DSM và tiếp cận phân loại đối với các rối loạn tâm lý

DSM and the Categorical Approach to Psychological Disorders

Nếu bạn đến phòng khám bác sĩ với biểu hiện đau đầu, bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi và tiến hành các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng đau đầu của bạn. Hầu hết các cơn đau đầu là do căng thẳng, khó ngủ hoặc các vấn đề đơn giản khác, nhưng một số là do bị nhiễm trùng hoặc máu đông trong não, khối u hoặc chứng đau nửa đầu. Với mọi trường hợp, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trước khi đưa ra phương pháp điều trị. Trong nhiều năm, bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học lâm sàng đều có cùng quan điểm: Họ sẽ chẩn đoán chính xác vấn đề tâm lý của một người, xác định nguyên nhân và đề xuất liệu pháp hiệu quả nhất. Sau nhiều năm, mục tiêu đó ngày càng trở nên khó nắm bắt.

Để chuẩn hóa các định nghĩa và chẩn đoán, bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học đã phát triển một cuốn sổ tay tham khảo có tên là Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM) / Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM), trong đó đưa ra các tiêu chí cụ thể cho mỗi chẩn đoán tâm lý. Phiên bản mới nhất, DSM-5, được xuất bản vào năm 2013 (Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, 2013). ■ Bảng 15.1 Các loại rối loạn tâm lý liệt kê theo thứ tự ở DSM-5

Đối với mỗi chứng rối loạn, DSM-5 đưa ra các tiêu chí cụ thể để chẩn đoán. Ví dụ: để đủ điều kiện chẩn đoán là bị rối loạn tăng động giảm chú ý, một người nào đó phải thường xuyên xuất hiện ít nhất sáu triệu chứng (hoặc bốn triệu chứng nếu người đó trên 17 tuổi) có ở trong bảng dưới đây:

Kiểu chẩn đoán “hoặc thế này hoặc thế kia” này có nghĩa là mọi người có thể đủ điều kiện để bị chẩn đoán giống nhau theo nhiều cách. DSM-5 đã đưa ra 227 sự kết hợp các triệu chứng có thể xảy ra đối với chứng trầm cảm nặng, hơn 23.000 đối với rối loạn hoảng sợ và hơn 636.000 đối với rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) (Galatzer-Levy & Bryant, 2013). Các chứng rối loạn cũng khác nhau theo các tiêu chí khác nhau.

DSM đã giúp chuẩn hóa các chẩn đoán tâm thần để các nhà tâm lý học sử dụng các thuật ngữ như trầm cảm, tâm thần phân liệt, v.v. một cách thống nhất hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này giả định rằng mọi rối loạn đều sẽ khớp với loại này hoặc loại kia và mỗi người gặp phải chứng rối loạn nào đó có thể nhận được một chẩn đoán duy nhất, rõ ràng. Trên thực tế, nhiều người có rối loạn chỉ phù hợp một phần của một số chẩn đoán và không có ai có rối loạn hoàn toàn trùng khớp với toàn bộ (Ahn, Flanagan, Marsh, & Sanislow, 2006; Kupfer, First, & Regier, 2002). Nếu bạn đang bị trầm cảm, hưng cảm, lo âu, lạm dụng chất, rối loạn hành vi, rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc tâm thần phân liệt, thì khả năng cao hơn 50/50 là bạn cũng đang mắc một hoặc nhiều loại rối loạn khác, ít nhất là ở mức độ nhẹ (Caspi et al, 2014). Bạn có thể có triệu chứng hầu như khớp với một chẩn đoán vào lúc này nhưng lại khớp với một chẩn đoán khác vào thời điểm sau đó. Các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm cũng không làm rõ hơn, bởi vì tâm thần học chưa có các bài kiểm tra trong phòng thí nghiệm nào hiệu quả. Hơn nữa, các rối loạn khác nhau là do rất nhiều nguyên nhân chồng chéo khác nhau. Các gene mà làm tăng nguy cơ mắc bất kỳ rối loạn nào cũng làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn khác (Cross-Disorder group, 2013; Duncan, pollastri, & smoller, 2014; schneider et al., 2014). Những trải nghiệm căng thẳng cao độ, chẳng hạn như sự ra đi đột ngột của một người thân yêu, có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm, lo âu hoặc tâm thần phân liệt (Keyes et al, 2014; Nolen-Hoeksema & Watkins, 2011). Ngay cả khi các nhà trị liệu đồng tình về một chẩn đoán duy nhất, thì chẩn đoán không chỉ ra hướng điều trị một cách đáng tin cậy. Thuốc chống trầm cảm đôi khi giúp những người mắc các rối loạn khác ngoài bệnh trầm cảm, và thuốc chống loạn thần đôi khi giúp làm giảm các rối loạn mà không phải chứng loạn thần (Dean, 2011).

Nhiều nhà tâm lý học không đồng ý với cách tiếp cận DSM, họ muốn phân loại các vấn đề của từng khách hàng theo nhiều khía cạnh, thay vì cố gắng gắn nhãn cho mỗi người  (Watson & Clark, 2006). Ví dụ: thay vì một chẩn đoán duy nhất, một nhà trị liệu có thể sử dụng các xếp hạng như sau:

Các tác giả của DSM-5 đã dần phân loại chuyển đổi một phần theo hướng này, nhưng chỉ với các rối loạn nhân cách. Rối loạn nhân cách là một cách ứng xử kém thích nghi, không linh hoạt với môi trường và với mọi người xung quanh, chẳng hạn như tự cho mình là trung tâm một cách bất thường. Một ấn bản trước của DSM đã liệt kê mười rối loạn nhân cách, nhưng các nhà lâm sàng nhận thấy rằng ít khách hàng phù hợp với chứng rối loạn này hoặc chứng rối loạn khác (Lenzenweger, Johnson, & Willett, 2004). DSM-5 mang lại cho các nhà lâm sàng hai lựa chọn. Đầu tiên, họ có thể phân loại bệnh nhân  theo sáu chứng rối loạn nhân cách, như được mô tả ngắn gọn trong ■ Bảng 15.2. Thứ hai, nếu họ muốn, họ có thể lồng ghép các chứng rối loạn và đánh giá bệnh nhân dựa trên nhiều khía cạnh, bao gồm sự bốc đồng, nghi ngờ, rút lui và thù địch. Công bằng mà nói, hiểu biết của chúng ta về rối loạn nhân cách đang thay đổi, cũng như toàn bộ khái niệm về bệnh tâm thần cũng vậy, nhưng rõ ràng hiện nay có xu hướng nghi ngờ cách tiếp cận phân loại đối với bệnh tâm thần.

Bảng 15.2: Mô tả sáu rối loạn nhân cách

  • Rối loạn nhân cách chống xã hội: Thiếu tình cảm với người khác, thiếu cảm giác tội lỗi
  • Rối loạn nhân cách tránh né: Tránh giao tiếp xã hội, thiếu bạn bè
  • Rối loạn nhân cách ranh giới: Hình ảnh bản thân không ổn định, không có mối quan hệ lâu dài hoặc quyết định chắc chắn, các hành vi tự hại lặp đi lặp lại
  • Rối loạn nhân cách Ái kỉ: Tự tôn quá mức, coi thường người khác
  • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế: Quá để tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt
  • Rối loạn nhân cách phân liệt: Suy giảm nhận thức và thiếu hụt liên cá nhân

Một lời chỉ trích nữa là DSM dán nhãn quá nhiều tình trạng là “bệnh tâm thần”. Nếu bạn tìm kiếm sự giúp đỡ để làm sao tăng hứng thú với tình dục, bạn đã mắc chứng rối loạn hứng thú tình dục hoặc rối loạn ham muốn tình dục giảm hoạt động. Một phụ nữ bị căng thẳng tiền mãn kinh được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn tiền kinh nguyệt. Nếu bạn ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm nhưng vẫn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và bạn khó cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo sau khi thức giấc đột ngột, thì bạn đã mắc chứng rối loạn ngủ nhiều. Danh sách này tiếp tục với hàng trăm khả năng khác. Các cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng gần một nửa số người dân Hoa Kỳ đủ điều kiện phù hợp với ít nhất một chẩn đoán DSM về bệnh tâm thần tại một thời điểm nào đó trong đời (Kessler, Berglund, Demler, Jin, & Walters, 2005; Kessler, Chiu, Demler, & Walters , 2005). Hầu hết mọi người không muốn bị gắn nhãn đó, vì sự kỳ thị gắn liền với bệnh tâm thần (Corrigan, Druss, & Perlick, 2014). Một khi bạn đã bị gán mác mắc bệnh tâm thần, mọi người có thể hiểu hầu hết mọi việc bạn làm là một biểu hiện của bệnh lý. Bạn cũng có thể tự nghĩ như vậy về bản thân mình. Nhà trị liệu Jack Huber (Personal Communication) nói rằng, ông sẽ loại bỏ tất cả các chẩn đoán khác và chỉ dán nhãn mọi người là “sự bất toàn mãn tính của con người”.

Các rối loạn phổ biến nhất là rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng (ví dụ, trầm cảm), các vấn đề về kiểm soát xung động (bao gồm rối loạn giảm chú ý) và lạm dụng chất, được thể hiện ở ▲ Hình 15.2. Trong suốt chương này, chúng ta sẽ thảo luận về một số chẩn đoán phổ biến được liệt kê trong DSM-5, nhưng hãy nhớ rằng nhiều người gặp vấn đề không hoàn toàn khớp với bất kỳ chẩn đoán nào trong số đó.

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply