ĐỌC
Các sinh viên ngôn ngữ phân biệt riêng giữa “âm vị” và “hình vị”. Âm vị là một đơn vị của âm thanh, ví dụ như “f” hoặc “sh” (trong tiếng Anh). Các loại máy nói chuyện với chúng ta, ví dụ GPS, sẽ lấy một từ được ta gõ vào, chia nhỏ ra thành các âm vị rồi phát âm. Máy sẽ phát âm sai hoặc khó hiểu với một số từ bị lỗi chính tả. Hình vị là một đơn vị của ý nghĩa. Ví dụ, từ “thrills” có 2 hình thái: thrill và s – “s” ở cuối từ là một đơn vị của nghĩa vì nó biểu đạt là từ này ở dạng số nhiều (xem ▲ Hình 8.28). “Harp” có 1 hình vị và “harping” có 2 hình vị, nhưng “harpoon” chỉ có 1 hình vị thôi vì nó không phải là được chia dạng từ “harp”. Các hình vị giúp chúng ta chia nhỏ một từ chưa quen thuộc thành các phần có ý nghĩa. Ví dụ, chúng ta có thể thấy “reinvigoration” như “re-in-vigor-ation”, có nghĩa là quá trình tăng cường sức lực trở lại.
Hình 8.28. Từ “shamelessness” có 9 âm vị (đơn vị âm thanh) và 3 hình vị (đơn vị ý nghĩa).
Những người đọc ngôn ngữ tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác đã quen với ý tưởng rằng một chữ cái hoặc tổ hợp các chữ cái đại diện cho một âm vị. Tuy nhiên, trong cách viết hiragana của Nhật Bản, mỗi ký tự đại diện cho một âm tiết. Trong tiếng Trung, mỗi ký tự đại diện cho một hình vị và thường là cả một từ.
Hình minh họa cách viết hiragana của tiếng Nhật và cách viết của tiếng Trung
Dành cho bạn:
- Có bao nhiêu âm vị và hình vị trong từ “thoughtfully”?
NHẬN DẠNG TỪ
Chuyên môn phát triển sau nhiều năm thực hành cho phép ai đó nhận ra các mẫu phức tạp trong nháy mắt. Bạn đã phát triển chuyên môn về đọc vì bạn đã đọc nhiều giờ mỗi ngày, hầu như mọi ngày, kể từ khi còn nhỏ. Bạn có thể không nghĩ mình là một chuyên gia, bởi vì chúng ta thường dành thuật ngữ đó cho những người có kỹ năng giỏi hơn nhiều so với những người khác. Tuy nhiên, bạn nhận ra các từ ngay lập tức, giống như một chuyên gia nhận ra các thế cờ trong nháy mắt.
Hãy xem xét thí nghiệm sau: Điều tra viên nhấp nháy một chữ cái trên màn hình trong chưa đầy một phần tư giây, hiển thị một mẫu nhập nhằng và hỏi, “Đó là C hay J?”. Mười thử nghiệm viên khác nhấp nháy toàn bộ một từ trên màn hình trong cùng điều kiện và hỏi, “Chữ cái đầu tiên của từ là C hay J?” (xem ▼ Hình 8.29). Câu hỏi nào dễ hơn? Hầu hết mọi người xác định chữ cái chính xác hơn khi nó là một phần của từ hơn là khi chỉ mỗi chữ cái đó được chiếu lên (Richer, 1969; Wheeler, 1970). Đây được gọi là “hiệu ứng vượt trội của từ” ((*nguyên gốc: word-superiority)).
Hình 8.29. Một từ hoặc là một chữ cái sẽ được trình chiếu trên màn hình, rồi sau đó là một hình nhập nhòe. Những người quan sát được hỏi: “Chữ cái nào đã được trình chiếu, C hay J?”. Phần nhiều họ sẽ trả lời đúng về chữ cái hơn khi nó nằm trong một từ.
Trong nghiên cứu sâu hơn, James Johnston và James McClelland (1974) chiếu nhanh các từ trên màn hình và yêu cầu các sinh viên xác định một chữ cái tại vị trí được đánh dấu trong mỗi từ (xem ▼ Hình 8.30). Trong một số thử nghiệm, những người làm thí nghiệm yêu cầu các sinh viên cố gắng nhìn toàn bộ từ. Trong các thử nghiệm khác, họ chỉ cho các sinh viên chính xác vị trí chữ cái quan trọng sẽ xuất hiện trên màn hình và yêu cầu sinh viên tập trung vào điểm đó và bỏ qua phần còn lại của màn hình. Hầu hết sinh viên xác định được chữ cái quan trọng tốt hơn khi họ nhìn vào toàn bộ từ hơn là khi họ chỉ tập trung vào chính chữ cái đó. Lợi ích này chỉ xảy ra với một từ có nghĩa, như “đồng xu”, không phải với một sự kết hợp vô nghĩa, như cXQF (Rumelhart & McClelland, 1982)
Hình 8.30. Các sinh viên nhận dạng chữ cái đã được định vị tốt hơn khi họ tập trung vào toàn bộ từ (a) hơn là khi họ tập trung vào một chữ cái đơn lẻ được chỉ định tại một điểm (b).
Bản thân bạn có thể đã trải nghiệm “hiệu ứng vượt trội của từ”. Để giết thời gian trên những chuyến đi dài bằng ô tô, đôi khi người ta cố gắng tìm từng chữ cái trong bảng chữ cái trên các bảng quảng cáo. Phát hiện ra một chữ cái bằng cách đọc các từ thì dễ dàng hơn là bằng cách tra từng chữ cái.
Điều gì giải thích cho hiệu ứng vượt trội của từ? Theo một mô hình (McClelland, 1988; Rumelhart, McClelland, & nhóm nghiên cứu PDP, 1986), nhận thức và ký ức của chúng ta được thể hiện bằng các kết nối giữa các “đơn vị” tương ứng với các tập hợp tế bào thần kinh. Mỗi đơn vị kết nối với nhiều đơn vị khác (xem ▲ Hình 8.31). Bất kỳ đơn vị được kích hoạt nào cũng kích thích một số đơn vị lân cận của nó và ức chế những đơn vị khác. Giả sử các đơn vị tương ứng với các chữ C, O, I, N chỉ hoạt động ở mức cầm chừng. Chúng kích thích một đơn vị bậc cao hơn tương ứng với từ COIN. Mặc dù không có đơn vị nào trong số 4 đơn vị chữ cái trên tự gửi đi được một thông điệp mạnh mẽ, nhưng tác động gộp lại rất mạnh mẽ (McClelland & Rumelhart, 1981). Nhận thức về COIN sau đó cung cấp sự kích thích trở lại các đơn vị nhận dạng chữ cái riêng lẻ và xác nhận nhận dạng thăm dò của chúng.
Hình 8.31. Theo một mô hình, kích thích thị giác sẽ kích hoạt một số đơn vị chữ cái, một số đơn vị này mạnh hơn những đơn vị khác. Các đơn vị chữ cái đó sau đó sẽ kích hoạt một đơn vị từ, nhờ vậy củng cố các đơn vị chữ cái tạo nên nó. Vì lý do này, chúng ta nhận ra cả một từ dễ dàng hơn là nhận ra một chữ cái.
- Kích thích
- Đơn vị dò chữ cái trong não tạo ra những nhận dạng thăm dò.
- Chúng dẫn đến một hệ thống để xác định từ – “Đúng! Đó là một từ”
- Hệ thống sẽ gửi phản hồi để xác nhận các nhận dạng thăm dò.
Mô hình này giúp giải thích nhận thức của chúng ta về ▼ Hình 8.32.
▲ Hình 8.32 Sự kết hợp của các chữ cái khả dĩ giúp chúng ta xác định một từ. Đổi lại, nhận dạng từ giúp xác nhận các nhận dạng chữ cái.
Bạn thấy từ đầu tiên và thứ 3 là BIRD và PROOF, không phải BIPD và RROOF. Bạn thấy từ thứ 2 và thứ 4 là DRIVE và FRIDAY, không phải DRIVF và EIRDAY. Tại sao? Xét cho cùng, chữ r trong BIRD trông giống với chữ p trong PROOF và chữ e trong DRIVE trông giống với chữ F trong FRIDAY. Khi bạn dò một từ, sự phản hồi sẽ củng cố nhận thức về các đơn vị tạo nên từ đó chứ không phải là về những đơn vị tạo nên một chuỗi ký tự vô nghĩa. Sự nhận dạng từ có thể trở nên phức tạp hơn. Hãy xem xét câu sau:
“Cậu bé khnôg thể giiả quếyt vnấ ềđ nên cậu đã êyu cuầ sự giúp đỡ.”
Hầu hết những người đọc “nhận ra” các từ “không thể, giải quyết, vấn đề, yêu cầu”, mặc dù tất nhiên họ đọc nhanh hơn nếu tất cả các từ được viết đúng chính tả (Rayner, White, Johnson, & Liversedge, 2006; White, Johnson, Liversedge, & Rayner, 2008 ). Khi chúng ta đọc, chúng ta xử lý ngữ cảnh để ngay cả những chữ cái không đúng chỗ cũng vẫn kích hoạt việc nhận dạng các từ chính xác. (Xu hướng này có thể gây khó khăn cho những người đọc bản sửa lỗi, vì đôi khi họ sẽ không nhận thấy lỗi chính tả!)
Dành cho bạn:
- Bằng chứng nào cho thấy: khi đọc một từ, chúng ta không đọc từng chữ cái một?
Trả lời:
- Các chữ cái mơ hồ, chẳng hạn như trong Hình 8.32, dường như là một chữ cái này trong ngữ cảnh này và là một chữ cái khác trong ngữ cảnh khác. Ngoài ra, một người đọc đôi khi vẫn “nhận ra” một từ ngay cả khi một số chữ cái không theo thứ tự (sai chính tả).
ĐỌC VÀ CHUYỂN ĐỘNG CỦA MẮT
Tất nhiên, việc đọc đòi hỏi chuyển động của mắt. Khi các nhà tâm lý học theo dõi chuyển động của mắt, họ phát hiện ra rằng mắt của người đọc chuyển động giật cục. Bạn di chuyển mắt đều đặn để theo dõi một vật thể đang chuyển động, nhưng khi quét một vật thể đứng yên, chẳng hạn như một trang in, mắt bạn luân phiên giữa các lần “phanh lại” ((* nguyên gốc fixation)), khi mắt bạn đứng yên, và “đi nhanh” (sa-KAHDS) ((*nguyên gốc saccade)), chuyển động nhanh của mắt từ điểm “phanh lại” này sang điểm “phanh lại” khác. Bạn đọc những lúc bạn “phanh lại”, không phải trong lúc “đi nhanh”. Đối với một người trưởng thành bình thường, hầu hết các lần “phanh lại” kéo dài khoảng 200 đến 250 mili giây. Các lần “phanh lại” ngắn hơn đối với các từ quen thuộc như “ngô” so với các từ khó hơn như “báp-tem” hoặc các từ đa nghĩa như “ốc” (Rodd, Gaskell, & Marslen-Wilson, 2002). Bởi vì các lần “đi nhanh” chỉ kéo dài từ 25 đến 50 mili giây, nên tốc độ đọc thông thường là khoảng bốn nhịp “phanh lại” mỗi giây (Rayner, 1998).
Một người có thể đọc được bao nhiêu trong một lần “phanh lại”? Trung bình, giới hạn là khoảng 11 ký tự mỗi lần. Để chứng minh, hãy tập trung vào chữ o được đánh dấu bằng mũi tên (↓) trong các câu sau:
↓
- Day la mot cau ma khong co loi chinh ta.
↓
- Xboc tx zjg rxuma khong co loujvgab zucn.
Nếu bạn để mắt bạn nhìn qua nhìn lại, bạn sẽ nhận thấy sự vô nghĩa trong câu 2. Nhưng nếu bạn đã thực hiện đúng việc giữ mắt ở vị trí chữ o, thì câu đó sẽ ổn. Mắt bạn đọc chữ cái được chỉ định, cộng với khoảng 3-4 ký tự (bao gồm cả khoảng trống) ở bên trái và khoảng 7 ký tự ở bên phải, những phần còn lại của câu ở hai bên không đủ rõ ràng để mắt đọc. Do đó, bạn thấy —a khong co l— hoặc có thể —ma khong co lo—.
Khoảng giới hạn 11 ký tự này phụ thuộc một phần vào ánh sáng. Trong ánh sáng yếu, khoảng giới hạn giảm xuống chỉ còn 1 hoặc 2 chữ cái, và khả năng đọc của bạn cũng bị ảnh hưởng theo (Legge, ahn, Klitz, & Luebker, 1997). Trong phạm vi rộng, khoảng giới hạn không phụ thuộc vào kích thước của bản in (Miellet, O’Donnell, & Sereno, 2009). Trong ví dụ tiếp theo, hãy tập trung lại vào chữ o trong mỗi câu và kiểm tra xem bạn có thể đọc được bao nhiêu chữ cái ở bên trái và bên phải của nó:
↓
Day la mot cau ma khong co loi chinh ta.
↓
Day la mot cau ma khong co loi chinh ta.
↓
la mot cau ma khong co loi chinh ta.
Giả sử khoảng đọc của bạn bị giới hạn bởi số lượng chữ cái có thể vừa với hố mắt của võng mạc, thì bạn sẽ đọc được ít chữ cái hơn khi bản in lớn hơn. Trên thực tế, ít nhất bạn cũng đọc được như vậy, thậm chí có thể tốt hơn, với bản in lớn hơn (tới một mức nhất định).
Các kết quả là khác nhau đối với các ngôn ngữ khác nhau. Trong tiếng Nhật và tiếng Trung, mỗi ký tự truyền tải nhiều thông tin hơn so với các chữ cái tiếng Anh, người đọc sẽ thấy ít ký tự hơn trong mỗi lần « phanh lại » (Rayner, 1998). Điều đó có nghĩa là, khoảng giới hạn trên phụ thuộc vào mức độ nghĩa mà một người có thể chú trọng vào trong một lần. Trong tiếng Do Thái và tiếng Farsi, các ký tự được viết từ phải sang trái, người đọc đọc nhiều chữ cái ở bên trái của điểm chỉ định hơn và ít hơn ở bên phải (Brysbaert, Vitu, & Schroyens, 1996; Faust, Kravetz, & Babkoff, 1993; Malamed & Zaidel, 1993 ).
Đọc là một quá trình chiến lược : dừng lại lâu hơn ở những từ khó hoặc mơ hồ, và đôi khi nhìn lại những từ trước đó. Trên thực tế, trong tất cả các chuyển động của mắt khi đọc, khoảng 10 đến 15% là chuyển động lùi. Có một ứng dụng (App), mà bạn có thể tải xuống cho máy tính của mình, tuyên bố sẽ tăng tốc độ đọc bằng cách loại bỏ các chuyển động lùi đó. Ứng dụng sẽ theo dõi chuyển động mắt của bạn, để bất cứ khi nào bạn đưa mắt về phía trước, những từ bạn đã đọc sẽ biến mất. Do đó, mắt bạn không thể nhìn lùi lại. Quy trình đó thực sự có thể tăng tốc độ đọc của bạn, nhưng đôi khi bạn cần nhìn lùi lại. Hãy xem xét câu này:
Khi người phụ nữ ăn spaghetti trên bàn bị nguội đi.
Khi bạn lần đầu tiên đọc câu đó, bạn nghĩ rằng người phụ nữ đã ăn mì spaghetti. Phần còn lại của câu nói rằng bạn đã hiểu sai, vì vậy bạn phải nhìn lại và đọc lại. Di chuyển mắt của bạn về phía sau trong một câu thường rất quan trọng cho việc hiểu (Schotter, Tran, & Rayner, 2014).
Dành cho bạn:
- Nếu một từ dài hơn 11 chữ cái, người đọc có cần nhiều hơn một lần “phanh lại” để đọc nó không?
Trả lời:
- Đôi khi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Giả sử mắt bạn dán chặt vào chữ cái thứ 4 trong từ “memorization”. Bạn sẽ có thể nhìn thấy 3 chữ cái ở bên trái và 7 chữ cái ở bên phải – nghĩa là tất cả các chữ cái, ngoại trừ chữ cái cuối cùng. Bởi vì chỉ có một từ trong tiếng Anh bắt đầu bằng “memorizatio-“, nên bạn vẫn biết hết từ đó.
NGÔN NGỮ VÀ NHÂN LOẠI
Khi bắt đầu mô-đun này, chúng ta đã xem xét câu hỏi, “Nếu ngôn ngữ hữu ích với con người như vậy, tại sao các loài khác không tiến hóa ít nhất là một chút chứ?”. Không có nghiên cứu nào trả lời câu hỏi này, nhưng chúng ta có thể suy đoán:
Có nhiều đặc điểm thích nghi hữu ích hơn nhiều ở mức độ lớn so với mức độ nhỏ. Ví dụ, mùi hôi thối cực kỳ hữu ích đối với chồn hôi. Một chút mùi hôi sẽ không giúp được gì nhiều. Nhưng nếu bạn định dựa vào mùi hôi thối để sinh tồn, thì bạn cần rất phải rất rất hôi thối. Nhím sống sót nhờ có những gai dài. Chỉ một vài chiếc lông gai ngắn sẽ chỉ hữu ích một chút. Tương tự như vậy, một chút phát triển ngôn ngữ có lẽ là một điều kiện không ổn định, nói về mặt tiến hóa. Một khi một loài như loài người đã phát triển một chút ngôn ngữ, thì những cá thể nào có khả năng ngôn ngữ tốt hơn sẽ có lợi thế chọn lọc rất lớn so với những cá thể khác.
BẢN TÓM TẮT
- Sự sản sinh ngôn ngữ. Những ngôn ngữ của con người cho phép chúng ta tạo ra các từ và cụm từ mới để diễn đạt những ý tưởng mới.
- Huấn luyện ngôn ngữ ở các sinh vật khác không phải là con người. Tinh tinh lùn, và ở một số nhỏ hơn các loài khác, đã học được một số khía cạnh của ngôn ngữ. Sự tiến hóa của loài người đã dựa trên những tiềm năng ở tổ tiên vượn người của chúng ta, và đã phát triển tiềm năng đó hơn nữa.
- Ngôn ngữ và trí thông minh. Có thể có trí thông minh mà không có ngôn ngữ, hoặc có ngôn ngữ mà không có các khía cạnh khác của trí thông minh. Do đó, nhiều nhà tâm lý học coi ngôn ngữ là một năng lực chuyên biệt chứ không chỉ là sản phẩm phụ của trí thông minh tổng thể.
- Khuynh hướng học ngôn ngữ. Noam Chomsky và những người khác đã lập luận rằng: việc trẻ em tiếp thu ngôn ngữ dễ dàng cho thấy chúng được sinh ra với khuynh hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc học ngôn ngữ.
- Tổ chức não và mất ngôn ngữ. Tổn thương não, đặc biệt là ở bán cầu não trái, làm suy yếu khả năng hiểu hoặc sử dụng ngôn ngữ của mọi người. Nhiều vùng não đóng góp vào ngôn ngữ theo nhiều cách khác nhau.
- Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ. Trẻ em tiến bộ thông qua nhiều giai đoạn phát triển ngôn ngữ, phản ánh sự trưởng thành của cấu trúc não bộ. Ngay từ đầu, ngôn ngữ của trẻ em là sáng tạo, sử dụng các quy tắc của ngôn ngữ để tạo ra các tổ hợp từ và câu mới.
- Trẻ em không được tiếp xúc với ngôn ngữ hoặc được tiếp xúc với hai ngôn ngữ. Nếu trẻ khiếm thính không được tiếp xúc với ngôn ngữ, chúng sẽ phát minh ra ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình. Tuy nhiên, một đứa trẻ khiếm thính không học ngôn ngữ nói cũng như ngôn ngữ ký hiệu khi còn nhỏ sẽ bị suy giảm khả năng học bất kỳ ngôn ngữ nào sau này. Trẻ em trong môi trường song ngữ đôi khi gặp khó khăn trong việc tách biệt hai ngôn ngữ nhưng có thể tăng khả năng kiểm soát sự chú ý.
- Hiểu ngôn ngữ. Chúng ta hiểu các từ và câu mơ hồ trong ngữ cảnh bằng cách áp dụng kiến thức chúng ta có về thế giới nói chung.
- Các rào cản để hiểu ngôn ngữ của chúng ta. Nhiều câu khó hiểu, đặc biệt là những câu có mệnh đề đi kèm hoặc có một hoặc nhiều yếu tố phủ định.
- Đọc. Khi chúng ta đọc, mắt chúng ta xen kẽ giữa các khoảng chuyển động nhanh và dừng lại. Một người lớn trung bình đọc khoảng 11 ký tự mỗi lần mắt dừng.
TỪ KHÓA
Bilingual – song ngữ
Broca’s aphasia – chứng mất ngôn ngữ Broca
Fixation – « phanh lại »
Language acquisition device – thiết bị thu nhận ngôn ngữ
Morpheme – hình vị
Phoneme – âm vị
Productivity – sự sản sinh
Saccade – « đi nhanh »
Transformational grammar – ngữ pháp chuyển đổi
Wernicke’s aphasia – chứng mất ngôn ngữ Wernicke
Williams syndrome – Hội chứng Williams
Word-superiority effect – “hiệu ứng vượt trội của từ”
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.