:max_bytes(150000):strip_icc():format(webp)/the-id-ego-and-superego-2795951_round2-15c24a2151b747a0932cc24ab7c26ebf.png)
Cấu trúc tính cách Structure of Personality
Tính cách, như Freud khẳng định, bao gồm 3 phần : cái nó, cái tôi, và cái siêu tôi (Ông sử dụng các từ Tiếng Đức là it, I, over-I)
Cái nó bao gồm những động cơ tình dục và sinh học mà đòi hỏi sự thỏa mãn ngay lập tức. Cái tôi là khía cạnh lý trí, ra quyết định của tính cách. Nó giống với khái niệm trung tâm điều hành hoặc chức năng điều hành đã thảo luận ở chương 7 (Trí nhớ). Cái siêu tôi chứa đựng ký ức về quy tắc và những cấm kị mà chúng ta học từ cha mẹ và những người khác chẳng hạn như: “em bé ngoan thì không làm thế”. Nếu cái nó tạo ra ham muốn tình dục mà cái siêu tôi coi là ghê tởm; thì sẽ tạo ra cảm giác tội lỗi. Hầu hết các nhà tâm lý học ngày nay gặp khó khăn khi hình dung về tâm trí nếu dựa vào những yếu tố này, mặc dù tất cả đều đồng ý rằng con người đôi khi có những xung năng trái ngược nhau.
Các cơ chế phòng vệ chống lại lo âu Defense Mechanisms against Anxiety
Theo Freud, cái tôi bảo vệ mình trong việc chống lại những lo âu bằng cách chuyển những suy nghĩ khó chịu và những xung năng vào phần vô thức. Các cơ chế phòng vệ mà cái tôi sử dụng bao gồm: dồn nén; phủ nhận; hợp lý hóa; chuyển di; thoái lui; phóng chiếu, hình thành phản ứng ngược và thăng hoa. Ông coi những cơ chế phòng vệ này là quá trình bình thường nhưng đôi lúc đi tới cực đoan. Con gái của ông, Anna, phát triển và mô tả chi tiết các cơ chế phòng vệ này.
Dồn nén – Repression
Dồn nén là chủ động loại bỏ một điều gì đó đưa vào vô thức – từ chối những ý nghĩ, khao khát, ký ức không được chấp nhận. Ví dụ một vài người có một xung năng tình dục không được chấp nhận có thể trở nên mất nhận thức về nó. Freud cho rằng con người dồn nén những ký ức đau buồn, tổn thương. Những thứ bị dồn nén bị loại ra khỏi vùng ý thức nhưng không thể quên. Freud so sánh một suy nghĩ bị dồn nén như một người phiền phức ồn ào bị mời ra khỏi phòng một cách lịch sự nhưng vẫn tiếp tục đập cửa đòi trở lại.
Vậy sự dồn nén có thật không? Chúng ta có khá ít bằng chứng về điều này. Như thảo luận ở chương 7 (Trí nhớ), hầu hết mọi người ghi nhớ những ký ức đau khổ nhất một cách rất rõ ràng, trừ khi họ còn quá nhỏ vào thời điểm đó. Những nỗ lực trong phòng thí nghiệm nhằm chứng minh sự dồn nén đã đưa ra những bằng chứng chưa thuyết phục và không rõ ràng. Mọi người có thể và thường xuyên ngăn chặn những ý nghĩ và ký ức không mong muốn một cách chủ ý. Họ đơn giản chỉ từ chối nghĩ về chúng. Tuy nhiên, việc dồn nén một cách có ý định không mang ý nghĩa dồn nén thực sự. Theo hầu hết các nghiên cứu, những người chủ ý dồn nén những ký ức khó chịu có khả năng cải thiện được việc cân bằng tâm lý của họ. Họ không mang nhận thức sai lệch và hành vi bệnh lý mà Freud coi là sự dồn nén. Bằng chứng cho thấy có nhiều lý do để nghi ngờ về khái niệm về sự dồn nén của Freud.
Phủ nhận – Denial
Phủ nhận niềm tin về một thông tin gây khó chịu (“Nó không thể xảy ra được”) là cơ chế phủ nhận. Trong khi sự dồn nén là chủ động loại bỏ những thông tin từ vùng ý thức, phủ nhận là một khẳng định rằng thông tin đó là không đúng. Cơ chế này thường đi kèm với một ảo tưởng thỏa mãn mong muốn. Ví dụ, một số người có vấn đề về rượu có thể khẳng định “Tôi không phải là một kẻ nghiện rượu. Tôi có thể uống hoặc bỏ nó” Những người có hôn nhân đang trên bờ vực ly hôn có thể khẳng định rằng mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Những người sắp bị sa thải có thể tin rằng họ rất thành công trong công việc.
Hợp lý hóa – Rationalization
Khi mọi người cố gắng thể hiện rằng những hành động của họ là hợp lý, họ sử dụng cơ chế hợp lý hóa. Ví dụ một sinh viên muốn bỏ học đi xem phim nói rằng “Học nhiều hơn cũng chẳng ích gì” Những người thích lợi dụng người khác nói rằng “Học cách làm quen với sự thất vọng sẽ làm ta trở nên tốt hơn”.
Chuyển di – Displacement
Bằng cách chuyển hướng một hành vi hoặc một suy nghĩ từ mục tiêu ban đầu sang mục tiêu ít đe dọa hơn, cơ chế chuyển di (chuyển dịch cảm xúc) cho phép mọi người thực hiện hành vi với ít sự lo âu hơn. Ví dụ nếu bạn tức giận với ông chủ hoặc giáo sư của mình, bạn lại hét vào mặt người khác.
Thoái lui – Regression
Quay trở lại việc thực hiện chức năng ở một trạng thái thiếu chín chắn hơn, thoái lui là một nỗ lực để tránh sự lo âu của tình huống hiện tại. Bằng cách vào vai trẻ con, một người trở lại với lối sống từ nhỏ, an toàn hơn. Ví dụ sau khi một em bé ra đời, người chị có thể khóc hoặc hờn dỗi. Một người lớn vừa ly hôn hoặc mất việc có thể chuyển về ở với bố mẹ mình.
Phóng chiếu – Projection
Gán cho người khác các đặc điểm không mong muốn được gọi là sự phóng chiếu. Nếu một người nào đó bảo bạn hãy ngừng tức giận, bạn có thể trả lời: Tôi không tức giận. Bạn mới là người tức giận. Gán cho người khác lỗi của bạn có thể làm cho những lỗi lầm trở nên ít nghiêm trọng hơn. Ví dụ, ai đó bí mật thích nội dung khiêu dâm có thể buộc tội người khác cũng thích nó. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người sử dụng cơ chế phóng chiếu thực sự không khiến họ giảm lo âu hoặc vơi đi nhận thức về lỗi lầm của họ.
Hình thành phản ứng ngược – Reaction Formation
Để tránh phải nhận thức về một điểm yếu nào đó, mọi người đôi lức vận dụng cơ chế hình thành phản ứng ngược để thể hiện bản thân là đối lập với những gì thực sự diễn ra bên trong họ . Nói cách khác, họ đi đến một thái cực ngược lại, một người đàn ông buồn khổ do hoài nghi về đức tin tôn giáo có thể cố gắng chuyển đổi những việc xung quanh theo đức tin. Một người có xu hướng gây hấn mạnh mẽ có thể tham gia vào nhóm ngăn chặn bạo lực.
Thăng hoa – Sublimation
Việc chuyển đổi các năng lượng tình dục hoặc hung hăng thành các hành vi được chấp nhận về mặt văn hóa, thậm chí là ngưỡng mộ, được gọi là sự thăng hoa. Theo Freud, cơ chế thăng hoa cho phép mọi người thể hiện những xung động mà không cần thừa nhận sự tồn tại của nó. Ví dụ, vẽ và kiến trúc có thể đại diễn cho một sự thăng hoa của xung động tình dục. Một người nào đó hung hăng có thể thăng hoa bằng cách trở thành một bác sĩ phẫu thuật. Thăng hoa là một cơ chế phòng vệ gắn liền với hành vi mang tính xây dựng xã hội. Tuy nhiên, nếu động cơ thực sự của một họa sĩ là tình dục và động cơ thực sự của một bác sĩ phẫu thuật là bạo lực, thì chúng thực sự đã được che giấu một cách khôn ngoan.
Source: Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning.