Chất gây ảo giác Hallucinogen
Chất gây ảo giác. Chất gây ảo giác gây ra biến dạng cảm giác ở người sử dụng. LSD hoạt động tại một loại synapse serotonin. MDMA tạo ra tác dụng kích thích ở liều thấp và tác dụng gây ảo giác ở liều cao hơn.
Các loại thuốc gây biến dạng cảm giác được gọi là chất gây ảo giác. Nhiều loại thuốc trong số này có nguồn gốc từ nấm hoặc thực vật, và một số loại khác được sản xuất bằng phương pháp điều chế. Các loại thuốc gây ảo giác như LSD (lysergic acid diethylamide) tạo ra các biến dạng cảm giác không hẳn là loại ảo giác theo các định nghĩa thông thường, bởi vì người sử dụng vẫn có khả năng nhận ra rằng: trải nghiệm cảm giác kỳ lạ mà họ đang trải nghiệm là không có thật. Chất gây ảo giác đôi khi cũng tạo ra những thay đổi cảm xúc đột ngột, như là một trạng thái như đang ngủ mơ hoặc một trải nghiệm cảm xúc thần bí mãnh liệt. Mặc dù LSD được cảnh báo là một loại thuốc có rủi ro cao cho người sử dụng, nó đôi khi được sử dụng (trong các điều kiện được kiểm soát) như một chất hỗ trợ cho liệu pháp tâm lý và để giảm bớt lo âu nghiêm trọng, chẳng hạn như lo âu mà mọi người phải đối mặt khi cận tử (Smith, Raswyck & Davidson 2014). Peyote, một chất gây ảo giác có nguồn gốc từ cây xương rồng, có một lịch sử lâu đời được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo của người Mỹ bản địa.
LSD chủ yếu gắn vào một loại thụ thể serotonin (Jacobs, 1987). LSD kích thích các thụ thể đó vào những thời điểm bất thường và ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh kích thích chúng vào những thời điểm bình thường. Một kết quả xảy ra, đó là sự làm giảm khả năng giao tiếp giữa các vùng não, điều đó đồng nghĩa với việc các trải nghiệm cảm giác và cảm xúc xảy ra mà không có sự điều phối và hạn chế thông thường mà vùng vỏ não trước chịu trách nhiệm sẽ cung cấp.
MDMA (methylene dioxy methamphetamine), thường được gọi là “thuốc lắc”, tạo ra tác dụng kích thích tương tự như amphetamine ở liều thấp và tác dụng gây ảo giác tương tự như LSD ở liều cao hơn. Nhiều người trẻ sử dụng MDMA trong các bữa tiệc để tăng cường năng lượng của họ. Tuy nhiên, khi thuốc hết tác dụng, mọi người cảm thấy chán nản và hôn mê. MDMA làm tăng nhiệt độ cơ thể, đôi khi đến mức nguy hiểm. Một số nghiên cứu đã báo cáo về chứng trầm cảm, lo lắng và mất trí nhớ dai dẳng ở những người sử dụng MDMA nặng, mặc dù không chắc chắn mức độ thiệt hại do MDMA gây ra và bao nhiêu từ các loại thuốc khác mà những người này có thể đã dùng (Capela et al, 2009; Hanson & Luciana, 2010). Một rủi ro khác là MDMA, kết hợp với các sản phẩm phân hủy của nó, có thể tạo ra tổn thương gan, đặc biệt khi chúng được kết hợp với nhiệt độ cơ thể tăng cao (da Silva, Silva, Carvalho, & Carmo, 2014).
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.