Do We Have a Few “Basic” Emotions?
Có bao nhiêu cung bậc cảm xúc mà con người trải qua? Chúng ta có một vài cảm xúc nền tảng kết hợp với nhau để tạo ra các trải nghiệm khác, giống như các nguyên tố trong hóa học không? Cuộc tranh cãi này có lịch sử lâu đời. Charles Darwin (1872/1965), đã ghi chép rằng một số biểu cảm khuôn mặt xảy ra trên khắp thế giới, ủng hộ ý tưởng về một số cảm xúc nền tảng. Wilhelm Wundt, người sáng lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên, và William James, nhà sáng lập Tâm lý học Hoa Kỳ, cả hai lập luận trái chiều phản biện lại các phạm trù riêng biệt, ủng hộ ý tưởng rằng một cảm xúc được xếp vào cảm xúc khác.
Một số nhà tâm lý học đề xuất một danh sách ngắn gọn các cảm xúc, như là hạnh phúc, buồn bã, tức giận, sợ hãi, ghê tởm và ngạc nhiên. Những người khác thêm vào nhiều mục hơn như là sự khinh rẻ, xấu hổ, tội lỗi, quan tâm, hy vọng, tự hào, nhẹ nhõm, thất vọng, yêu thương, sợ hãi, buồn chán, ghen tị, hối tiếc hoặc ngượng ngùng (Keltner & Buswell, 1997). Người Nhật Bản có thêm cảm xúc amae, dịch ra là “cảm giác hài lòng khi phụ thuộc vào ai đó” hoặc “cảm giác thoải mái khi được người khác chấp nhận” (Doi, 1981; Niiya, Ellsworth, & Yamaguchi, 2006). Người Nhật cũng có khả năng xem sự cô đơn là một cảm xúc hơn người Mỹ (Kobayashi, Schallert, & Ogren 2003). Người Hindu có các cảm xúc anh hùng, thích thú, bình an và kinh ngạc (Hejmadi, Davidson, & Rozin, 2000).
Làm sao chúng ta có thể quyết định cảm xúc nào là nền tảng (Nếu như có một thứ như vậy)? Các nhà tâm lý học đề xuất các tiêu chí sau:
- Các cảm xúc nền tảng xuất hiện rất sớm trong đời mà không cần nhiều trải nghiệm. Ví dụ, sự hoài niệm và niềm tự hào có vẻ xuất hiện chậm hơn và ít nền tảng hơn so với sự sợ hãi, tức giận hoặc vui mừng. Biểu hiện ban đầu của trẻ sơ sinh không phân biệt giữa đau khổ, tức giận và sợ hãi (Messinger, 2002).
- Các cảm xúc nền tảng tương đồng giữa các nền văn hóa. Bởi vì hầu hết các cảm xúc xuất hiện tương tự thông qua văn hóa loài người, tiêu chí này không loại trừ nhau.
- Mỗi cảm xúc nền tảng có sinh lý khác nhau. Nếu chúng ta coi tiêu chí này là quan trọng, chúng có thể bỏ qua ý tưởng về cảm xúc nền tảng. Phản ứng sinh lý như nhịp tim và nhịp thở không quá khác nhau giữa các cảm xúc, mặc dù chúng cho thấy cường độ của một cảm xúc. Hình 12.6 tổng hợp các kết quả của nhiều nghiên cứu sử dụng PET và scan não FMRI (Xem chương 3) để đo hoạt động não bộ khi các cảm xúc khác nhau bị kích thích trong các trường hợp khác nhau (Phan, Wager, Taylor, & Liberzon, 2002). Như bạn có thể thấy, các vùng não bị kích thích bởi bất kỳ cảm xúc nào phần lớn trùng lặp với những kích thích được khơi dậy bởi các cảm xúc khác. Xem xét kỹ các tài liệu kết luận rằng không có vùng não cụ thể nào chịu trách nhiệm cho riêng cảm xúc, điều này trái ngược với nhận thức, động lực hoặc các quá trình khác, và không có vùng não nào chỉ góp phần vào một loại cảm xúc (Lindquist, Wager, Kober, Bliss-Moreau, & Barrett, 2012). Một vùng não có thể đóng góp chủ yếu đối với cảm xúc dễ chịu hoặc khó chịu, tiếp cận hoặc né tránh, hoặc cảm giác mạnh với cảm giác yếu, nhưng không cụ thể gây ra sự tức giận, buồn bã, hoặc bất kỳ cảm xúc được đặt tên nào (Wilson-Mendenhall, Barrett, & Barsalou, 2013).
- Cuối cùng, mỗi cảm xúc nền tảng có thể có một cử chỉ biểu lộ khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu tập trung vào tiêu chí cuối cùng này.
Biểu cảm khuôn mặt – Producing Facial Expressions
Mỗi cảm xúc có biểu cảm riêng biệt không? Và tại sao chúng ta có các cử chỉ biểu cảm khuôn mặt? Biểu hiện cảm xúc hoàn toàn không phải là tùy tiện, như ở hình 12.7. Khi bạn sợ hãi, bạn mở to mắt, khả năng trông thấy nguy hiểm tăng lên, đồng thời bạn hít sâu, chuẩn bị cho hành động có thể xảy ra. Nếu bạn thấy thứ gì đó ghê tởm, bạn nhắm một phần mắt và quay mũi khỏi hướng gây khó chịu, giảm mức độ tiếp xúc với nó (Susskind et al., 2008). Mở to mắt (khi sợ hãi) cải thiện khả năng xác định đối tượng nguy hiểm tiềm ẩn. Nhắm khép mắt (khi ghê tởm) tăng cường khả năng nhận diện đối tượng là gì (Lee, Mirza, Flanagan, & Anderson, 2014).
Ngoài ra, các biểu hiện cảm xúc chuyên biệt để giao tiếp trong bối cảnh xã hội. Ví dụ, vận động viên đoạt huy chương Olympic thường mỉm cười nếu họ đứng chờ lễ trao giải với người khác nhưng không cười nếu họ đứng một mình (Fernández-Dols & Ruiz-Belda, 1997). Ngay cả trẻ sơ sinh 10 tháng tuổi cũng cười nhiều hơn khi có mẹ quan sát hơn là không (S. S. Jones, Collins, & Hong, 1991). Robert Provine (2000) dành nhiều giờ ở trung tâm mua sắm và một vài nơi khác để quan sát và ghi lại tiếng cười. Ông phát hiện ra rằng mọi người hầu như đều cười khi họ đi với bạn bè và những người nói thì cười nhiều hơn người nghe. Mọi người chủ yếu cười khi nói, thậm chí cả những điều mà không hẳn là hài hước, như là “Tớ đi cùng được không?” hoặc “Gặp cậu vui thật đó.” Tiếng cười thể hiện sự thân thiện.
Những biểu cảm cảm xúc cố ý hiếm khi trùng khớp chính xác với biểu cảm tự phát. Ví dụ, nụ cười của một người thực sự hạnh phúc bao gồm các cử động cơ miệng và cơ xung quanh mắt (xem hình 12.8a). Những nụ cười tự ý (xem hình 12.8b) thường không gồm chuyển động các cơ quanh mắt (Ekman & Davidson, 1993). Biểu cảm đầy đủ bao gồm các cơ quanh mắt gọi là nụ cười Duchenne, đặt theo tên của Duchenne De Boulogne, người đầu tiên mô tả về nụ cười.
Bởi vì nụ cười Duchenne thì khó tự ý tạo ra, nó là một dấu hiệu tốt cho thấy cảm xúc thật sự của một người. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ có nụ cười Duchenne trong các cuốn kỷ yếu ở trường đại học có nhiều khả năng có hôn nhân hạnh phúc lâu dài hơn và cho biết họ cảm thấy hạnh phúc và có năng lực sau khi tốt nghiệp hơn là những người khác. Vận động viên bóng chày của các giải đấu lớn có nụ cười Duchenne trong các bức ảnh sống lâu hơn những người ít cười hoặc không cười (Abel & Kruger, 2010).
Chúng ta có học cách tạo ra các biểu cảm khuôn mặt phù hợp hay chúng là phần di sản sinh học của chúng ta? Irenäus Eibl-Eibesfeldt (1973, 1974) đã chụp ảnh mọi người ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ghi lại nụ cười, cau mày, cười và khóc, ngay cả trẻ emkhiếm thính hoặc khiếm thị bẩm sinh (Xem hình 12.9). Ông cũng phát hiện ra rằng mọi người khắp thế giới biểu lộ lời chào thân thiện bằng cách nhướng mày (xem hình 12.10) Biểu cảm đó có ý nghĩa tương tự ở tất cả các nền văn hóa và cùng thời lượng – 1/3 giây.
Hiểu biết về biểu cảm khuôn mặt – Understanding Facial Expressions
Sự giống nhau của các biểu cảm khuôn mặt giữa các nền văn hóa ngụ ý rằng các biểu cảm này không cần phải học, nhưng chúng luôn có ý nghĩa giống nhau không? Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu mọi người ở các nền văn hóa khác nhau giải thích sáu biểu cảm khuôn mặt như ở hình 12.11 Hãy nhìn từng khuôn mặt và thử đặt tên cho mỗi biểu cảm (Hãy thử bây giờ.)
Sau khi các nhà nghiên cứu dịch các tên gọi sang các ngôn ngữ khác, mọi người ở các nền văn hóa khác nhau cũng xác định được các cảm xúc mặc dù có phần kém chính xác hơn (Ekman, 1992; Ekman & Friesen, 1984; Russell, 1994). Ở mức độ nhỏ nhất, các biểu cảm khuôn mặt cũng có “điểm nhấn” vùng miền ở một số nền văn hóa.
Cũng giống như bạn hiểu bài phát biểu ở vùng miền của bạn hơn là từ những nơi khác, bạn nhận ra các biểu cảm khuôn mặt chính xác hơn từ những người đến từ nền văn hóa của bạn (Elfenbein, Beaupré, Lévesque, & Hess, 2007). Người dân Nhật Bản và người Mỹ kiểm tra những bức ảnh về biểu cảm khuôn mặt thể hiện tức giận và ghê tởm của người Nhật. Trong số người Nhật Bản, 82% nhận ra biểu cảm tức giận và 66% nhận ra biểu cảm ghê tởm. Trong số những người Mỹ, chỉ có 34% nhận ra biểu cảm tức giận và 18% nhận ra biểu cảm ghê tởm (Dailey et al., 2010).
Khả năng phân loại các biểu cảm khuôn mặt của mọi người trên khắp thế giới không phải là bằng chứng mạnh mẽ cho ý tưởng sáu cảm xúc “nền tảng” (Barrett, Mesquita, & Gendron, 2011). Đầu tiên, các nhà nghiên cứu liệt kê tên của sáu cảm xúc điển hình và yêu cầu mọi người ghi tên cho từng cảm xúc. Nếu mọi người chỉ được nhìn thấy một khuôn mặt và được yêu cầu xác định biểu cảm, họ thường không chắc chắn liệu một biểu cảm là buồn, tức giận, sợ hãi, ghê tởm hay biểu cảm gì khác (Pochedly, Widen, & Russell, 2012; Widen & Naab, 2012).
Thứ hai, chúng ta nhận diện biểu cảm của ai đó trong bối cảnh, tư thế, cú chạm, tông giọng và cử chỉ chứ không chỉ bởi biểu cảm khuôn mặt (Edwards, 1998; Hertenstein, Keltner, App, Bulleit, & Jaskolka, 2006). Một số người, hầu hết là phụ nữ, có thể cảm nhận nỗi sợ của người khác chỉ bằng khứu giác (De Groot, Semin, & Smeets, 2014; Leppänen & Hietanen, 2003; Zhou & Chen, 2009). Hãy xem hình 12.12. Ngoài bối cảnh, hầu hết mọi người sẽ gọi biểu hiện này là buồn. Tư thế bên trái xác nhận nhận định đó. Tuy nhiên, với tư thế bên phải, hầu hết mọi người gọi là biểu hiện sợ hãi (Aviezer et al., 2008).
Một vấn đề khác: Các khuôn mặt trong hình 12.11 đều được tạo dáng hướng về phía người xem. Từ quan điểm của thiết kế thử nghiệm, việc đặt tất cả các khuôn mặt vào cùng một vị trí có vẻ đúng. Tuy nhiên, những người buồn rầu hầu như luôn nhìn xuống và chỉ giao tiếp bằng mắt với bạn trong thời gian ngắn, nếu có. Những người sợ hãi nhìn vào những gì làm họ sợ hãi. Họ chỉ giao tiếp bằng mắt với bạn khi họ sợ bạn.
Kiểm tra các bức hình trong hình 12.13. Biểu cảm nào dễ nhận diện hơn? Hầu hết những người quan sát nhận ra những biểu hiện buồn bã hoặc sợ hãi nhanh hơn khi họ thấy ai đó đang nhìn theo hướng khác (Adams & Kleck, 2003). Ngược lại, biểu hiện vui vẻ và tức giận dễ nhận biết hơn nếu người đó đang nhìn thẳng về phía trước (Adams & Kleck, 2005).
Những người buồn rầu thường không chỉ nhìn xuống mà họ còn khóc. Nếu bạn thấy ai đó với một khuôn mặt buồn đầy nước mắt, bạn ngay lập tức nhận ra họ đang buồn, như ở hình 12.14. Lau nước mắt đi thì bạn thường không chắc lắm về biểu cảm của họ. Bạn có thể mô tả biểu cảm đó là kinh ngạc, bối rối hoặc lo lắng (Provine,Krosnowski, & Brocato, 2009). Nếu mắt ai đó đỏ, họ làm tăng thêm ấn tượng về nỗi buồn (Provine, Cabrera, Brocato, & Krosnowski, 2011). Robert Provine và cộng sự đã gợi ý rằng con người tiến hóa màng cứng mắt trắng – white scleras (lòng trắng trong mắt) để tăng cường giao tiếp cảm xúc. Các loài linh trưởng có màng cứng mắt màu tối. Khi mắt ai đó chuyển sang màu đỏ, bạn có thể không chắc liệu họ đang buồn, tức giận, hay sợ hãi, nhưng chắc chắn là họ không vui (Provine, Nave-Blodgett, & Cabrera, 2013).
Các biểu cảm khuôn mặt có chỉ ra các cảm xúc nền tảng không?
Do Facial Expressions Indicate Basic Emotions?
Câu hỏi là liệu chúng ta có một số cảm xúc nền tảng không. Nghiên cứu chỉ ra rằng con người khắp thế giới nhận ra các biểu cảm khuôn mặt vui vẻ, buồn, sợ hãi, tức giận, ghê tởm và ngạc nhiên, ít nhất là ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, các bức ảnh ở hình 12.11 được tạo hình cẩn thận để làm ví dụ phù hợp nhất để mọi người nhận diện các biểu cảm một cách chính xác.
Trong cuộc sống đời thường, hầu hết biểu cảm cho thấy sự đan xen giữa các cung bậc cảm xúc. Nếu chúng ta chụp những bức hình biểu cảm tự phát mỗi ngày, những người xem thường không đồng tình với nhau, họ thấy nhiều cảm xúc hơn trên mỗi khuôn mặt, và những gì họ nhìn thấy không phải lúc nào cũng giống với những người trong hình mà thực sự trải nghiệm cảm xúc (Kayval & Russell, 2013).
Thêm vào đó, khả năng nhận diện sáu cảm xúc nền tảng của mọi người không nói cho chúng ta biết liệu con người có chính xác sáu cảm xúc nền tảng không. Mọi người có thể, với khả năng nhận diện kém chính xác hơn, cũng có thể nhận diện được biểu hiện của sự khinh thường, chỉ khác một chút so với sự ghê tởm. Mọi người cũng dễ dàng nhận diện sự tự hào từ biểu cảm khuôn mặt và dáng điệu (Tracy & Robins, 2004; Tracy, Robins, & Lagattuta, 2005). Từ những băng ghi hình, mặc dù không phải từ các hình ảnh, hầu hết mọi người có thể nhận diện các biểu cảm bình an và anh hùng mà người Hindu thường liệt kê như là các cảm xúc (Hejmadi, Davidson, & Rozin, 2000). Vì vậy nếu khả năng nhận diện một biểu hiện là bằng chứng cho một cảm xúc nền tảng, danh sách cảm xúc của chúng ta sẽ ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, chúng ta nhanh chóng nhận diện được các biểu hiện cảm xúc như buồn ngủ hoặc bối rối, mặc dù chúng ta có lẽ không thể phân loại biểu hiện nào trong đó là một cảm xúc (Keltner &Shiota, 2003; Rozin & Cohen, 2003). Vì vậy, việc chúng ta nhận ra biểu cảm ngạc nhiên và sự ghê tởm không phải là bằng chứng chắc chắn để chúng ta coi nó là cảm xúc.
Thay thế cảm xúc nền tảng – An Alternative to Basic Emotions
Nhiều nhà tâm lý học nghi ngờ việc nói rằng những cảm xúc nền tảng là phù hợp (Barrett, 2006). Nếu sợ hãi, tức giận hoặc bất kỳ cảm xúc nào khác là một cảm xúc nền tảng, chúng ta nên mong đợi rằng khi mọi người thể hiện một biểu hiện, họ cũng nên thể hiện cử chỉ, dáng điệu, tông giọng và những thứ khác đi liền với cảm xúc. Tuy nhiên, mọi người thường thể hiện một phần biểu hiện cảm xúc này, một phần biểu hiện cảm xúc khác và dáng điệu hoặc cử chỉ không phù hợp với cả hai (Scherer & Ellgring, 2007).
Thay vì các cảm xúc nền tảng, chúng ta có thể coi các cảm xúc như một chuỗi các chiều kích. Theo mô hình “circumplex”, các cảm xúc trải dài từ khoái cảm đến đau khổ và theo một chuỗi khác từ kích thích đến buồn ngủ (Russell, 1980). Hình 12.15 mô tả ý tưởng này. Lưu ý rằng mô hình này gắn với các khía cạnh của cảm xúc, không chỉ về khía cạnh nhận thức. Ví dụ, cả tức giận và sợ hãi đều gần giống với “đau khổ” trong biểu đồ này, mặc dù chúng ta liên kết tức giận và sợ hãi với nhận thức khác nhau. Các nhà tâm lý học khác cũng đề xuất các mô tả khác nhau nhưng duy trì quan điểm rằng các cảm xúc trải dài theo các khía cạnh liên tục (Watson, Wiese, Vaidya, & Tellegen, 1999; Yik, Russell, & Steiger, 2011).
Hình 12.15 Theo mô hình cảm xúc liên tục circumplex, cảm xúc diễn ra cùng một chuỗi kích thích liên tục và một chuỗi cảm xúc khoái cảm (Figure 1 from “A circumplex model of affect,” by J. A. Russell, 1980. Journal of Personality and Social Psychology, 39, pp. 1161–1178.)
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.