The Family
Trong thời thơ ấu, cha mẹ và những người thân là những người quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ. Làm thế nào để những trải nghiệm ban đầu trong gia đình hình thành tính cách và hành vi xã hội?
In early childhood, parents and other relatives are the most important people in a child’s life. How do those early family experiences mold personality and social behavior?
Thứ tự sinh và quy mô gia đình
Birth Order and Family Size
Chắc hẳn bạn đã từng nghe người ta nói rằng những đứa trẻ đầu lòng thành công và có nhiều tham vọng hơn những đứa trẻ sinh sau. Những đứa con thứ được cho là hòa đồng hơn, độc lập hơn, ít tuân phục hơn, ít bất ổn cảm xúc hơn và có thể sáng tạo hơn.
Hầu hết các nghiên cứu hỗ trợ những khái quát này đều sử dụng các phương pháp nghiên cứu thiếu sót (Ernst & Angst, 1983; Schooler, 1972). Một cách phổ biến để thực hiện nghiên cứu là: Yêu cầu mọi người cho bạn biết thứ tự sinh của họ và một số điều khác về bản thân họ, chẳng hạn như điểm trung bình ở trường. Sau đó đánh giá mối tương quan giữa các lần đo. Bạn có thấy một vấn đề xảy ra ở đây?
Vấn đề là nhiều đứa con đầu lòng đến từ những gia đình chỉ có một con, trong khi những đứa con thứ nhất thiết phải đến từ những gia đình đông con hơn. Nhiều bậc cha mẹ có học vấn cao và đầy tham vọng chỉ có một đứa con, đứa con này về sau có nhiều lợi thế. Điều dường như là sự khác biệt giữa những đứa trẻ con đầu lòng và những đứa con thứ có thể là sự khác biệt giữa quy mô lớn nhỏ ở các gia đình (Rodgers, 2001).
Một phương pháp tốt hơn là so sánh những đứa con đầu lòng và thứ hai trong gia đình có ít nhất hai con, con đầu lòng và con thứ ba trong gia đình có ít nhất ba con, v.v. Hình 5.23 cho thấy kết quả của một nghiên cứu. Chỉ số IQ trung bình cao hơn ở các gia đình nhỏ so với các gia đình lớn. Tuy nhiên, trong một gia đình có quy mô nhất định, thứ tự sinh tạo ra sự khác biệt nhỏ (Rodgers, Cleveland, van den Oord, & Rowe, 2000).
Nhiều nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng sự khác biệt rõ ràng giữa con đầu lòng và con thứ thực sự là sự khác biệt giữa các gia đình có quy mô lớn và nhỏ (Kanazawa, 2012; Wichman, Rodgers, & MacCallum, 2006). Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn của Na Uy cho thấy những đứa trẻ đầu lòng đạt điểm số trong bài kiểm tra IQ cao hơn một chút so với những đứa con thứ, ngay cả trong cùng một gia đình (Bjerkedal, Kristensen, Skjeret, & Brevik, 2007). Đối chiếu kết quả trong Hình 5.24 với kết quả trong Hình 5.23. Mối quan hệ thực sự giữa thứ tự sinh và chỉ số IQ vẫn chưa chắc chắn, cũng như mối quan hệ giữa thứ tự sinh và tính cách. Tuy nhiên, những điểm này rất rõ ràng: Thứ nhất, ảnh hưởng của thứ tự sinh, nếu có, là rất nhỏ. Thứ hai, nghiên cứu phải cẩn thận tách biệt những tác động của thứ tự sinh với những ảnh hưởng của quy mô gia đình.
Ảnh hưởng của Phong cách nuôi dạy con cái
Effects of Parenting Styles
Nếu bạn có con, bạn sẽ yêu thương và gần gũi hay nghiêm khắc và xa cách với con mình? Bạn sẽ cho con bạn mọi thứ con muốn hay bắt con làm việc để nhận phần thưởng? Bạn sẽ khuyến khích sự độc lập của con hay thực thi các quy tắc? Thêm nữa, hành vi của bạn quan trọng đến mức nào?
Các nhà tâm lý học đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu so sánh phong cách nuôi dạy con cái với hành vi và tính cách của chúng. Phần lớn nghiên cứu này dựa trên bốn phong cách nuôi dạy con cái được Diana Baumrind (1971) mô tả:
Cha mẹ uy tín: Những bậc cha mẹ này đặt ra các tiêu chuẩn cao và áp đặt các biện pháp kiểm soát, nhưng họ cũng ấm áp và nhạy bén với các giao tiếp của trẻ. Họ đặt ra các giới hạn nhưng điều chỉnh khi thích hợp. Họ khuyến khích con cái phấn đấu hướng tới mục tiêu của chính mình.
Cha mẹ độc đoán: Giống như cha mẹ uy tín, cha mẹ độc đoán đặt ra các biện pháp kiểm soát chắc chắn, nhưng họ có xu hướng xa cách về mặt tình cảm với trẻ hơn. Họ đặt ra các quy tắc mà không giải thích lý do đằng sau quy tắc đó.
Cha mẹ nuông chiều: Cha mẹ dễ dãi là những người ấm áp và yêu thương nhưng không đòi hỏi.
Cha mẹ phó mặc: Những cha mẹ này dành ít thời gian cho con cái và không làm được nhiều điều ngoài việc cung cấp cho con đồ ăn và nơi ở.
Tất nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phong cách này hoặc phong cách khác, nhưng hầu hết các bậc cha mẹ đều phù hợp một cách hợp lý theo thời gian với đứa trẻ này hoặc đứa trẻ khác. Ví dụ, hầu hết các bậc cha mẹ dễ dãi với một đứa con cũng dễ dãi với những đứa con khác (Holden & Miller, 1999). Nghiên cứu đã tìm thấy những mối liên hệ nhỏ nhưng nhất quán giữa phong cách nuôi dạy con cái và hành vi của con cái. Ví dụ, hầu hết con cái của các bậc cha mẹ uy tín đều tự chủ, hợp tác và thành công ở trường học. Con cái của các bậc cha mẹ độc đoán có xu hướng tuân thủ pháp luật nhưng không tin tưởng và không độc lập. Con cái của những bậc cha mẹ dễ dãi thường vô trách nhiệm với xã hội. Con cái của những bậc cha mẹ phó mặc có xu hướng bốc đồng và vô kỷ luật.
Tuy nhiên, phong cách nuôi dạy con cái “tốt nhất” phụ thuộc vào từng đứa trẻ. Trẻ em có tính khí dễ sợ hãi đáp ứng tốt với kỷ luật nhẹ, phát triển lương tâm đạo đức mạnh mẽ. Trẻ em có tính khí bướng bỉnh đáp ứng kém với bất kỳ hình thức kỷ luật nào và đáp ứng tốt hơn với phần thưởng (Kochanska, Aksan, & Joy, 2007). Nếu bạn trở thành cha mẹ, hãy sử dụng vài lần thử và sai để tìm ra điều gì phù hợp nhất với con cái của bạn thay vì dựa vào một số quy tắc luật lệ theo cách “đúng đắn” để nuôi dạy con cái.
Hơn nữa, việc giải thích các kết quả về việc nuôi dạy con cái không dễ dàng. Trong nhiều năm, các nhà tâm lý học cho rằng sự thờ ơ của cha mẹ dẫn đến những đứa trẻ bốc đồng, mất kiểm soát. Tuy nhiên, như Judith Rich Harris (1998) đã chỉ ra, có thể có các cách giải thích khác. Có thể những đứa trẻ bốc đồng, khó kiểm soát khiến cha mẹ trở nên thờ ơ. Hoặc có thể cha mẹ và con cái có chung gen dẫn đến hành vi bất hợp tác (Klahr & Burt, 2014). Tương tự, những hành vi tử tế của các bậc cha mẹ uy tín có thể khuyến khích con cái họ có những hành vi cư xử tốt, nhưng cũng có khả năng những đứa trẻ cư xử tốt ngay từ đầu gợi ra những hành vi tử tế, hiểu biết ở cha mẹ.
Một cách tiếp cận tốt hơn để đánh giá phong cách nuôi dạy con cái là nghiên cứu những đứa trẻ được nhận nuôi, những trẻ không liên quan về mặt di truyền với cha mẹ nuôi của chúng. Nghiên cứu về các cặp song sinh trưởng thành được các gia đình nhận nuôi riêng biệt cho thấy rằng phong cách nuôi dạy của một một trẻ song sinh tương quan đáng kể với phong cách nuôi dạy mà trẻ song sinh còn lại mô tả, đặc biệt là đối với các cặp song sinh đơn hợp tử (Krueger, Markon, & Bouchard, 2003). Có nghĩa là, nếu một trẻ song sinh được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi tử tế, thấu hiểu, thì trẻ còn lại cũng thường như vậy, mặc dù hai trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình riêng biệt. Tính khí của cặp song sinh hoặc đã ảnh hưởng đến cha mẹ nuôi của họ, hoặc ảnh hưởng đến cách cảm nhận môi trường của cặp song sinh (hoặc cả hai).
Nếu chúng ta kiểm tra các đặc điểm tính cách lâu dài của con nuôi và cha mẹ nuôi, kết quả khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên: Tính cách của trẻ tương quan gần như bằng không với tính cách của cha mẹ nuôi (Heath, Neale, Kessler, Eaves, & Kendler, 1992; Loehlin, 1992; Viken, Rose, Kaprio và Koskenvuo, 1994). Vì lý do này, Harris (1995, 1998) cho rằng phong cách nuôi dạy con cái có ít ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của tính cách. Nhiều sự biến đổi tính cách phụ thuộc vào sự khác biệt về gen, và phần còn lại của sự biến đổi, bà lập luận là chủ yếu phụ thuộc vào ảnh hưởng của những đứa trẻ khác.
Như bạn có thể tưởng tượng, không phải ai cũng vui vẻ chấp nhận kết luận của Harris. Các nhà tâm lý học đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu phong cách nuôi dạy con cái không hài lòng khi được cho biết rằng kết quả của họ là không thuyết phục. Cha mẹ không hài lòng khi được cho biết rằng họ có ít ảnh hưởng đến tính cách của con cái họ. Tuy nhiên, Harris (2000) đã lựa chọn ngôn từ của mình rất cẩn thận. Bà không nói rằng việc bạn đối xử với con cái không tạo ra khác biệt. Rõ ràng có một điều, nếu bạn đối xử tệ với con cái của mình, chúng sẽ không thích bạn! Hơn nữa, những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, được hỗ trợ sẽ phát triển các mối quan hệ xã hội tốt hơn về sau so với những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình có ít sự hỗ trợ (Ackerman và cộng sự, 2013; Jaffee, Hanscombe, Haworth, Davis, & Plomin, 2012).
Các nhà tâm lý học sử dụng các phương pháp nghiên cứu cải tiến đã chỉ ra những tác động thực sự, mặc dù không lớn, của phong cách nuôi dạy con cái (Collins, Maccoby, Steinberg, Hetherington, & Bornstein, 2000). Cuộc tranh luận đã dẫn đến sự đánh giá cao hơn về ảnh hưởng lẫn nhau của cha mẹ – con cái và của con cái lên cha mẹ (Kiff, Lengua, & Zalewski, 2011).
Gia đình phi truyền thống – Nontraditional Families
Xã hội phương Tây coi một gia đình truyền thống là gồm mẹ, cha và các con. Do đó, một gia đình phi truyền thống thì không theo tiêu chuẩn đó. Nói chung, hai cha mẹ thì vẫn tốt hơn một, một phần vì lý do tài chính. Chúng ta có thể đoán rằng một đứa trẻ có mẹ mất sớm sẽ bị tổn thương nhiều hơn một đứa trẻ có cha mất, đơn giản vì trung bình các bà mẹ thường dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Tuy nhiên, những đứa trẻ có cha qua đời dường như có nhiều nguy cơ hơn, ít nhất là được dựa trên bằng xác suất trầm cảm (Jacobs & Bovasso, 2009). Lời giải thích rõ ràng là cái chết của người cha là một trở ngại lớn hơn về tài chính trong hầu hết các trường hợp. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân có thu nhập tốt thì thường giống như những đứa trẻ có đủ cả hai bố mẹ (MacCallum & Golombok, 2004; Weissman, Leaf, & Bruce, 1987).
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ đồng tính lớn lên giống như những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người dị tính về phát triển xã hội và tình cảm, sức khỏe tâm thần, các mối quan hệ lãng mạn và xu hướng tính dục (Bos, van Balen, & van den Boom, 2007; Gartrell, Bos, & Goldberg, 2011; Golombok et al., 2003; Wainright, Russell, & Patterson, 2004). Những khó khăn chính của trẻ em liên quan đến định kiến mà các bạn cùng lớp có thể có đối với các cặp đôi đơn giới (Bos & Gartrell, 2010).
Tuy nhiên, chúng ta nên thận trọng về kết luận của mình. Rất khó để chứng minh một cách chắc chắn rằng không có bất kỳ sự khác biệt nào, và nhiều nghiên cứu so sánh các gia đình truyền thống và phi truyền thống chỉ kiểm tra các mẫu nhỏ hoặc một số hành vi hạn chế (Redding, 2001; Schumm, 2008). Chúng ta có thể nói rằng việc được nuôi dưỡng bởi cha hoặc mẹ đơn thân hoặc một người đồng tính không tạo ra ảnh hưởng lớn, nhưng dữ liệu không loại trừ khả năng gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào.
Cha mẹ xung đột và ly hôn – Parental Conflict and Divorce
Trước kia, người Mỹ coi việc ly hôn là điều đáng xấu hổ. Các nhà bình luận chính trị cho rằng thất bại của Adlai Stevenson trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1952 là do ông đã ly hôn. Các bình luận viên nói rằng người Mỹ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho một ứng cử viên đã ly hôn. Câu “Không bao giờ” thì không tồn tại được lâu lắm. Năm 1980, khi Ronald Reagan đắc cử tổng thống, cử tri hầu như không để ý đến việc ông ly hôn và tái hôn.
Ảnh hưởng của ly hôn đối với trẻ em rất khác nhau. Tính trung bình, các em ít nhất cho thấy những thất bại tạm thời trong kết quả học tập và các mối quan hệ xã hội. Nhiều trẻ hờn dỗi và tìm kiếm sự chú ý nhiều hơn, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi ly hôn (Hetherington, 1989). Về lâu dài, nhiều đứa trẻ do người mẹ ly hôn nuôi dưỡng gặp khó khăn, một phần vì tổn thương tinh thần sau cuộc ly hôn và một phần vì khó khăn về tài chính. Một nghiên cứu trên 14 quốc gia cho thấy rằng ly hôn làm giảm 7% xác suất tốt nghiệp đại học của một đứa trẻ (Bernardi & Radl, 2014). Một số trẻ em vẫn đau khổ trong nhiều năm, trong khi những trẻ khác hồi phục nhanh chóng. Một số ít có vẻ làm tốt lúc đầu nhưng càng về sau càng đau khổ. Những trẻ khác kiên cường trong suốt cuộc ly hôn của cha mẹ và sau đó. Trẻ giữ bạn bè, làm tất cả mọi thứ tốt ở trường và duy trì mối quan hệ tốt với cả cha và mẹ (Hetherington, Stanley-Hagan, & Anderson, 1989).
Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của ly hôn có phần khác nhau giữa các nền văn hóa và dân tộc. Ly hôn phổ biến hơn trong các gia đình người da màu, nhưng xét về hầu hết, phụ nữ da màu ly hôn điều chỉnh tốt hơn phụ nữ da trắng (McKelvey & McKenry, 2000). Nhiều gia đình da màu giảm bớt gánh nặng làm cha mẹ đơn thân bằng cách nhờ bà ngoại hoặc người thân khác giúp chăm sóc con cái.
Không có nghiên cứu nào ngụ ý rằng cha mẹ phải ở bên nhau vì lợi ích của con cái họ. Con cái sẽ không có cuộc sống tốt nếu cha mẹ thường xuyên gây gổ. Những đứa trẻ quan sát thấy nhiều xung đột giữa cha mẹ có xu hướng căng thẳng, không thể ngủ suốt đêm (El-Sheikh, Buckhalt, Mize, & Acebo, 2006), và dễ có những hành vi bạo lực và gây hấn (Sternberg, Baradaran, Abbott, Lamb, & Guterman, 2006).
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.