Hãy tưởng tượng bạn bất chấp những lời khuyên dành cho chủ sở hữu một chiếc máy tính, và đưa máy tính của bạn đi qua một từ trường mạnh. Giả sử rằng thay vì xóa tất cả bộ nhớ, bạn chỉ xóa các tệp văn bản chứ không xóa các tệp đồ họa. Hoặc giả sử dữ liệu cũ còn nguyên vẹn nhưng bạn không thể lưu giữ những dữ liệu mới. Từ thiệt hại đó, bạn sẽ nhận được các gợi ý về cách bộ nhớ máy tính hoạt động.
Điều này cũng đúng với trí nhớ của con người. Nhiều loại tổn thương não khác nhau làm suy giảm một loại trí nhớ này nhưng không làm suy giảm loại trí nhớ khác, giúp chúng ta suy ra được cách thức mà bộ nhớ được tổ chức.
Mất trí nhớ sau tổn thương Hồi hải mã
Chứng quên (amnesia) là tình trạng mất trí nhớ. Ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng nhất của chứng mất trí nhớ, mọi người không quên tất cả những gì họ đã từng học. Họ không quên cách đi lại, nói chuyện hoặc ăn uống. (Nếu họ bị như vậy, chúng tôi sẽ gọi đó là chứng sa sút trí tuệ, chứ không phải chứng hay quên.) Trong nhiều trường hợp, họ nhớ hầu hết kiến thức thực tế của mình. Cái mà họ thường quên nhất là kinh nghiệm cá nhân của họ. Chứng hay quên là kết quả của nhiều loại tổn thương não, bao gồm tổn thương vùng hải mã.
Năm 1953, Henry Molaison được biết đến trong các tài liệu nghiên cứu với tên viết tắt là H. M., bị nhiều cơn động kinh nhẹ hàng ngày và khoảng một cơn động kinh nặng mỗi tuần. Ông ấy không phản ứng với bất kỳ loại thuốc chống động kinh nào, và trong tuyệt vọng, các bác sĩ phẫu thuật đã loại bỏ phần lớn hồi hải mã (hippocamopus) của ông, một cấu trúc não trước lớn ở bên trong thùy thái dương (xem ▼ Hình 7.18), dựa trên hai trường hợp trước đó trong đó tổn thương hồi hải mã làm giảm tần suất của cơn co giật động kinh. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu biết rất ít về những gì sẽ xảy ra sau khi gây tổn thương đến hồi hải mã. Kể từ đó, các nghiên cứu trên động vật đã xác định rằng vùng hải mã rất quan trọng để mã hóa và truy xuất ký ức.
▲ Hình 7.18 (a) Hồi hải mã là một cấu trúc não lớn ngay bên dưới vỏ não. (b) Bức ảnh chụp MRI não của H. M. Dấu hoa thị cho biết khu vực mà từ đó Hồi hải mã bị cắt bỏ. Mũi tên chỉ ra một phần của hồi hải mã được bảo tồn. (Ảnh do Suzanne Corkin và David Amaral cung cấp)
Corpus callosum: Thể chai
Prefrontal cortex: Vùng vỏ não trước trán
Temporal lobe: Thùy thái dương
Cuộc phẫu thuật đã làm giảm đáng kể tần suất và mức độ nghiêm trọng các cơn co giật của H. M. Tính cách của ông ấy vẫn vậy, ngoại trừ việc ông ấy trở nên thụ động hơn (Eichenbaum, 2002). Điểm IQ của ông ấy tăng lên một chút, có lẽ là do ông ấy ít bị động kinh hơn. Tuy nhiên, ông bị các vấn đề về trí nhớ nghiêm trọng (Corkin, 1984; Milner, 1959). H. M. bị chứng quên thuận chiều (anterograde amnesia) (loại ANT-eh-ro), không có khả năng lưu giữ ký ức dài hạn mới. Trong nhiều năm sau cuộc phẫu thuật, ông trích dẫn năm 1953, lúc ông 27 tuổi. Sau đó, ông đưa ra những phỏng đoán hoang đường (Corkin, 1984). Ông ấy đã đọc nhiều lần cùng một số tạp chí mà không nhận ra nó. Ông không thể nhớ mình đã sống ở đâu. Ông ta cũng bị phần nào chứng quên ngược chiều (retrograde amnesia), mất trí nhớ về các sự kiện xảy ra ngay trước khi não bị tổn thương (xem ▼ Hình 7.19). Các báo cáo ban đầu cho biết chứng quên ngược chiều của H. M. được giới hạn trong vài năm trước ca phẫu thuật. Các báo cáo sau đó cho biết chứng quên ngược chiều còn mở rộng hơn nữa, đặc biệt là đối với những trí nhớ tình tiết (tự truyện). Một người khác với chứng hay quên sau tổn thương não lan tỏa đã bị mất hoàn toàn trí nhớ tình tiết. Khi xem những bức ảnh cũ của gia đình, anh ấy kể tên những người, nhưng anh ấy không thể mô tả sự kiện trong ảnh hoặc bất kỳ sự kiện nào khác bao gồm những người đó (Rosenbaum và cộng sự, 2005).
M. có trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ làm việc bình thường, cũng như hầu hết các bệnh nhân mắc chứng hay quên khác (Shrager, Levy, Hopkins, & Squire, 2008). Nếu ai đó bảo ông ấy nhớ một chữ số, trong trường hợp không có gì khiến ông ấy phân tâm, ông ấy có thể nhớ lại nó vài phút sau đó. Tuy nhiên, sau bất kỳ sự phân tâm nào, ông ấy đã quên chữ số đó, và quên mất rằng mình đã cố gắng nhớ một chữ số. Ông ấy thường kể cho cùng một người nghe cùng một câu chuyện nhiều lần trong vòng vài phút mà quên rằng ông ấy đã kể nó trước đó (Eichenbaum, 2002).
Giống như Rip van Winkle, nhân vật trong truyện đã ngủ trong 20 năm và thức dậy với một thế giới thay đổi hoàn toàn, H. M. ngày càng lạc hậu hơn theo từng năm (Gabrieli, Cohen, & Corkin, 1988; Smith, 1988). Ông đã không nhận ra những người đã trở nên nổi tiếng sau giữa những năm 1950, mặc dù khi được đưa cho tên của họ, đôi khi ông có cung cấp một chút thông tin chính xác (O’Kane, Kensinger, & Corkin, 2004). Ông ấy không hiểu những từ và cụm từ tiếng Anh mới xuất hiện sau khi phẫu thuật, chẳng hạn như Jacuzzi và granola (Corkin, 2002). Ông đoán rằng “Soul food” có nghĩa là “sự tha thứ” và “closet queen” có thể là “một con bướm đêm” (Gabrieli, Cohen, & Corkin, 1988).
** Soul food là một món ăn truyền thống của những người Mỹ gốc Phi
** closet queen là (tiếng lóng) chỉ một người đồng tính luyến ái nhưng cố tình che giấu sự đồng tính.
Bất chấp những khó khăn về trí nhớ của H. M., ông ấy vẫn có thể tiếp thu và lưu giữ các kỹ năng mới. Nhắc lại cho chúng ta về sự phân biệt giữa trí nhớ tường thuật (thực tế) (declarative memory) và trí nhớ phương thức/ tiến trình (kỹ năng và thói quen) (procedural memory). H. M. đã học được các tài liệu viết theo lối viết chữ ngược thình hành (Cohen & Squire, 1980), chẳng hạn như hình dưới đây. Tuy nhiên, anh không nhớ mình đã học được kỹ năng này hay kỹ năng mới nào khác và luôn tỏ ra ngạc nhiên trước thành công của mình.
Kết quả về trường hợp của ông H. M. khiến các nhà nghiên cứu phải nghiên cứu trên cả người và động vật trong phòng thí nghiệm với mức tổn thương tương tự. Những luận điểm sau đây đã xuất hiện:
- Lưu trữ trí nhớ tường thuật cần có hồi hải mã. Trí nhớ tiến trình phụ thuộc vào một vùng não khác nhau, hạch nền (basal ganglia)
- Hồi hải mã đặc biệt quan trọng đối với trí nhớ tình tiết — những ký ức về các sự kiện cụ thể trong cuộc đời của một người. Trí nhớ tình tiết được hình thành tất cả cùng một lúc, không giống như trí nhớ tiến trình được phát triển dần dần
- Hồi hải mã quan trọng đối với trí nhớ hiển lộ (explicit memory) hơn là trí nhớ tiềm ẩn (implicit memory) và quan trọng hơn đối với các nhiệm vụ khó hơn là các nhiệm vụ dễ (Reed & Squire, 1999; Ryan, Althoff, Whitlow, & Cohen, 2000).
- Vùng hồi hải mã đặc biệt quan trọng đối với trí nhớ không gian — ghi nhớ một vật ở đâu hoặc cách đi từ nơi này đến nơi khác (Jacobs và cộng sự, 2013; Miller và cộng sự, 2013).
- Bệnh nhân bị tổn thương ở hồi hải mã gặp vấn đề trong việc tưởng tượng ra viễn cảnh trong tương lại, cũng như họ khó nhớ lại những gì xảy ra trong quá khứ. Khi bạn tưởng tượng về một sự kiện trong tương lai, chẳng hạn như một chuyến đi đến bãi biển hoặc chuyến thăm bảo tàng, bạn sắp xếp và điều chỉnh hồi ức của mình về những sự kiện tương tự trong quá khứ. Nếu bạn không thể nhớ quá lại khứ của mình, bạn không thể tưởng tượng nhiều chi tiết cho sự kiện trong tương lai (Hassabis, Kumaran, Vann, & Maguire, 2007). Một bệnh nhân mất trí nhớ thực sự sống trong giây phút hiện tại, không có quá khứ hay tương lai.
Chính xác thì vai trò của hồi hải mã trong trí nhớ là gì? Theo một lý thuyết có ảnh hưởng, hồi hải mã có vai trò rất quan trọng trong việc ghi nhớ các chi tiết và bối cảnh của một ký ức. Nó kết nối với nhiều khu vực của vỏ não và đồng bộ hóa hoạt động của chúng, cho phép chúng kết hợp thông tin của mình để nhớ lại một sự kiện (Watrous, Tandon, Conner, Pieters, & Ekstrom, 2013). Khi bạn nhớ lại điều gì đó bạn đã làm ngày hôm qua, trong đầu bạn sẽ có rất nhiều tri tiết, bao gồm ai, cái gì, ở đâu và khi nào. Những chi tiết đó phụ thuộc vào hồi hải mã. Khi thời gian trôi qua, trí nhớ của bạn củng cố, nhưng khi củng cố, nó sẽ thay đổi. Bạn nhớ “ý chính” của những gì đã xảy ra nhưng với ít chi tiết hơn (Winocur, Moscovitch, & Sekeres, 2007).
Kiểm tra nội dung vừa đọc
- Loại trí nhớ nào bị suy giảm nhiều nhất ở ông H. M.? Loại nào bị suy giảm ít nhất?
Câu trả lời
- Ông H. M. đã bị suy giảm rất nhiều trong việc hình thành những trí nhớ tường thuật. Trí nhớ ngắn hạn của ông ấy không bị tổn hại, cũng như không bị tổn hại về khả năng hình thành trí nhớ tiến trình mới của ông ấy. Việc gọi lại những trí nhớ ngữ nghĩa cũ của ông ấy phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Việc anh nhớ lại những trí nhớ tình tiết cũ từ trước khi bị tổn hại đã bị suy giảm rất nhiều nhưng không hoàn toàn mất đi.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.