ĐÁNH GIÁ LÝ THUYẾT KHOA HỌC

Chuyển ngữ bởi: Thiện Đức, Xuân Thương

Trong trường hợp các dữ liệu có tính khả lặp, góp phần xây dựng hay củng cố cho một số giả thuyết thì các nhà khoa học có thể đề xuất ra một lý thuyết khoa học. Một lý thuyết khoa học, có giá trị hơn nhiều so với một phỏng đoán từ giả thuyết. Một lý thuyết (theory) bao gồm sự giải thích hay một mô hình phù hợp với nhiều quan sát hay kiểm chứng trong thực nghiệm, từ đó đưa ra được những dự đoán có tính chính xác cao. Một lý thuyết có giá trị khoa học lớn, thường bắt đầu từ một số lượng các giả định ít nhất có thể, nhưng lại dẫn ra được nhiều những dự đoán chính xác. Điều này vô cùng có lợi, bởi lẽ chúng ta cần phải ghi nhớ ít các thông tin quan trọng hơn. Ví dụ như bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là một ví dụ tuyệt vời : từ các thông tin về các nguyên tố, chúng ta có thể dự đoán tính chất của các hợp chất.

Một lý do quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình tiến bộ của khoa học ngày nay, đó là sự đồng thuận của đội ngũ các nhà khoa học trong vấn đề đánh giá các lý thuyết khoa học. Trong khi phần lớn mọi người khó có thể tưởng tượng những bằng chứng nào có thể thay đổi quan điểm tôn giáo hoặc chính trị của họ, các nhà khoa học thông thường có thể tưởng tượng được những bằng chứng có thể khiến họ từ bỏ các lý thuyết yêu thích của mình để ủng hộ các lý thuyết khác. (Thật ra không phải lúc nào việc chấp nhận này cũng xảy ra, bởi vì luôn có những cá nhân khá bảo thủ trong tư duy và quan điểm).

Trách nhiệm đưa ra trọng chứng. Burden of Proof

Nhà triết học Karl Popper, nhấn mạnh về việc các nhà khoa học sẵn sàng tiếp nhận việc lý thuyết của mình bị bác bỏ, khi nói rằng: mục đích của nghiên cứu là tìm ra lý thuyết nào là không chính xác. Quá trình áp dụng nghiệm sai các lý thuyết không chính xác, góp phần tìm ra các lý thuyết tốt qua quá trình loại bỏ, và lý thuyết còn tồn tại sau cùng của quá trình nghiệm sai, được xem là một lý thuyết có giá trị và có sức thuyết phục.

Một lý thuyết được hình thành tốt là có khả năng nghiệm sai (falsifiable)— nghĩa là, được phát biểu bằng những thuật ngữ rõ ràng, chính xác đến mức chúng ta có thể thấy bằng chứng nào sẽ chống lại nó — tất nhiên là nếu bằng chứng đó tồn tại. Ví dụ, lý thuyết về trọng lực đưa ra những dự đoán chính xác về các vật thể rơi. Bởi vì mọi người đã thử nghiệm những dự đoán này nhiều lần, và không có quan sát nào phủ định được dự đoán, chúng ta tin vào lý thuyết này.

Nghe qua thì “khả năng nghiệm sai” của một lý thuyết  có vẻ là một điều gì đó tồi tệ, nhưng thật ra, “khả năng nghiệm sai” không có nghĩa là chúng ta phải có bằng chứng chống lại lý thuyết (Vì nếu tìm được, thì bản thân lý thuyết ban đầu đã sai). Có thể nghiệm sai, tức là chúng ta có thể tưởng tượng được một thứ được xem là chứng cứ phản đối lý thuyết đó. Một lý thuyết không đưa ra dự đoán rõ ràng thì không thể bác bỏ. Ví dụ, nhiều nhà vật lý tin rằng thế giới của chúng ta chỉ là một trong số rất nhiều, có lẽ là vô số, các vũ trụ khác. Bạn có thể tưởng tượng ra bất kỳ chứng cứ nào phản đối quan điểm đó không? Nếu không, thì lý thuyết này không thể gọi là một lý thuyết tốt  (Steinhardt, 2014). Ví dụ về tâm lý học, Sigmund Freud khẳng định rằng tất cả các giấc mơ đều được thúc đẩy bởi sự hoàn thành mong muốn. Nếu giấc mơ đó là một giấc mơ vui vẻ, thì giấc mơ đang phản ánh một nguyện ước của mỗi ngườI. Còn nếu giấc mơ không vui vẻ thì sao?, lúc này, Freud nhận định là do bộ não chúng ta đã dùng chức năng kiểm duyệt của nó để che giấu mong muốn của một người. Domhoff (2003) đã ghi nhận rằng, đã đề ra lý thuyết của mình một cách sao cho bất kỳ quan sát nào cũng được tính cho nó hoặc ít nhất là không phủ nhận nó (Hình 2.2). Nếu không có bất kỳ quan sát nào có thể phủ nhận lý thuyết, thì nó quá mơ hồ để có thể sử dụng được.▲ Hình 2.2 Theo Freud, mọi giấc mơ đều dựa trên mong muốn hoàn thành ước nguyện gì đó. Nếu một giấc mơ có vẻ không vui, đó là do một bộ phận kiểm duyệt trong đầu bạn đã bóp méo điều ước nguyện đó thành những thứ không vui này và truyền tải lại qua giấc mơ. Liệu bạn có nghĩ tới được ra bất kỳ quan sát nào mâu thuẫn với lý thuyết này không?

Tuy nhiên, khi Popper cho rằng nghiên cứu luôn cố gắng để nghiệm sai một lý thuyết, ông đã đi quá xa. “Mọi vật đều rơi” (Định luật trọng lực) là một lý thuyết có tính nghiệm sai. Nhưng “Một số vật có thể rơi” thì lại không có tính nghiệm sai này, mặc dù lý thuyết này là đúng – dù cho đây là một tuyên bố yếu ớt, thì nó vẫn đúng. Nếu như “Một số vật có thể rơi” là sai, thì bạn cũng không thể chứng minh nó sai được!

Thay bằng việc khăng khăng cho rằng tất cả các nghiên cứu khoa học là nỗ lực để minh chứng nghiệm sai cho một lý thuyết, thì có một hướng tiếp cận khác là thảo luận về –bằng chứng –– trách nhiệm chứng minh. Đây là một nghĩa vụ tiên quyết, khi công bố một quan điểm hay lý thuyết, người làm khoa học phải đồng thời đưa ra bằng chứng xây dựng cho lý thuyết này. Chẳng hạn giống  như trong một phiên xét xử phạm nhân,  phía bên công tố sẽ chịu trách nhiệm cho việc đưa ra bằng chứng buộc tội. Nếu như trong trường hợp các cơ quan công tố không thể đưa ra bằng chứng thuyết phục, bị cáo sẽ được tự do. Nguyên nhân cách xử phạt bị cáo như vậy, là do phía bên công tố trước khi khởi kiện, bên công tố đã phải có đủ bằng chứng buộc tội nếu người đó đã vi phạm luật, còn về phía bị cáo, trong nhiều trường hợp, bị rơi vào tình huống bất khả thi trong nỗ lực chứng minh bản thân vô tội. Do vậy, nếu bằng chứng không đủ thuyết phục từ phía cơ quan công tố, bị cáo được trả tự do.

Cũng tương tự như trường hợp xử án trên, trong khoa học, đưa ra bằng chứng là trách nhiệm thuộc về bên đưa ra quan điểm hay đề xuất ra một lý thuyết, cần phải được diễn giải đầy đủ và rõ ràng, nếu như lý thuyết đó đang minh chứng cho một sự thật nào đó. Trong quan điểm “một số vật có thể rơi”, bằng chứng cần được đưa ra bởi những cá nhân ủng hộ lý thuyết này (Bằng chứng cần phải được đưa ra nhằm minh chứng cho lý thuyết này thật ra là khá đơn giản). Còn trong quan điểm “mọi vật đều rơi”, chúng ta không thể kỳ vọng bất kỳ ai có thể chứng thực hiện tượng này cho tất cả mọi sự vật hay đối tượng, do vậy, trách nhiệm đưa ra bằng chứng lại chuyển qua cho những người có quan điểm nghi ngờ về lý thuyết này (Chúng ta vẫn sẽ giữ niềm tin vào lý thuyết cũ cho tới khi một ai đó thành công trong việc tìm ra một trường hợp ngoại lệ). Đối với một số quan điểm khác, như là “Các vật thể bay không xác định, tới từ các nền văn minh ngoài vũ trụ, đã đến thăm trái đất” hay “một số cá thể người có khả năng ngoại cảm, cho họ khả năng nhận thức được nhiều vấn đề mà không cần đến các thông tin giác quan”, lúc này, việc đưa ra bằng chứng nằm ở những người đi theo quan điểm trên. Và nếu những quan điểm hay lý thuyết này thực sự đúng, thì sẽ có người cung cấp được những bằng chứng chứng thực rõ ràng.

Tính tối giản. Parsimony

Chúng ta sẽ làm gì nếu có một vài lý thuyết phù hợp với các sự kiện đã biết? Giả sử bạn nhận thấy rằng một bức tranh trên tường đang bị lệch ở một góc. Bạn cân nhắc bốn cách giải thích như sau:

  • Mặt đất rung chuyển khi một chiếc xe tải lớn chạy qua.
  • Một luồng gió đã làm tranh bị di chuyển.
  • Một trong những người bạn của bạn va vào nó mà không nói cho bạn biết.
  • Một con ma đã di chuyển nó.

Dù cho cả bốn giả định trên đều có thể phù hợp để giải thích cho tình huống quan sát được,  chúng ta sẽ không xem xét cả bốn giả định này trên những nền tảng đánh giá giống nhau. Khi được đưa ra một loạt những lý thuyết khả thi, chúng ta sẽ thường dành sự ưu tiên xem xét đến những lý thuyết ngắn gọn hơn, đơn giản hơn, súc tích hơn hay cô đọng hơn các lý thuyết khác, dù là cho các lý thuyết còn lại, cũng có thể là những lý thuyết được xây dựng tốt. Đây chính là tính tối giản (parsimony) của một lý thuyết khoa học hay nguyên tắc dao cạo của Ocaam (Lý thuyết này được đạt tên sau nhà triết học Anh, William của vùng Occam). Tính tối giản trong giải thích khoa học là một ý tưởng thận trọng: Chúng ta giữ vững các ý tưởng đã hoạt động và cố gắng hết sức để tránh đưa ra những giả định mới. (Ví dụ: Một con ma đã di chuyển bức tranh).

Tối giản và mức độ cởi mở. Parsimony and Degrees of Open-Mindedness

Nguyên tắc tối giản yêu cầu chúng ta tuân thủ những gì chúng ta đã tin tưởng, chống lại những giả thuyết hoàn toàn mới. Bạn có thể phản đối: “Sao chúng ta không giữ tư tưởng cởi mở với những khả năng mới?” Điều này là đúng, nếu tư duy cởi mở có nghĩa là sẵn sàng xem xét bằng chứng xác đáng, nhưng không phải là cởi mở có nghĩa là giả định rằng “bất kỳ điều gì cũng có cơ hội trở thành sự thật đúng đắn như những điều khác”. Nếu muốn thay đổi một quan điểm đã có nhiều bằng chứng, bạn càng cần nhiều bằng chứng hơn trước khi thay thế nó.

Ví dụ, nhiều người đã cố gắng chế tạo một “cỗ máy chuyển động vĩnh viễn”, một cỗ máy tạo ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng. ( Hình 2.3 cho thấy một ví dụ.) Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ chính thức hạn chế về vấn đề này, thậm chí từ chối xem xét các đơn xin cấp bằng sáng chế cho những cỗ máy như vậy. Khi mà các nhà vật lý bị thuyết phục, cả vì những lý do hợp lý và vì những quan sát nhất quán, rằng bất kỳ công việc nào cũng lãng phí năng lượng và để một cỗ máy hoạt động luôn đòi hỏi năng lượng. Nếu ai đó chỉ cho bạn những gì trông  có vẻ như là một cỗ máy chuyển động vĩnh cửu, hãy cố gắng tìm ra pin ẩn hoặc nguồn điện hay nguồn năng lượng nào đó đang vận hành cỗ máy này mà đang bị giấu kín. Nếu không tìm thấy, bạn có thể giả định rằng mình đã bỏ sót điều gì đó. Vì một tuyên bố phi thường như một cỗ máy vận hành vĩnh cửu, sẽ đòi hỏi những bằng chứng lạ thường tương ứng.

Hình 2.3 Một máy chuyển động vĩnh viễn được đề xuất: Nam châm kéo quả cầu kim loại lên trên mặt phẳng nghiêng. Khi quả bóng lên đến đỉnh, nó sẽ rơi qua lỗ và quay trở lại điểm ban đầu, từ đó nam châm sẽ lại kéo quả bóng lên. Bạn có thể thấy tại sao thiết bị này chắc chắn bị lỗi không? (Xem câu trả lời A ở cuối bài)

Hãy xem xét một vài ví dụ trong lĩnh vực tâm lý học mà người ta đã tuyên bố đạt được những kết quả rất đáng ngạc nhiên. Mặc dù việc xem xét bằng chứng chứng minh cho lý thuyết này là tất yếu, nhưng điều quan trọng không kém, đó là phải giữ thái độ hoài nghi và xem xét kỹ càng nhất có thể đối với một lời giải thích đơn giản, tối giản.

Ứng dụng về tối giản: Celver Hans, chú ngựa diệu kì. Applying Parsimony: Clever Hans, the Amazing Horse

Đầu thế kỷ 20, Wilhelm von Osten, một giáo viên toán học người Đức, đã bắt đầu chứng minh khả năng trí tuệ của chú ngựa của mình, tên là Hans. Để dạy Hans về số học, trước tiên, ông cho chú xem một đồ vật, nói “một” và nhấc chân của Hans lên. Ông nâng chân của Hans hai lần đối với hai đồ vật v.v. Với việc luyện tập này, Hans đã học cách nhìn vào một tập hợp các đối tượng và giậm chân số lần chính xác. Chẳng bao lâu sau, Hans không còn cần thiết nhìn thấy các đồ vật nữa. Von Osten sẽ chỉ gọi ra một số, và Hans sẽ giậm chân số lần thích hợp.

Von Osten chuyển sang phép cộng rồi đến phép trừ, phép nhân và phép chia. Hans bắt kịp nhanh chóng, sớm phản hồi với độ chính xác từ 90 đến 95 phần trăm. Sau đó von Osten và Hans bắt đầu lưu diễn ở Đức và biểu diễn trước công chúng. Khả năng của Hans lớn dần cho đến khi chú có thể cộng phân số, chuyển phân số thành số thập phân hoặc ngược lại, làm đại số, cho biết thời gian chính xác đến từng phút và đưa ra trị giá của đồng tiền Đức. Sử dụng mã chữ cái – số, chú có thể đánh vần tên của các đồ vật và xác định các nốt nhạc chẳng hạn như B-flat. (Rõ ràng là chú ngựa đã có khả năng nhận diện hoàn hảo.) Chú thường đúng ngay cả khi những câu hỏi được đặt ra bởi những người khác không phải là Von Osten, khi Von Osten bị che khuất.

Với bằng chứng này, nhiều người đã sẵn sàng tin rằng Hans có sức mạnh trí tuệ vượt trội. Nhưng người khác lại tìm kiếm một lời giải thích hợp lý hơn. Oskar Pfungst (1911) quan sát thấy rằng Hans chỉ có thể trả lời câu hỏi một cách chính xác nếu người hỏi biết câu trả lời. Rõ ràng, người hỏi cũng đang đưa ra câu trả lời. Ngoài ra, Hans chỉ chính xác khi người hỏi đứng trước mắt nó.

Clever Hans và chủ nhân của nó, ông von Osten, đã chứng minh rằng con ngựa có thể trả lời các câu hỏi toán học phức tạp với độ chính xác cao. Câu hỏi là, “Làm cách nào?” (Sau Pfungst, 1911, ở Fernald, 1984.)

Cuối cùng, Pfungst nhận thấy rằng bất kỳ ai hỏi Hans một câu hỏi đều sẽ nghiêng người về phía trước để quan sát bàn chân của Hans. Hans đã học cách bắt đầu giậm chân khi có ai đó đứng cạnh bàn chân trước của mình và nghiêng người về phía trước. Sau khi Hans đạt đến số lần giậm chính xác, người hỏi sẽ giật nhẹ đầu và thay đổi nét mặt, dự đoán rằng đây có thể là lần giậm chân đúng. (Ngay cả các nhà khoa học có hoài nghi, những người đã thử nghiệm Hans đã làm động tác này một cách vô tình. Không phải là thú vị sao nếu Hans hiểu đúng?) Hans chỉ cần tiếp tục giậm cho đến khi nhìn thấy tín hiệu đó.

Tóm lại, Hans thực sự là một con ngựa thông minh, nhưng chúng ta không tin rằng chú hiểu được toán học. Lưu ý rằng Pfungst đã không chứng minh việc Hans không hiểu toán học. Pfungst chỉ đơn thuần chứng minh rằng ông có thể giải thích hành vi của Hans theo cách tối giản là phản ứng với các biểu hiện trên khuôn mặt và do đó, không ai cần phải giả định bất cứ điều gì phức tạp hơn.

Áp dụng tối giản: Ngoại cảm. Applying Parsimony: Extrasensory Perception

Khả năng ngoại cảm (extrasensory perception-ESP) từ lâu đã gây tranh cãi trong giới tâm lý học. Những người ủng hộ ngoại cảm cho rằng một số người đôi khi thu được thông tin mà không cần có năng lượng thông qua bất kỳ cơ quan giác quan nào. Những người ủng hộ cho rằng những người có ESP có thể xác định suy nghĩ của người khác (thần giao cách cảm) ngay cả từ một khoảng cách rất xa và bất chấp những rào cản có thể ngăn chặn bất kỳ dạng năng lượng nào đã biết mà những nhà ngoại cảm, có thể thu được. Những người ủng hộ cũng cho rằng một số người nhất định có thể nhận thức được các vật bị che khuất (nhãn thông, thấu thị), dự đoán tương lai (linh cảm, điềm báo) và ảnh hưởng đến các sự kiện vật lý như tung xúc xắc bằng cách tập trung tinh thần (siêu năng lực).

Việc chấp nhận bất kỳ tuyên bố nào trong số này sẽ đòi hỏi chúng ta không chỉ sửa đổi các khái niệm chính trong tâm lý học mà còn phải loại bỏ các nguyên lý cơ bản nhất của vật lý học. Vậy có những bằng chứng nào cho ESP?

Giai thoại. Anecdotes

Giai thoại là báo cáo của mọi người về các sự kiện lẻ, chẳng hạn như một giấc mơ hoặc linh cảm trở thành sự thật. Những trải nghiệm như vậy thường có vẻ ấn tượng, nhưng chúng không phải là bằng chứng khoa học. Không sớm thì muộn, những sự trùng hợp kỳ lạ thường xuyên xảy ra và mọi người thường ghi nhớ chúng. Ví dụ một trường hợp, ở một công ty ở Bắc Carolina, có hai nhân viên trùng  tên là Suresh C. Srivastava. Tỷ lệ sự hi hữu xảy ra này là bao nhiêu phần trăm? Chà, đây thật ra là câu hỏi yếu. Có thể tỷ lệ xảy ra sự trùng hợp hi hữu cụ thể này có thể cao, nhưng khả năng xảy ra một sự trùng hợp kỳ lạ nào đó một cách chung chung cũng là cao tương đương như vậy, , nếu như chúng ta có mẫu số về thời gian chờ đủ nhiều.

Hơn nữa, do chúng ta có xu hướng nhớ, nói về và đôi khi phóng đại những linh cảm và giấc mơ đã thành hiện thực mà quên đi những giấc mơ không thành hiện thực. Chúng ta chỉ có thể đánh giá các bằng chứng giai thoại này một cách hiệu quả và đúng đắn, khi mà mọi người ghi lại những linh cảm và giấc mơ của họ trước khi các sự kiện được dự đoán xảy ra.

Bạn có thể đã nghe nói về “nhà tiên tri Nostradamus”, một nhà văn Pháp thế kỷ 16, người được cho là đã tiên đoán nhiều sự kiện của những thế kỷ sau.▲ Hình 2.4 giới thiệu bốn đoạn mẫu trong bài viết của ông. Tất cả những dự đoán của ông đều ở mức mơ hồ. Và sau khi điều gì đó trong thực tế thực sự xảy ra, người ta  tưởng tượng hay diễn giải lại bài viết của ông để phù hợp hóa thông tin với các sự kiện. ( Câu hỏi đặt ra là: Nếu chúng ta không biết một dự đoán có nghĩa là gì cho đến khi nó thực sự xảy ra, thì đó có thực sự là một dự đoán không?)

▲ Hình 2.4 Theo những người theo thuyết Nostradamus, mỗi tuyên bố này là một lời tiên tri cụ thể về một sự kiện thế kỷ 20 (Cheetham, 1973). Bạn nghĩ những lời tiên tri có ý nghĩa gì? So sánh câu trả lời của bạn với câu trả lời B ở cuối trang.

  1. Người đàn ông vĩ đại sẽ ngã xuống bởi một tiếng sét vào ban ngày. Một việc làm tội lỗi, đã được báo trước qua một lời thỉnh cầu cảnh tỉnh. Và sau đó, một người khác cũng sẽ ngã xuống vào ban đêm. Xung đột ở Reims, London, và dịch bệnh ở Tuscany.
  2. Khi mà cá có thể di chuyển cả ở đất liền và trên biển, sau rồi bị sóng lớn đánh dạt vào bờ, hình dáng của nó rất lạ, nhẵn nhụi và đáng sợ. Từ biển, kẻ thù sớm đến được các bức tường thành
  3. Con chim săn mồi bay về bên trái, trước khi giao chiến với quân Pháp, nó đã chuẩn bị. Một số sẽ coi nó là tốt, những con khác xấu hoặc không chắc chắn. Bên yếu hơn sẽ coi nó là điềm lành.
  4. Ngay sau đó, không lâu nữa, một cơn chấn động lớn giữa đất liền và biển sẽ dấy lên. Những trận hải chiến sẽ mạnh hơn bao giờ hết. Hỏa hoạn, những sinh vật sẽ còn làm loạn lạc còn loạn lạc hơn nữa.

Nhà tiên tri chuyên nghiệp. Professional Psychics

Các diễn viên sân khấu khác nhau khẳng định có thể đọc được suy nghĩ của người khác và biểu diễn các chiêu thức đáng kinh ngạc. Ví dụ như Amazing Kreskin thích nói về nhận thức “cực kỳ nhạy cảm” của mình hơn là “khả năng ngoại cảm” (Kreskin, 1991). Tuy nhiên, một phần thành công của anh với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn đến từ việc khiến mọi người tin rằng ông có khả năng tâm linh khó tin.

Sau khi quan sát kỹ Kreskin và những người khác, David Marks và Richard Kammann (1980) kết luận rằng họ đã sử dụng cùng một kiểu mánh khóe thường được sử dụng trong các màn ảo thuật. Ví dụ, Kreskin đôi khi bắt đầu hành động của mình bằng cách yêu cầu khán giả đọc suy nghĩ của mình. Hãy thử lặp lại thủ thuật này ngay bây giờ: Cố gắng đọc suy nghĩ của tôi. Tôi đang nghĩ đến một số từ 1 đến 50. Cả hai chữ số đều là số lẻ, nhưng chúng không giống nhau. Đối với nhiều người, nó có thể là 15 nhưng không thể là 11. (Đây là những hướng dẫn mà Kreskin đưa ra.) Bạn đã chọn một con số chưa? Vui lòng chọn 1 số.

OK, số của tôi là 37. Bạn có nghĩ đến 37 không? Nếu không, số 35? Bạn thấy đấy, tôi bắt đầu nghĩ 35 và sau đó thay đổi suy nghĩ, vì vậy bạn có thể đã nghĩ về 35.

 Ảo thuật gia Lance Burton có thể làm cho con người và động vật dường như đột nhiên xuất hiện, biến mất, lơ lửng trong không trung, hoặc làm những điều khác mà chúng ta biết là không thể. Ngay cả khi chúng ta không biết bằng cách nào anh ấy đạt được những ngón nghề điêu luyện này, chúng ta vẫn coi đó là điều hiển nhiên rằng chúng dựa trên các phương pháp đánh lừa khán giả.

Nếu bạn “đọc được suy nghĩ của tôi” thành công, bạn có ấn tượng không? Đừng như vậy. Lúc đầu, có vẻ như bạn có nhiều số để chọn (1 đến 50), nhưng khi kết thúc hướng dẫn, bạn chỉ có một vài con số là khả dĩ. Chữ số đầu tiên phải là 1 hoặc 3, và chữ số thứ hai phải là 1, 3, 5, 7 hoặc 9. Bạn đã loại bỏ 11 và 33 vì cả hai chữ số đều giống nhau và bạn có thể đã loại bỏ 15 vì tôi đã đưa nó ra làm ví dụ rồi. Do đó chỉ còn lại bảy khả năng. Hầu hết mọi người tránh xa ví dụ được đưa ra và có xu hướng tránh các lựa chọn có giá trị cao nhất và thấp nhất có thể. Điều đó khiến 37 là lựa chọn có khả năng xảy ra cao nhất và 35 là lựa chọn có khả năng thứ hai.

Ví dụ thứ hai: Kreskin yêu cầu khán giả viết ra điều gì đó họ đang nghĩ trong khi anh đi dọc theo lối đi và trò chuyện. Sau đó, trở lại sân khấu, anh “đọc được suy nghĩ của mọi người”. Anh có thể nói điều gì đó như, “Ai đó đang nghĩ về mẹ của mình. . . . ” Trong bất kỳ đám đông lớn nào, ai đó nhất định phải hét lên, “Vâng, đó là tôi. Bạn đọc được suy nghĩ của tôi! ” Đôi khi, anh còn có thể miêu tả lại một cái gì đó mà ai đó đã viết một cách rất chi tiết. Nhưng những người này có đặc điểm chung là họ ngồi dọc theo lối đi nơi Kreskin đi lại.

Trong một loạt các mánh khóe khác (xem Marks & Kammann, 1980), Kreskin lui vào hậu trường trong khi thị trưởng hoặc một số chức sắc khác giấu tấm séc tiền của Kreskin ở đâu đó trong khán giả. Sau đó, Kreskin quay lại, đi lên và đi xuống các lối đi, băng qua các hàng, và cuối cùng hét lên, “Tấm séc đây rồi!” Quy tắc là nếu anh đoán sai, thì anh sẽ không được trả tiền. (Anh hầu như không bao giờ sai.)

Làm thế nào để anh làm được điều đó? Đó là một thủ thuật tương tự như chú ngựa Celver Hans ở trên. Kreskin nghiên cứu khuôn mặt của mọi người. Hầu hết mọi người đều muốn ông tìm thấy tấm séc, vì vậy họ càng phấn khích khi ông đến gần nó và thất vọng hoặc buồn rầu hơn nếu ông di chuyển đi xa. Trên thực tế, khán giả đang nói, “Anh đang tiến gần hơn rồi đấy” và “Bây giờ anh đang đi ra xa đấy.” Dần dần anh đi được đến đúng chỗ giấu tấm séc.

Kiểm tra kiến thức:

Giả sử một nghệ sĩ biểu diễn mới xuất hiện thể hiện khả năng đáng kinh ngạc trong việc đọc suy nghĩ của mọi người hoặc dự đoán tương lai. Trước khi bất cứ một người kiểm tra cụ thể, tại sao các nhà khoa học cho rằng nó có nhiều khả năng là một trò mánh lừa hơn là một sức mạnh siêu nhiên?

Thí nghiệm. Experiments

Bởi vì các giai thoại và biểu diễn trên sân khấu xảy ra trong điều kiện không được kiểm soát, chúng gần như không có giá trị như là bằng chứng khoa học. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm là nơi cung cấp bằng chứng duy nhất về ESP đáng được xem xét nghiêm túc.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã thử nhiều quy trình, bao gồm dự đoán thứ tự của một bộ bài, đoán số được tạo bởi một bộ tạo số ngẫu nhiên và mô tả một thiết lập từ xa mà người khác đang xem. Trong mỗi trường hợp, khi mới bắt đầu các nghiên cứu đều có sự phấn khích và thích thú, nhưng những cảm giác này mau chóng giảm dần qua thời gian do họ chứng kiến những nhà nghiên cứu khác đã không thể chứng minh tính khả lặp được các kết quả thí nghiệm. Ví dụ: trong quy trình Ganzfeld (nghĩa tiếng Đức có nghĩa là “toàn bộ lĩnh vực”), “người gửi” xem ảnh hoặc phim, được chọn ngẫu nhiên từ bốn khả năng nội dung và “người nhận”, lúc này đang ở trong một căn phòng khác, được yêu cầu mô tả suy nghĩ và hình ảnh của “người gửi”. Thông thường, người nhận đeo một nửa quả bóng bàn lên mắt và nghe tiếng ồn tĩnh qua tai nghe để giảm thiểu các kích thích bình thường, có thể làm hạn chế các kích thích năng lực ngoại cảm theo giả thuyết (xem Hình 2.5). Sau đó, một giám khảo kiểm tra bản ghi chép những gì người nhận đã nói và so sánh nó với bốn bức ảnh hoặc phim, xác định xem nó trùng khớp với bức ảnh nào nhất. Trung bình, nó phải khớp với mục tiêu khoảng ¼ lần. Nếu người nhận “đoán đúng” thường xuyên nhiều hơn 1/4, chúng ta có thể tính toán xác suất ngẫu nhiên làm được điều đó. Một đánh giá báo cáo rằng 6 trong số 10 phòng thí nghiệm sử dụng phương pháp này cho kết quả tích cực (Bem & Honorton, 1994). Tuy nhiên, 14 nghiên cứu sau đó từ 7 phòng thí nghiệm khác, đã không tìm ra bằng chứng khả lặp được kết quả trên mà thay vào đó họ tìm được các kết quả ngẫu nhiên (Milton & Wiseman, 1999).

 Hình 2.5 Trong quy trình ganzfeld, “người nhận”, người bị thiếu hầu hết thông tin cảm quan bình thường, cố gắng mô tả ảnh hoặc phim mà “người gửi” đang xem xét.

Vào năm 2011, một tạp chí uy tín đã công bố một loạt các nghiên cứu cho thấy rằng con người có thể nhìn thấy trước tương lai (Bem, 2011). Trong một nghiên cứu, các sinh viên đại học tham gia vào một thí nghiệm mà được yêu cầu nhấp vào bên trái hoặc bên phải của màn hình để dự đoán bên nào sẽ hiển thị hình ảnh. Sau khi đoán, máy tính chọn ngẫu nhiên bên này hoặc bên kia. Nếu phù hợp với suy đoán của sinh viên, nó sẽ hiển thị một bức ảnh khiêu dâm của một cặp đôi đang thực hiện hành vi tình dục. Người thử nghiệm báo cáo rằng các phỏng đoán của sinh viên khớp với lựa chọn của máy tính tầm 53% số lần đoán, điều này có thể dấy lên một giả thuyết về việc chúng ta có thể có khả năng dự đoán tương lai. Trong một nghiên cứu khác, các sinh viên cần  đọc qua một danh sách các từ vựng, cố gắng ghi nhớ, và sau đó đọc một nửa danh sách lại lần nữa. Điều mà các nhà nghiên cứu tuyên bố từ những quan sát  thí nghiệm của mình, đó là các sinh viên nhớ nhiều hơn những từ mà họ đã học lại sau đó. Đúng đó! bạn có thể cải thiện điểm số của mình trong một bài kiểm tra bằng cách nghiên cứu tài liệu sau khi bài kiểm tra đã kết thúc! (Nếu bạn tin rằng cách này có thể ổn, bạn có thể thử nó.)

Tuy nhiên, trước khi sửa đổi thói quen học tập của mình, bạn nên biết rằng, các nhà tâm lý học khác đã chỉ ra rất nhiều vấn đề và cả sự không hợp lý trong cả quy trình nghiên cứu và phân tích thống kê các kết quả của quy trình nghiên cứu trên (Alcock, 2011; Rouder & Morey, 2011). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại ba trường đại học khác, đã lặp lại các quy trình một cách chính xác và đã không tìm thấy bất kỳ gợi ý nào về một hiệu ứng như được mô tả trong thí nghiệm (Ritchie, Wiseman, & French, 2012). Sau đó, một phòng thí nghiệm khác đã thử một quy trình được sửa đổi và cũng đã thất bại trong việc tìm ra bất kỳ lợi ích nào từ việc học lại sau kiểm tra (Traxler, Foss, Polali, & Zirnstein, 2012). Thời gian đã minh chứng rằng, những thí nghiệm ban đầu nghe có vẻ đầy hứa hẹn, sau cùng lại đi đến ngõ cụt, do các kết quả của các thí nghiệm này là không có tính khả lặp, do vậy, các nhà khoa học luôn đặt trong mình một trạng thái hoài nghi về những tuyên bố hay lý thuyết tương tự tương tự về sau.

Việc thiếu tính khả lặp là một trong các  lý do chính để chúng ta hoài nghi về ESP, bên cạnh đó, còn một lý do khác là tính tối giản của các lý thuyết này. Nếu ai đó tuyên bố rằng một con ngựa làm toán học hoặc một người biết trước các sự kiện ngẫu nhiên, chúng ta nên tìm hiểu kỹ lưỡng để có một lời giải thích đơn giản dễ hiểu hơn.

A. Trả lời: Bất kỳ nam châm nào đủ mạnh để kéo quả cầu kim loại lên trên mặt phẳng nghiêng sẽ không thả rơi quả cầu khi nó đến lỗ ở trên cùng. Nó sẽ kéo quả bóng đi qua lỗ.

B. Những lời tiên tri của Nostradamus, được giải thích bởi Cheetham (1973), đề cập đến những điều sau: (1) các vụ ám sát John F. Kennedy và Robert F. Kennedy, (2) Tên lửa đạn đạo Polaris bắn từ tàu ngầm , (3) Cuộc xâm lược của Hitler đối với nước Pháp, và (4) Chiến tranh thế giới thứ hai.

Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.

Leave a Reply