Ngoài việc đôi khi phụ thuộc một cách sai lầm vào suy nghiệm dựa trêm tính đại diện và suy nghiệm hiện hữu, chúng ta còn mắc nhiều lỗi về nhận thức khác nữa. Trong nhiều thập kỷ, các giáo sư đại học đã nhấn mạnh tư duy phản biện-critical thinking, đánh giá cẩn thận các bằng chứng ủng hộ và chống lại bất kỳ kết luận nào. Tuy nhiên, ngay cả các giáo sư (và những người viết sách giáo khoa) dạy về tư duy phản biện đôi khi cũng thấy mình chấp nhận những điều vô nghĩa mà lẽ ra họ phải đặt câu hỏi về nó. Tại sao những người thông minh đôi khi mắc những sai lầm lớn? dưới đây là một vài lý do cho điều này.
Quá tự tin – Overconfidence
Sông Nile dài bao nhiêu? Có thể bạn không biết, nhưng hãy đoán một khoảng nào đó, chẳng hạn “từ X đến Y” tính bằng dặm hoặc ki lô mét. Sau đó thể hiện rõ sự tự tin của bạn về câu trả lời của mình. Nếu bạn nói “0 phần trăm” tự tin, bạn có nghĩa là bạn biết phạm vi đoán của mình là sai. Nếu vậy, hãy mở rộng phạm vi cho đến khi bạn khá tự tin rằng mình đoán đúng.
Đối với những câu hỏi khó như thế này, hầu hết mọi người đều rất tự tin vào câu trả lời của mình. đối với những câu hỏi mà họ nói rằng họ tự tin đến 90%, thì họ thực sự đúng ít hơn 90% rất nhiều (Plous, 1993). Đối với những câu hỏi dễ, xu hướng này bị đảo ngược và mọi người có xu hướng thiếu tự tin (Ev, Wallsten, & Budescu, 1994; Juslin, Winman, & olsson, 2000). (nhân tiện đây, sông Nile dài 4.187 dặm, hay 6.738 km.)
Quá tự tin đôi khi lại có ích (Johnson & Fowler, 2011). Những người tự tin cao có xu hướng nhận được những cơ hội việc làm và thăng chức tốt hơn. Các chính trị gia rất tự tin thường giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Nếu bạn hành động một cách chắc chắn như thể sẽ chiến thắng trong một trận đấu, đối thủ mạnh hơn có thể lùi bước. Tuy nhiên, quá tự tin cũng có thể mang lại bất lợi. Nếu đối thủ mạnh hơn không lùi bước, bạn có thể bị thương nặng. Những nhà lãnh đạo quá tự tin thường mắc phải những sai lầm đắt giá. Các nhà đầu tư có thể sẽ mất rất nhiều tiền, đặc biệt là khi cho rằng những cổ phiếu đang tăng giá trị sẽ tiếp tục như vậy (critcher & rosenzweig, 2014).
Philip Tetlock (1992) đã nghiên cứu các quan chức chính phủ và các nhà cố vấn, các giáo sư chính sách đối ngoại, người viết chuyên mục báo chí, và những người khác kiếm sống bằng việc phân tích và dự đoán các sự kiện trên thế giới. Ông yêu cầu họ dự đoán các sự kiện thế giới trong vòng 1 đến 10 năm tới — điều gì sẽ xảy ra ở Hàn Quốc, Trung Đông, v.v. Sau đó, ông so sánh các dự đoán với kết quả thực tế và nhận thấy độ chính xác rất thấp, đặc biệt là ở những người tự tin nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu sau đó đã chỉ ra những cách thức để cải thiện độ chính xác. Những người chú ý đến lỗi sai của họ sẽ học cách giảm bớt thành kiến của bản thân và những người làm việc cùng nhau trong nhóm có được lợi ích bằng cách chia sẻ thông tin và ý tưởng (Mellers et al., 2014).
Thiên kiến xác nhận – Confirmation Bias
Chúng ta thường mắc sai lầm khi chấp nhận một giả thuyết và sau đó tìm kiếm bằng chứng để củng cố cho giả thuyết này thay vì xem xét các khả năng khác. Xu hướng này được gọi là thiên kiến xác nhận và nó xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội. Mọi người chủ yếu lắng nghe những người có cùng quan điểm với mình về các vấn đề khoa học, chính trị, hoặc tôn giáo – và sau đó họ đổ lỗi cho những người có quan điểm trái ngược rằng những người này đang có thiên kiến.
Một khi chúng ta đưa ra một quyết định nào đó, chúng ta tìm kiếm lý do để củng cố quyết định này. Peter Wason (1960) đã yêu cầu các sinh viên khám phá một quy tắc nhất định để tạo ra các chuỗi số. Một ví dụ về các con số mà quy tắc có thể tạo ra là dãy “2, 4, 6”. Ông cho phép các sinh viên hỏi về các chuỗi số khác nhau và ông sẽ cho họ biết liệu các chuỗi số này có khớp với quy tắc của ông hay không. Các sinh viên sẽ nói với ông ngay khi họ có thể đoán ra được quy tắc là gì.
Hầu hết học sinh bắt đầu bằng cách hỏi, “8, 10, 12” có phải không? Khi ông trả lời “có”, họ tiếp tục với “14, 16, 18?”. Mỗi lần, họ được cho biết “Đúng, dãy số này khớp với quy tắc.” Ngay sau đó, hầu hết các sinh viên đều đoán rằng “Quy tắc là ba số chẵn liên tiếp.” “Không. Đó không phải là quy tắc.” Wason trả lời. Nhiều sinh viên vẫn kiên trì, cố gắng “20, 22, 24?” “26, 28, 30?” “250, 252, 254?” Họ tiếp tục thử nghiệm các dãy số khớp với quy tắc của họ và bỏ qua các khả năng khác. Quy tắc mà Wason đã nghĩ đến là, “ba số dương bất kỳ tăng dần.” Ví dụ: 1, 2, 3 sẽ được chấp nhận và 21, 25, 601 cũng vậy.
Một trường hợp đặc biệt của thiên kiến xác nhận là tư duy cứng nhắc về chức năng/ functional fixedness, xu hướng tuân theo một cách tiếp cận đơn lẻ hoặc sử dụng một đối tượng theo một cách đơn lẻ. Sau đây là ba ví dụ về điều này:
- Bạn được cung cấp một cây nến, một hộp diêm, một số đinh ghim và một đoạn dây nhỏ, như thể hiện trong ▼ Hình 8.16. Không sử dụng thiết bị nào khác, hãy tìm cách gắn ngọn nến vào tường để có thể thắp sáng.
▲ Hình 8.16 Chỉ với những vật liệu này, cách tốt nhất để gắn ngọn nến vào tường để nó có thể thắp sáng là gì?
- Hãy xem xét một dãy chín chấm:
Nối tất cả chín điểm với một loạt các đoạn thẳng liên tiếp, sao cho điểm cuối của một đoạn thẳng là điểm bắt đầu của đoạn tiếp theo. Ví dụ, một cách sẽ là:
Nhưng hãy sử dụng ít đường vẽ nhất có thể.
- Có một số sinh viên ngồi trong một phòng. Tất cả các sinh viên trong phòng (trừ 2 người) học ngành tâm lý học, tất cả (trừ 2 người) học ngành hóa, tất cả (trừ 2 người) học chuyên lịch sử. Vậy có bao nhiêu học sinh tất cả? (nếu Hệ thống thứ 1 của bạn nói rằng “Mỗi chuyên ngành có 2 người”, đây không phải là câu trả lời đúng) Tiếp theo là thông tin khá thú vị cho bạn: Có hai câu trả lời khả thi. Sau khi bạn đã tìm ra một câu trả lời, hãy loại bỏ nó và tìm một câu trả lời khác. Sau khi bạn đã tìm ra câu trả lời hoặc bỏ cuộc, hãy kiểm tra câu trả lời F ở cuối trang này (Hãy thử giải những câu hỏi này trước khi đọc tiếp.)
Câu hỏi 1 không hề dễ dàng vì hầu hết mọi người đều nghĩ hộp diêm như một vật đựng diêm chứ không phải một công cụ riêng. Hộp diêm được “cố định về mặt chức năng” và chỉ có một cách sử dụng nó . Một câu hỏi tương tự đã được đặt ra cho những người trong một xã hội kém phát triển với ít công cụ. Họ được đưa cho một bộ dụng cụ và được hỏi làm thế nào họ có thể sử dụng chúng để xây dựng một tòa tháp để tiếp cận một người đang gặp nạn. Nếu bộ dụng cụ bao gồm một hộp rỗng, họ đã sử dụng cái hộp này, nhưng nếu chiếc hộp này chứa các đồ vật khác, họ không nhanh chóng nghĩ đến việc bỏ các đồ vật ra để làm trống hộp rồi sử dụng nó (german & Barrett, 2005).
Câu hỏi 2 không dễ vì hầu hết mọi người đều cho rằng các đường thẳng phải nằm trong khu vực được bao quanh bởi chín chấm. Ở câu 3, rất khó để nghĩ ra dù chỉ một giải pháp, và sau nếu nghĩ ra được thì cũng thật khó để từ bỏ nó lối suy nghĩ đó để nghĩ ra một cách tiếp cận khác.
Câu trả lời cho câu hỏi 1,2,3:
(1) Cách tốt nhất để gắn cây nến vào tường là đổ que diêm ra khỏi hộp và ấn đinh mũ vào một cạnh hộp lên tường, như trong hình dưới. Đoạn dây nhỏ không cần dùng đến.
(2) Các dấu chấm có thể được nối bằng bốn đường:
(3) Một câu trả lời là ba sinh viên: một sinh viên chuyên ngành tâm lý học, một sinh viên chuyên ngành hóa học và một sinh viên chuyên ngành lịch sử. Khả năng còn lại là hai sinh viên đang theo học chuyên ngành khác — chẳng hạn như âm nhạc. (nếu có hai sinh viên chuyên ngành âm nhạc, tất cả (trừ hai người) họ thực sự là chuyên ngành tâm lý học, v.v.)
Đóng khung câu hỏi – Framing Questions
Theo bạn, một người logic nên đưa ra câu trả lời giống nhau cho dù câu hỏi được diễn đạt như thế nào, phải vậy không? Tuy nhiên, hầu hết mọi người thay đổi câu trả lời của mình tùy thuộc vào cách diễn đạt của câu hỏi. Bạn có thể nhớ lại từ những gì đã thảo luận về các cuộc khảo sát trong chương 2 (Phương pháp nghiên cứu khoa học). Xu hướng trả lời một câu hỏi khác đi khi câu hỏi này được trình bày theo một cách khác được gọi là hiệu ứng đóng khung/ framing effect.
Một ví dụ đó là: một công ty cung cấp bảo hiểm y tế sẽ tính phí cao hơn với những người thừa cân. Nếu họ thay đổi câu này thành “giảm giá cho người có mức cân nhẹ hơn”, mọi người sẽ thích nó hơn so với “một bất lợi cho người nặng hơn”, mặc dù hiệu ứng ở đây đều như nhau (tannenbaum, Valasek, Knowles, & ditto, 2013).
Hãy xem xét một ví dụ khác: Bạn đang phân vân giữa hai chiếc xe: B và C. Xe B là một chiếc xe tốt hơn, nhưng đắt hơn. Trong khi bạn đang cân nhắc, người bán hàng cũng gợi ý xe A, thậm chí còn sang trọng hơn B, nhưng cũng đắt hơn rất nhiều. Bạn sẽ không chọn A, nhưng bây giờ bạn có nhiều khả năng chọn B, đây có vẻ như là một sự cân nhắc hợp lý.
Nếu thay vì đưa ra chiếc xe A, một người nào đó đã gợi ý xe D, cực kỳ rẻ nhưng chất lượng cực thấp, thì bây giờ bạn có thể sẽ chọn xe C. Giờ thì sự cân nhắc có vẻ giống một lựa chọn thỏa hiệp (Trueblood, Brown, hethcote, & Busemeyer, 2013).
Sau đây là một ví dụ khác về hiệu ứng đóng khung: Bạn đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng và bạn cần lựa chọn một phương án đối phó với căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của 600 người. Kế hoạch A sẽ cứu được mạng sống của 200 người. phương án B có 33% cơ hội cứu được tất cả 600 người và 67% cơ hội không cứu được một người nào. Hãy chọn phương án A hoặc B trước khi bạn đọc tiếp.
Bây giờ một căn bệnh khác bùng phát, và một lần nữa, bạn phải lựa chọn giữa hai phương án. Nếu bạn áp dụng phương án C, 400 người sẽ chết. Nếu bạn áp dụng kế hoạch D, có 33% khả năng không ai chết và 67% khả năng 600 người sẽ chết. Hãy chọn kế hoạch C hoặc D trước khi bạn đọc tiếp.
▲ Hình 8.17 Hầu hết mọi người chọn A hơn B, D hơn C mặc dù A có kết quả giống C và B tạo ra kết quả giống D. Amos Tversky và Daniel Kahneman (1981) đề xuất rằng hầu hết mọi người chọn cách an toàn để đạt được thứ gì đó nhưng chấp nhận rủi ro để tránh mất mát.
▲ Hình 8.17 cho thấy kết quả về cách một nhóm lớn người trưởng thành phản hồi khi được cho những phương án này. Hầu hết chọn A nhiều hơn B và D nhiều hơn C. Tuy nhiên, kế hoạch A hoàn toàn giống với C (200 sống, 400 chết), và kế hoạch B hoàn toàn giống với D. Tại sao sau đó nhiều người chọn cả A và D? như Tversky và Kahneman (1981) đã chứng minh rằng hầu hết mọi người đều tránh mạo hiểm để đạt được điều gì đó (ví dụ: cứu sống), bởi vì chúng ta biết rằng ngay cả việc thu được một lợi ích dù nhỏ cũng sẽ cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tránh mất mát (ví dụ: không để mọi người chết), bởi vì bất kỳ tổn thất nào cũng sẽ cảm thấy tồi tệ. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu khác, với mọi người ở mọi lứa tuổi (Teyna, Chick, Corbin, & Hsia, 2014).
Hiệu ứng tiếc của (chi phí chìm) – The Sunk Cost Effect
Hiệu ứng tiếc của (hay chi phí chìm) là một trường hợp đặc biệt của hiệu ứng khung. Giả sử vài tháng trước, bạn đã mua một chiếc vé đắt tiền cho trận đấu bóng đá hôm nay, nhưng thời tiết lạnh đến thảm hại. Bạn ước gì bạn chưa mua vé. Vậy bạn có đi đến trận đấu không?
Nhiều người vẫn tham dự trò chơi vì họ không muốn lãng phí tiền. Ví dụ này minh họa hiệu ứng tiếc của (hay chi phí chìm)/ sunk cost effect, sự sẵn sàng làm điều gì đó không mong muốn vì tiền bạc hoặc công sức đã bỏ ra (Arkes & Ayton, 1999). Xu hướng này nảy sinh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Một công ty hoặc chính phủ tiếp tục đầu tư tiền vào một dự án không thành công bởi vì họ không muốn thừa nhận rằng số tiền đã bỏ ra đã bị lãng phí. Một đội thể thao chuyên nghiệp thất vọng với màn trình diễn của một cầu thủ được trả lương cao, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cầu thủ đó để tránh lãng phí tiền.