ Đào Nha, việc sở hữu ma túy cho mục đích cá nhân không còn bị phạt tù. Điều này chưa phải là phi hình sự hóa hoàn toàn, nhưng là một bước đi đúng hướng.

AT: Tại sao chiến lược giảm tác hại lại quan trọng?

GM: Vì nó giúp giảm thiểu tác hại. Ví dụ, việc tiêm chích bằng kim sạch giúp loại bỏ nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngoài ra, nó gửi đi thông điệp rằng những người nghiện được chấp nhận như họ vốn có, không bị buộc phải đáp ứng những kỳ vọng phi thực tế.

AT: Nếu xã hội nhìn nhận chứng nghiện như ông, phương pháp điều trị sẽ thay đổi thế nào?

GM: Tôi để các bạn tự suy ngẫm: Chúng ta sẽ thay đổi thế nào nếu thừa nhận rằng những đứa trẻ bị tổn thương có thể trở nên bất ổn khi lớn lên? Nếu chúng ta trao sự cảm thông thay vì khinh miệt thì sẽ thế nào? Nếu chúng ta đầu tư vào phục hồi thực sự thay vì lãng phí nguồn lực vào hệ thống pháp luật trấn áp? Tôi sẽ để độc giả tự suy ngẫm những câu hỏi đó, vì tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều nên làm như vậy.

Người dịch: Lam Hoàng

* Nguồn bài phỏng vấn: https://injectingadvice.com/dr-gabor-mate-interview/

Để lại một bình luận