HIỂU NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ tiếng Anh có nhiều từ với ý nghĩa không rõ ràng. Ví dụ, “peck” có thể có nghĩa là “một phần tư thùng”, hoặc “tấn công bằng mỏ”. “Rose” có thể có nghĩa là một loài hoa, hoặc thì quá khứ của động từ “tăng lên”. Sa mạc có thể có nghĩa là một “vùng đất khô cằn” hoặc với cách nhấn giọng khác đi thì nghĩa là “bỏ rơi ai đó”. Tuy nhiên, dựa vào ngữ cảnh, người nghe thường vẫn hiểu được nghĩa cần hiểu.

Chúng ta thậm chí còn nhận thức rõ hơn về ngữ cảnh khi ta so sánh các ngôn ngữ với nhau. Tiếng Trung phổ thông không chia dạng số nhiều của danh từ hoặc biến đổi một động từ theo từng thì. Tiếng Trung phổ thông không có các mạo từ như “a” và “the”. Vì vậy, câu “người đàn ông mua táo” có thể chỉ một hay nhiều quả táo, ở thì hiện tại hay quá khứ v.v. Bất chấp sự mơ hồ này, người nghe thường hiểu được ý nghĩa nhờ vào ngữ cảnh. Nếu chưa đủ rõ, người nói có thể thêm vào câu trên một từ như “hôm nay” hoặc “hôm qua”. Ngôn ngữ Malaysia có một từ cho khái niệm “bạn và tôi” và một từ khác để chỉ “người khác và tôi”. Tiếng Anh gộp cả 2 nghãi trên vào 1 từ “we”. Người Malaysia tự hỏi làm thế nào người Anh nghe hiểu đúng được từ này, cũng như những người Anh tự hỏi làm thế nào người Trung Quốc hiểu được đúng nghĩa khi câu không có chia thì và dạng số nhiều. 

HIỂU MỘT TỪ

Ngữ cảnh không chỉ định hướng cách chúng ta giải thích một từ, mà còn chỉ dẫn chúng ta nghe một âm thanh không rõ ràng theo hướng này hay hướng khác. Ví dụ, một máy tính đã tạo ra âm thanh nằm giữa âm s bình thường và âm sh bình thường. Khi âm trung gian này thay thế âm s ở cuối từ “embarrass”, người ta nghe nó như một âm s. Khi đưa âm trung gian này thay thế sh ở cuối “abolish”, người ta nghe thấy âm này giống như sh (Samuel, 2001).

Thực ra, chúng ta cũng đọc khẩu hình nhiều hơn chúng ta tưởng để hiểu những gì chúng ta nghe. Nếu chuyển động môi không khớp với âm thanh, chúng ta đắn đo thỏa hiệp giữa những gì chúng ta nhìn thấy và những gì chúng ta nghe thấy (McGurk & MacDonald, 1976). Trong một nghiên cứu, các sinh viên đã nghe đoạn băng ghi âm của một câu bị thiếu 1 âm (Warren, 1970). Câu đó là, “Các thống đốc tiểu bang đã họp với các cơ quan lập pháp tương ứng của họ triệu tập tại thành phố thủ đô.” (The state governors met with their respective legislatures convening in the capital city). Tuy nhiên, âm thanh của chữ cái đầu tiên trong từ “legislatures”, cùng với một phần của i và l liền kề, đã được thay thế bằng một tiếng ho hoặc một thanh âm. Các sinh viên được yêu cầu nghe đoạn ghi âm và cố gắng xác định vị trí của tiếng ho hoặc thanh âm thay thế. Không ai trong số 20 sinh viên xác định được vị trí chính xác, và một nửa nghĩ rằng tiếng ho hoặc âm thanh đó đã gián đoạn một trong những từ khác trong câu. Ngay cả những người được cho biết rằng âm thanh s bị thiếu cũng vẫn khẳng định rằng họ đã nghe rõ ràng âm thanh s. Bộ não sử dụng ngữ cảnh để lấp vào chỗ trống của âm thanh còn thiếu. 

Tương tự việc chúng ta nghe từ “legislatures” như cả 1 từ nguyên vẹn, chứ không phải như một chuỗi các chữ cái riêng biệt, chúng ta hiểu cả chuỗi gồm các từ, chứ không phải từng từ một. Giả sử bạn nghe thấy một từ ghi âm mà trước đó đã được thiết kế cẩn thận để phát ra âm thanh nửa chừng giữa “dent” và “tent”, thì cách bạn cảm nhận nó sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh:

  1. When the *ent in the fender was well camouflaged, we sold the car. (Khi chỗ l* ở trong tấm cản sốc được che chắn cẩn thận, chúng tôi đã bán chiếc xe.)
  2. When the *ent in the forest was well camouflaged, we began our hike. (Khi chỗ l* ở trong rừng được che chắn cẩn thận, chúng tôi đã bắt đầu chuyến đi bộ đường dài.)

Đa số những người nghe câu 1 nói rằng đã nghe thấy từ “lõm” (dent), và hầu hết những người nghe câu 2 cho biết họ nghe thấy từ “lều” (tent). Bây giờ, hãy xem xét 2 câu sau:

  1. When the *ent was noticed in the fender, we sold the car. (Khi chỗ l* được phát hiện ở trong tấm cản sốc, chúng tôi đã bán chiếc xe)
  2. When the *ent was noticed in the forest, we stopped to rest. (Khi chỗ l* được phát hiện ở trong rừng, chúng tôi đã dừng lại nghỉ ngơi)

Đối với câu 3 và 4, ngữ cảnh đã không xuất hiện kịp thời để gợi ý. Người nghe có khuynh hướng cho rằng đã nghe thấy “dent” trong cả 2 câu (Connine, Blasko, & Hall, 1991). Điều này có nghĩa là: 

– Trong 2 câu đầu tiên, sau *ent, người đó chỉ nghe thấy 2 âm tiết xen vào trước khi nghe thấy “tấm cản sốc” hoặc “rừng”. 

– Trong cặp thứ hai, có tới 5 âm tiết xen vào. 

Như vậy, rõ ràng là, khi bạn nghe thấy một âm thanh không rõ ràng, bạn giữ nó ở trạng thái “chưa quyết định” để làm rõ ngữ cảnh, và khi vượt quá một điểm nào đó, thì đã quá muộn.

Mặc dù ngữ cảnh bị trì hoãn trong thời gian dài không thể giúp bạn nghe một từ mơ hồ một cách chính xác, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu được ý nghĩa của nó. Hãy xem xét câu sau (Lashley, 1951):  

“Nhanh chóng siết với bàn tay không bị thương của anh ấy đã giúp không thất lạc đồ đạc của chiếc ca nô bị lật”

Nếu câu trên được nói oang oang lên, đến mức âm thanh bị méo, thì bạn sẽ có xu hướng nghe từ thứ 2 thành “viết”, cho tới khi bạn nghe được 5 chữ cuối. Khi đó, cụm từ “chiếc ca nô bị lật” giúp bạn hiểu rằng “siết” ở đây tức là “ghì mái chèo”. Như vậy chỉ ngữ cảnh tức thời có thể ảnh hưởng lên những gì bạn nghe, nhưng ngữ cảnh xuất hiện muộn có thể thay đổi nghĩa của từ đó. 

HIỂU CÂU

Việc hiểu ngôn ngữ đòi hỏi kiến thức. Ví dụ, hãy xem xét các câu sau (từ Just & Carper, 1987):

“Cửa hàng đó bán giày ngựa.”

“Cửa hàng đó bán giày cá sấu.”

Bạn hiểu “giày ngựa” có nghĩa là “giày cho ngựa đeo” – móng ngựa, nhưng bạn lại hiểu “giày cá sấu” là “giày làm từ da cá sấu.” Cách hiểu của bạn về các câu trên phụ thuộc vào kiến thức của bạn, không chỉ dựa vào cú pháp câu.

Đây là một ví dụ khác:

“Tôi sẽ mua một con chuột hamster ở cửa hàng, nếu nó mở cửa.”

“Tôi sẽ mua một con hamster thú cưng ở cửa hàng, nếu nó khỏe mạnh.”

Không có phần nào của cấu trúc câu khiến bạn hiểu rằng “nó” chỉ “cửa hàng” trong câu đầu tiên và chỉ “một con chuột hamster” trong câu thứ hai. Bạn hiểu đúng nghĩa vì bạn biết rằng chỉ có “cửa hàng” chứ không phải “con chuột hamster” có thể mở cửa, cũng như chỉ có “con chuột hamster” chứ không phải “cửa hàng” có thể khỏe mạnh.

Tóm lại, việc hiểu một câu phụ thuộc vào kiến thức của bạn và cả những hiểu biết chung của bạn với người nói hoặc người viết câu đó. Đôi khi, bạn thậm chí phải nhớ mình đang ở đâu vì nghĩa của cùng một từ khác nhau ở các địa phương khsac nhau (xem hình 8.26). 

Hình 8.26. Ở Mỹ, một huấn luyện viên bóng đá là người chỉ đạo một nhóm cầu thủ bóng đá Mỹ. Còn ở Anh, một huấn luyện viên bóng đá là một chiếc xe buýt chở đầy những người hâm mộ bóng đá. 

Thử chút xem!

Bây giờ hãy xem xét câu này: “Khi Anna mặc quần áo em bé chơi trong cũi”. Hãy trả lời nhanh: Anna mặc váy cho ai? Ai chơi trong cũi? Việc thêm dấu phẩy sẽ đơn giản hóa câu trên, nhưng ngay cả khi không có nó, thì quy tắc ngữ pháp tiếng Anh khiến từ “em bé” không thể vừa là đối tượng “mặc quần áo” vừa là đối tượng “chơi đùa”. Nếu em bé chơi trong cũi (như bạn đã trả lời chắc chắn), Anna chắc chắn đã mặc quần áo cho bản thân cô. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng Anna mặc quần áo cho em bé (Ferreira, Bailey, & Ferraro, 2002). Khi nói hoặc viết, điều quan trọng là cố gắng tưởng tượng những cách mà mọi người có thể hiểu sai ý của bạn.

GIỚI HẠN ĐỐI VỚI SỰ HIỂU BIẾT NGÔN NGỮ CỦA CHÚNG TA

Một số câu ngữ pháp gần như không thể hiểu được. Một ví dụ là câu ghép kép – một câu nằm trong một câu mà câu đó nằm trong một câu khác. Một câu ghép đơn có thể hiểu được, mặc dù khá khó hiểu:

“Con chó mà con mèo nhìn thấy đuổi theo một con sóc.”

“Con sóc mà con chó đuổi theo trèo lên cây.”

Trong câu đầu tiên, “con mèo nhìn thấy con chó” được gắn trong “con chó đuổi theo một con sóc”. Trong câu thứ hai, “con chó đuổi theo con sóc” được lồng trong “con sóc trèo lên cây”. Bạn thấy khá ổn đúng không? Nhưng bây giờ, chúng ta hãy xem xét một câu được ghép kép:

“Con sóc mà con chó con mèo nhìn thấy đuổi theo trèo lên cây”.

Các câu ghép được lồng thêm gấp đôi làm quá tải trí nhớ của chúng ta. Trên thực tế, nếu trí nhớ của bạn đã bị đè nặng bởi những vấn đề khác, bạn có thể gặp khó khăn khi hiểu một câu ghép đơn (Gordon, Hendrick, & Levine, 2002).

Câu phủ định kép cũng khó để hiểu. “Tôi sẽ không phủ nhận rằng. . . ” có nghĩa là “Tôi đồng ý”.

“Điều đó không sai. . . ” có nghĩa là một cái gì đó là “đúng”. Mọi người thường hiểu sai những câu như vậy. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một bài kiểm tra trắc nghiệm có câu hỏi “Điều nào sau đây là không đúng. . . ” và sau đó một trong những lựa chọn có từ “không” trong đó? Với những câu như vậy, việc nhầm lẫn là điều gần như chắc chắn.

Câu có chứa sự phủ định 3 lần còn rắc rối hơn nhiều. Hãy xem xét câu sau đây, bao gồm 4 lần phủ định (đã được nhấn mạnh thêm): “Nếu các ngài không cùng đồng thuận với nhau rằng việc xem xét tất cả các bằng chứng chỉ ra rằng không có yếu tố giảm nhẹ làm cơ sở khoa học để không áp dụng bản án tử hình thì ngài nên ký vào bản án yêu cầu tòa án áp dụng một bản án khác không phải là tử hình ”. Ở Illinois vài năm trước, các thẩm phán thường đọc những hướng dẫn trên cho bồi thẩm đoàn để giải thích cách quyết định giữa án tử hình và tù chung thân. Nó có nghĩa là chỉ cần một bồi thẩm viên thấy lý do nào đó để bác bỏ án tử hình, thì bồi thẩm đoàn nên đề nghị án tù thay thế. Bạn có nghĩ rằng nhiều bồi thẩm viên đã hiểu câu trong ngoặc kép trên không?

Với sự phủ định 1 lần, mọi người thường không hoàn toàn chấp nhận ý nghĩa của từ “không”. Giả sử một loại thực phẩm đóng gói có ghi trên nhãn “không chứa thịt chuột cống xay!”, thông tin đó có làm bạn tăng thêm ý định mua sản phẩm không? Hẳn là không! Tôi đã từng ở trên một chiếc máy bay phải quay đầu ngay sau khi khởi hành vì 1 trong 2 động cơ của nó bị hỏng. Tiếp viên nói với hành khách những gì đang xảy ra. Tôi vẫn cảm thấy bình thường cho đến khi cô ấy nói, “Xin các vị đừng hoảng sợ!”, lúc đó tôi mới nhận ra chúng tôi đã có thể có lý do để hoảng sợ. Nếu bạn đề nghị ai đó giúp đỡ và người đó trả lời, “Không vấn đề!”, bạn phản ứng như thế nào? Cụm từ “không có vấn đề” ngụ ý rằng gần như đã xảy ra một vấn đề hoặc có thể có một chút vấn đề.

Trong một thí nghiệm thông minh, các sinh viên quan sát một người làm thí nghiệm đổ đường vào hai lọ. Sau đó, học sinh được yêu cầu dán nhãn một lọ là “sucrose, đường ăn” và lọ kia “không phải natri xyanua, không phải chất độc”. Sau đó, người thí nghiệm làm 2 cốc Kool-aid, mỗi cốc lấy đường từ 1 trong 2 lọ đường đã dán nhãn phía trên và yêu cầu học sinh chọn một cốc để uống (xem ▲ Hình 8.27).Trong số 44 người đã chọn theo ý thích, 35 người muốn Kool-aid làm từ lọ có ghi “sucrose, đường ăn”, chứ không phải từ lọ mà trên nhãn phủ nhận có chất độc (Rozin, Markwith, & Ross, 1990).

Hình 8.27. Phần lớn các sinh viên thích chọn Kool-aid làm từ đường trong lọ có dán nhãn “đường ăn, sucrose” thay vì lọ dán nhãn “không phải là xyanua”, mặc dù chính họ là người dán nhãn lên 2 lọ. Con người không luôn luôn tin tưởng từ “không” (dựa theo kết quả nghiên cứu của Rozin, Markwith, & Ross, 1990. 

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.