
A dua (dịch theo PGS.TS. Hoàng Mộc Lan; một số tài liệu gọi là tính thích nghi xã hội hay sự đồng thuận) là việc một người thay đổi hành vi để phù hợp với hành vi và kỳ vọng của người khác. Trong rất nhiều hoàn cảnh, tính thích nghi xã hội là một điều tốt. Khi bạn đang lái xe, việc mọi người đi theo một chiều và cùng một làn đường với bạn sẽ rất hữu ích. Nếu bạn đang trong một cuộc thảo luận, sẽ rất thuận lợi nếu như mọi người nói cùng một ngôn ngữ. Nếu bạn đi họp, sẽ tốt hơn nếu mọi người cùng đến đúng giờ.
Chúng ta thực sự không nên đánh giá thấp sức mạnh của tính a dua. Koversada, Croatia đã từng là một thị trấn đồng ý việc mọi người hỏa thân một cách chính thức. Nếu một du khách mới lần đầu đến đây đi vòng quanh thị trấn với với một bộ quần áo trên người, mọi người sẽ dừng lại và nhìn chằm chằm anh ta rồi lắc đầu tỏ vẻ không đồng tình. Người du khách này cảm thấy lúng túng và e dè như việc anh ta khỏa thân rồi đi lại giữa một nơi mà mọi người đều mặc quần áo. Hầu hết mọi người đã nhanh chóng cởi bỏ quần áo trong tình cảnh này. Nếu bạn thốt lên rằng “tôi sẽ không a dua đâu”, thì hãy so sánh đồ mặc trên người của bạn bây giờ với những gì người khác xung quanh đang mặc. Các giáo sư đôi khi thấy sự trớ trêu khi một lớp có sinh viên mặc toàn quần jean xanh và kiên quyết rằng họ không thể theo phong cách ăn mặc của người khác được.
Trên rất nhiều website, người dùng có thể đăng bình luận của mình và những người khác có thể thả ký hiệu “like” hoặc “dislike” để diễn tả sự đồng thuận hay không đồng thuận của mình. Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn ngẫu nhiên một vài ngàn bình luận mới trong đó để thả “like”. Kết quả cho thấy tỷ lệ người thả “like” sau đó đã tăng 25% so với mức trung bình.
Vậy bạn nghĩ mình a dua với mọi người xung quanh nhiều hay ít? Phần lớn sinh viên ở Mỹ khẳng định mức độ đồng thuận của họ thấp hơn so với những người khác. Một nhóm sinh viên được các nhà nghiên cứu hỏi rằng: “hầu hết sinh viên trong trường chúng ta đều đồng ý với vấn đề này … còn ý kiến của em thì sao?” Bất kể nhóm sinh viên này được nghe điều gì, hầu hết đều biểu lộ sự đồng ý với quan điểm đó … trong khi khẳng định rằng đây thực ra là quan điểm riêng của cá nhân họ và không phải họ nghe theo đám đông đâu.
A dua theo nhóm đa số
Nghiên cứu ban đầu cho thấy chúng ta đồng thuận với những quan điểm của mình khi không chắc chắn về chính những đánh giá của bản thân (Sherif, 1935). Liệu chúng ta có thể hiện tính a dua ngay cả khi biết được rằng mọi người khác đều đang sai không? Để trả lời câu hỏi đó, Solomon Asch (1951, 1956) đã thực hiện một loạt thí nghiệm hiện rất phố biến hiện nay. Ông yêu cầu các nhóm học sinh nhìn vào một thanh thẳng đứng, như ▼ Hình 13.11 mà ông đặt đây là thanh mẫu. Ông cho họ xem ba thanh nằm dọc khác (nửa bên phải của Hình 13.11) và hỏi thanh nào có cùng chiều dài với thanh mẫu. Bạn có thể thấy rằng nhiệm vụ này thật đơn giản. Asch đã yêu cầu học sinh đọc to câu trả lời của mình. Ông lặp lại quy trình tương tự với 18 bộ thanh.
Trong mỗi nhóm, chỉ có một sinh viên là người tham gia thực sự. Những người khác là do nhà thí nghiệm cài vào để đưa ra câu trả lời sai về 12 trong số 18 thử nghiệm. Asch đã sắp xếp để người tham gia trở thành người cuối cùng trong nhóm công bố câu trả lời của mình, như vậy thì người này có thể nghe được hầu hết các phản hồi không chính xác của những người khác trước khi đưa ra ý kiến của riêng mình (xem ▼ Hình 13.12). Người này sẽ a dua với phần đa số chứ?
Trước sự ngạc nhiên của Asch, 37 trong số 50 người tham gia đã a dua theo nhóm đa số ít nhất một lần và 14 người thể hiện sự a dua trong hết các lần thí nghiệm. Asch đã khá bối rối bởi những kết quả này: “Việc chúng ta nhận thức được xu hướng a dua mạnh mẽ trong xã hội. . . là một vấn đề đáng quan tâm. Nó đặt ra những câu hỏi về con đường giáo dục và những giá trị trong xã hội chi phối hành vi của chúng ta” (trang 34).
Tại sao mọi người lại dễ dàng a dua với người khác như vậy? Khi được phỏng vấn sau cuộc thí nghiệm, một số người chia sẻ rằng họ nghĩ những người khác trong nhóm nói đúng hoặc họ đoán có một ảo ảnh quang học nào đó đang xảy ra với các thanh vẽ. Một số người biết câu trả lời của mình là sai nhưng vẫn quyết định đưa ra câu trả lời đó vì sợ bị chế giễu bởi số đông. Những người không đưa ra ý kiến đồng thuận cũng rất đáng chú ý trong trường hợp này. Một số người không thực sự tự tin về nhìn nhận của mình nhưng cảm thấy có trách nhiệm phải đưa ra câu trả lời về các thanh vẽ. Trong khi có vài người tỏ ra rất rụt rè, môt số người khác lại vô cùng tự tin, như thể ý họ là: “Tôi đúng và mọi người khác sai. Điều này lúc nào chẳng xảy ra” Khi Asch (1951, 1955) thay đổi số người ông cài vào nhóm để đưa ra câu trả lời sai, ông nhận thấy rằng những người a dua với nhóm 3 hoặc 4 người cũng có mức độ a dua như vậy khi với nhóm đông hơn (xem Hình 13.13). Tuy nhiên, nếu có một đồng minh khác có cùng câu trả lời với người tham gia thí nghiệm thì người này sẽ giảm mức độ a dua đi rất nhiều. Việc chúng ta đơn độc một mình trong một nhóm sẽ là một trở ngại lớn, nhưng nếu ta thuộc nhóm thiểu số có 2 người thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác (xem Hình 13.14).
Hiệu ứng a dua có thể ảnh hưởng đến quan điểm của một người trong nhiều ngày, nhưng có lẽ sẽ không kéo dài mãi mãi. Trong một thí nghiệm, một nhóm người trưởng thành được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn của nhiều bức ảnh có khuôn mặt của phụ nữ, sau đó được cho xem báo cáo về đánh giá trung bình bởi những người quan sát khác. Nếu họ xem xét lại các bức ảnh từ một đến ba ngày sau đó, họ có xu hướng thay đổi đánh giá của mình gần tương đồng với đánh giá được cho bởi người khác. Điều này thể hiện một sự thay đổi quan điểm rõ ràng, bởi vì không ai ở xung quanh để trực tiếp gợi ý hay tạo ra bất kỳ áp lực nào cho họ cả. Tuy nhiên, nếu những người quan sát kiểm tra các bức ảnh một tuần sau đó, họ sẽ đưa ra các thông tin gần đúng với đánh giá đầu của họ (Huang, Kendrick, & yu, 2014). Vì vậy, mặc dù ảnh hưởng của hiệu ứng a dua rất lớn nhưng nó cũng có những hạn chế nhất định.
Sự khác biệt trong A dua
Nhiều năm sau kể từ các thí nghiệm của Asch, một số lượng lớn các nghiên cứu tương tự đã được thực hiện. Ở Mỹ, hầu hết các nghiên cứu sử dụng mô hình tương tự của Asch cho thấy tính a dua thấp hơn so với những gì ông tìm thấy vào những năm 1950. Với hầu hết các quốc gia châu Á, tỷ lệ câu trả lời thể hiện tính a dua có xu hướng cao hơn so với Mỹ, phần nào là do mọi người cố gắng tỏ ra lịch sự và không muốn làm người khác xấu hổ qua việc chỉ ra lỗi của họ (Bond & Smith, 1996). Vậy có nghĩa là khi các nhà nghiên cứu tâm lý học sử dụng cùng một quy trình ở các nền văn hóa khác nhau, họ có thể đang không cùng hướng tới một hiện tượng tâm lý nào đó.
Người sống trong một số nền văn hóa nhất định nào đó có xu hướng a dua nhiều hơn so với mức trung bình không? Các nền văn hóa của Nam Á, bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản, thường được miêu tả như là “chủ nghĩa tập thể” trái ngược với các nền văn hóa “chủ nghĩa cá nhân” của Hoa Kỳ, Canada, Úc và hầu hết các nước châu Âu. Theo quan điểm này, văn hóa phương Tây khuyến khích tính độc đáo, chủ nghĩa cá nhân và tính chủ thể, trong khi văn hóa phương Đông ủng hộ sự lệ thuộc của cá nhân đối với phúc lợi của gia đình hoặc xã hội (Takemura, 2014).
Nhiều nghiên cứu đã so sánh thái độ của người Nhật và người Mỹ, các khách thể nghiên cứu chủ yếu là sinh viên đại học được yêu cầu trả lời các câu hỏi như trong ■ Bảng 13.2. Một số nhà nghiên cứu đã trực tiếp quan sát các hành vi có tính đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh ở các quốc gia khác nhau. Kết quả cho ra phụ thuộc vào loại câu hỏi hoặc loại hành vi quan sát được. Văn hóa Nhật Bản thể hiện tính tập thể nhiều hơn văn hóa Mỹ ở một số khía cạnh, nhưng có một số nét giống ở những khía cạnh khác (Hamamura, 2012; Oyserman, Coon, & Kemmelmeier, 2002).
Do đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm “chủ nghĩa tập thể” là không đúng, ít nhất là đối với Nhật Bản ngày nay (Takano & Osaka, 1999). Một số nhà nghiên khác chỉ ra rằng các quốc gia đều có một tiểu văn hóa (nền văn hóa nằm trong một nền văn hóa khá) (Fiske, 2002). Trong nhiều khía cạnh, Tokyo giống New York hơn là giống các vùng nông thôn ở Nhật và ngược lại, New York giống Tokyo hơn là giống các vùng nông thôn ở Mỹ.