Hai dạng thức tư duy và giải quyết vấn đề

   Daniel Kahneman (2011) đã mô tả tư duy của con người theo hai hệ thống. Chúng ta sử dụng Hệ thống thứ 1 (hoặc tư duy loại 1) cho các quy trình nhanh chóng, tự động (chẳng hạn như nhận diện lại các khuôn mặt quen thuộc và các hành động thường ngày) và cho các câu hỏi mà chúng ta cho là dễ dàng. Hệ thống 1 thường tiến hành mà không cần nhiều nỗ lực. Chúng ta sử dụng Hệ thống thứ 2 (hoặc tư duy loại 2) để tính toán toán học, đánh giá bằng chứng và bất kỳ điều gì khác cần sự tập trung. Hệ thống 2 chủ yếu dựa vào trí nhớ hoạt động, và nếu trí nhớ hoạt động của bạn đã được kích hoạt, là bởi vì bạn đang cố gắng nhớ một điều gì đó khác, bạn có xu hướng quay trở lại Hệ thống 1 (Evans & Stanovich, 2013). Trên thực tế, bởi vì Hệ thống 1 tiết kiệm thời gian và năng lượng, chúng ta dựa vào hệ thống này bất cứ khi nào có thể. Hãy trả lời câu hỏi sau:

   Một cái vợt và một quả bóng có giá $ 1,10. Cái vợt đắt hơn quả bóng 1 đô la. Giá bóng là bao nhiêu?

Hệ thống 1 đưa ra câu trả lời trực quan rằng quả bóng có giá 0.10 đô la. Nhưng điều đó là sai lầm. nếu quả bóng có giá 0,10 đô la và cái vợt có giá cao hơn 1 đô la so với quả bóng, cây gậy sẽ có giá $ 1.0, và tổng là $ 1.20 chứ không phải 1.10. Với một chút công sức bỏ ra, bạn có thể tính toán rằng quả bóng phải có giá $ 0,05. Nhưng bạn có thể đi đến kết luận trước khi nhận ra rằng bạn cần Hệ thống thứ 2 của mình để thực hiện phép tính. nếu câu hỏi được in nhỏ và mờ, do đó bạn phải cố gắng để đọc nó, bạn sẽ có nhiều khả năng suy nghĩ về nó và trả lời chính xác (Alter, Oppenheimer, Epley, & Eyre, 2007). Đúng vậy, bạn thực sự làm tốt hơn nếu bạn gặp khó khăn khi đọc câu hỏi! Bất cứ điều gì khiến bạn chậm lại và yêu cầu bạn phải tư duy về nó sẽ cải thiện hiệu suất của bạn.   

   Trong nhiều trường hợp, Hệ thống 2 giải quyết các vấn đề bằng một thuật toán – algorithm, một quy trình hiển lộ/rõ ràng để tính toán một đáp án hoặc kiểm tra mọi giả thuyết. Giả sử bạn là một nhân viên bán hàng đi du lịch ở Ames, Iowa (xem Hình 8.15). Bạn muốn thăm 10 thành phố và trở về nhà bằng con đường ngắn nhất. Bạn có thể liệt kê tất cả các tuyến đường có thể, đo lường chúng và xác định tuyến nào ngắn nhất.

  Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian để tính toán tất cả các tuyến đường đó và nếu bạn phải ghé thăm hàng trăm thành phố thay vì 10, bạn không thể xem xét mọi khả năng. Bạn sẽ chuyển sang sử dụng suy nghiệm, các chiến lược để đơn giản hóa một vấn đề và đưa ra một phỏng đoán thỏa đáng. Suy nghiệm cung cấp một chỉ dẫn nhanh chóng khi bạn sẵn sàng hoặc buộc phải chấp nhận khả năng xảy ra lỗi và chúng hoạt động tốt trong hầu như là mọi mọi lúc (Gigerenzer, 2008).

  Hệ thống 1 chủ yếu dựa vào suy nghiệm. Ví dụ: nếu bạn muốn đoán đứa trẻ nào lớn tuổi nhất, hãy chọn đứa trẻ cao nhất. Nếu một sản phẩm đắt hơn một sản phẩm khác, nó có thể có chất lượng cao hơn. Nếu các hướng dẫn cho một nhiệm vụ là rất khó hiểu, thì bản thân nhiệm vụ đó có thể khó thực hiện, nhưng có lẽ cũng rất quan trọng (Labroo, Lambotte, & zhang, 2009). Mỗi phương pháp này đều hiệu quả nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Chúng ta cũng có xu hướng đi theo một số phương pháp suy nghiệm không thể biện giải được. Ví dụ, nếu các hướng dẫn được viết bằng một phông chữ lạ hoặc không rõ ràng, mọi người đánh giá quá cao độ khó của chính nhiệm vụ đó (Song & Schwarz, 2008). Chúng ta có xu hướng không tin tưởng những người có tên khó phát âm (Newman và cộng sự, 2014). Nếu một loại thuốc hoặc phụ gia thực phẩm có tên khó phát âm, mọi người cho rằng nó không an toàn (Song & Schwarz, 2009).

               ▲ Hình 8.15 Trong nhiệm vụ nhân viên bán tour du lịch, bạn muốn tìm tuyến đường ngắn nhất có thể nối tất cả các điểm bạn cần đến.

 

Tối ưu hóa và chọn giải pháp thỏa đáng

   Bạn cũng sử dụng Suy nghiệm cho các câu hỏi như, “Tôi sẽ nhận công việc nào?” hoặc “tôi sẽ tiêu tiền của mình như thế nào?” Bạn không có tất cả thông tin bạn cần và không có câu trả lời chính xác. Thay vào đó, bạn tạo ra một vài khả năng, xem xét chúng và cố gắng đưa ra lựa chọn tốt nhất mà bạn có thể. (lưu ý rằng không phải mọi quyết định đều nằm gọn trong Hệ thống 1 hoặc Hệ thống 2. Khi bạn sử dụng phương pháp suy nghiệm để đơn giản hóa một quyết định và sau đó cân nhắc kỹ lưỡng về quyết định của mình, bạn đang sử dụng cả hai kiểu tư duy).

   Trước khi đưa ra quyết định, bạn sẽ cân nhắc mình có bao nhiêu khả năng và xem xét chúng một cách kỹ lưỡng như thế nào? Một chiến lược, tối ưu hóa/ maximizing – xem xét thông suốt tất cả các lựa chọn hiện có để tìm ra cái tốt nhất. Chọn giải pháp thỏa đáng/ satisficing – tìm kiếm chỉ cho đến khi bạn tìm thấy thứ gì đó khiến bạn hài lòng. Nếu bạn có nhiều lựa chọn đang phải cân nhắc — ví dụ, bản thiết kế nào là an toàn nhất cho một cây cầu mới bắc qua sông — bạn nên xem xét cẩn thận mọi khả năng hợp lý. Tuy nhiên, hầu hết các quyết định hàng ngày của chúng ta ít có tính nghiêm trọng hơn nhiều. Một số người thường tuân theo chiến lược tối đa hóa và những người chọn chấp nhận giải pháp thiếu lý tưởng cho hầu hết các quyết định của họ, dù lớn hay nhỏ. các nhà nghiên cứu phân loại mọi người chủ yếu là người tối đa hóa hoặc người chọn giải pháp thỏa đáng dựa trên các câu hỏi như sau (Schwartz et al., 2002). Hãy tự đánh giá từ 1 (hoàn toàn không đúng) đến 7 (chắc chắn đúng):

  • Khi tôi nghe radio trên xe ô tô, tôi thường xuyên kiểm tra các kênh radio khác.
  • Tôi thường xuyên lướt kênh để tìm chương trình hay nhất.
  • Tôi đi vào nhiều cửa hàng trước khi quyết định mua bộ quần áo nào.
  • Tôi dự kiến ​​sẽ phỏng vấn nhiều công việc trước khi tôi nhận được một.

   Điểm của bạn càng cao, bạn càng thể hiện là người tối ưu hóa. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người tối ưu hóa cao thường đưa ra lựa chọn tốt hơn, theo các tiêu chí khách quan. Họ nhận được công việc với mức lương khởi điểm cao hơn so với những người tốt nghiệp, mặc dù điểm trung bình đại học của họ bằng nhau. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn hơn khi đưa ra lựa chọn (Paivandy, Bullock, Reardon, & Kelly, 2008) và họ thường cảm thấy kém hài lòng hơn với lựa chọn của mình. Những người chọn giải pháp thỏa đáng hướng về thứ gì đó “đủ tốt” và tìm ra nó. Những người tối đa hóa tìm kiếm “điều tốt nhất” và tiếp tục tự hỏi liệu họ có đúng hay không (Iyengar, Wells, & Schwartz, 2006). Nếu hai hoặc nhiều sự lựa chọn dường như tốt như nhau, họ sẽ lo lắng về sự lựa chọn của mình và sau đó sẽ chỉ trích chúng (Shenhav & Buckner, 2014). Sinh viên đại học, những người theo lối tối ưu hóa thường ngẫm nghĩ về việc liệu bản thân có chọn đúng chuyên ngành hay không (Leach & Patall, 2013). Những người tối ưu hóa trong những mối quan hệ lãng mạn có xu hướng cảm thấy ít hài lòng hơn với đối tác của họ và ít cam kết hơn với mối quan hệ (Mikkelson & Pauley, 2013).

   Khi bạn muốn đưa ra một lựa chọn, bạn muốn có bao nhiêu lựa chọn để cân nhắc? Nếu bạn biết chính xác mình muốn gì — giả sử bạn đang đi qua một thị trấn và bạn muốn có phòng trọ rẻ nhất — bạn sẽ muốn có càng nhiều lựa chọn càng tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ ở biển, bạn quan tâm đến chất lượng và vị trí cũng như giá cả. Nếu bạn xem xét quá nhiều lựa chọn khác nhau theo nhiều cách, bạn có thể bị choáng ngợp và rồi không đưa ra lựa chọn nào cả (hadar & Sood, 2014; park & ​​Jang, 2013; Schwartz, 2004).

   Ở nhiều quốc gia ngày nay, các quyết định rất khó để đưa ra chỉ vì số lượng lớn các lựa chọn có khả thi. Siêu thị địa phương của bạn có thể cung cấp khoảng 50 loại ngũ cốc ăn sáng và nhiều loại khoai tây chiên. Trong một nghiên cứu, các nhà tâm lý tại một siêu thị cung cấp các mẫu mứt ăn thử miễn phí. Nếu họ đưa ra 6 loại mứt, 12% số người đã mua một loại nào đó. Nếu họ cung cấp 24 loại mứt, một số lượng lớn hơn đã dừng lại để thử một vài loại, nhưng hầu như không ai mua bất cứ thứ gì (Iyengar & Lepper, 2000). Tương tự, những người đã nghỉ hưu ở Hoa Kỳ có thể chọn khoảng 50 chương trình thuốc men theo theo bảo hiểm y tế loại D. Và kết quả cho thấy thật khó để đưa ra lựa chọn tốt trong số rất nhiều thứ như vậy (Wood và cộng sự, 2011). Theo quy luật, mọi người có nhiều khả năng đưa ra lựa chọn tốt nếu họ cân nhắc không quá 20 lựa chọn (Lenton, Fasolo, & todd, 2008; reed, mikels, & Simon, 2008; Shah & Wolford, 2007).

 

Suy nghiệm dựa trên tính đại diện và Thông tin dựa trên tỉ lệ

Mặc dù tư duy theo kiểu suy nghiệm thường hữu ích, nhưng nó lại khiến chúng ta lạc lối khi dựa vào nó một cách không phù hợp. Vào năm 2002, Daniel Kahneman đã giành được giải thưởng Nobel về kinh tế học cho nghiên cứu chỉ ra các ví dụ về việc sử dụng phương pháp suy nghiệm không phù hợp. Ví dụ, hãy xem xét câu nói sau:

“Nếu một cái gì đó trông giống như một con vịt, lạch bạch như một con vịt và kêu quạc quạc như một con vịt, thì rất có thể đó là một con vịt.” Câu nói này là một ví dụ về suy nghiệm dựa trên tính đại diện – representative heuristic, giả định rằng một thứ gì đó giống với các thành viên khác trong cùng một danh mục/ phạm trù có thể cũng nằm trong danh mục đó. Phương pháp suy nghiệm thường là đúng, ngoại trừ khi chúng ta xem xét các phạm trù không phổ biến. Nếu bạn thấy thứ gì đó trông giống như một loài chim quý hiếm, bạn nên kiểm tra cẩn thận để đảm bảo rằng đó chính là loài quý hiếm đó chứ không phải một loài khác phổ biến hơn. Nói chung, để quyết định xem một thứ gì đó thuộc về phạm trù này hay phạm trù khác, bạn nên xem xét thông tin dựa trên tỷ lệ – base-rate information — nghĩa là mức độ phổ biến của hai danh mục.

Khi mọi người áp dụng suy nghiệm dựa trên tính đại diện, họ thường bỏ qua thông tin dựa trên tỷ lệ. Ví dụ, hãy xem xét câu hỏi dưới đây (được sửa đổi từ Kahneman & tversky, 1973):

   Các nhà tâm lý học đã phỏng vấn 30 kỹ sư và 70 luật sư. Một trong số họ là Jack, một người đàn ông 45 tuổi đã kết hôn và có 4 đứa con. Anh ta nói chung là người bảo thủ, thận trọng và đầy tham vọng. Anh ta không quan tâm đến các vấn đề chính trị và xã hội và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để là nghề mộc tại nhà, chèo thuyền và giải các câu đố toán học. Xác suất để Jack là một trong 30 kỹ sư trong mẫu 100 là bao nhiêu?

   Hầu hết mọi người đều ước tính xác suất khá cao — có lẽ là 80 hoặc 90 phần trăm — bởi vì mô tả trên nghe giống một kỹ sư hơn là luật sư. Ước tính đó không sai, vì chúng ta không thể biết xác suất thực sự. Điểm mấu chốt là nếu một số người được cho dữ kiện rằng mẫu trên bao gồm 30 kỹ sư và 70 luật sư còn những người khác được cho dữ kiện là 70 kỹ ​​sư và 30 luật sư, thì cả hai nhóm đều đưa ra ước tính giống nhau cho Jack (Kahneman & tversky, 1973). Trong trường hợp này, thông tin dựa trên tỷ lệ (số lượng kỹ sư trong mẫu) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả.

Đây là một ví dụ khác về những sai sót khi suy nghiệm dựa trên tính đại diện:

Linda là một sinh viên chuyên ngành triết học. Cô 31 tuổi, sáng dạ, thẳng thắn và quan tâm đến các vấn đề phân biệt đối xử và công bằng xã hội.

Bạn ước tính xác suất Linda là nhân viên giao dịch ngân hàng là bao nhiêu? Xác suất cô ấy là giao dịch viên ngân hàng theo chủ nghĩa nữ quyền là bao nhiêu? (hãy đưa ra câu trả lời trước khi bạn đọc tiếp.)

   Các xác suất thực sự không phải là vấn đề. Kết quả thú vị là nhiều người ước tính xác suất Linda là một giao dịch viên ngân hàng theo chủ nghĩa nữ quyền cao hơn cô ấy là một giao dịch viên ngân hàng (Tversky & Kahneman, 1983). Rõ ràng, cô ấy không thể trở thành một giao dịch viên ngân hàng theo chủ nghĩa nữ quyền nếu trước đó chưa phải là một giao dịch viên ngân hàng. Rõ ràng, từ “nữ quyền” đã kích hoạt suy nghiệm dựa trên tính đại diện để ta đưa ra nhận định rằng: “Đúng, những đặc điểm này rất phù hợp” (Shafir, Smith, & osherson, 1990).

 

Suy nghiệm hiện hữu

   Khi bạn ước tính mức độ phổ biến của một thứ gì đó, bạn thường bắt đầu bằng cách nghĩ đến các ví dụ. Nếu bạn nhớ rằng mình đã cảm thấy yêu thích lớp thiên văn học nhiều hơn các lần bạn nhớ mình đã thích các lớp học khác, thì có lẽ lớp thiên văn học đó thực sự rất thú vị. Nếu bạn nhớ được rằng muỗi cắn bạn vào nhiều ngày hè và mùa đông thì không có ngày nào, bạn kết luận rằng muỗi phổ biến hơn vào mùa hè. Suy nghiệm hiện hữu – availability heuristic là xu hướng cho rằng nếu chúng ta dễ dàng nghĩ ra các ví dụ thuộc một tập hợp nào đó thì tập hợp này phải là thứ phổ biến. Tuy nhiên, phương pháp suy nghiệm này khiến chúng ta lạc lối khi có những sự kiện không phổ biến lại rất đáng nhớ. Ví dụ, bạn nhớ một vài trường hợp xả súng được công bố rộng rãi ở trường học hoặc trường cao đẳng và đánh giá quá cao nguy cơ nguy hiểm. Ngoài ra, bạn có thể nhớ những lần linh cảm hoặc giấc mơ dường như đã dự đoán một sự kiện trong tương lai, nhưng lại quên rất nhiều lần những giấc mơ này không có tính dự đoán, do đó quy kết sai giá trị dự đoán cho linh cảm hoặc giấc mơ của bạn.

   Một ví dụ khác: bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu đội bóng yêu thích của bạn thắng trận tiếp theo? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu bạn bị lỡ chuyến xe buýt của mình? Hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao mức độ về cảm giác tốt đẹp mà họ sẽ trải qua sau những sự kiện dễ chịu và về cảm giác tồi tệ sau những sự kiện khó chịu. Một lý do được đưa ra đó là bạn đang cố gắng nhớ lại cảm giác của mình sau những trải nghiệm tương tự trong quá khứ. Bên cạnh đó, những ký ức về những trải nghiệm nội bật nhất thường hiện hữu một cách dễ dàng (Gilbert & Wilson, 2009). Bởi vì chúng hiện hữu một cách dễ dàng thế nên bạn cho rằng chúng là điển hình.

   Ngoài ra, ta nên xem xét một niềm tin phổ biến đó là: “trong bài kiểm tra trắc nghiệm, bạn nên gắn chặt với câu trả lời mà bạn cảm thấy bị thôi thúc khoanh vào đầu tiên.” Các nhà nghiên cứu đã liên tục nhận thấy tuyên bố này là sai (Johnston, 1975; Kruger, Wirtz, & miller, 2005). Thay đổi một câu trả lời có thể mang lại lợi ích bởi một số lý do. Khi bạn đọc lại một câu hỏi, bạn có thể phát hiện ra rằng bạn đã hiểu sai câu hỏi này ngay lần đầu tiên. Đôi khi, một câu hỏi khác trong bài kiểm tra lại khiến bạn nghĩ ra câu trả lời cho một câu hỏi trước đó. Vậy tại sao hầu hết học sinh đều tin rằng linh cảm đầu tiên của họ là đúng? Khi bạn được trả bài kiểm tra, bạn sẽ xem lại những câu hỏi nào? Bạn kiểm tra các câu hỏi bạn đã sai, do đó chú ý đến những câu bạn đã thay đổi từ đúng thành sai. Tuy nhiên, bạn lại phớt lờ một lượng nhiều hơn số câu mà bạn đã thay đổi từ sai thành đúng. Khả năng suy nghiệm hiện hữu khiến bạn tin rằng việc thay đổi câu trả lời sẽ khiến bạn bị sai. Bảng 8.1 tóm tắt tính đại diện và tính khả dụng của suy nghiệm hiện hữu.

 

Table 8.1 Suy nghiệm dựa trên tính đại diện và suy nghiệm hiện hữu
 Xu hướng cho rằngKhiến ta sai lầm khiVí dụ về sai lầm
Đại diệnMột đối tượng có điểm giống với các thành viên trong một tập hợp cũng thuộc về tập hợp đóMột đối tượng có điểm giống với các thành viên trong một tập hợp hiếmMột đối tượng nào giống với UFO bạn cho rằng đó là UFO
Hiện hữuKhi chúng ta dễ dàng nghĩ tới các thành viên trong một tập hợp, ta cho rằng tập hợp này phổ biến hơnMột tập hợp có thể ấn tượng, dễ nhớ hơn hoặc hiện hữu rõ ràng hơnBạn nhớ về tai nạn máy bay nhiều hơn tại nan ô tô, bạn cho rằng di chuyển bằng hàng không nguy hiểm hơn

 

Nguồn: Introduction to Psychology – James W. Kalat

Leave a Reply